Thursday, September 17, 2015

Vì sao Singapore giỏi tiếng Anh (2): Học tiếng Anh để làm gì chứ?

Xin xem bài 1 của loạt bài này ở đây: http://ncgdvn.blogspot.com.tr/2015/09/vi-sao-singapore-gioi-tieng-anh-1-thay.html
----------
Trong bài trước tôi có nói VN dạy và học tiếng Anh kém hơn Singapore (phải nói là một trời một vực) là vì trong khi Singapore chú trọng cả 3 khía cạnh của cái chân vạc "dạy-học ngoại ngữ" (là nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, và kiểm tra đánh giá), thì VN chỉ chú trọng vào 1 hoặc cùng lắm là 2/3 yếu tố, và luôn bỏ qua yếu tố kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách nói tắt, và có thể dẫn đến những ngộ nhận nguy hiểm. Vâng, tất nhiên là cần kiểm tra đánh giá, vâng thì thầy cô giáo phải nhận trách nhiệm này, nhưng kiểm tra đánh giá như thế nào? Chẳng lẽ mỗi thầy cô đều có quyền tự tạo ra các bài kiểm tra để cho học trò mình làm, rồi cho điểm búa xua và cuối cùng tuyên bố rằng những học sinh được tôi dạy học đều là những học sinh xuất sắc, toàn là siêu sao cả, trong khi học trò người khác thì kém ơi là kém.

Không, tất nhiên là không phải thế.

Kiểm tra đánh giá rất cần, nhưng, như tôi đã nói trong bài trước, mục tiêu của việc kiểm tra đánh giá trong lớp học cũng như mục tiêu của các hoạt động dạy học của thầy cô giáo trên lớp đều là "để thúc đẩy việc học". Nhưng thúc đẩy việc học là thúc đẩy cái gì chứ? Bắt học sinh học thật nhiều quy luật ngữ pháp, cho làm  thật nhiều bài tập rèn luyện (grammar drills, như phương pháp trước đây của English 900 mà ai thuộc thế hệ của tôi đều biết rõ), rồi kiểm tra liên miên, lấy điểm ghi vào học bạ, gửi thư về gia đình khi học sinh điểm thấp (như một số trường tư hiện nay vẫn đang làm để kiểm soát học sinh của mình) liệu có làm cho người Việt giỏi tiếng Anh lên như người Singapore hiện nay hay không? Không cần có chuyên môn về giảng dạy tiếng Anh, chỉ cần qua kinh nghiệm cá nhân thì ai cũng biết câu trả lời là KHÔNG, emphatically NO!

Vậy Singapore họ làm như thế nào? À, xin mời các bạn lại trở về với bản mô tả chương trình tiếng Anh mà tôi đã giới thiệu với các bạn hôm qua, ở đây: http://www.moe.gov.sg/education/syllabuses/english-language-and-literature/files/english-primary-secondary-express-normal-academic.pdf#page=1&zoom=auto,-293,709.

Xem gì trong đó? Chỉ cần xem qua vài trang đầu, tôi đã bái phục cách xây dựng chương trình của Singapore, và tự nhủ: Như thế này thì hèn nào mà nó chẳng giỏi hơn mình, hừ hừ.

Vậy "nó" làm gì? Dạ, đây ạ:

Ngay từ những trang đầu tiên, bản mô tả chương trình đã xác định (dù chỉ là tổng quát) những năng lực đầu ra mong muốn (desired outcomes) của chương trình, rồi triết lý về việc học ngoại ngữ (philosophy of language learning) - well, tôi dùng từ triết lý cho nó "thời thượng", "đao to búa lớn" một chút để dọa người khác thôi, chứ ở đây tôi nghĩ có thể dịch philosophy là quan điểm là được rồi, quan điểm về việc học ngoại ngữ - và các nguyên tắc trong việc dạy và học tiếng Anh (principles of EF teaching and learning) - tất cả nằm ở trang 6 của tài liệu nói trên. 

Nào các nhà cộng sản chuyên chính đâu rồi, ở đây tôi thấy có một điểm mà quý vị hẳn phải rất thích, đó là: trước khi hành động, điều đầu tiên là phải thống nhất quan điểm, nhận thức, nguyên tắc, rồi mới làm gì thì làm, miễn là theo đúng các quan điểm đường lối nguyên tắc đã thống nhất từ trước. Đúng quá, phải không?

Vâng, nếu không thống nhất thì mỗi người chạy một hướng, thì cuối cùng người học sẽ đạt được cái gì, và lấy cái gì để làm thước đo sự thành công của chương trình hay sự gia tăng năng lực của người học đây chứ? Vậy mà đó là cách chúng ta vẫn làm lâu nay đó: một mặt thì mục tiêu của chương trình giảng dạy ngoại ngữ là làm cho người học có thể sử dụng được tiếng Anh trong sinh hoạt hàng ngày, đi du lịch, trong học tập và trong công việc. Vậy đó, nhưng sách giáo khoa thì không phải do người bản ngữ soạn mà là người Việt viết tiếng Anh (thỉnh thoảng đọc đến đâu lại nghe ra tiếng Việt đến đâu), không hề có chút ngôn ngữ thực (authentic), hoàn toàn tách biệt khỏi bối cảnh sử dụng, không đề cập chút nào đến văn hóa các nước bản ngữ, chỉ chăm chăm vào dạy từ vựng (không bối cảnh), ngữ pháp, phát âm từ rời rạc, và đọc hiểu thì cũng chỉ chú trọng đến nghĩa từng câu ....

Cũng vậy, để chắc chắn rằng mục tiêu đề ra sẽ hoàn toàn không thực hiện được, các kỳ thi quan trọng của VN cứ dứt khoát phải gạt hết ra cho bằng được những cái gì có chút đổi mới (nếu có) của chương trình đào tạo. Không thế thì học sinh rớt hết hay sao, có mà loạn à. Ngay cả kỳ thi TNPT năm nay, dù Chính phủ quyết tâm đổi mới là thế nhưng Bộ vẫn rất thận trọng chỉ thay đổi cấu trúc đề thi có một chút xíu thôi, đó là đưa thêm kỹ năng viết (rất rất hạn chế) vào trong bài thi, thế mà khi phổ điểm ra thấp (một điều có thể đoán được và phải chấp nhận trong quá trình đổi mới) thì cả xã hội đã nhao nhao lên phản đối lên án chê trách Bộ Giáo dục và những người trực tiếp liên quan đến quá trình ra đề thi kia rồi. Khổ quá!

Nên tựa của bài này tôi mới đặt câu hỏi: Nhưng học tiếng Anh để làm gì cơ chứ? Người Singapore học tiếng Anh nhằm để sử dụng, nên họ dạy theo mục tiêu đó, và kiểm tra cũng bám theo mục tiêu đó, và tất nhiên là họ đạt được mục tiêu sau một thời gian đủ dài. Còn VN, mục tiêu đặt ra là đặt thế thôi, cho nó giống với thế giới, chứ khi làm có ai làm theo mục tiêu ấy đâu, cuối cùng vẫn chỉ chăm chăm vào cái mục tiêu là, well, các thí sinh thì có điểm cao, đạt loại khá giỏi để hồ sơ đẹp để còn chen chân vào đại học hoặc nộp đơn xin học/học bổng ở nước ngoài; xã hội thì cũng chỉ cần có các phổ điểm đẹp với tỷ lệ khá giỏi "năm sau tốt hơn năm trước", chứ có ai thực sự quan tâm đến việc làm sao cho năng lực đầu ra của người học phải đáp ứng những mục tiêu đẹp đẽ mà chúng ta vẫn viết trên giấy lâu nay đâu?

Thôi thì tôi có đề nghị này: Chúng ta hãy thay đổi lời phát biểu về mục tiêu dạy-học ngoại ngữ của VN như sau: "Học ngoại ngữ là để có được điểm cao trong các kỳ thi; và các bài thi thì phải được xây dựng sao cho người học dễ đậu, giám khảo dễ chấm, không tốn nhiều công sức tiền bạc, phổ điểm thì phải đẹp với hình chuông cân đối hoặc lép về bên trái (điểm cao nhiều) càng nhiều càng tốt. Thế là cứ trắc nghiệm a, b, c khoanh cho nó tiện, cứ từ vựng ngữ pháp mà kiểm tra, vào lớp chỉ cần luyện thi hết bài này sang bài khác, cấu trúc đề thi, thậm chí các bài thi mẫu cứ cung cấp cho các trường thật nhiều vào, thì chỉ cần 1 vài năm, có lẽ thậm chí chỉ cần 1 năm thôi, là mục tiêu dạy học ngoại ngữ của chúng ta sẽ dễ dàng đạt được hơn hiện nay rất nhiều. Mọi người sẽ hài lòng, báo chí sẽ thôi chỉ trích vì mục tiêu đã đạt, và ngày càng đạt ở mức cao hơn.

Chỉ có điều, lúc ấy chúng ta sẽ có các thí sinh với những bảng điểm môn tiếng Anh xuất sắc nhưng không nói được câu nào, không nghe được một chữ bẻ đôi, không viết được một câu tiếng Anh cho tử tế, không đọc được kể cả một biển hiệu trên đường phố bằng tiếng Anh. Và có lẽ chúng ta sẽ lầm bầm tự hỏi: Ủa con cái chúng ta học bằng đó năm tiếng Anh trong trường (có thể có người còn cho con đi luyện thêm ở các lò luyện nữa) để làm gì ấy nhỉ?
----------------
Đọc lướt lại bài này, thấy có lẽ tôi nói lòng vòng quá nên không toát ra được ý chính mình muốn nói (dù tôi nghĩ tựa bài đã hàm ý tóm tắt điều tôi muốn nói rồi chứ nhỉ), nên thôi nói rõ ra luôn cho ... dễ hiểu.

Đây: Tựu trung lại, một điểm khác biệt lớn của VN là giảng dạy-học tập dường như chẳng theo mục tiêu nào hết. Nói một đằng, làm một nẻo, và lại mạnh ai nấy làm, không có quy trình, không theo nguyên tắc, không có mục tiêu - phải chăng đó là những căn bệnh thâm căn cố đế của người VN, khiến chúng ta dù không hề kém thông minh nhưng lại vẫn cứ lẹt đẹt mãi như thế này?

1 comment:

  1. Thưa cô, các cháu hs bây giờ muốn giỏi TA thực sự thì đều phải đi học thêm bên ngoài - rất nhiều tiền. Đây là một vấn đề tồn tại lâu rồi mà chưa thấy có cách giải quyết dứt điểm.
    1. Nhà nước tốn tiền trả lương cho giáo viên dạy trên lớp
    2. Học sinh bị buộc phải ngồi học theo bài dạy nhàm chán trên lớp bởi những giáo viên không đạt chuẩn
    3. Giáo viên có giỏi thần thông quảng đại cỡ nào cũng không thể dạy được với sĩ số đông, mặt bằng không đồng đều, tiêu chuẩn đánh giá thì lại khắt khe thiên về "điểm cao".
    Tại sao không để xã hội hoá gánh bớt khó khăn này trong khi rất nhiều gia đình sẵn sàng tự đầu tư cho con mình.
    1. Lấy chuẩn bài thi quốc tế để cho học sinh thi, cháu nào đạt xem xét hoặc cho miễn học giờ ngoại ngữ và tính điểm 10-9-8. Những cháu chưa thi đạt mới cần ngồi học cùng gv tại lớp, vậy là giảm tải được sĩ số học sinh trên lớp, gv có điều kiện dạy tốt hơn cho 1 nhóm cần học, trình độ thấp. Những cháu không học trên lớp có thể được yêu cầu tới thư viện tự đọc sách - tham gia dưới dạng TRỢ GIẢNG giúp gv.
    2. Với việc miễn thi và tính điểm trong học bạ là 8,9,10...sẽ giúp loại bỏ tiêu cực của việc Học thêm. Rất nhiều gv dởm - bắt hs đi học thêm của mình bằng việc ra những bài kiểm tra kiểu ngữ pháp chưa từng gặp trên đời - điền từ vào chỗ trống mà kể cả điền tiếng Việt cũng khó...
    3. Phải tiến tới 1 lộ trình chuẩn hoá gv thông qua thi đạt chứng chỉ quốc tế, cấm tiệt thi mấy cái chứng chỉ Việt Nam vì toàn dạng "chứng chỉ dỏm - mua bằng".
    4. Chưa hoàn toàn khai thác đúng công nghệ thông tin, 1 phòng máy tính cỡ 30 máy giúp gv và hs học được rất nhiều, các NXB đưa các nội dung bài học công phu - hay - sẵn vậy Việt Nam cứ loanh quanh TỰ SOẠN SÁCH làm gì cho khổ, đặc biệt ở mức độ giao tiếp trung bình thì cứ bám theo sách Tây là học đủ rồi, tiết kiệm ngân sách, gv thì có học liệu phong phú để mà khai thác. Nếu tìm hiểu sẽ thấy: Việt Nam chỉ có sách HỌC + BÀI TẬP, nhưng đi theo 1 bộ giáo trình của Tây, ngoài textbook + workbook ra thì teacherbook - flashcard - grammar - reading, interractive game...mới vô thiên lủng, rất đắt và khi dạy bổ trợ giúp gv rất nhiều.
    Không biết các bác trên Bộ bận gì mà khổ học sinh quá ạ.

    ReplyDelete