Thursday, October 22, 2009

Hội nghị UNESCO nêu bật những thách thức của giáo dục đại học

8 Tháng Bảy 2009, Tin giáo dục thế giới

Nguồn: http://www.unesco.kz/?newsid=2372&lang=&menu=&keyword=&addoff=0&announce=

---

Hội nghị Thế giới về Giáo dục Đại học ngày 5-7 Tháng Bảy năm 2009, tổ chức tại trụ sở của UNESCO ở Paris đã tụ họp khoảng 1.000 người tham dự từ khắp nơi trên 150 quốc gia, bao gồm hơn 60 Bộ trưởng Giáo dục, để thảo luận về các động thái mới của giáo dục đại học và nghiên cứu về sự thay đổi và phát triển của xã hội.

"Lĩnh vực giáo dục đại học hầu như đang trải qua một cuộc cách mạng", ông Koichiro Matsuura, Tổng Giám đốc của UNESCO đã nói trong bài phát biểu khai mạc của mình, phác thảo bốn động thái đang làm thay đổi giáo dục đại học:

• Trước hết là sự gia tăng nhu cầu, với tổng số 51.000.000 sinh viên mới trên toàn thế giới kể từ năm 2000.
• Thứ hai là sự đa dạng hóa các nhà cung cấp, trong đó giáo dục đại học tư nhân hiện nay đã chiếm trên 30 phần trăm tổng số sinh viên trên toàn thế giới.

• Thứ ba là ảnh hưởng của công nghệ thông tin và truyền thông lên tất cả mọi khía cạnh của việc học, từ việc cung cấp các khóa học và chia sẻ kiến thức đến việc hợp tác trên các dự án nghiên cứu và tạo điều kiện tiếp cận với nguồn tài nguyên giáo dục miễn phí.
• Thứ tư là vấn đề toàn cầu hóa, được phản ánh qua số lượng ngày càng tăng các sinh viên học tập ở nước ngoài, qua việc các trường đại học thành lập các chi nhánh chương trình học tập ngoài nước, cũng như cộng tác với trường đại học ở các nước khác để thiết lập các chương trình có cấp bằng.



Chuyển sang các tác động của những xu hướng này, ông Matsuura đã xác định vào ba thách thức chính:
• Trước tiên, thách thức công bằng. "Mặc dù đã có sự phát triển bùng nổ số lượng sinh viên, nhưng việc đại chúng hóa giáo dục đại học vẫn còn lâu mới trở thành một thực tế. Việc tham gia học đại học vẫn còn tương đối thấp ở các nước đang phát triển. Ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tham gia học đại học ở mức cao thì sự bất bình đẳng vẫn tồn tại ", Ông Tổng giám đốc cho biết, và kêu gọi chính phủ các nước đề ra các biện pháp đặc biệt để giúp các nhóm xã hội có hoàn cảnh khó khăn tham gia vào giáo dục đại học.



• Thách thức thứ hai, ông Matsuura cho biết, là làm thế nào để đảm bảo chất lượng trong bối cảnh toàn cầu và đa dạng ngày nay. "Đảm bảo chất lượng có liên quan đến mọi khía cạnh, từ bảo vệ các sinh viên khỏi các nhà cung cấp lừa đảo, đến công nhận bằng cấp xuyên biên giới, và đảm bảo rằng sinh viên sẽ tốt nghiệp thành công", ông nhấn mạnh, nêu bật ví dụ về các hành động và quan hệ đối tác của UNESCO trong lĩnh vực này. Ông Tổng giám đốc cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc thu hút và giữ chân các giảng viên có trình độ trong lãnh vực giáo dục đại học, cũng như cung cấp cho họ đầy đủ các điều kiện làm việc.



Cuối cùng, ông Matsuura nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế hợp tác và kết nối. "Giáo dục đại học không thể phát triển mà không có sự chia sẻ kiến thức", ông nói, hoan nghênh việc mở rộng các sáng kiến nhằm khuyến khích tính khả năng chuyển dịch quốc tế và tạo ra các không gian giáo dục đại học và trung tâm kiến thức cấp khu vực. Ông Tổng giám đốc cho rằng các sáng kiến như vậy rất quan trọng trong việc giảm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, các khu vực, và các nhóm xã hội, cũng như trong việc nuôi dưỡng một ý thức trách nhiệm xã hội được mọi người chia sẻ.

"Chúng tôi chia sẻ mối quan tâm chung trong việc phát triển các hệ thống giáo dục đại học sôi động và bao quát [...] Một hệ thống như thế sẽ có tiềm năng để thúc đẩy hòa bình, sự hiểu biết và hợp tác quốc tế. Hội nghị này cung cấp cho chúng ta một cơ hội mốc để đưa vào hoạt động trách nhiệm tập thể của chúng ta và tham vọng để làm cho giáo dục đại học ở tất cả các vùng trở thành một động lực của sự phát triển và sự hiểu biết quốc tế trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21 ", Ông Matsuura kết luận.

Những chủ đề nói trên cũng được các diễn giả khác nhắc lại, tất cả đều nhấn mạnh vai trò chiến lược của giáo dục đại học trong việc tìm kiếm giải pháp cho các thách thức hàng đầu của thế giới ngày nay.

Công bằng, chất lượng – và đặc biệt là nhu cầu gắn kết giữa giáo dục và thế giới việc làm, và tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế đã được nêu bật như những thách thức quan trọng cho tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Cũng được đặc biệt nhấn mạnh là việc cần thiết củng cố sự đóng góp của giáo dục đại học vào việc tăng trưởng kinh tế và phát triển, đặc biệt là tại thời điểm này của cuộc khủng hoảng toàn cầu, và vào việc xây dựng một xã hội bình đẳng, gắn kết và khoan dung hơn.

Các diễn giả hoan nghênh Hội nghị UNESCO như một cơ hội hiếm có cho tất cả các bên liên quan đến với nhau để giải quyết những thách thức này và xác định con đường tiến lên phía trước.

---

Bản dịch do Vũ Thị Phương Anh, TTKT&DGCLDDT cung cấp. Dịch giả giữ bản quyền trên bản dịch. Sử dụng xin liên hệ với dịch giả tại địa chỉ vtpanh@gmail.com

No comments:

Post a Comment