http://lamhong.org/2012/03/03/d%E1%BA%A1i-h%E1%BB%8Dc-cao-d%E1%BA%B3ng-c%E1%BA%A7n-d%E1%BA%A1y-cac-ph%E1%BA%A9m-h%E1%BA%A1nh-tri-th%E1%BB%A9c/
Đại học, Cao đẳng cần dạy các phẩm hạnh tri thức
Barry Schwartz and Kenneth Sharpe*
Hãy
thử nhìn vào việc các trường đại học, cao đẳng nêu lên mục đích đào tạo
của họ, bạn sẽ nhận được những câu trả lời có thể dự đoán được. Nào là
dạy sinh viên phương pháp lập luận có phê bình và phân tích; nào là chỉ
cho sinh viên phương pháp viết lách và tính toán; hay truyền đạt cho họ
những kĩ năng cần thiết cho sự tự chủ của họ. Cũng quan trọng như các
mục tiêu vừa nêu, một mục tiêu nền tảng quan trọng thường bị lãng quên,
đó là sự phát triển các phẩm hạnh tri thức mà họ cần thiết để trở thành
những sinh viên và công dân tốt.
Một
vài viện hàn lâm tỏ ra lúng túng với trách nhiệm phát triển đức tính,
và cho rằng đó là trách nhiệm của ai đó (chứ không phải của mình) – nhất
là trong một xã hội đa nguyên ngày nay, một xã hội dường như không mấy
quan tâm đến “đức hạnh” là gì. Họ đã lầm. Thực tế cho thấy, chúng ta
thường khuyến khích sự phát triển này, tuy hơi võ đoán một tí. Chúng ta
sẽ làm tốt hơn nhiều khi dành thời gian suy luận về bản chất thực sự của
các phẩm hạnh tri thức, tầm quan trọng của chúng và cách thức tích hợp
những đức tính đó vào các chương trình giảng dạy của chúng ta.
Yêu mến sự thật
Người
trẻ cần phải yêu mến sự thật để trở thành những học sinh sinh viên tốt.
Nếu không có lòng mộ mến này, họ chỉ tìm kiếm sự đúng đắn vì họ sợ sẽ
bị trừng phạt khi làm gì đó sai trái. Khi một nhóm thiểu số người Mỹ
phản đối sự phát triển và toàn cầu hóa một cách không kiềm chế được, thì
đó là khát vọng tìm kiếm sự thật hơn là sự thật mà người ta công bố.
Trung thực
Học
sinh, sinh viên cần phải trung thực bởi vì điều đó sẽ giúp họ dám đối
mặt với những hạn chế của những điều họ biết, khích lệ họ đương đầu với
những sai lầm cũng như giúp họ dám thừa nhận và chấp nhận những sự thật
“phũ phàng” của thế giới. Hầu hết các trường đại học, cao đẳng ủng hộ
một hình thức trung thực: Không được đạo văn, không được gian lận trong
thi cử. Nhưng dường như người ta ít thấy họ bảo sinh viên của họ, rằng: “Hãy đối diện với sự kém cỏi và sai sót của các bạn” hay “Hãy chấp nhận sự thật đáng ghét này và hãy tìm cách để hạn chế ảnh hưởng của nó thay vì chạy trốn nó”.
Can đảm
Sinh
viên cần can đảm bênh vực cho những điều họ tin là đúng. Cho dù họ sẽ
phải đối diện với sự phản đối mạnh từ những người khác, gồm cả những
người có quyền thế như giáo sư của họ chẳng hạn.
Công bằng
Sinh
viên cũng cần phải công tâm khi đánh giá, nhận xét lập luận của người
khác. Họ cần khiêm tốn đối mặt với những hạn chế và sai lỗi của chính
họ. Họ cần kiên định, vì những tri thức đích thực và có giá trị ít khi
có được một cách dễ dàng. Sinh viên cũng phải là những người biết lắng
nghe bởi vì họ không thể học được điều gì từ người khác nếu họ không
biết lắng nghe. Bên cạnh đó, họ phải có khả năng chấp nhận quan điểm,
lập trường của người khác; nhất là họ phải học cách cộng tác với người
khác trong thời đại này, một thời đại mà hầu hết các công trình quan
trọng và có ý nghĩa đều cần phải có sự cộng tác của nhiều người.
Khôn ngoan
Quan
trọng hơn hết, sinh viên cần cái mà triết gia Aristotle gọi là sự khôn
ngoan thực hành. Khôn ngoan là cái gì đó giúp chúng ta có được sự cân
bằng giữa cái rụt rè và sự táo bạo, giữa sự cẩu thả và nỗi ám ảnh, giữa
tính dở hơi và sự bướng bỉnh, giữa nói ra hay lắng nghe, giữa lòng tin
cậy và sự ngờ vực, giữa cảm thông và thờ ơ, dửng dưng. Khôn ngoan cũng
là một cái gì đó giúp chúng ta đưa ra những quyết định khó khăn khi có
sự giằng co, xung đột giữa các phẩm hạnh tri thức. Cởi mở và công tâm thường gắn liền với sự tín trung với sự thật.
Câu
hỏi đặt ra là làm sao chúng ta (giáo viên) phát triển các phẩm hạnh tri
thức cho sinh viên? Trên thực tế, chỉ có một vài trường đại học, cao
đẳng cân nhắc điều này một cách nghiêm túc và có phương pháp. Aristotle
thẳng thắn chỉ ra rằng nhân cách và sự khôn ngoan đều lớn lên thông qua thực tiễn, cũng như bằng việc quan sát cách ứng xử của những bậc thầy đạo đức. Một vài giảng viên đã đúc kết các kinh nghiệm giáo dục để thực hành điều này một cách đúng đắn.
Hãy
cùng xem phương thức nghiên cứu giáo dục trong Chương trình Tri thức là
Sức Mạnh (KIPP) thực hiện tại các trường tiểu học ở một số khu vực nội ô
nghèo; các trường này đang giảng dạy cho hàng ngàn học sinh. KIPP nhận
ra rằng phát triển các kĩ năng học thuật phải đi đôi với việc phát triển
nhân cách. Với những đức tính như kiên trì, trung thực và các phẩm hạnh
tri thức khác mà chúng tôi đã mô tả như là những phần chính yếu trong
chương trình giảng dạy, thì các học sinh KIPP có thể đạt được kết quả
tốt ở các môn Toán, Tiếng Anh và Khoa học. Những đức tính trí thức này
không chỉ đơn thuần là những giá trị được truyền bá. Các giáo viên phải
làm việc cật lực và có ý thức để tìm ra phương lối phù hợp để sống các
đức tính đó mỗi ngày; bởi vì các học sinh sẽ nhìn vào họ như là khuôn
mẫu cho chúng. Chẳng hạn như, để dạy cho các em học sinh lớp I tầm quan
trọng của sự lắng nghe và cách thức để lắng nghe, các giáo viên KIPP
nhìn chăm chú vào em học sinh đang nói và gật đầu bằng lòng với những gì
em đang nói.
Vào
cuối khóa của một liên thể hàn lâm, các bác sĩ của Trường Y Khoa
Harvard là Barbara Ogur và David Hirsch thiết kế lại chương trình học
của năm III tại bệnh viện cộng đồng ở Cambridge, Mass, cốt để phát triển
nhân cách tốt hơn. Một trong những mối bận tâm của họ là chiến đấu
chống lại sự tha hóa lòng vị tha, cảm thông của đa số sinh viên và dạy
cho sinh viên biết suy xét và hiểu được người khác. Thay vì thay đổi
giáo trình dạy học, họ lại thay đổi cách mà sinh viên, giáo viên và
người bệnh giao thiệp với nhau. Thay vì lệ thuộc vào những lần gặp gỡ
vội vàng, bàng quan tại các khu bệnh viện ồn ào, các sinh viên được phân
tới các phòng khám tư hàng ngày trong mối liên hệ gần gũi với bác sĩ
hướng dẫn thực tập; đồng thời, mỗi sinh viên phải làm việc với 15 bệnh
nhân trong suốt một năm. Mục đích là để giúp sinh viên đúc kết kinh
nghiệm học tập nhờ việc đồng thời được dạy các kĩ năng chuyên môn và
được khích lệ để đạt tới sự trưởng thành về các đức tính cảm thông,
khiêm tốn, can đảm, nhẫn nại, sự cảm nhận và suy tư.
Các
giáo viên của hai chương trình Cambridge và KIPP thực hiện công việc
bằng cách thiết kế những điều mà các giáo sư đại học cũng đã làm, có lẽ
là một cách tình cờ. Những câu hỏi mà chúng ta (giáo viên) nêu lên trong
lớp phải là cái gì đó giúp sinh viên biết cách đặt câu hỏi. Rồi cả cách
thức chúng ta tiếp tục cuộc đối thoại với các em làm khuôn mẫu cho sự
suy tư. Các em sẽ để ý tới những người được chúng ta thăm nom hoặc không
được chăm nom, để các em học đức tính công bằng. Chúng ta dạy cho các
em khi nào thì nên ngắt lời ai đó cũng như ngắt lời như thế nào bằng
cách ngắt lời và thời điểm ngắt lời của chính chúng ta. Và chúng ta cũng
dạy các em biết lắng nghe người khác khi chúng ta cẩn thận lắng nghe
các em. Đồng thời, nếu các em tận mắt thấy chúng ta thừa nhận những gì
chúng ta không biết, lúc đó, chúng ta đã cổ vũ cho đức tính trung thực
và khiêm nhượng. Giáo viên luôn luôn là khuôn mẫu, là mô phạm. Và học
sinh, sinh viên sẽ luôn luôn quan sát để bắt chước. Giáo viên cần phải
là những khuôn mẫu tốt, khuôn mẫu lý tưởng.
Ngày
nay, nền sản xuất dây chuyền đã “lọt” vào nền giáo dục đại học, cao
đẳng và đang chi phối hầu hết các trường, các học viện. Các trường dường
như chỉ chú tâm vào việc truyền thụ “đủ” kiến thức cho người học, mà
lại lờ đi việc nuôi dưỡng các phẩm hạnh tri thức. Một khi sinh viên thờ ơ
với những phẩm hạnh tri thức trong kinh nghiệm giáo dục của họ, thì họ
cũng sẽ thờ ơ với các đức tính đó trong chính bản thân mình khi họ hướng
tới cuộc sống của những người trưởng thành như các giáo viên và các
công chức nào đó. Việc giáo dục các phẩm hạnh tri thức cho các sinh viên
đại học, cao đẳng xem ra sẽ hiệu quả như giảng dạy môn đạo đức kinh
doanh cho những thạc sĩ quản lý kinh doanh (MBA).
Các
phẩm hạnh tri thức không phải là sự thay thế cho các kĩ năng thuộc
chuyên môn. Chúng ta, những giáo viên phải lấp cái “bình” rỗng. Không ai
dám chọn một bác sĩ giải phẫu tim mạch với đầy ắp những đức tính như
yêu mến sự thật, trung thực và nhẫn nại mà lại không biết gì về giải
phẩu học và sinh lý học. Nhưng cần lắm thay các phẩm hạnh tri thức để đổ
đầy cái bình đó.
*
Barry Schwartz là giáo sư môn lý thuyết xã hội và hành vi xã hội.
Kenneth Sharpe là giáo sư môn khoa học chính trị. Cả hai đang làm việc
tại Đại học Swarthmore. Họ là tác giả của quyển sách Khôn Ngoan Thực
Hành: Con Đường Thích Hợp Để Làm Điều Đúng Đắn (NXB Riverhead, 2010).
Người dịch Phaolô Phạm Đình Lợi
Nguồn: http://chronicle.com/article/Colleges-Should-Teach/130868/
No comments:
Post a Comment