Wednesday, February 12, 2014

Quản lý trường lớp mầm non tư thục: Cần một cách làm khác! (trích đoạn)

Tựa entry này là một bài tôi viết cho báo Nhân Dân cuối tuần, chưa đăng, nên không thể đăng hết lên đây được. Chỉ chia sẻ một vài đoạn, và một số tài liệu tham khảo mà tôi đã sử dụng. Cùng một số ý kiến chưa đưa vào bài viết.

Mong nhận được trao đổi từ các bạn.
------------
Một số đoạn trích từ bài viết:

Dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non tư thục đã tồn tại nhiều năm nay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Số trẻ em mầm non được gửi tại các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân hiện nay đã đạt mức ngang ngửa với khu vực công lập. Tuy vậy, mãi đến gần đây vấn đề quản lý nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân mới được đặt ra một cách toàn diện. Cuộc họp đầu năm Giáp Ngọ vào ngày 7/2 do Thành ủy triệu tập liên quan đến công tác giáo dục trẻ mầm non[1] đã nói lên tính cấp bách của vấn đề.

Tại sao có sự quan tâm đặc biệt như vậy vào lúc này? Có lẽ không ai không biết đến những sự cố đáng buồn xảy ra dồn dập trong năm 2013, mà đỉnh điểm là vụ bạo hành trẻ em tại một nhà ở Thủ Đức[2]. Vụ việc này sau đó đã được xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc nhằm mục đích răn đe để làm nhụt chí những kẻ đã và đang có những vi phạm tương tự nhưng chưa bị phát hiện.



Xiết chặt quản lý, rồi sao nữa?
Kiên quyết và mạnh tay xử lý các vi phạm rõ ràng là cần thiết. Đó cũng là những gì hứa hẹn sẽ xảy ra trong năm 2014 này[1]. Tại cuộc họp đầu năm ngày 7/2 đã nêu ở trên, Văn phòng Thành ủy đã đưa ra những con số đáng giật mình: TP.HCM hiện đang có  1.028 nhóm, lớp trường nhân trông giữ trẻ không phép; 1.060 giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ tại các nhóm lớp, trường tư thục không phép trong đó 337 người có trình độ thấp, không có chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo[2]. Một mục tiêu quan trọng của TP HCM trong thời gian tới là tập trung “giải quyết” các đối tượng này.

Đây có thể là một tin mừng, cho thấy các cấp quản lý đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến một vấn đề đã bị bỏ lơ quá lâu. Nhưng nhìn ở môt góc độ khác, nó phản ánh một khuynh hướng đáng lo ngại, đó là: đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân. Đọc lại các thông tin trên báo chí, truyền thông và dư luận công chúng, ta thấy rất nhiều lời lên án đối với những người vi phạm: Tham lợi nên không đầu tư cho các điều kiện vệ sinh và an toàn của trẻ, sử dụng những cô nuôi dạy trẻ chưa qua đào tạo và thiếu trình độ để tiết kiệm chi phí; thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, cố tình vi  phạm pháp luật khi hoạt động chui và hoàn toàn không đăng ký với địa phương vv.

[...]

Và đây là phần tài liệu mà tôi muốn giới thiệu với mọi người. Ai quan tâm đến giáo dục mầm non thì rất nên đọc:

Trong khi chúng ta đang lúng túng với câu hỏi mới thì câu trả lời đã tồn tại ở một quốc gia lân cận trong khu vực. Báo cáo của Văn phòng UNESCO tại Bangkok kết hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc được viết vào năm 2012[1] đã phân tích những thách thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em của các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, vv để từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp, dựa trên 5 vấn đề cốt lõi:
(1) Chính sách toàn diện;
(2) Ưu tiên cho các đối tượng “thiệt thòi”;
(3) Chăm sóc và giáo dục toàn diện trẻ mầm non;
(4) Các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn, và hoạt động bồi dưỡng - phát triển năng lực;
(5) Yêu cầu về chất lượng kèm cơ chế hỗ trợ, giám sát và rà soát thường xuyên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.




1 comment:

  1. Xiết chặt quản lý, rồi sao nữa? Siết

    ReplyDelete