Wednesday, June 11, 2014

Ông Phạm Vũ Luận: Sinh viên thất nghiệp là thực tế khách quan (Tuổi Trẻ, 11/6/2014)

Ông Phạm Vũ Luận: sinh viên thất nghiệp là thực tế khách quan



TTO - Đến bao giờ những yếu kém trong giáo dục mới được khắc phục, làm sao khắc phục căn bệnh thành tích, đào tạo xa rời thực tế... là những vấn đề nóng mà đại biểu đang chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo.




Sau khi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng kết thúc phần trả lời, các đại biểu đã bắt đầu chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận. 


Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào những việc: cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều loại hình đào tạo nhưng chất lượng đào tạo thấp, không phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội; việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình sách giáo khoa; công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo.

Đại biểu "không hài lòng"


Những vấn đề tồn tại, gây bức xúc trong giáo dục hiện nay như đào tạo đại học, cao đẳng bất hợp lý dẫn đến hàng chục ngàn sinh viên ra trường thất nghiệp, tình trạng bệnh thành tích trong dạy học phổ thông, việc đổi mới giáo dục, sách giáo khoa... tiếp tục được các đại biểu đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải có trả lời.


Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời về căn bệnh thành tích trong giáo dục - dù trong văn bản trả lời của Bộ trưởng gửi đến các đại biểu QH trước đó đã có nói nhưng bà Thủy nói "không hài lòng", đề nghị Bộ trưởng trả lời thêm. 


Tình trạng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng không đọc thông viết thạo, không chỉ tồn tại ở vùng sâu mà cả ở các vùng khác. Việc này phải chăng do căn bệnh thành tích trong giáo dục, lúc nào cũng muốn kết quả đánh giá học sinh là khá giỏi - bà Thủy đặt vấn đề.

Trách  nhiệm của Bộ trưởng ra sao? Tỉ lệ học sinh khá giỏi quá nhiều hiện nay có phản ánh đúng chất lượng đào tạo hay không?

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm của Yên Bái


ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) và Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) nêu thực trạng đáng buồn hiện nay là hơn 72.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hiện nay là do đào tạo bất hợp lý - triển khai tràn lan các trường ĐH nhưng chủ yếu đào tạo khoa học, xã hội mà không đào tạo về khoa học - kỹ thuật. 

Điều này làm méo mó cung cầu lao động. Bộ có biện pháp gì?


Bà Thùy cũng chất vấn đề việc bỏ điểm sàn đại học vừa qua liệu có khiến cho chất lượng đào tạo đại học tiếp tục đi xuống  vì các cơ sở đào tạo không quan tâm chất lượng đầu ra trong khi đầu vào quá thấp. Tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường sẽ còn tăng cao? 


Bộ có đề ra các nhóm giải pháp, nhưng "Đến năm nào thì hạn chế yếu kém của ngành giáo dục sẽ chấm dứt?", đại biểu đặt câu hỏi.



Không bắt buộc thi ngoại ngữ là đột phá


Hai đại biểu khác là đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) và Phạm Thị Hải (Đồng Nai) chất vấn vì sao Bộ cho thi tốt nghiệp THPT trong đó ngoại ngữ chỉ là môn tự chọn, điều này có đi ngược lại với quyết định về tăng cường trình độ ngoại ngữ của học sinh, trái với xu hướng hiện nay và khả năng gây lãng khí cho đề án đã đầu tư?


Về việc không quy định ngoại ngữ (tiếng Anh) là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng đó là một trong những nội dung thay đổi trong chủ trương thi cử là khâu đột phá trong cải cách giáo dục. 


Theo Bộ trưởng chủ trương tăng cường khả năng ngoại ngữ cho học sinh là cần thiết, là phù hợp nhưng thời gian qua chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường có nhiều tồn tại.


"Cách dạy ngoại ngữ tại trường học của chúng ta hiện nay không giống ai. Giáo viên chủ yếu dạy ngữ pháp dẫn đến tình trạng học sinh tốt nghiệp mà không biết nói Tiếng Anh, người ta nói cũng không biết nghe. Trình độ giáo viên ngoại ngữ các trường chưa đạt chuẩn - học sinh học trung tâm thì giỏi nhưng khi trả lời thì cô lại nói là sai", bộ trưởng nói.


Trong khi chưa đổi mới, chưa thay đổi được phương pháp dạy thì chưa nên quy định ngoại ngữ là môn thi bắt buộc - Bộ trưởng giải thích. Trước tiên, ngành giáo dục đang thực hiện chương trình thay đổi toàn diện chương trình giảng dạy, sách giáo khoa, sẽ thiết kế chương trình giảng dạy cho phù hợp. 


Bộ trưởng cũng trả lời vì sao Bộ chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá. Kết quả đợt thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đã có nhữngg thay đổi căn bản. Từ chỗ ra đề thi chỉ là kiểm tra kiến thức thuộc lòng thì giờ đề thi là kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đó của học sinh. 


Từ việc kiểm tra kiến thức của một vài bài học đến việc yêu cầu học sinh tổng hợp kiến thức đã học, cả kiến thức xã hội, kiến thức pháp luật, đạo đức công dân... trong đề thi. Việc đổi mới thi cử này, theo Bộ trưởng là đã khiến các học sinh hứng khởi làm bài, làm tốt. 


Cũng từ kết quả đổi mới thi cử vừa rồi, cho phép chúng ta thay đổi việc học theo lối truyền thụ kiến thức, sang huấn luyện kỹ năng, ông Luận trả lời.
.

Lo lắng chất lượng sinh viên khi ra trường


Nhiều đại biểu đặt vấn đề chất lượng đào tạo thấp, sinh viên ra trường không có việc làm, gây lãng phí trong đào tạo. Bộ nhận trách nhiệm vể việc này là đáng ghi nhận nhưng vấn đề là hướng xử lý như thế nào?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận có việc này. Ông cho biết mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ, trong 5 năm chúng ta có 2.000.000 người tốt nghiệp. Trong số thống kê có hơn 72.000 có bằng tốt nghiệp CĐ-ĐH không có việc làm, tỉ là là 3,6%, có thực trạng như vậy. 


Vấn đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề của thị trường lao động. Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo và việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi anh học ngành nghề gì là do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp anh làm việc ở đâu là do Nhà nước chỉ định.


Khi sang cơ chế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế. Và khi hình thành thị trường lao động và ngày càng phát triển thì độ chênh và sự không khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan.

Một phần các bộ, các cở sở đào tạo có trách nhiệm trong việc này. Các Bộ có trách nhiệm phối hợp xử lý việc này để làm sao có chất lượng hơn, cảnh báo chỗ nào thiếu, chỗ nào thừa.


Về phân luồng, theo con số thống kê, phân luồng có hiệu quả tốt. Bộ GD- ĐT đã kết hợp Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã bàn về việc phân luồng và sẽ có thống kê về việc phân luồng này


Bộ cũng chú trọng thay đổi chương trình, đẩy mạnh liên kết quốc tế để cải thiện chất lượng đào tạo.


Về cơ bản sẽ không thành lập thêm các trường mới nữa trừ những trường đã có chủ trương và thật sự cần thiết.


Hiện tại Bộ đang tiến hành rà soát lại những quy hoạch hiện nay. Những trường nào đã được cấp phép nhhưng chưa triển khai, chưa hoạt động, Bộ sẽ thu hồi giấy phép. 


Vẫn sẽ tiếp tục đổi mới thi cử


Đại biểu Đàng Thị Mỹ Nương (Ninh Thuận) chất vấn kỳ thi tốt nghiệp THPT đã nhiều lần thay đổi cách tổ chức. Năm 2013, đã rút từ 6 môn thi xuống còn 4 môn, trong đó học sinh được chọn 2 môn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và Cao đẳng, đại học rất tốn kém. Thời gian tới có đổi mới thi cử nữa không, khi nào còn 1 kỳ thi và kỳ thi đó diễn ra như thế nào?

Đại biểu Đặng Thị Mỹ Nương của Ninh Thuận- Ảnh: Việt Dũng


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết về thay đổi cách thức tổ chức kỳ thi, Bộ sẽ có những điều chỉnh tiếp tục để nội dung kiểm tra sát với năng lực học sinh nhưng sẽ là những thay đổi phù hợp, không gây sốc.

Về việc có tiến tới 1 kỳ thi, việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ tiến tới lộ trình cho 1 kỳ thi. Bộ đã có tính toán và báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về lộ trình này.


Bộ trưởng "không kiểm soát được tình hình" vụ 34.000 tỉ


Về đề án đổi mới sách giáo khoa, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) nói dù Bộ trưởng đã trả lời chất vấn trước đó bằng văn bản nhưng ông vẫn thấy cần hỏi thêm vì dư luận cho rằng Bộ trưởng "không kiểm soát được tình hình" trong vụ Bộ giáo dục và đào tạo trình UBTV Quốc hội đề án về đổi mới sách giáo khoa với chi phí trên 34.000 tỉ đồng làm xôn xao dư luận.


Ông Huệ nói: Dù nói là một con số khái toán, nhưng đó là con số do một thứ trưởng được Bộ trưởng ủy quyền ra phát ngôn. Nhưng Bộ trưởng lại nói đây không phải là con số chính thức của Bộ - nói Bộ trưởng "không kiểm soát được" là vì vậy. 


Thứ hai, ông Huệ cho rằng nếu nói Bộ chưa có con số cụ thể thì một đề án trình ra UBTV Quốc hội mà lại không trình bày được con số, kinh phí thực hiện đề án thì chắc chắn đây là đề án chưa chuẩn xác, chưa đúng, chưa đầy đủ - đã trình ra Ủy ban TVQH. Lý do giải thích của Bộ trưởng là chưa có sức thuyết phục.

Ông Huệ hỏi thêm "Vậy chừng nào Bộ trưởng mới trình dự án này ra UBTV Quốc hội để nâng cao và khắc phục yếu kém của ngành giáo dục?"

ĐB Hồ Minh Huệ: không phải 34.000 tỉ đồng thì là bao nhiêu?


Tự chủ tài chính của trường đại học: chậm quá không?


Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM), trong giải pháp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, thì Bộ có đưa nhóm giải pháp nhiều vấn đề, trong đó có 3 nhóm công tác lớn. Vậy Bộ có chọn giải pháp nào là đột phá để giải quyết hay dàn hàng ngang? Khâu nào là then chốt, tạo sự chuyển biến?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.HCM)


Về chất lượng đào tạo hệ ĐH còn thấp, Bộ có đánh giá là thiếu cơ chế thu hút nguồn lực của toàn xã hội. Để giải quyết việc này, Bộ có nêu về việc tự chủ tài chính cho các trường đại học, cao đẳng và hiện nay Bộ xây dựung đề án thí điểm thí điểm tự chủ tài chính của 4 trường đại học trình Quốc hội, trong đó cho tính giá dịch vụ cho các trường đại học. 


Lộ trình và giải pháp như vậy liệu có chậm quá không? Trách nhiệm của Bộ trưởng việc này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) chất vấn: Có quá nhiều bất cập và nghịch lý trong đào tạo và sử dụng những người có bằng tiến sĩ. Nước ta nhiều tiến sĩ nhất khu vực nhưng lại là nơi có ít bài viết khoa học quốc tế nhất. Bằng tiến sĩ vẫn được như một ưu tiên riêng để bổ nhiệm. Quan điểm giải pháp của Bộ trưởng?



Về vấn đề sử dụng văn bằng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị để Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời sẽ thuận hơn.


Về chất lượng đào tạo, liên quan đến đến chất lượng đào tạo đại học nói chung, trong đó có chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, người đứng đầu Bộ GD- ĐT đồng tình với ý kiến đại biểu phản ánh: chất lượng chưa tương xứng với văn bằng.


Để giải quyết việc này, Bộ có những giải pháp sau:


Chấn chỉnh hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngoài cơ sở chính của nhà trường. Việc này trước đây diễn ra khá phổ biến. Bộ quyết định những trường nào đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thì chỉ được tổ chức đào tạo tại cơ sở chính, tại trụ sở của trường, không được đưa xuống địa phương để đào tạo. 

Trừ những trường hợp cá biệt, một số địa phương vùng sâu vùng xa cần đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, có thể sẽ có xem xét nhưng chủ trương chung là sẽ tiếp tục việc chấm dứt đào tạo ngoài trụ sở của nhà trường.


Thứ hai là số lượng, chỉ tiêu đào tạo được điều chỉnh giảm đi và gắn với tiêu chuẩn chất lượng được nâng lên.

Thứ ba là ban hành quy chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mới. Đến nay thì quy chế đào tạo thạc sĩ đã có hiệu lực nhưng quy chế đào tạo tiến sĩ vẫn chưa có hiệu lực. Sắp tới sẽ đào tạo theo hướng nâng cao chất lượng. 

Cụ thể là phần bổ túc kiến thức cập nhật so với thành tựu khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực đầo tạo được nâng cao; chất lượng luận án được nâng cao, trách nhiệm người học cũng phải nâng lên, trách nhiệm của người hướng dẫn, người phản biện, cơ sở đào tạo phải chuẩn, nếu anh làm tốt sẽ được ghi nhận và khen thường.


Phối hợp các cơ sở đào tạo nước ngoài có chất lượng, công nghê mới để kết hợp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Mời các chuyên gia đầu ngành các trường đại học danh tiếng sang để cùng hướng dẫn, giảng dạy.


Tăng cường thanh tra, kiểm tra, và xử lý nghiêm minh những sai phạm nếu phát hiện.
T.MAI - C.MA

No comments:

Post a Comment