Tuesday, August 13, 2019

Hỏi đáp về danh xưng "trường quốc tế" nhân vụ Gateway

Dẫn: Nhân vụ việc xảy ra tại trường Gateway (ai không rõ về việc này, xin gúc), một nhà báo tôi quen có gửi cho tôi một lô những câu hỏi về "cái gọi là trường quốc tế" ở VN. Trên cơ sở những thông tin do tôi cung cấp, nhà báo đã viết lại thành một bài và đã đăng trên báo. Nhưng không phải thông tin nào cũng được sử dụng, nên tôi ... tiếc của, và quyết định đăng nguyên xi những câu hỏi và trả lời của tôi lên blog này cho mọi người cùng đọc.

Phần dưới đây, chữ in nghiêng là trả lời của tôi, còn chữ thường là câu hỏi do nhà báo đưa ra. Nhân tiện, cũng rất cám ơn nhà báo HA đã gửi những câu hỏi rất hay, rất sắc! 

Enjoy!
---------

1-Theo bà thế nào là một trường quốc tế chuẩn?

Trên thế giới hiện nay đang tồn tại một số cách hiểu khác nhau về “trường quốc tế chuẩn”, trong đó có hai cách hiểu phổ biến nhất.

Cách hiểu thứ nhất hẹp hơn, xem “trường quốc tế” là trường được tổ chức Tú tài quốc tế (International Baccalaureate, viết tắt là IB) ủy quyền giảng dạy chương trình của mình; tất nhiên một trường muốn được ủy quyền phải đáp ứng những điều kiện khắt khe và trải qua một quá trình tư vấn, giám sát và đánh giá nghiêm nhặt.

Một số đặc điểm chính của chương trình IB bao gồm (1) được giảng dạy bằng một trong 3 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới là tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Tây Ban Nha; (2) có mục tiêu đào tạo người học thành công dân toàn cầu, có tư duy mở và có hiểu biết rộng rãi về thế giới; (3) chương trình học được công nhận toàn cầu và học sinh có thể dễ dàng chuyển từ trường này sang trường khác. 

Cách hiểu thứ hai dựa trên định nghĩa của Hội sự nghiệp thư viện trường học quốc tế (IASL) được đưa ra vào năm 2009, theo đó “trường quốc tế” bao gồm nhiều đặc điểm như liên quan đến môi trường học tập, chương trình giảng dạy, và văn bằng chứng chỉ, có thể tóm tắt như sau:

- Môi trường học tập: Là môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ, trong đó học sinh và giáo viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau, và thường xuyên di chuyển
- Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy: Tiếng Anh hoặc song ngữ (gồm tiếng Anh và ngôn ngữ địa phương)
- Chương trình giảng dạy: Sử dụng chương trình quốc tế như IB hoặc các chương trình xuất phát từ một quốc gia nhưng được công nhận rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới (ví dụ: Cambridge, Edexcel…)
- Văn bằng, chứng chỉ: Được kiểm soát thông qua các kỳ thi do chính các tổ chức quốc tế cung cấp (ví dụ: AP, IGCSE, Cambridge, IB DP…), hoặc được thẩm định và công nhận bởi các tổ chức kiểm định hoặc hiệp hội giáo dục quốc tế (ví dụ: CIS, IBO, WASC, vv)

Trong các yếu tố trên, yếu tố đầu tiên có thể có những du di mức độ khác nhau (chẳng hạn, trường quốc tế nhưng hầu như chỉ có học sinh Việt Nam), nhưng một trường quốc tế nhất thiết phải dạy bằng ngôn ngữ quốc tế, nội dung có tính quốc tế, và văn bằng chứng chỉ được quốc tế công nhận.

2-Các trường có yếu tố nước ngoài đặt thêm chữ quốc tế theo bà có được không? (Nếu họ muốn nhấn về yếu tố nước ngoài, chẳng nhẽ lại đặt là trường phổ thông liên cấp có yếu tố nước ngoài ABC).

Luật giáo dục của VN không có định nghĩa chính thức thế nào là trường quốc tế, nhưng cũng không quy định nào cấm sử dụng từ quốc tế trong tên trường.Trên nguyên tắc, doanh nghiệp có quyền làm những gì luật không cấm, nên việc các trường này tự gọi mình là trường quốc tế cũng không có gì là sai. c tế hiện nay tại VN. Tuy nhiên, để bảo vệ “người tiêu dùng giáo dục” (education consumer), cần có quy định về các tiêu chuẩn tối thiểu cho việc sử dụng cụm từ “quốc tế” trong tên gọi của các trường, để tránh những hiểu lầm vô tình hoặc cố ý do cụm từ này gây ra.


3-Trường dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT và một chương trình khác của nước ngoài thì có nên gọi là trường quốc tế?
Việc sử dụng chương trình của Bộ GD-ĐT bên cạnh một chương trình quốc tế không ảnh hưởng gì đến tên gọi trường quốc tế nếu như nhà trường đáp ứng một số tiêu chuẩn cơ bản của trường quốc tế (giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ quốc tế khác; sử dụng chương trình được quốc tế công nhận; chứng chỉ, văn bằng được quốc tế thẩm định và công nhận).

4-Trong giới nghiên cứu, vấn đề trường quốc tế nói riêng, xu hướng quốc tế hoá giáo dục đang có những vấn đề gì đáng chú ý đang được thảo luận?
Do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và mạng internet, nhu cầu “trở thành công dân toàn cầu” ngày càng lớn, kể cả đối với những người học hầu như ít có điều kiện để sinh sống và làm việc ngoài đất nước nơi mình sinh ra,  nên “giáo dục quốc tế” ngày càng trở nên quan trọng và ngày càng được quan tâm. Theo cách hiểu rộng nhất thì “giáo dục quốc tế” không nằm ở các yếu tố bên ngoài như phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế, theo chương trình của nước ngoài, văn bằng do nước ngoài công nhận, mà cốt là ở nội dung và mục tiêu giảng dạy, miễn sao có thể góp phần phát triển người học trở thành một “công dân toàn cầu”, tức có hiểu biết về thế giới, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau ….

5-Các trường phổ thông có chữ quốc tế mở ra ngày càng nhiều, làm thế nào để phụ huynh phân biệt được?
Nên có quy định của nhà nước về danh xưng “trường quốc tế”.

6-Hiện nay có những tổ chức kiểm định chương trình giáo dục phổ thông nào đang  có uy tín?
Bức tranh khá phức tạp, nhưng có thể kể vài tổ chức phổ biến: IBO (tổ chức tú tài quốc tế, có giá trị toàn cầu); hệ thống Anh gồm Cambridge, IGCSE; hệ thống Mỹ có kỳ thi AP và các tổ chức kiểm định vùng như WASC, SACS, NEASC vv…

7-Việt Nam có những trường phổ thông nào đang giảng dạy các chương trình quốc tế đã được những tổ chức đó kiểm định?
Không trả lời ngay được vì cần có thời gian để kiểm tra trên trang web của từng tổ chức. Tốt nhất là ở Bộ/Sở Giáo dục có một cơ sở dữ liệu cung cấp các thông tin này rộng rãi đến công chúng.

8-Hình như vấn đề trường quốc tế -trường quốc tế nửa vời không chỉ là vấn đề của giáo dục Việt Nam. Chẳng hạn như ở Malaysia có hơn 200 trường có tên quốc tế nhưng trong giới giáo dục của nước họ cũng lưu truyền từ cửa miệng là “fake international school” (trường quốc tế nhái). Liệu đây có phải là vấn đề đang xuất hiện ở các nước đang phát triển?
Đúng rồi. Từ đầu thập niên 2000 UNESCO đã có nhiều cảnh báo với các nước đang phát triển về vấn đề này. Họ đã cho xuất bản tài liệu miễn phí và tổ chức nhiều hội thảo phổ biến rộng rãi đến các nước thế giới thứ ba về vấn đề cần “bảo vệ người tiêu dùng trong giáo dục xuyên biên giới” (consumer protection in cross-border education). Rất tiếc là các nước này chưa quan tâm đầy đủ đến các khuyến cáo của UNESCO.
9-Quốc tế hoá giáo dục là xu thế tất yếu và sự tham gia đa dạng của các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đã thúc đẩy xu thế này. Trong khi đó sự phát triển của cơ quan quản lý nhà nước chưa theo kịp khiến người dân không biết đâu mà lần; bằng chứng là rất nhiều sự vụ liên quan đến trường có yếu tố nước ngoài có sự cố, nhưng họ tìm thông tin để phân biệt thì rất gian nan; ngay các kết quả thanh tra giám sát cũng không được công bố. Theo bà, cần phải làm những gì để xu thế này phát triển lành mạnh?
Cần ra quy định về “danh xưng” trường quốc tế, và  lập một cơ sở dữ liệu các “trường quốc tế” đã đăng ký với đầy đủ thông tin về nội dung chương trình, ngôn ngữ giảng dạy, và thông tin về việc kiểm định hoặc công nhận quốc tế. Đồng thời yêu cầu các trường quốc tế phải minh bạch thông tin các thông tin này trên trang web của mình, và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Chỉ khi nào có sự minh bạch thông tin thì mới có được sự giám sát toàn dân, và lúc ấy mới có được sự phát triển lành mạnh đối với trường quốc tế tại VN.
-----------
Kết

Khi đọc bài tổng hợp của các nhà báo đăng trên Vietnamnet ngày hôm qua (link: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/danh-xung-truong-quoc-te-co-dang-lap-lo-558081.html?fbclid=IwAR0PUkCZw_psLSGKEcriupl9zb3BNMuFidvbGoP8J8fq6wBlcTdCdApt20E), tôi thích nhận đoạn kết luận, nên đưa lên đây cho mọi người đọc luôn:

Khi đưa câu hỏi "Trong giới nghiên cứu, vấn đề trường quốc tế nói riêng, xu hướng quốc tế hoá giáo dục đang có những vấn đề gì đáng chú ý đang được thảo luận?”, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời không phải đề cập tới chương trình nọ hay bằng cấp kia, mà là thế này: “Do ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa và mạng internet, nhu cầu “trở thành công dân toàn cầu” ngày càng lớn, kể cả đối với những người học hầu như ít có điều kiện để sinh sống và làm việc ngoài đất nước nơi mình sinh ra,  nên “giáo dục quốc tế” ngày càng trở nên quan trọng và ngày càng được quan tâm. Theo cách hiểu rộng nhất thì “giáo dục quốc tế” không nằm ở các yếu tố bên ngoài như phải sử dụng ngôn ngữ quốc tế, theo chương trình của nước ngoài, văn bằng do nước ngoài công nhận, mà cốt là ở nội dung và mục tiêu giảng dạy, miễn sao có thể góp phần phát triển người học trở thành một “công dân toàn cầu”, tức có hiểu biết về thế giới, tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau ….”
Chúng tôi lại nhớ đến vụ khủng hoảng mà trường Gateway đang gặp phải. Dù đang nỗ lực hội nhập quốc tế với sự hiện diện thầy Tây, chương trình quốc tế, nhưng trong cách giải quyết của chủ trường, của bộ phận quản lý và các cơ quan quản lý, những giá trị xuyên biên giới của "công dân toàn cầu" - cũng là giá trị bất biến của mọi nền giáo dục như lòng trắc ẩn, sự tử tế và sự trung thực, tính minh bạch…lại chưa có cơ hội được thể hiện, để "hội nhập quốc tế".

No comments:

Post a Comment