Wednesday, September 20, 2017

Về bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh

Xin ghi lại vài ý kiến của tôi về bằng cấp của ông NXA vốn đang làm nóng dư luận trong mấy ngày qua. Những ý kiến này đã được đăng trên fb cá nhân, giờ đăng lại ở đây để lưu.
--------

Bằng cấp của ông Xuân Anh không phải là bằng giả, và trường đại học đã cấp bằng cho ông ta cũng không phải là trường ma. Trường này từ trước đến nay vẫn hoạt động hợp pháp tại Mỹ.
Điều duy nhất có thể làm người ta nghi ngại về "chất lượng" của trường này là, vào thời điểm lúc ông Xuân Anh học và được cấp bằng thì trường này chưa được kiểm định (hiện nay trường này đã được kiểm định bởi một cơ quan kiểm định khu vực, tức là hoàn toàn "đảm bảo chất lượng).
.
Theo tôi, bằng cấp của ông Xuân Anh không thể và không nên là một trong những lý do để kỷ luật ông ta vì pháp luật Việt Nam tại thời điểm ông theo học và lấy bằng không hề có quy định gì về việc phải lấy bằng của một trường đã được kiểm định. Ngoài ra, công việc của ông ta cũng không có quy định phải có bằng tiến sĩ, nên ông ta không có lý do gì để phải khai "không trung thực".
Vì vậy, đưa yếu tố bằng cấp của ông Xuân Anh như một vi phạm cần phải kỷ luật thì tôi cho là không hợp lý.

Ở Mỹ, các trường đại học "không được kiểm định" (nói đúng hơn là "không tham gia kiểm định" - vì kiểm định tại Mỹ là một việc làm tự nguyện chứ không bắt buộc), trong đó có nhiều trường đào tạo 100% theo phương thức trực tuyến, tồn tại hoàn toàn hợp pháp và phục vụ một đối tượng riêng.

Những người theo học tại những trường như trên đa số là những người không thể theo học theo phương thức truyền thống, và cũng không có ý định tham gia vào lĩnh vực học thuật (giảng dạy, nghiên cứu, công bố khoa học), mà chỉ muốn học để lấy thêm những kiến thức mà họ cho là cần thiết cho công việc của họ. (Ở đây tôi không tính đến những người đi học và lấy bằng chỉ vì muốn giải quyết khâu "oai".)

Tất nhiên, do sự "rộng mở" ở đầu vào và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quá trình cũng như đầu ra nên bằng cấp của những trường như vậy không được giới hàn lâm đánh giá cao, và không được chấp nhận khi xin tham gia vào một số vị trí đòi hỏi trình độ học thuật cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những tấm bằng nói trên hoàn toàn không có giá trị. Chỉ có điều, giá trị của tấm bằng, hoặc của những kiến thức mà tấm bằng đó mang lại cho người học, thì chỉ có những người đã tham gia chương trình hoặc sử dụng tấm bằng đó đánh giá được mà thôi!

Do đó, sự tồn tại của những trường như trường CSU (trước đây là SCUPS) mà ông NXA đã theo học và những người theo học các chương trình như vậy chẳng bị ai đánh giá là xấu, là lừa đảo, là thiếu lương thiện hoặc thiếu trung thực gì cả - miễn là nhà trường không nhập nhằng về việc đã được kiểm định, và người học không cố tình lấy một tấm bằng không theo chuẩn mực hàn lâm để nhảy vào giữ vị trí lãnh đạo ở các trường đại học hoặc thâm chí các cơ quan quản lý giáo dục (như ở VN, chẳng hạn).

Tôi e rằng việc đưa bằng cấp của ông NXA vào như một trong nhiều lý do để kỷ luật là một nhầm lẫn đáng tiếc. Nếu ông ấy lấy bằng tiến sĩ để làm quan chức trong Bộ Giáo dục hoặc lãnh đạo các trường đại học, ví dụ thế, thì rõ ràng là cần lên án. Đằng này, ông ấy đâu có sử dụng bằng tiến sĩ của ông ta để giảng dạy hoặc ngồi ở những vị trí đòi hỏi phải có trình độ tiến sĩ theo định nghĩa truyền thống của giới hàn lâm đâu nhỉ? 

No comments:

Post a Comment