Tuesday, April 1, 2014

Thư ngỏ gửi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội



Thư ngỏ gửi Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Kính thưa ông Hiệu trưởng,

Trước hết, tôi xin lỗi đã đường đột gửi thư đến ông và xin phép được tự giới thiệu. Tôi là Vũ Thị Phương Anh, hiện là một người nghiên cứu độc lập về giáo dục đại học, trước đó đã có 28 năm làm việc trong các trường đại học công lập, trong đó 20 năm làm việc tại trường ĐH KHXH-NV tại TP HCM với các chức vụ cao nhất lần lượt là Phó Khoa Ngữ Văn Anh, Phó Phòng Quản lý khoa học và Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Du học, sau đó là 8 năm làm việc tại Đại học Quốc gia TP HCM với chức vụ cao nhất là Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo. Tôi rất tiếc là đã phải dùng cách thức thô thiển này để gửi ý kiến của tôi đến ông, do tôi không biết làm cách nào để thông tin có thể đến với ông một cách nhanh chóng hơn. Vì tôi tin rằng sự việc đã đến lúc rất cần có ý kiến chính thức của ông.

1. Như ông có thể đã biết, sự việc liên quan đến luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan (thường được biết đến với bút danh Nhã Thuyên, sau đây xin gọi là Nhã Thuyên) đã làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước hơn 9 tháng qua, kể từ lúc những bài phê bình đầu tiên về nội dung cuốn luận văn này của ông Nguyễn Văn Lưu và một số người khác được đăng lần đầu trên báo chí chính thống vào khoảng tháng 6/2013. Đã có rất nhiều đồn đoán về một cuộc đấu đá nội bộ núp bóng khoa học đang diễn ra trong ngôi trường mà ông đang là đại diện, mà Nhã Thuyên và những người có liên quan chỉ là cái cớ để những thực hiện vụ thanh toán ấy.

2. Những lời đồn đoán ấy sau đó được dư luận tin là vô căn cứ, vì không có bất cứ việc gì xảy ra cho những người có liên quan. Vì vậy, việc ông chọn thái độ im  lặng và không hề quan tâm đến các tin đồn vào thời điểm ấy là một chọn lựa đúng đắn. Chẳng cần bất cứ lời thanh minh, cải chính nào từ trường ĐHSP Hà Nội, những lời đồn đại đầy thành kiến nhưng không có căn cứ ấy tự đến rồi tự đi, như một cơn mưa bóng mây, không hề khuấy động đến ngôi trường nơi người ta đang đưa ra những tin đồn ác ý, và không thể làm vấy bẩn môi trường học thuật thanh khiết vốn có của nhà trường.


3. Thế nhưng những diễn biến gần đây khiến cho những lời đồn đoán cách đây 9 tháng lại nở rộ hơn bao giờ hết. Rất đáng ngại là những gì người ta đã đoán trước đây dường như đang diễn ra. Trước hết, người hướng dẫn LV của Nhã Thuyên, PGS TS Nguyễn Thị Bình, được cho về hưu một cách bất thường mà không có lời giải thích nào thỏa đáng, dù cô Bình đã có lời chính thức "kêu cứu" trên báo. Đáng lo ngại hơn, sau đó báo chí lề trái đã đưa ra bức ảnh chụp một phần của một văn bản được cho là từ Ban Tuyên giáo, trong đó yêu cầu báo chí lề phải không đưa thông tin trái chiều về việc Nhã Thuyên  bị tước bằng thạc sĩ.

4. Sự xuất hiện của thông tin về chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đã như một luồng gió tiếp sức cho đám cháy rừng, làm cho dư luận xôn xao hơn bao giờ hết với một loạt câu hỏi: Phải chăng những lời đồn đoán trước đây là sự thật, phải chăng có những con người giấu mặt đứng đằng sau chỉ đạo mọi việc, phải chăng các bước đi trong cuộc đấu đá nội bộ đã và đang diễn ra theo một kịch bản được sắp xếp từ trước - vẫn những lời đồn đoán vô căn cứ như trước đây mà chắc hẳn ông đã quen nghe. Đặc biệt, việc Ban tuyên giáo hoặc cấp trên nào đó đã chi đạo Trường ĐHSP Hà Nội phải xử lý vụ luận văn còn đặt ra một vấn đề khác quan trọng hơn, đó là  liệu việc chỉ đạo từ trên (nếu có) có phải là hành vi xâm phạm quyền tự chủ về chuyên môn của một trường đại học theo luật định (xin tham chiếu Điều 29, Khoản đ của Luật giáo dục đại học)?


5. Trước vô số những tin đồn đang xôn xao dư luận gần đây, thái độ của Trường ĐHSP Hà Nội vẫn là tiếp tục giữ im lặng. Nhưng không giống như đợt xôn xao dư luận cách đây 9 tháng, lần này hoàn cảnh gây tin đồn có một khác biệt căn bản. Nếu trước đây những gì mà tin đồn cho rằng sẽ xảy ra đều đã không diễn ra hoặc không có căn cứ nào để xác nhận, thì lần này, những thông tin chính thức từ Nhã Thuyên, "nạn nhân" chính của "vụ đấu đá", dường như đang xác nhận những lời đồn đại.

6. Theo thông tin do Nhã Thuyên cung cấp trên trang blog của cô, Trường ĐHSP Hà Nội đã trao cho Nhã Thuyên quyết định thu hồi bằng nhưng lại không cung cấp các thông tin làm căn cứ cho quyết định rất nghiêm trọng của Hội đồng chấm lại. Đây là một thiếu sót khó hiểu, vì chuyện thu hồi bằng cấp không phải là một việc có thể ra quyết định một cách tùy tiện mà phải có những căn cứ khoa học mạnh mẽ để thuyết phục người bị thu hồi bằng và quan trọng hơn là thuyết phục dư luận. Kế đến, phải nhắc đến sự im lặng bất thường của toàn bộ Hội đồng chấm luận văn năm 2010, những người lẽ ra đã phải có tiếng nói để bảo vệ hoặc giải thích quan điểm của mình trước đây, vì thật là khó hiểu và vô cùng hy hữu khi một luận văn đã được chấm ở mức xuất sắc bởi một Hội đồng gồm những người có đầy dủ học vị, học hàm, chức vụ và uy tín khoa học đã được xác nhận, sau đó lại được một hội đồng khác chấm không đạt và dẫn đến việc tước bằng. Và cuối cùng là sự im lặng cũng không kém khác thường của chính ông Hiệu trưởng, người được Bộ Giáo dục ủy quyền để chịu trách nhiệm về toàn bộ mọi hoạt động chuyên môn tại ĐH SP Hà Nội, về những điều bất thường đang diễn ra tại trường mình.

7. Tất cả sự bất thường đó dường như chỉ dẫn đến một cách diễn giải duy nhất mà thôi: Lời đồn đại về vụ "đấu đá nội bộ" kia là có thật, và nhà trường đang lúng túng vì đã làm những điều khuất tất nên không thể công khai thông tin được.


8. Những tác hại của những tin đồn ấy đối với uy tín chuyên môn cũng như đạo đức của những nhà sư phạm, những người thầy của thầy, chắc ông hiểu rõ hơn tôi nhiều lắm, và tôi không dám lạm bàn. Tôi hiểu những bận rộn của một vị hiệu trưởng như ông, nên không hy vọng ông sẽ giải thích những gì đang xảy ra, vì điều đó thực ra không cần thiết. Tôi chỉ tha thiết đề nghị ông nhanh chóng công bố những văn bản liên quan và có những lời chính thức trước công luận về vụ thu hồi luận văn thạc sĩ của Nhã Thuyên, để công luận cùng xem xét và tự phán đoán. Vì, cách dẹp bỏ tin đồn tốt nhất, mà cũng là cách duy nhất, là chứng minh những tin đồn ấy là sai. Như thế, danh dự và uy tín của Trường ĐHSP Hà Nội nói riêng và của giới đại học Việt Nam nói chung sẽ được cứu vãn, và quan trọng hơn, là niềm tin vốn đã ít ỏi của thế hệ trẻ và của toàn xã hội đối với nền giáo dục Việt Nam sẽ không tiếp tục suy giảm.


Cuối cùng, xin chân thành gửi lời cám ơn đến ông Hiệu trưởng vì đã bỏ thời gian để đọc những lời lẽ khá đường đột của tôi, một người đã bỏ suốt cuộc đời làm việc của mình để hoạt động trong giới đại học, và luôn tha thiết mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho nền giáo dục của đất nước. Kính chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho ngành giáo duc của Việt Nam.

8 comments:

  1. Học hàm và chức vụ không ăn nhập gì vào Thư ngỏ. Vấn đề là chuyện nêu lên đúng, sai thế nào mà thôi. Uy tín và giá trị của một cá nhân được quần chúng đải lọc qua thời gian, không cần phải nêu học hàm, chức vụ để hợm người.
    Tôi nghĩ tất cả những văn bằng Tiến sĩ, thạc sĩ của VN cần xét lại.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Giũa hai tiếng nói, một là của người có nêu danh tính thật đàng hoàng cộng với khả năng mình có thật. Hai là của tên zu thủ zu thực hay zu con zu kề nào đó, dấu mặt, nhận xét hồ đồ, tự cao, tự đại thì người ta tin ai. Vụ chuyến bay Malaysia 370 kia, CNN ra rả cả ngày, lôi đủ hạng người ra phỏng vấn, hỏi ý kiến của họ để soi rọi cho vấn đề sáng tỏ, ai cũng tỏ rõ mình là ai, là gì, khả năng có khi cả thành tích nữa. Như thế đâu phải để khoe khoang, do đó cần thiết để bảo đảm cho lời nói của mình, thế thôi.

      Delete
  2. Đồng ý với Zulu. Tui ủng hộ ý của bà Phương Anh, nhưng tui không có chức tước gì hết, sợ không đủ tư cách nói chuyện với sếp Luận.

    ReplyDelete
  3. Một bác sĩ chuyên nghiên cứu về bệnh dịch gởi thư góp ý, hay phản biện, cách làm việc của cơ quan y tế thì sẽ được xem trọng hơn làm thư của một người thường dân.

    Vấn đề do TS Phương Anh nêu lên trong thư có liên quan đến lĩnh vực giáo dục (nghiên cứu, đánh giá, thẩm định các công trình học thuật) và nó cũng là lĩnh vực hoạt động của TS Phương Anh trong bao nhiêu năm nay. Việc công bố các chức vụ và học hàm là hoàn toàn hợp lý và cần thiết.

    Thử tưởng tượng một cá nhân không có học vấn và kiến thức chuyên môn gì hết gởi thư cá nhân cho hiệu trưởng ĐH SP HN để thắc mắc về vụ cô Thoan thì có chút ép phê gì không?

    ReplyDelete
  4. Tự giới thiệu trung thực về bản thân là rất cần thiết trong trao đổi ý kiến. Sau khi tự giới thiệu chính xác và đầy đủ, lại đường hoàng nêu ý kiến một cách độc lập thì càng vô cùng quý giá trong xã hội nước ta hôm nay, quá nhiều người mang danh nọ kia mà không trung thực, quá nhiều người vênh váo với ghế dưới mà hèn hạ với ghế trên, quá nhiều người ăn lương của dân mà không dám nói tiếng của dân. Rất cảm ơn bà Vũ Thị Phương Anh.

    ReplyDelete
  5. Cám ơn ý kiến của tất cả các bạn, cả ý kiến ủng hộ lẫn ý kiến phản bác. Điều quan trọng hơn là mọi người đã bỏ thì giờ đọc thư ngỏ. Minh bạch thông tin và trao đổi thẳng thắn, đa chiều ... là điều rất hiếm thấy trong xã hội VN hiện nay, và chúng ta cần cố gắng để có được điều đó nhiều hơn nữa, càng sớm càng tốt.

    ReplyDelete
  6. Rất cần thiết phải làm rõ sự việc xét lại luận văn của Nhã Thuyên của trường ĐHSP Hà nội.
    Nếu luận văn đạt điểm 10 , là thực học thì không thể tước học vị thạc sĩ của Nhã Thuyên bằng biện pháp lập hội đồng kiểm dịch luận văn mật được!

    ReplyDelete
  7. Tôi là một giáo viên trẻ, rất muốn nền giáo dục chúng ta thực dụng hơn, dạy những gì mà người học cần chứ không phải dạy những cái người dạy biết. Muốn cải cách nền giáo dục thì mỗi nhà giáo dục cần có cái tâm, cần phải biết năng lực mình tới đâu để nhường chỗ cho người có năng lực hơn, giáo dục hiện nay giống như câu chuyện Dê trắng và Dê đen, các nhà lãnh đạo cứ đấu đá nhau mà không ai can đảm dám làm, dám nhận trách nhiệm, đừng để sau này phải gọi học trò của tôi là THẾ HỆ BỊ LÃNG QUÊN

    ReplyDelete