Bài viết về tuyển sinh lớp 6 của tôi đã được đăng trên tờ Nhân Dân chủ nhật 29/3/2015, nhưng được biên tập cắt ngắn một vài đoạn. Dưới đây là bản gốc. (Những phần bị cắt bỏ là phần được highlight màu vàng bên dưới.)
--------------------
GIẢI PHÁP NÀO CHO KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 6?
Cấm tổ chức thi tuyển
vào lớp 6: Sẽ lách luật tràn lan?
Việc bỏ kỳ thi tuyển
sinh lớp 6 đang gây ra tình trạng lúng túng của nhiều cơ sở giáo dục cũng như
tâm trạng hoang mang của nhiều phụ huynh học sinh. Theo giải thích của Bộ Giáo
dục và Đào tạo (GD-ĐT), quyết định này nhằm giảm bớt một kỳ thi cho học sinh,
chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, đồng thời nghiêm túc
thực hiện chủ trương xóa bỏ các trường chuyên lớp chọn trong các trường tiểu học
và trung học cơ sở.
Rõ ràng, chủ trương bỏ
thi tuyển sinh lớp 6 hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung của thế
giới, với mục tiêu phổ cập giáo dục của Việt Nam, và phù hợp với tâm sinh
lý của trẻ em. Dư luận cho thấy hầu hết các đối tượng có liên quan đều đồng
tình và ủng hộ với chủ việc bỏ thi. Nhưng nếu không tổ chức thi, thì các trường
vốn vẫn dựa vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 để tuyển chọn học sinh nay sẽ tuyển
sinh như thế nào?
Công văn của Bộ GD-ĐT
gửi đến các Sở Giáo dục đã nêu rõ quan điểm về vấn đề này. Các trường giáo dục
có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh cần dựa vào quy
định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh gửi đến các Sở Giáo dục để được
hướng dẫn cụ thể. Nhưng chính các Sở Giáo dục địa phương có lẽ cũng đang lúng
túng để tìm một phương án thay thế. Nhiều nơi hiện không biết phải làm gì hơn
là chờ đợi Bộ đưa ra những hướng dẫn cụ thể hơn.
Một số địa phương đã đưa
ra phương án thay thế cho kỳ thi tuyển sinh. Báo Thanh Niên ngày 18/3/2015
(nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/cam-tuyen-sinh-lop-6-truong-chuyen-tran-dai-nghia-tuyen-sinh-cach-nao-542676.html) đưa tin Sở Giáo dục TP HCM thông báo phương án
tuyển sinh dự kiến của trường Trần Đại Nghĩa là dựa trên bài khảo sát năng lực
bằng tiếng Anh, trong đó có thể tích hợp kiến thức của các môn tự nhiên và xã
hội. Như vậy, để chấp hành “lệnh cấm” của Bộ, TP HCM không tổ chức thi tuyển mà
dư kiến bằng một kỳ khảo sát năng lực để lấy kết quả xét tuyển.
Thật khó để tin rằng
cách làm của TP HCM sẽ có tác dụng làm giảm áp lực thi cử và chống tình trạng
dạy thêm học thêm. Thay một kỳ thi bằng một đợt khảo sát chỉ là tình trạng
“bình mới rượu cũ” mà thôi. Đây là một ví dụ của khả năng “lách luật” mà báo
chí đã đề cập đến, và lo ngại rằng tình trạng này có thể sẽ nảy nở tràn lan
trong đợt tuyển sinh sắp tới.
Phải chăng chúng ta đang
đứng trước một vấn đề quá khó để đưa ra một giải pháp thỏa đáng?
Kinh nghiệm thế giới:
Quan trọng là sự công bằng
Kinh nghiệm của thế giới
cho thấy ở bậc tiểu học và trung học cơ sở - là bậc học phổ cập tại hầu hết các
quốc gia - vấn đề không phải là chất lượng, mà là công bằng về “khả năng
tiếp cận giáo dục” (có chỗ học cho người cần học). Ngành giáo dục phải có trách
nhiệm tạo điều kiện học hành cho tất cả các em ở độ tuổi đi học tại một trường
công lập miễn phí. Mọi sự đầu tư về cơ sở vật chất như sân chơi, phòng học, thư
viện, y tế học đường, và chất lượng của thầy cô đều phải ở cùng một mức ngang
nhau để đảm bảo sự công bằng về cơ hội học hành cho mọi người. Ai muốn cho con
em học trong những điều kiện đặc biệt hơn xin mời chọn một trường tư phù hợp .
Thi tuyển chỉ cần thiết
khi không có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Lúc ấy, việc được nhận vào học miễn
phí trong một trường công lập trở thành một “đặc quyền” chỉ dành cho những
người đã qua một kỳ thi tuyển gắt gao. Vì vậy, kỳ thi tuyển vào lớp 6 chỉ tồn
tại ở những nơi chưa thể phổ cập giáo dục đến hết trung học cơ sở.
Ở miền Nam trước năm
1975, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa giáo dục miễn phí chỉ được phổ cập đến hết
bậc tiểu học. Mọi trẻ em trong độ tuổi đi học đều được học miễn phí trong trường
tiểu học công lập. Tuy nhiên, khi vào trung học ai nếu muốn vào trường công đều
phải trải qua một kỳ thi tuyển gắt gao. Sự tuyển chọn khắt khe này đã tạo ra
danh tiếng của những ngôi trường nổi tiếng một thời, tạo ra một tầng lớp “tinh
hoa” - niềm hãnh diện của nền giáo dục lúc bấy giờ, nhưng đồng thời cũng củng
cố khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, vào đầu
thập niên 1970, chính quyền VNCH đã cố gắng xây dựng thêm một số trường trung
học công lập tại các vùng xa trung tâm Sài Gòn thời bấy giờ. Việc này nhằm giảm
dần áp lực cạnh tranh trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường công lập lớn, tăng
cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi người nhằm giảm bớt bất công.
Kinh nghiệm của Hàn Quôc
có thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp.Quốc gia này trước đây cũng áp dụng kỳ
thi tuyển sinh đầu vào trung học cơ sở rất gắt gao. Kỳ thi này sau đó bị bãi bỏ
vào năm 1969 và thay thế bằng kỳ thi năng lực (tồn tại đến những năm 1980). Điều
đáng nói là kết quả của kỳ thi năng lực sẽ không được sử dụng để chọn học sinh
vào từng trường cụ thể. Học sinh được phân bố về từng khu vực dựa trên nơi cư
trú của các em, còn việc chọn từng học sinh cụ thể được quyết định hoàn toàn
ngẫu nhiên theo kiểu bốc thăm. Như thế sẽ tránh được tình trạng có trường chỉ
toàn học sinh giỏi còn trường khác thì chỉ toàn học sinh yếu kém, góp phần xóa
bỏ cuộc chạy đua ráo riết vào các trường danh tiếng.
Dưới thời Tổng thống
Chun Doo Hwan, một cuộc cải cách giáo dục rất thành công đã được khởi sự vào
năm 1980. Chính ông là người đưa ra lệnh cấm dạy thêm - học thêm, vì nó tạo ra
sự bất bình đẳng về cơ hội học tập giữa người giàu và người nghèo. Ban đầu,
người ta còn tổ chức dạy lén, nhưng trước những biện pháp ngăn cấm khắt khe
(học sinh vi phạm có thể bị đuổi học, giáo viên vi phạm thì bị đuổi việc), nên
đến cuối thập niên 1980, hệ thống trường lớp học thêm đầy tai tiếng của Hàn
Quốc gần như đã biến mất hoàn toàn. Thành công của cuộc cải cách giáo dục này đã
tạo đà cho sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc vào những thập niên sau đó.
Xem xét các trường hợp
vừa nêu, có thê khẳng định sự đúng đắn của quyết định bỏ kỳ thi tuyển sinh vào
lớp 6, và xóa bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Không
có lý do gì để nền giáo dục của một nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục duy trì sự
bất bình đẳng về cơ hội học tập của học sinh. Sự lúng túng của các các
trường/các địa phương xét tuyển xuất phát từ quan niệm giáo dục tinh hoa, trong
đó việc được chọn vào học là một “đặc ân” chỉ dành cho người “xứng đáng”. Chỉ
cần quay lại với mục tiêu đem lại sự công bằng cho mọi người, ta sẽ thấy giải
pháp rất đơn giản: tuyển sinh theo nơi cư trú.
Sự công bằng ấy không cho phép bất cứ một học sinh nào bị tước đi cơ hội học tập trong những điều kiện tốt nhất chỉ vì cha mẹ em không có tiền cho em đi học thêm để chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào một trường công lập (hoạt động bằng ngân sách quốc gia) như ta đang thấy hiện nay. Lập luận của các phụ huynh rằng họ đã bỏ nhiều thời gian, tiền bạc và công sức ra để chuẩn bị cho kỳ thi là một lập luận hoàn toàn sai lầm và không thể đứng vững.
Vậy những người có điều
kiện và sẵn sàng chấp nhận trả mọi chi phí để có được chất lượng giáo dục tốt
hơn cho con em mình thì sao? Câu trả lời thật rõ ràng: Hãy đến với hệ thống tư
nhân. Hệ thống năng động này sẽ biết cách để phục vụ mọi nhu cầu đa dạng của
mọi người, với điều kiện nó có được sự tự do cần thiết để hoạt động. Đến đây,
ta sẽ thấy quyết định của Bộ về việc cấm tất cả mọi trường, kể cả trường tư,
không được tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 là không cần thiết, và thậm chí
không đúng, vì nó sẽ vô tình cản trở tính năng động cần thiết để trường tư phát
triển. Và chính sự phát triển của khu vực tư cũng sẽ giúp cho khu vực công làm
tốt hơn nhiệm vụ của mình, vì nó làm giảm bớt gánh nặng ngân sách để nhà nước
có thể đầu tư tốt hơn cho mục tiêu công bằng cho mọi người trong cơ hội giáo
dục.