Friday, April 11, 2014

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Việt Nam có thể học được gì từ AUN?



Bài viết này của tôi đã được đăng trên tờ Nhân Dân cuối tuần, nhưng đã được biên tập cắt mất phần đầu. Các bạn có thể đọc bài đã qua biên tập ở đây: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/22873002-hoc-gi-tu-aun.html. Còn dưới đây là bản gốc chưa biên tập. Enjoy các bạn nhé.
----------------------

Kiểm định chất lượng từ lâu đã được biết đến như một biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra trong giáo dục đại học và đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tại Việt Nam, nếu tính từ khi quy định đầu tiên về kiểm định chất lượng trường đại học được ban hành vào năm 2004 thì đến nay hoạt động kiểm định của chúng ta đã có thâm niên tồn tại được một thập kỷ. Tuy nhiên, sự không hài lòng ngày càng tăng của xã hội đối với chất lượng giáo dục trong thời gian qua cho thấy công tác kiểm định chất lượng hầu như không đem lại kết quả mong muốn. Vì sao?


Kiểm định chất lượng tại Việt Nam: Những bước đi quá chậm

Sau 10 năm hoạt động, công tác kiểm định chất lượng tại Việt Nam cũng có một số thành tựu. Xét ở góc độ ban hành các văn bản pháp quy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm được những việc quan trọng. Một hệ thống văn bản bao gồm từ các tiêu chuẩn chất lượng, đến cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp quản lý và các bên liên quan, rồi quy trình và kế hoạch cụ thể đã được xây dựng hoàn chỉnh. Công tác kiểm định cũng đã được đưa vào các văn bản luật ở cấp cao nhất. Theo những quy định hiện hành, tất cả các trường đại học hiện nay phải có bộ phận phụ trách công tác đảm bảo chất lượng, và hàng năm đều phải thực hiện tự đánh giá để chuẩn bị sẵn sàng cho việc kiểm định khi cần. 


Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch trên thực tế diễn ra quá chậm. Không kể vài chục trước đã hoàn tất quy trình đánh giá ngoài trước đây (mà kết quả vẫn chưa được công bố), trong vài năm qua hoạt động kiểm định hầu như đã ngưng lại hoàn toàn, và cho đến nay Việt Nam vẫn chưa hề có một ai được cấp chứng chỉ kiểm định viên chính thức. Trong khi đó, có một nghịch lý là trong khi số trường đại học ngày càng nhiều thì các doanh nghiệp lại càng kêu thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, do các sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu kiểm định chất lượng chính là giải pháp kiểm soát chất lượng đầu ra, thì cần phải làm gì để đẩy nhanh tiến độ và tăng hiệu quả của công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam? 


Những thành tựu trong kiểm định chất lượng tại AUN


Hoạt động của hệ thống kiểm định của AUN có thể cung cấp một câu trả lời. AUN là tên viết tắt của một tổ chức tự nguyện, tương tự như một hiệp hội của các trường đại học thuộc 10 nước trong khu vực Đông Nam Á, với tên gọi chính thức là Asean University Network (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á). AUN hiện có 30 thành viên, trong đó có 3 thành viên Việt Nam là: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG HCM, và Trường đại học Cần Thơ. Để quản lý chất lượng các trường thành viên, AUN đã xây dựng một hệ thống kiểm định riêng có tên gọi tiếng Anh là Asean University Network – Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA. 


Quá trình triển khai hoạt động kiểm định ở Việt Nam và AUN diễn ra gần như đồng thời. AUN bắt đầu thảo luận về các nguyên tắc, quy trình và kế hoạch đảm bảo chất lượng vào năm 1999 (ở VN là vào khoảng đầu thiên niên kỷ), phê duyệt và ban hành các nguyên tắc đảm bảo chất lượng vào năm 2004 (ở VN năm 2004 là thời điểm ban hành quy định tạm thời về kiểm định), đánh giá thử nghiệm trong 2 năm 2005-2006 (trùng với VN), và bắt đầu đánh giá chính thức từ năm 2007 (ở VN là ban hành quy định chính thức về kiểm định chất lượng trường đại học). 


Mặc dù tiến hành cùng một lúc, nhưng việc triển khai tại Việt Nam gặp khá nhiều vướng mắc, còn AUN-QA thì hoạt động trôi chảy và thuận lợi. Tính đến cuối năm 2013, AUN-QA đã tổ chức đánh giá chính thức 58 chương trình ở các quốc gia khác nhau[1]; kết quả đánh giá được sử dụng trong việc chuyển đổi tín chỉ và công nhận lẫn nhau, và là căn cứ để kết nạp thành viên mới. Bên cạnh đó, AUN-QA chú trọng tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ nhân sự đảm bảo chất lượng và đánh giá viên chính thức; hiện có trên dưới 30 đánh giá viên được cấp giấy chứng nhận trong toàn hệ thống.

Kiểm định chất lượng của AUN đã tạo ra những tác động rõ ràng: sự chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên, sự cải thiện hình ảnh của AUN trước xã hội, và quan tọng hơn cả là sự thừa nhận của thị trường lao động đối với các sinh viên tốt nghiệp. Như vậy, cũng chỉ với thời gian 10 năm, AUN-QA đã có những bước tiến khá nhanh để trở thành một hệ thống kiểm định chất lượng khá hoàn chỉnh với những tác động rõ ràng và bền vững.


Học gì từ AUN? 


Tại sao AUN làm được những điều  chúng ta không làm được? Trước hết, cần khẳng định việc xây dựng hệ thống kiểm định chất lượng cho một hiệp hội chỉ vài chục trường là dễ dàng hơn rất nhiều so với một quốc gia với số trường nhiều gấp hơn 10 lần như ở Việt Nam. Nhưng vấn đề ở đây không phải là quy mô hoặc số lượng, mà là phương pháp. Khi so sánh cách hoạt động của hai hệ thống kiểm định chất lượng, ta thấy có những khác biệt căn bản: sự độc lập của hệ thống kiểm định, tính tự nguyện tham gia của các trường, và lợi ích của việc tham gia kiểm định đối với các bên liên quan. 


Một hệ thống kiểm định dù có được xây dựng hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể tồn tại nếu việc kiểm định nó không đem lại lợi ích gì cho người được kiểm định. Tại Hoa Kỳ, kết quả kiểm định gắn với rất nhiều lợi ích của các trường được kiểm định, mà quan trọng nhất là sinh viên của các trường này được vay ưu đãi của chính phủ để học (trường không kiểm định không được nhận sự hỗ trợ này). Kết quả kiểm định cũng gắn với việc liên thông giữa các trường và quá trình xin việc sau khi tốt nghiệp. Đối với AUN, những lợi ích ban đầu là sự chia sẻ thông tin và học hỏi lẫn nhau về những cách thực hành tốt nhất, sự công nhận lẫn nhau giữa các trường, và uy tín chung của cả tổ chức. Nhưng ở Việt Nam, lợi ích của việc tham gia kiểm định cho đến nay vẫn khó có thể nhận ra.


Do AUN là một hiệp hội nên các hoạt động của nó hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện, và mọi quyết định đều có sự tham gia của mọi thành viên. Cơ chế này cho phép tạo ra một hệ thống phù hợp cả với mục tiêu chung lẫn điều kiện cụ thể của từng trường. Trong khi đó, ở Việt Nam do việc kiểm định chất lượng được giao về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, nên tất cả mọi việc được thực hiện từ góc nhìn của Bộ Giáo dục, không có sự tham gia trực tiếp của các trường. Chính điều này đã gây ra những thắc mắc, tranh cãi và thiếu tin tưởng vào quá trình kiểm định, khi ngay từ bộ tiêu chuẩn đã có vấn đề, do chúng ta chỉ có một quy định chung cho tất cả các loại trường và mọi ngành nghề vốn ngày càng đa dạng.  


Quan trọng nhất là tính độc lập của công tác kiểm định. Là một hiệp hội hoạt động bằng kinh phí tự đóng góp, AUN không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì ngoài quyền lợi của chính mình. AUN-QA tồn tại chỉ để phục vụ duy nhất mục đích là đưa ra những nhìn nhận, phán đoán chính xác và trung thực nhất về chất lượng của các trường/chương trình mà nó kiểm định. Sự thiếu độc lập là lý do chính khiến hệ thống kiểm định của Việt Nam không thể vận hành tốt. Rõ ràng, trước khi có kiểm định chất lượng thì Bộ Giáo dục cũng đã có một hệ thống các quy trình, quy định chặt chẽ chi li, và quyền kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của các trường, nhưng không tạo ra được chất lượng như mong muốn, do chỉ hạn chế từ góc nhìn của Bộ Giáo dục mà thiếu sự tham gia của các trường. Vì vậy, việc tạo thêm một bộ phận trong Bộ Giáo dục nhằm kiểm soát các hoạt động kiểm định sẽ chỉ là một việc làm trùng lặp và vô ích. Không thể có được một hệ thống kiểm định tốt nếu nó không độc lập với Bộ Giáo dục, điều này đã trở thành một nguyên tắc trên toàn thế giới.


Quay trở lại Việt Nam. Gần đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép thành lập tại hai đại học quốc gia (Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) hai trung tâm kiểm định để triển khai hoạt động kiểm định trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc thành lập hai trung tâm này không đạt được dù chỉ một trong ba nguyên tắc đã nêu là độc lập, tự nguyện tham gia, và lợi ích. Rõ ràng công tác kiểm định sắp tới cần có những thay đổi mang tính cách mạng – như tách hẳn việc quản lý nhà nước đối với kiểm định ra khỏi Bộ Giáo dục, đồng thời cho phép các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia công tác này. Bởi nếu không, dù có cố gắng đẩy mạnh thực hiện kiểm định tới đâu mà vẫn làm như cũ thì sẽ chỉ là một sự lãng phí mà thôi.

No comments:

Post a Comment