Sunday, December 15, 2013

PISA VN 2012: Thế giới bất ngờ, dư luận nghi ngờ, rồi sao nữa?

Bài viết dưới đây tôi viết theo đặt hàng về đề tài của báo Nhân Dân (cuối tuần), đã đăng vào cuối tuần qua, ở đây: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/21882902-hieu-dung-ve-pisa-cho-viet-nam.html. Còn dưới đây là bản gốc, chưa qua biên tập, và cũng đã được đăng trên trang "học thế nào", ở đây: http://hocthenao.vn/2013/12/11/pisa-vn-2012-the-gioi-bat-ngo-du-luan-nghi-ngo-roi-sao-nua-vu-thi-phuong-anh/
------------
 PISA VN 2012: Thế giới bất ngờ, dư luận nghi ngờ, rồi sao nữa?

Chín người mười ý …
Kết quả kỳ thi PISA 2012 đã tạo ra một trận cuồng phong dư luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mấy ngày qua, trên tờ báo nào cũng đầy ắp tin tức và bình luận về kết quả kỳ thi, với đủ mọi sắc thái tình cảm: từ bất ngờ, phấn khởi, mừng rỡ, đến nghi ngờ, dửng dưng, mai mỉa…

Có thể đoán được sự vui mừng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi chịu trách nhiệm về toàn bộ kỳ thi. Không vui sao được, khi ngay lần tham gia đầu tiên Việt Nam đã đạt điểm cao hơn mức trung bình của OECD, hơn cả Anh, Mỹ, Úc…. Niềm vui này biểu hiện rõ qua những tiếng reo vui trên mặt báo như “gây bất ngờ cho cả thế giới” [1], “khơi dậy trí tuệ Việt”[2], “xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ”[3]…. Không chỉ vui, báo chí còn đồng thanh ca ngợi sự chuyên nghiệp của PISA và đánh giá cao sự “dũng cảm” của Việt Nam khi quyết định tham gia vào một sân chơi quốc tế.

Cùng với sự vui mừng, các ý kiến trái chiều xuất hiện ngay lập tức. Khi nhiều người vẫn còn “say sưa với chiếc bánh PISA”,[4]đã có lời cảnh tỉnh là “nên thận trọng”;[5] kỳ thi này “không phản ánh toàn bộ năng lực”[6] của học sinh, càng không cho biết về chất lượng của cả nền giáo dục.Tính chính xác của kết quả PISA bị nghi ngờ: liệu kỳ thi “có thực chất”,[7] hay đã có sự can thiệp, chuẩn bị “luyện thi” từ phía Việt Nam? Và dù không có việc luyện thi thì “vượt Mỹ không có nghĩa là đã thành công”;[8]người Việt học giỏi nhưng nhân lực của Việt Nam luôn bị đánh giá là yếu, thiếu tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác vv – những yếu tố quan trọng nhưng không hề đượcPISA kiểm tra.

Thầy bói mù sờ voi?
Các ý kiến trái ngược nhau khiến tất cả mọi người đều cảm thấy rất lúng túng: Biết tin ai khi cả hai đều có những lý lẽ thuyết phục – hoặc không thuyết phục – ngang nhau?

Không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị của PISA. Theo dõi một vài nước lân cận trong khu vực, ta thấy đạt điểm cao trong kỳ thi này không hề dễ dàng. Trong 5 nước ASEAN tham gia PISA 2012, Việt Nam chỉ thua Singapore nhưng bỏ xa ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thái Lan đã tham gia kỳ thi này liên tục 5 lần kể từ lần đầu tiên vào năm 2000 với kết quả thuộc vào hàng thấp. Viện Khảo thí Giáo dục Quốc gia (NIETS) sau đó đã được thành lập vào năm 2005 để thực hiện khảo sát chất lượng giáo dục dựa trên những bài kiểm tra theo kiểu PISA ở nhiều cấp học. Có nhiều khả năng Thái Lan đã cho các học sinh của mình làm quen rộng rãi với PISA. Nhưng kết quả năm 2012 của Thái Lan vẫn cứ ở mức cách xa trung bình của OECD[9].  Ấn Độ tham gia một lần vào năm 2009 với kết quả rất thấp, đến nỗi họ quyết định không tham gia kỳ thi năm 2012 nữa[10]. Hai ví dụ trên cho thấy kết quả PISA của Việt Nam cao ngay từ lần đầu tiên không phải là vô nghĩa.

Nhưng cũng không thể trách dư luận. Bỏ qua những nhận định như “nên xấu hổ vì người Việt học giỏi mà vẫn nghèo”, hoặc “giáo dục Việt Nam càng lên cao càng kém”, chỉ nói riêng về PISA ta vẫn có thể trách Bộ Giáo dục đã không cung cấp thông tin đầy đủ về kỳ thi, dẫn đến những nghi ngờ không cần thiết. Trang web của Bộ cho biết Việt Nam đã đăng ký tham gia PISA từ năm 2009; triển khai các hoạt động chuẩn bị từ năm 2010; tiến hành thử nghiệm vào năm 2011; khảo sát chính thức vào năm 2012. Có Ban Quản lý PISA cấp quốc gia, Văn phòng PISA Việt Nam trong Bộ Giáo dục, có cả Ban Chỉ đạo PISA ở mỗi tỉnh/thành phố. Nhưng thời gian dài chuẩn bị với bộ máy không nhỏ vẫn không đủ để tạo một trang web riêng cho PISA để phổ biến các thông tin cần thiết về kỳ thi, đáp ứng mối quan tâm và tạo điều kiện giám sát cho toàn xã hội.

Thông tin chính thức về kết quả kỳ thi nằm trong báo cáo về kỳ thi trên trang web của Bộ[11]. Báo cáo dài nhưng không nhiều thông tin, chủ yếu nêu những công tác mà Văn phòng PISA đã thực hiện chứ không phân tích sâu về kết quả. Có một chi tiết đáng chú ý, đó là: do Việt Nam không có trang web như các nước khác (!), nên Văn phòng PISA đã (phải) biên soạn công phu tài liệu tập huấn cho giáo viên. Nội dung đã có sẵn, nhưng công chúng vẫn không được giới thiệu trước về PISA. Hoàn toàn thiếu những thông tin quan trọng để diễn giải đúng kết quả kỳ thi. Thiếu những thông tin về khung mẫu, phương pháp chọn mẫu; nội dung và mục đích của các đợt tập huấn; thống kê mô tả về mẫu tham gia kỳ thi như danh sách các trường ở từng địa phương, số lượng học sinh ở từng trường, tỷ lệ nam-nữ, tỷ lệ thành thị-nông thôn …. Không ai quan tâm trả lời một thắc mắc đang râm ran trong dư luận như: Tại sao PISA dành cho học sinh 15 tuổi (cuối bậc trung học cơ sở), nhưng Việt Nam lại là những em ở tuổi 16 (sinh năm 1996, thi năm 2012)? Học sinh Việt Nam đã học gần xong lớp 10, đã vượt qua một kỳ thi chuyển cấp khó khăn trước đó, đây có phải là nguyên do dẫn đến kết quả cao?[12].

Cần hiểu đúng về PISA
Có lẽ, trước khi bàn thêm về ý nghĩa kết quả PISA 2012 đối với giáo dục Việt Nam, chúng ta cần thống nhất một thái độ đúng đắn về kỳ thi này. Thực ra, điều này đã được Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển đề cập đến từ đầu tháng 4/2012 trong một bài phỏng vấn trên báo Giáo dục Việt Nam, nói về “hai thái cực cần tránh”[13] đối với PISA. Hai thái cực đó là: quá coi trọng, xem đó là minh chứng cho sự ưu việt của giáo dục Việt Nam, hoặc quá coi thường, xem đó chỉ là những số liệu “thú vị”[14] không thực sự có ý nghĩa gì đối với nền giáo dục Việt Nam.

Tưởng cũng cần phải nhắc lại mục đích của PISA. Ngay cách chúng ta gọi PISA là “kỳ thi” (examination) cũng cho thấy cách hiểu chưa đúng về PISA, khi thực ra phải gọi đó là một kỳ “khảo sát” (survey), nhằm mục đích để hiểu hiện trạng chứ không phải để hơn thua. Dù một phần quan trọng của cuộc khảo sát được tính bằng điểm số, và kết quả của các nước tham gia được sắp xếp từ cao xuống thấp dựa trên số điểm của từng nước, nhưng PISA không nhằm so sánh năng lực của học sinh giữa các nước với nhau, mà chỉ là ghi nhận năng lực này đồng thời tìm mối liên hệ với các yếu tố khác mà đặc biệt là các yếu tố về chính sách để tìm ra nguyên nhân của hiện trạng đó, từ đó đưa ra những khuyến nghị chung về chính sách giáo dục mà tất cả các quốc gia đều có thể học hỏi và áp dụng.

Để làm điều này, PISA không chỉ khảo sát năng lực học sinh, mà còn thu thập thông tin qua một bảng hỏi dành cho học sinh để khảo sát sự say mê, động cơ học tập, và sự tự tin vào năng lực của bản thân[15]. Đây là một nguồn thông tin hết sức quan trọng nhưng hầu như chưa thấy ai đề cập đến, kể cả trong báo cáo của Bộ. Nếu kết hợp những thông tin này với kết quả khảo sát năng lực học sinh thì bức tranh về giáo dục Việt Nam có lẽ sẽ tối đi một chút – nhưng chắc cũng sẽ trở nên rõ nét và đáng tin hơn. Ví dụ, nên giải thích như thế nào về việc học sinh của Indonesia và Thái Lan đều cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với học sinh Việt, trong khi học sinh Việt lại báo cáo trốn học, bỏ giờ học/buổi học nhiều hơn học sinh Indonesia và Thái Lan? Điều đó liệu có phải vì sức ép học hành quá nặng nề của gia đình và nhà trường đối với học sinh Việt, khiến các em dù học giỏi (đạt điểm cao) nhưng không hề cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, như lâu nay ta vẫn tin như thế?
Đây mới chỉ là một ví dụ, trong khi còn rất nhiều thông tin khác mà ta có thể đọc được khi kết hợp các thông tin từ bảng hỏi với các thông tin của bài khảo sát năng lực mà lâu nay báo chí vẫn thường chú trọng quá mức. Tiếc rằng cho đến nay những thông tin ấy – đã được PISA công bố trong những báo cáo công phu trên trang web của tổ chức này – vẫn chưa được khai thác, phân tích và tổng hợp để cung cấp cho công chúng những hiểu biết sâu sắc hơn về chất lượng thực và hướng đi cần có của nền giáo dục Việt Nam.

Cuối cùng, có thể đưa ra một nhận xét mà có lẽ cả hai “phe” ủng hộ và không ủng hộ PISA đều đồng ý. Đó là: giáo dục Việt Nam còn quá thiếu những dữ liệu khách quan, đa chiều, kết hợp cả định lượng lẫn định tính, được phổ biến công khai, minh bạch cho mọi người cùng xem xét, tranh luận, giám sát. Đồng thời, chúng ta cũng rất thiếu những phân tích thận trọng và có chiều sâu của những nhà quan sát độc lập trên cơ sở các dữ liệu mà ai cũng có thể tiếp cận và kiểm chứng. Hai cái thiếu vừa nêu lâu nay vẫn luôn là một trong những điều bất cập trong quản lý giáo dục hiện nay; nó có thể cũng giải thích tại sao công chúng không có niềm tin vào giáo dục nước nhà, kể cả khi có những kết quả khách quan do một bên thứ ba độc lập thực hiện. Và nếu nhìn ở khía cạnh ấy thì việc tham gia PISA của Việt Nam, dù cho kết quả cao hay thấp, vẫn là một thay đổi quan trọng theo hướng tăng thêm sự minh bạch, tạo điều kiện giám sát, tranh luận, góp ý của tất cả các bên liên quan, để từ đó làm tăng thêm niềm tin đối với ngành giáo dục. Đó mới chính là lợi ích thực sự của việc tham gia PISA của Việt Nam.

1 comment:

  1. Làm chi mà cứ ồn ã cái chuyện tào lao Pisa dzậy. Hẳn là học trò xứ ta được xếp thứ hạng cao, trên cả Mĩ, được coi là phấn son làm đẹp mã nước Việt.
    Thực tế đã chứng minh không biét cao nhà khoa học lỗi lạc, cả thường thường bậc trung, đâu có mấy biểu hiện học trò giỏi. Nếu tính số huy chương vàng ô lim pich, học sinh, nước Việt ta cũng thuộc Top 10 thế giới chứ đâu kém, nhưng từ đó được mấy nả thành đạt khoa học. Vừa rôi trên VTV, một quí ông bộ trưởng kêu gọi phải hiện đại hóa theo nghị quyết của đảng chứ cứ sản xuất những thư ítto đùng nhưng chỉ tí ti dung lượng khoa học kĩ thuật thì còn lâu mới đuổi kịp thiên hạ người ta làm những cái bé teo teo nhưng giầu chất xám - thiết bị điện tử, thu về không biết bao lợi nhuận.
    Ngay trò khảo sát là trò bịp của Tàu - bỏ tiền ra làm khảo sát. Ở Tàu thì khảo sát học trò Thượng Hải thanh thị phát truển và giàu có nhất bên Tàu, còn các nơi khác khảo sát ở đâu, qui mô nào. Ở Thượng hải có trường đại học - nơi đào tạo lực lượng làm giàu đất nước, được xếp vào tốp các trường đại học tốt trên thế giới.
    Vậy là, kết quả Pisa chỉ là trò chơi tuyên truyền quảng cáo thôi mà, đừng llấy đó để tự sướng

    ReplyDelete