Sunday, September 20, 2015

Viễn cảnh về các mạng lưới đại học toàn cầu

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=9010&CategoryID=6
---------
Viễn cảnh về các mạng lưới đại học toàn cầu
Robin Middlehurst

Các trường đại học trên toàn cầu đang hợp sức
với nhau nhằm đáp ứng những kỳ vọng mới
và giải quyết những vấn đề “ngày càng rộng lớn”.

Giáo dục đại học từ lâu vẫn là khu vực kết nối quốc tế, nơi các học giả tìm kiếm phương thức trao đổi ý tưởng và học hỏi kiến thức mới. Sự kết nối này dường như đang vươn đến những tầm cao mới, một phần do khả năng kết nối trực tiếp cũng như qua thế giới ảo hiện nay, nhưng đó chưa phải là toàn bộ lý do.

Nói về “sự xuất hiện liên tục dường như không có điểm dừng của các hiệp hội, các mạng lưới, tập đoàn và liên minh các trường đại học”, tác giả Kris Olds từ trường Đại học Wisconsin – Madison cho rằng chúng ta đang chứng kiến quá trình “giải quốc gia hóa” khi các cơ sở giáo dục thay đổi phạm vi tầm nhìn, cơ cấu tổ chức và chiến lược phát triển vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Ở chiều ngược lại, một bản phân tích về các thời điểm then chốt trong quá trình quốc tế hóa từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 21 cho thấy việc “giải quốc gia hóa” trường đại học để thực hiện quá trình quốc tế hóa thường không thành công (hoặc thành công nhưng không bền vững). Vậy thì tại sao hiện nay các mạng lưới toàn cầu lại sinh sôi nảy nở như vậy, và vì sao những nỗ lực của các trường nhằm vươn ra khỏi biên giới quốc gia lại thường đi đến chỗ thất bại?

Những cuộc hợp tác nghiên cứu sử dụng phương pháp lịch sử khắp châu Âu, châu Á, Úc, Bắc Mỹ và Nam Mỹ do các học giả thuộc Mạng lưới đại học toàn thế giới (Worldwide University Network) tiến hành cho thấy sự phát triển của các tập đoàn và mạng lưới quốc tế là phản ứng đối với những sự thay đổi lớn mang tính cấu trúc trong lịch sử của giáo dục đại học. Các trường đại học đã hợp sức với nhau nhằm đáp ứng những kỳ vọng mới và giải quyết những vấn đề “trong một phạm vi ngày càng rộng lớn”. Họ làm điều này trong điều kiện số sinh viên nhập học bấp bênh và nguồn kinh phí thiếu ổn định, phụ thuộc vào những tăng giảm thất thường của nền kinh tế; các phương tiện giao thông và truyền thông mới tạo điều kiện cho khả năng lưu chuyển – giữa sinh viên, học giả và ngay cả kiến thức nữa; sự gia tăng nhu cầu về khoa học ứng dụng, năng lực về công nghệ, sáng kiến thương mại; và những thay đổi về ý thức hệ tư tưởng vốn luôn đi kèm theo những thay đổi về chính thể. Các thách thức này giờ đây vẫn tiếp tục cộng hưởng với nhau như những tác nhân tạo ra các mạng lưới toàn cầu, nhưng bên cạnh đó còn có thêm những tác nhân mới.

Áp lực cạnh tranh đang khiến các cơ sở giáo dục và các quốc gia tìm kiếm lợi thế cạnh tranh thông qua việc hợp tác. Hào quang đáng thèm khát của “danh tiếng toàn cầu” và “đẳng cấp thế giới” dẫn đến nhu cầu xếp hạng, định vị, xây dựng thương hiệu, và quản lý danh tiếng. Vào thế kỷ 21, khi quyền lực và ảnh hưởng của truyền thông toàn cầu đã lan tỏa khắp nơi, tác nhân này trở nên mạnh hơn trước, được hỗ trợ và mở rộng qua công nghệ di động và truyền thông xã hội. Việc liên kết với những đối tác thành công, có nguồn lực dồi dào, hoặc có uy lực, được tin là sẽ mang lại những giá trị gia tăng cả về thực chất lẫn thông qua hào quang phản chiếu. Việc được mời tham dự một mạng lưới độc quyền – (như Liên minh Các trường đại học nghiên cứu của châu Âu hay Universitas 21)– là dấu hiệu của sự công nhận lẫn nhau trong liên minh và được cảm nhận như là một sự thừa nhận về tiêu chuẩn chất lượng trong thang đẳng cấp nghiên cứu toàn cầu. Với những tổ chức giáo dục khác đang trong quá trình tìm kiếm đối tác, việc có các đối tác toàn cầu có thể không hề liên quan đến “việc khám phá tri thức mới”, mà là dấu hiệu của sự khác biệt và đặc thù trong thị trường chen chúc các mạng lưới dày đặc.

Sự đa dạng của các mạng lưới toàn cầu

Các mạng lưới toàn cầu không chỉ sinh sôi nảy nở trong các cơ sở giáo dục mà còn hoạt động xuyên qua các khu vực khác nhau để kết nối với những đối tác mới và nâng cao khối tài sản cấu thành nhằm đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, người dân, và các trường đại học. Các hệ thống đổi mới sáng tạo “triple helix” tức “vòng xoắn ba” là một ví dụ về việc kết hợp các nguồn lực vốn dĩ biệt lập với nhau để phát triển các sản phẩm trong công nghiệp, hỗ trợ hoạch định chính sách trong chính phủ, hoặc sáng tạo và phổ biến kiến thức trong các cơ sở học thuật – để tạo điều kiện phát triển các thiết kế tổ chức mới, các tri thức mới, các sản phẩm và dịch vụ mới. Cây cầu mới nối liền Đan Mạch và Thụy Điển1 đã giúp thành lập Mạng lưới Đại học Oresund, mở ra các lĩnh vực nghiên cứu và các khả năng hợp tác mới trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, mạng lưới vốn gồm 11 trường đại học này đã bị thu nhỏ lại chỉ còn vài cơ sở giáo dục có khả năng đạt được nhiều lợi ích nhất từ mạng lưới ấy.

Những hình thức mới về giao lưu văn hóa giữa Birmingham (Anh) và Chicago (Mỹ) bao gồm các mối liên kết đa dạng giữa các viện bảo tàng, nhà hát, phòng trưng bày nghệ thuật và các trường đại học, tận dụng mối quan hệ của các “thành phố kết nghĩa” vốn có lịch sử lâu dài.

Các doanh nghiệp cũng chủ động thành lập các mạng lưới: Ngân hàng Santander đã thành lập Tập đoàn Đại học toàn cầu Santander để hỗ trợ giáo dục đại học như “một phương tiện đóng góp cho sự phát triển và phồn vinh của xã hội”2. Hiện tổ chức này đã có 1.000 trường đại học thành viên khắp 17 quốc gia, và Ngân hàng Santander là nhà tài trợ cho các nghiên cứu, chương trình giao lưu, trao đổi học giả, sinh viên, và học bổng.

Các tổ chức quốc tế cũng tạo điều kiện cho các mạng lưới toàn cầu tập hợp tài nguyên, tìm giải pháp cho những thách thức cấp bách của thời đại, và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Các mạng lưới được thiết lập trong Chương trình UNITWIN3 và UNESCO Chairs – một chương trình hiện bao gồm 650 cơ sở giáo dục ở 24 quốc gia – “đóng vai trò như những nhóm đầu não và những người xây cầu nối giữa các cơ sở học thuật, tổ chức xã hội dân sự, các cộng đồng địa phương với các công trình nghiên cứu, và việc hoạch định chính sách.”

Tính bền vững
Một số mạng lưới toàn cầu hiện nay hoàn toàn mới; một số đã tồn tại được vài thập kỉ, số khác được tái cấu trúc, như Mạng lưới Đại học Oresund; và một số đã biến mất hoàn toàn, như tập đoàn Scottish Knowledge – một tập đoàn chuyên đào tạo qua mạng bao gồm 11 trường đại học. Kinh nghiệm trong quá khứ có thể cung cấp cho ta một vài gợi ý về tính bền vững của các mạng lưới, đó là: thất bại sẽ xảy ra bất cứ khi nào chiến lược phát triển của các mạng lưới quốc tế phớt lờ hoặc coi nhẹ những khác biệt giữa các quốc gia về mặt văn hóa, chính trị, hoặc nhận thức – đặc biệt là khi tồn tại quan điểm cho rằng sự theo đuổi những kết nối quốc tế mới sẽ làm yếu đi những liên kết quốc gia. Một bài học khác là nếu muốn duy trì được lòng tin, sự nỗ lực, và sự chia sẻ nguồn lực thì phải đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong một mạng lưới đều có được lợi ích từ việc tham gia mạng lưới ấy. Có lẽ năng lực cốt lõi để duy trì các mạng lưới toàn cầu chính là khả năng quản lý các mối quan hệ vượt qua các ranh giới quốc gia bằng sự tôn trọng và đem lại hiệu quả mong muốn.

Ly Nga dịch, Phương Anh hiệu đính

Nguồn:
http://ejournals.bc.edu/ojs/index. php/ihe/article /view/8727



No comments:

Post a Comment