Monday, March 30, 2015

Giải pháp nào cho tuyển sinh lớp 6? (Bài đã đăng trên báo Nhân Dân 29/3/2015)

Chủ nhật, 29/03/2015 - 10:58 AM (GMT+7) 
Cuộc đua giành một suất học tại Trường THCS Hà Nội - Amsterdam luôn nóng bỏng, với số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển cao gấp hàng chục lần chỉ tiêu tuyển sinh. 
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ra công văn gửi các sở, ngành địa phương tái khẳng định chủ trương "tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 6". Ngay lập tức, nhiều cơ sở giáo dục (CSGD) có lượng hồ sơ dự tuyển vượt quá nhiều lần chỉ tiêu đã bày tỏ sự hoang mang vì chưa tìm ra phương pháp tuyển sinh thay thế phù hợp.

Sẽ "lách luật" tràn lan...
Việc bỏ kỳ thi tuyển sinh lớp 6 đang gây ra tình trạng lúng túng của nhiều CSGD cũng như tâm trạng hoang mang cho nhiều phụ huynh, học sinh. Theo giải thích của Bộ GD- ĐT, quyết định này nhằm giảm bớt một kỳ thi cho học sinh, chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, đồng thời nghiêm túc thực hiện chủ trương xóa bỏ các trường chuyên, lớp chọn trong các trường tiểu học và THCS.

Rõ ràng, chủ trương bỏ thi tuyển sinh lớp 6 là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, với mục tiêu phổ cập giáo dục của Việt Nam, và phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em. Dư luận cho thấy hầu hết các đối tượng có liên quan đều đồng tình và ủng hộ với chủ trương bỏ thi. Nhưng nếu không tổ chức thi, thì các trường vốn vẫn dựa vào kỳ thi để tuyển chọn học sinh thì nay sẽ tuyển sinh như thế nào?
Công văn của Bộ gửi đến các sở đã nêu rõ quan điểm về vấn đề này: Các trường THCS có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh cần dựa vào quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh gửi lên sở GD-ĐT địa phương để được hướng dẫn cụ thể. Nhưng chính các sở có lẽ cũng đang lúng túng để tìm một phương án thay thế. Nhiều nơi hiện không biết phải làm gì hơn là chờ đợi Bộ đưa ra những hướng dẫn cụ thể.

Một số địa phương đã đưa ra phương án thay thế cho kỳ thi tuyển sinh. Mới đây, báo chí đã đưa tin Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh thông báo phương án tuyển sinh dự kiến của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là dựa trên bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh, trong đó có thể tích hợp kiến thức của các môn tự nhiên và xã hội. Như vậy, để chấp hành "lệnh cấm" của Bộ, TP Hồ Chí Minh không tổ chức thi tuyển mà dự kiến bằng một kỳ khảo sát năng lực để lấy kết quả xét tuyển.

Thật khó để tin rằng cách làm này sẽ có tác dụng làm giảm áp lực thi cử và chống tình trạng dạy thêm, học thêm. Thay một kỳ thi bằng một đợt khảo sát chỉ là tình trạng "bình mới rượu cũ" mà thôi. Đây là một thí dụ của khả năng "lách luật" mà báo chí đã đề cập đến, và lo ngại rằng tình trạng này có thể sẽ nảy nở tràn lan trong đợt tuyển sinh sắp tới.

Phải chăng chúng ta đang đứng trước một vấn đề quá khó để đưa ra một giải pháp thỏa đáng?

Quan trọng là sự công bằng
Kinh nghiệm của thế giới cho thấy ở bậc tiểu học và THCS - là bậc học phổ cập tại hầu hết các quốc gia - vấn đề không phải là chất lượng, mà là công bằng về "khả năng tiếp cận giáo dục" (có chỗ học cho người cần học). Ngành giáo dục phải có trách nhiệm tạo điều kiện học hành cho tất cả các em ở độ tuổi đi học tại một trường công lập miễn phí. Mọi sự đầu tư về cơ sở vật chất như sân chơi, phòng học, thư viện, y tế học đường, và chất lượng của thầy cô đều phải ở cùng một mức ngang nhau để bảo đảm sự công bằng về cơ hội học hành cho mọi người. Ai muốn cho con em học trong những điều kiện đặc biệt hơn xin mời chọn một trường tư phù hợp.

Có thể khẳng định sự đúng đắn của quyết định bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6, và xóa bỏ trường chuyên lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS.

Không có lý do gì để nền giáo dục của một nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục duy trì sự bất bình đẳng về cơ hội học tập của học sinh. Sự lúng túng của các trường/các địa phương xét tuyển xuất phát từ quan niệm giáo dục tinh hoa, trong đó việc được chọn vào học là một "đặc ân" chỉ dành cho người "xứng đáng". Chỉ cần quay lại với mục tiêu đem lại sự công bằng cho mọi người, ta sẽ thấy giải pháp rất đơn giản: tuyển sinh theo nơi cư trú.

Vậy những người có điều kiện và sẵn sàng chấp nhận trả mọi chi phí để có được chất lượng giáo dục tốt hơn cho con em mình thì sao? Câu trả lời thật rõ ràng: Hãy đến với hệ thống trường tư. Hệ thống năng động này sẽ biết cách để phục vụ mọi nhu cầu đa dạng của mọi người, với điều kiện nó có được sự tự do cần thiết để hoạt động.

Đến đây, ta sẽ thấy quyết định của Bộ về việc cấm tất cả các trường, kể cả trường tư, không được tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 là không cần thiết, và thậm chí không đúng, vì nó sẽ vô tình cản trở tính năng động cần thiết để trường tư phát triển. Và chính sự phát triển của khu vực tư cũng sẽ giúp cho khu vực công làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, vì nó làm giảm bớt gánh nặng ngân sách - giúp nhà nước có thể đầu tư tốt hơn cho mục tiêu tạo công bằng về cơ hội giáo dục cho mọi người.

VŨ THỊ PHƯƠNG ANH

No comments:

Post a Comment