Thursday, June 12, 2014

Đo lường việc "học sâu" (deep learning) như thế nào?

Có một bài viết cách đây hơn một tháng trên trang Mindshift (Dịch chuyển tư duy) mà theo tôi thì tất cả các giáo viên phổ thông, các nhà sư phạm (đào tạo giáo viên), các chuyên viên về khảo thí của các Sở và Bộ Giáo dục, và cả lãnh đạo ngành giáo dục nữa, đều cần đọc.Đó là bài More progressive ways to measure deeper levels of learning, có thể đọc ở đây: http://blogs.kqed.org/mindshift/2014/04/more-progressive-ways-to-measure-deeper-level-of-learning/.

Tại sao lại phải đọc bài này? Ai cũng biết là một trong những vấn đề lớn (nan giải!) của giáo dục VN hiện nay là vấn đề học vẹt, mà tiếng Anh gọi là "học cạn" (shallow learning), khiến cho người học luôn rơi vào tình trạng "trả chữ cho thầy" sau khi xong học xong, thi xong và lấy đủ các điểm  số cần thiết để ra trường. Mà nguyên nhân chính, nếu không phải là nguyên nhân duy nhất, của tình trạng này, chính là do cách thi cử quá nhấn mạnh đến kiến thức có được do học thuộc lòng. Vì vậy, muốn thay đổi tình trạng học vẹt thì trước hết phải thay đổi cách thi cử, kiểm tra đánh giá, đó là điều mà Bộ Giáo dục đã ý thức được rất rõ và đang chỉ đạo toàn quốc phải đổi mới.

Chỉ có điều, ý thức là một chuyện còn có làm được hay không thì lại là một chuyện khác. Tôi thì tôi cho rằng việc đổi mới thi cử kiểm tra đánh giá ở VN sẽ rất khó khăn và lâu dài, chứ không thể chỉ bằng ý thức của mọi người về việc cần thay đổi, cộng với quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo sâu sát vv của Bộ mà có thể xảy ra được. Đơn giản là vì cách thi cử kiểu học thuộc lòng đã quá ăn sâu vào cái văn hoá học đường của VN từ lâu quá rồi, ít nhất là mấy trăm năm nay, từ thời phong kiến khi VN vẫn còn phải học chữ Hán, một loại ngôn ngữ rất khó học và không có cách học nào khác (ít ra là thời gian đầu) hơn là học thuộc lòng - vì rõ ràng là muốn học chữ Hán thì phải viết đi viết lại thuộc lòng từng chữ, có vậy thôi, chứ còn cách nào khác nữa đâu!

Chính vì thiếu kinh nghiệm nên chúng ta cần phải học hỏi của thế giới. Tất nhiên học thì phải hành, nên chưa chắc đọc xong đã làm được, nhưng ít ra nó sẽ giúp ta thay đổi cách nghĩ (mindshift mà!). Vì bài viết bằng tiếng Anh nên có thể khó cho một số người không đọc được trực tiếp, nên tôi giới thiệu lại những ý chính ở đây bằng lời của tôi, kèm những bình luận khi có thể hoặc khi có hứng!

1. Sử dụng rubrics (thang mô tả)

Trước hết, cần giải thích rubrics hay "thang mô tả" trong tiếng Việt. Có thể hiểu về rubrics như thế này: Nó là một thang điểm nhưng không chỉ là những con số lạnh lùng như 3, 5, 8, hoặc 10 thường khiến cho người học thắc mắc (Tại sao bài của em làm tốt như thế này mà chỉ được 5 điểm? Tại sao bạn ấy giống ý của em mà lại được 8, ví dụ thế). Mà kèm theo từng mức điểm là phần giải thích ý nghĩa của số điểm ấy. Ví dụ: 5 điểm = nêu được một số ý chính trong bài; ngôn ngữ diễn đạt có thể hiểu được dù còn khá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. 8 điểm = nêu trọn vẹn các ý chính trong bài; ngôn ngữ diễn đạt trôi chảy, thuyết phục; có một vài nhận định riêng, độc đáo. Đại khái thế.

Việc sử dụng thang mô tả như trên sẽ giúp cho học sinh rất nhiều, vì họ hiểu được tại sao họ chỉ được 5 chứ không phải là 8 điểm, và còn cần phải tập trung cải thiện những gì nếu muốn đạt điểm cao hơn. Đây là một kỹ thuật trong đánh giá đã được áp dụng rộng rãi ở các nước tiên tiến nhưng chưa được áp dụng tại VN. Tôi hy vọng là đợt cải cách lần này sẽ đưa rubrics vào áp dụng rộng rãi. Tất nhiên có thể cần có nhiều đợt tập huấn, hỗ trợ giáo viên, nhưng đó lại là chuyện khác sẽ không bàn ở đây.

2. Đánh giá khi cần

Ở VN mọi việc thi cử đều có trong kế hoạch định sẵn. Trong vòng bao nhiêu lâu thì phải có điểm 15', bao lâu thì kiểm tra 1 tiết, rồi thi cuối học kỳ vv. Nhưng như thế chưa đủ. Giáo viên cần phải đánh giá ngay lúc cần thiết, ví dụ sau khi học một bài quá khó và học sinh có vẻ chưa nắm được một số vấn đề để có thể học bài sau đó. Điều này rất cần thiết cho cả thầy lẫn trò, và có tác động trực tiếp đến việc học của học sinh. Nếu bài học khó chưa được nắm vững mà giáo viên cứ đi tiếp thì rõ ràng là sự tiếp thu của học sinh sẽ giảm đi, dẫn đến việc mất căn bản vv, một tình trạng phổ biến ở VN và khiến cho học sinh phải bỏ nhiều thời gian tiền bạc và công sức để đi học thêm.

Tất nhiên để cho giáo viên đánh giá khi cần là việc rất khó làm trong một hệ thống được kiểm soát chặt chẽ như ở VN, đồng thời cũng tạo thêm công việc cho giáo viên vì phải làm thêm những bài test nằm ngoài kế hoạch. Giải pháp: Khuyến khích nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên có thể lựa chọn để làm bài đọc thêm hoặc bài kiểm tra khi cần thiết; và giao thêm quyền tự chủ về chuyên môn đến các trường, bộ môn và giáo viên. (Chắc là không khó, hay là tôi đang lạc quan quá?)


3. Sử dụng PISA ở cấp trường

Đề xuất này chắc là Bộ Giáo dục rất thích đây, vì Bộ cũng đang khuyến khích điều này. Tôi cũng đồng ý, với một điều kiện: Chúng ta hãy xem PISA là một công cụ có thể cung cấp cho chúng ta thông tin THỰC về hiện trạng, chứ đừng xem nó như thành tích cần đạt và vì thế phải chạy theo học, luyện gà vv sao cho đạt được thành tích cao nhất. Nếu chúng ta dùng đúng cách thì PISA có thể có tác động dội ngược phù hợp vì bài test này quả thật có chú trọng đến tư duy phân tích, tổng hợp, phản biện vv của học sinh chứ không chỉ kiến thức sách vở đơn thuần.

4. Sử dụng các hình thức "đánh giá chân thực" (authentic assessment)

Cũng cần định nghĩa authentic assessment mà tôi tạm dịch là đánh giá chân thực. Lấy ví dụ trong ngoại ngữ: nếu ở ngoài đời người ta cần sử dụng tiếng Anh khi đi khám bệnh, mua hàng, đi du lịch, vào khách sạn, nhà hàng, thì trong bài thi cũng sẽ phải có những tình huống tương tự để đạt được "độ chân thực" cao nhất có thể được. Kiểm tra theo cách này không dễ và đặc biệt khó chấm vì có quá nhiều kỹ năng đóng góp cho việc thực hiện thành công một bài thi (không chỉ giỏi tiếng Anh nói chung, mà còn hiểu về bối cảnh ví dụ khi đi vào khách sạn thì sẽ có những thủ tục gì ...), nhưng chính hình thức đánh giá chân thực sẽ giúp người học "học sâu" và nhớ lâu vì họ được tham gia vào những hoạt động có ý nghĩa. Cách đánh giá này hình như ở Vn vẫn còn rất hiếm, nếu không kể môn tiếng Anh do ảnh hưởng cách thi cử của nước ngoài.
------
Bốn lời khuyên nói trên có vẻ rất hợp lý, đúng không các bạn, và cũng có vẻ đơn giản, nhưng chắc chắn là không dễ thực hiện được ở VN, trừ phi có những thay đổi mang tính đột phá ở các cấp quản lý bên trên. Chẳng biết đến bao giờ thì VN có thể thực hiện được 4 lời khuyên ở trên, nhỉ?



No comments:

Post a Comment