Sunday, September 20, 2015

Liệu bằng đôi có trở thành “tấm bằng hạ giá?”

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=8960&CategoryID=6
-----------
Liệu bằng đôi có trở thành “tấm bằng hạ giá?”
Jane Knight

Với tư cách một chiến lược quốc tế hóa, các chương trình bằng đôi (double degree) và đa học vị (multiple degree) quốc tế đụng chạm đến vấn đề cốt lõi của giáo dục, đó là quá trình giảng dạy/học tập và sự sản sinh tri thức mới giữa các quốc gia. Nhưng nếu sự yêu thích dành cho chương trình bằng đôi/đa học vị ngày càng nở rộ thì sự lo ngại về các chương trình này cũng ngày càng tăng, bởi các chương trình này cấp đến hai hoặc nhiều văn bằng khác nhau cho người học dựa trên cùng một số lượng tín chỉ giống nhau.

Trong vòng năm năm trở lại đây, số lượng và chủng loại các chương trình bằng đôi và đa học vị quốc tế đã gia tăng một cách đáng kinh ngạc. Theo báo cáo của Hiệp hội quốc tế các trường đại học năm 2014 về quá trình quốc tế hóa, các chương trình bằng đôi đã tăng hơn 50% trong suốt ba năm qua ở nhiều chuyên ngành, cụ thể tăng 19% ở các ngành khoa học tự nhiên, 14% ở các ngành khoa học xã hội. Tuy những con số này chỉ mang tính gợi ý và không cho thấy được toàn bộ sự phát triển của chương trình bằng đôi/đa học vị trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á và châu Âu, song chúng đã minh họa rất rõ ràng vai trò của những chương trình này trong khung cảnh giáo dục đại học quốc tế ngày nay, cũng như sự phổ biến của chúng đối với sinh viên và các cơ sở giáo dục.

Sự khác nhau giữa các loại bằng cấp

Cần phải có một vài lời giải thích về ý nghĩa thật sự của các chương trình bằng đôi/đa học vị và những vấn đề liên quan, bởi hiện đang có nhiều cách diễn giải khác nhau dẫn đến vô số nhầm lẫn về ý nghĩa của cụm từ này.
Chương trình bằng đôi hoặc đa học vị quốc tế là chương trình có sự tham gia của hai hoặc nhiều tổ chức giáo dục từ những quốc gia khác nhau cùng hợp tác và triển khai một chương trình học thuật. Thông thường, mỗi tổ chức sẽ cấp một văn bằng riêng của mình. Điều này khác với các chương trình liên kết đào tạo (joint-degree program) hoặc thỏa thuận đồng hướng dẫn trong bậc học Tiến sĩ.
Trong chương trình liên kết đào tạo, một văn bằng sẽ được cấp chung bởi hai hay nhiều cơ sở giáo dục hợp tác với nhau; còn với thỏa thuận đồng hướng dẫn, các trường đối tác phải cùng làm việc để phát triển và thực hiện một chương trình đào tạo; tuy nhiên người học chỉ nhận được một văn bằng duy nhất từ cơ sở giáo dục nơi người học đăng ký. Trong bài viết này chúng tôi thừa nhận sự đóng góp của cả ba cách tiếp cận trên, nhưng sẽ chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến chương trình bằng đôi/đa học vị.

Chỉ một lần học, nhưng được cấp đến hai hoặc nhiều văn bằng?

Với tư cách một chiến lược quốc tế hóa, các chương trình bằng đôi/đa học vị đụng chạm đến vấn đề cốt lõi của giáo dục, đó là quá trình giảng dạy/học tập và sự sản sinh tri thức mới giữa các quốc gia. Các chương trình bằng đôi vốn được xây dựng dựa trên nguyên lý hợp tác học thuật quốc tế và có thể đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho sinh viên, giảng viên, cơ sở giáo dục, và các hệ thống giáo dục quốc gia hoặc địa phương. Nhưng nếu sự yêu thích dành cho chương trình bằng đôi/đa học vị ngày càng nở rộ thì sự lo ngại về các chương trình này cũng ngày càng tăng, bởi các chương trình này cấp đến hai hoặc nhiều văn bằng khác nhau cho người học dựa trên cùng một số lượng tín chỉ giống nhau. Phản ứng đối với các chương trình bằng khá đa dạng, tùy theo sự khác biệt về cách thiết kế chương trình, sự tham gia của những cơ sở đào tạo mới (cả đàng hoàng lẫn lừa đảo), sự hoài nghi về quá trình đảm bảo chất lượng và công nhận văn bằng, và cuối cùng là vấn đề đạo đức trong việc quyết định thời lượng học cần thiết và/hoặc những kỹ năng cần đạt tới để nhận được tấm bằng đôi/đa học vị.
Đối với giới học thuật và những nhà hoạch định chính sách, các chương trình bằng đôi được đón nhận như một sự mở rộng tự nhiên của các chương trình trao đổi và giao lưu quốc tế. Số khác cho rằng các chương trình bằng đôi/đa học vị là một sự phát triển phiền toái, dẫn đến việc thừa nhận các công việc chuyên môn đến hai lần và do đó hủy hoại tính chỉnh thể của các văn bằng đại học và tiến tới gần ranh giới mong manh của gian lận trong học thuật.

Thu hút sinh viên
Có vô số lý do khiến sinh viên cảm thấy bị thu hút bởi những chương trình bằng đôi/đa học vị. Chỉ cần tham gia vào một chương trình học nhưng lại được cấp đến hai hoặc nhiều tấm bằng từ các trường đại học đặt tại các quốc gia khác nhau là điều mà người học cho rằng sẽ làm gia tăng cơ hội tuyển dụng và con đường sự nghiệp của họ. Một số sinh viên cũng tin rằng chương trình có sự hợp tác của nhiều đối tác sẽ có giá trị cao hơn vì được cấu trúc từ năng lực của hai hay nhiều trường đại học. Những sinh viên khác lại không mấy hứng thú với chất lượng được nâng cao mà bị thu hút bởi việc giành được hai tấm bằng mà chỉ phải trả “giá của một tấm bằng.” Có những sinh viên cho rằng thời lượng học của chương trình bằng đôi ngắn hơn, khối lượng công việc chắc chắn ít hơn việc học hai bằng riêng biệt, và gánh nặng tài chính cũng nhẹ nhàng hơn. Luận điểm đó tuy không phù hợp với tất cả chương trình thuộc dạng này, song vẫn có vài điểm chính xác với thực tế.
Ngay cả những mô hình đào tạo hợp tác song đôi (twinning) truyền thống, trong đó chương trình đào tạo và bằng cấp của cơ sở đào tạo tại một nước được đem sang một nước khác thông qua sự hợp tác với một cơ sở giáo dục địa phương, cũng đang dần chuyển hóa thành chương trình bằng đôi - một bởi cơ sở giáo dục gốc và một từ cơ sở giáo dục đăng cai thực hiện, mặc dù chỉ các tín chỉ của duy nhất một chương trình học được thực hiện. Không phải tất cả chương trình bằng đôi/đa học vị đều yêu cầu sinh viên phải đi sang một quốc gia khác để học, vì việc di chuyển người dạy sẽ tiết kiệm hơn là di chuyển người học, và những lớp học ảo cũng dần trở nên phổ biến hơn. Cuối cùng, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố đẳng cấp. Có một cách nhìn nhận cảm tính là đẳng cấp tinh hoa gắn liền với việc sở hữu bằng cấp học thuật từ nhiều đại học ở những nước khác nhau, ngay cả khi sinh viên đó chưa từng thực sự ra nước ngoài du học.

Lợi ích và thách thức đối với các cơ sở giáo dục

Đối với các cơ sở giáo dục, các chương trình bằng đôi/đa học vị đặc biệt hấp dẫn bởi chúng đem lại nhiều lợi ích trong việc đổi mới chương trình, trao đổi giảng viên và nhà nghiên cứu, và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn tri thức chuyên môn và các quan hệ của đại học đối tác. Một lý do quan trọng khác là nhằm tăng uy tín và thứ hạng của cơ sở giáo dục vì là một trường đại học có những hoạt động hợp tác quốc tế. Để đạt được điều này, các cơ sở giáo dục chủ tâm hợp tác với những đối tác có vị thế ngang bằng hoặc cao hơn mình. Một điểm thú vị là một số cơ sở còn ưu ái chương trình bằng đôi với những trường đối tác có bậc hạng cao hơn nhằm mục đích tránh né những yêu cầu về kiểm định trong nước. Có những trường còn cho rằng việc tính cả số lượng sinh viên của chương trình bằng đôi có thể làm tăng số sinh viên tốt nghiệp và tần suất đào tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đa dạng của chương trình bằng đôi, những thách thức cũng đa dạng không kém. Sự khác biệt về hệ thống quy định, lịch học, kế hoạch đảm bảo và kiểm định chất lượng, hệ thống tín chỉ, học phí và các chương trình học bổng, phương pháp giảng dạy, yêu cầu đầu vào và thi cử, ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy, cách hướng dẫn làm luận văn/luận án… chỉ là một số trong rất nhiều vấn đề mà các cơ sở hợp tác giáo dục cần quan tâm giải quyết.

Những câu hỏi then chốt
Khi phân tích các chương trình bằng đôi/đa học vị của một số tổ chức giáo dục đại học ở các quốc gia, có thể thấy không có một khuôn mẫu nhất định, cũng như không cần phải có một mẫu chuẩn bởi điều kiện của mỗi địa phương là hết sức khác biệt. Tuy nhiên, khi số lượng và chủng loại của các chương trình bằng đôi/đa học vị này ngày một gia tăng, nhiều câu hỏi mới đang được đặt ra. Ví dụ: Đâu là cách tốt nhất để kiểm định một chương trình bằng đôi/đa học vị - kiểm định ở tầm quốc gia, liên quốc gia, khu vực, hay quốc tế? Chỉ với một luận văn/luận án liệu có thể đáp ứng yêu cầu của hai chương trình nghiên cứu sau đại học được không? Liệu rằng những chương trình hợp tác quốc tế có dẫn đến sự lạm dụng tiếng Anh và sự đồng hóa tất cả các chương trình? Quá trình xây dựng đẳng cấp và bệnh sính bằng cấp liệu có hủy hoại chất lượng và mục tiêu giáo dục của những chương trình liên kết quốc tế này không? Liệu những chương trình này có khả năng tự tồn tại mà không cần thêm nguồn quỹ hỗ trợ nội bộ hoặc từ bên ngoài hay không?

Tính chỉnh thể và hợp pháp của văn bằng đang bị đe dọa

Một thách thức mà cộng đồng giáo dục đại học khắp thế giới hiện đang phải đối mặt là phát triển một nhận thức thống nhất về ý nghĩa thực sự của các chương trình bằng đôi/đa học vị, về những yêu cầu học thuật và học vị được cấp khi hoàn tất, và về việc chúng khác biệt với những chương trình liên kết đào tạo ra sao. Các chương trình liên kết đào tạo là những lựa chọn rất hấp dẫn nhưng chúng lại đang vấp phải nhiều rào cản pháp luật và thủ tục hành chính, bởi ở nhiều quốc gia việc cấp bằng liên kết với các cơ sở giáo dục khác là bất khả thi. Quan trọng hơn hết, cần phải có một cuộc thảo luận nghiêm khắc về những vấn đề nhức nhối như việc kiểm định, công nhận văn bằng, và “tính hợp pháp” của những loại văn bằng này để bảo đảm các chương trình bằng đôi/đa học vị quốc tế được tôn trọng và thừa nhận bởi sinh viên, các cơ sở giáo dục cũng như nhà tuyển dụng khắp thế giới; và để đảm bảo các chương trình bằng đôi/đa học vị này không trở nên nổi tiếng chỉ vì chúng cung cấp “những tấm bằng hạ giá”.

* Tác giả bài viết Jane Knight hiện là giáo sư tại Viện Ontario chuyên ngành Nghiên cứu Giáo dục, Đại học Toronto, Canada. Email: janeknight@sympatico.ca


Ly Nga dịch, Phương Anh hiệu đính
Nguồn:ejournals.bc.edu/ojs/index.php/ihe/article/view/8729

No comments:

Post a Comment