Đây là bản thảo gốc của một bài viết của tôi, đã đăng trên báo Thanh Niên cách đây ít lâu. Nay đăng lại trên blog để lưu.
-------------
-------------
CẦN LÀM GÌ ĐỂ TIẾNG
ANH TRỞ THÀNH NGÔN NGỮ THỨ HAI TẠI VIỆT NAM?
Đề xuất táo bạo mới đây của Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền
thông với Thủ tướng về việc sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai tại Việt
Nam đang đặt ra cho các nhà chính sách lẫn giới chuyên môn một câu hỏi: Nếu
chính sách này được ban hành, thì làm thế nào để nó thực sự đi vào cuộc sống,
chứ không chỉ tồn tại trên giấy?
Trước hết, cần làm rõ thế nào là tiếng Anh như ngôn ngữ thứ
hai. Có hai cách hiểu về cụm từ này. Cách thứ nhất, được sử dụng trong lĩnh vực
giảng dạy tiếng Anh, định nghĩa “tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai” là tiếng Anh của một
người ngoại quốc học và sử dụng tiếng Anh TRONG MÔI TRƯỜNG NÓI TIẾNG ANH Tiếng
Anh bản ngữ (TƯƠNG TỰ như KHI HỌC tại Anh, Mỹ, Úc …). Theo cách hiểu
này, thì tiếng Anh tại Việt Nam chỉ được học/dạy như một ngoại ngữ, vì chúng ta
không có một cộng đồng đông đảo những người nói tiếng Anh bản ngữ để tạo ra môi
trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày một cách tự nhiên. Đây là lý do tại sao trước
đây khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đưa ra chủ trương chủ trương “đưa
tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam” như một mục tiêu của Đề án ngoại
ngữ quốc gia 2020 thì đã có nhiều người băn khoăn hoặc lên tiếng phản đối.
Bên cạnh cách hiểu phổ biến nêu trên, vẫn còn một cách hiểu
khác nữa, và hẳn là đây là cách hiểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Khi nói đến
việc “công nhận” một ngôn ngữ nào đó “như ngôn ngữ thứ hai” là ta đang nói đến địa vị pháp lý của
ngôn ngữ ấy trong xã hội, bên cạnh ngôn ngữ đã được công nhận là
ngôn ngữ quốc gia (ở đây là tiếng Việt). Đúng hơn, để tránh nhầm lẫn thì trong
trường hợp này nên nói rõ “công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai” (sau tiếng VIệt). Và để một ngôn ngữ không phải
là tiếng mẹ đẻ của dân chúng trở thành một ngôn ngữ chính thức thứ hai của một quốc gia, thì điều đầu tiên cần làm là
có một chính sách về ngôn ngữ/ngoại ngữ để tạo ra địa vị pháp lý cho ngôn ngữ ấy.
Tóm lại là, như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói, chúng ta cần Thủ tướng sớm
công nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ chính
thức được sử dụng tại Việt Nam.
Nhưng phải chăng chỉ cần Thủ tướng đồng ý công nhận và ban
hành chính sách thì ngay lập tức chúng ta sẽ có một môi trường sử dụng tiếng
Anh tương tự như Singapore, Philippines, hay ít nhất là Malaysia? Tất nhiên, mọi
việc không đơn giản thế. Nói ngắn gọn, để công nhận tiếng Anh như ngôn ngữ
(chính thức) thứ hai tại Việt Nam thì điều kiện căn bản duy nhất cần đáp ứng là
phải tạo ra một môi trường sử dụng tiếng Anh hàng ngày cho những người muốn hoặc
cần sử dụng tiếng Anh. Và đó là lý do tại sao cho đến nay việc chính sách xem
tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai dễ dàng thành công ở các nước cựu thuộc địa,
do những nước này đã có sẵn một “hạ tầng tiếng Anh” trong xã hội do chính quyền
thực dân để lại.
Có thể học hỏi từ kinh nghiệm của hai quốc gia trong khu vực
Đông Nam Á là Malaysia và Singapore. Cả hai đều là cựu thuộc địa của Anh. Trong
thời gian còn dưới quyền cai trị của Anh thì tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức duy
nhất, được sử dụng trong toàn bộ lĩnh vực
công quyền (hành chính – pháp lý, cùng tất
cả các dịch vụ công như giáo dục, y tế, truyền thông báo chí vv). Sau khi dành
được độc lập, thì chính quyền sở tại đứng trước một trong hai lựa chọn sau đây:
(1) xóa bỏ hoàn
toàn địa vị pháp lý của tiếng Anh, chỉ giảng dạy ngôn ngữ này trong nhà trường
như một ngoại ngữ; (2) cho
phép tiếng Anh tồn tại bên cạnh ngôn ngữ quốc gia với vai trò là một trong những
ngôn ngữ chính thức.
Lựa chọn đầu tiên là điều mà Malaysia đã làm, và nhiều năm
sau đất nước này đã vô cùng hối tiếc vì phải rất tốn rất nhiều công sức và thời
gian để nâng cao khả năng tiếng Anh của người dân mà vẫn không đạt được kết quả
mong muốn. Trong khi đó, Singapore đã táo bạo là giữ lại địa vị pháp lý của tiếng
Anh trong xã hội. Kể từ khi Singapore độc lập, tiếng Anh chưa bao giờ mất vai
trò chính thức của mình dù chỉ một ngày. Cố Thủ tướng tài ba Lý Quang Diệu đã rất
sớm nhận ra rằng đối với Singapore, tiếng Anh chính là công cụ cho sự phát triển
và hội nhập đất nước. Sự thành công của Singapore ngày nay không phải tự nhiên
mà có, mà là kết quả của những chính sách ngôn ngữ kiên trì và mạnh mẽ trong suốt
mấy chục năm qua, từ việc sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính thức trong nhà trường,
dạy tiếng Anh cho trẻ em ngay từ mầm non
và tiểu học, nhập toàn bộ sách giáo khoa từ Anh về cho học sinh học, đến việc
buộc mọi công chức nhà nước phải có
trình độ tiếng Anh thành thạo mới được bổ nhiệm vào chức vụ, vv. Những quyết
định táo bạo mà không ít lần vấp phải nhiều chống đối. Và tốc độ phát triển của
Singapore đã chứng minh cho sự sáng suốt của vị thủ tướng đầu tiên của đất nước
này.
Rút cục lại, thì cũng giống như nền kinh tế thị trường,
chúng ta không thể cứ tuyên bố xong là thế giới sẽ công nhận chúng ta. Để một
ngôn ngữ được xem là chính thức tại một quốc gia thì ngôn ngữ ấy tối thiểu phải
là ngôn ngữ của hành chính – pháp lý và của mọi dịch vụ công cộng. Nếu các cơ quan công quyền hoàn
toàn không sử dụng tiếng Anh, mọi giấy tờ văn bản đều bằng tiếng Việt, công chức
– viên chức địa phương chỉ biết nói tiếng Việt; báo chí truyền thông cũng hoàn
toàn bằng tiếng Việt; và ra đường nhìn bảng hiệu, đi xe công cộng, hỏi thăm đường
vv đều phải sử dụng tiếng Việt, thì việc ban hành chính sách công nhận tiếng
Anh như ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam ngay lúc này chỉ thể hiện một ý chí hoàn
toàn vượt quá khả năng đáp ứng của chúng ta mà thôi.
No comments:
Post a Comment