Saturday, December 21, 2013

Liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, từ góc nhìn quản lý


Bài viết mới của tôi, đã đăng trên báo Nhân Dân với ít nhiều biên tập. Xem ở đây: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21936602-lien-ket-dao-tao-quoc-te-dang-bi-buong-long.html

 Dưới đây là bản gốc chưa biên tập:
-------------

Liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, từ góc nhìn quản lý
 Thượng vàng hạ cám
Khả năng hội nhập hay mức độ quốc tế hóa là một trong những yêu cầu quan trọng của giáo dục đại học trong thế kỷ 21. Nếu đo lường khả năng này bằng sự hiện diện của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thì ta có thể khẳng định giáo dục đại học của Việt Nam có mức độ quốc tế hóa rất cao.
Sự tồn tại của các chương trình đào tạo liên kết ở một nước kém phát triển là một điều tích cực vì nó góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển trong thời đại kinh tế tri thức. Đây cũng là một xu hướng của giáo dục đại học trên thế giới, trong đó những nước có nền giáo dục tiên tiến cung cấp dịch vụ giáo dục cho những nước kém phát triển hơn. Điều này phổ biến đến nỗi nó đã được nêu trong Hiệp định thương mại và dịch vụ (GATS) của tổ chức WTO.
Nhưng giáo dục xuyên biên giới cũng luôn hàm chứa những rủi ro lớn cho các nước đang phát triển, như các tổ chức quốc tế đã cảnh báo[1]. Không khó hiểu, bởi để phán đoán đúng về chất lượng của một chương trình đào tạo đại học nước ngoài đòi hỏi phải có một trình độ khá cao và ít nhiều trải nghiệm về giáo dục quốc tế, điều mà người tiêu dùng giáo dục ở các nước đang phát triển rất thiếu.
Sự thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm và thiếu khả năng phán đoán vừa nêu đã khiến cho việc liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam trong thời gian qua ít phát huy được những lợi ích cho người tiêu dùng giáo dục và cho toàn xã hội, mà trái lại, tạo ra khá nhiều hệ lụy. Có thể tóm tắt tình hình liên kết đào tạo tại Việt Nam trong câu thành ngữ “thượng vàng hạ cám” – trong đó vàng thì ít mà cám lại rất nhiều.
Mất bò mới lo làm chuồng?
Dư luận vẫn chưa quên được các vụ scandal nổ ra liên tiếp về trong khoảng thời gian 2009-2011 khi báo chí liên tục phanh phui ra các trường dỏm, bằng giả, chương trình ảo vv. Câu hỏi đặt ra là: Không có ai quản lý ư, nếu có thì họ ở đâu, làm gì? Xin thưa: Cơ quan quản lý có tồn tại nhưng hầu như chỉ vào cuộc sau khi có những vụ việc bị vỡ lở, thiệt hại đã xảy ra và báo chí đã phanh phui. Tất nhiên, đến lúc ấy thi mọi rủi ro đều do người tiêu dùng hứng chịu, còn mọi lỗi lầm đều thuộc về các đơn vị đã thực hiện liên kết. Hóa ra, trong tất cả những thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu, chỉ có nhà quản lý là luôn luôn an toàn, không chịu rủi ro mà dường như cũng chẳng bao giờ chịu nhiệm gì cả.
Một điều khá phổ biến là các cơ sở đào tạo tự thực hiện liên kết mà không xin phép. Đây rõ ràng là lỗi của các cơ sở, nhưng cơ quản lý cũng không phải là không có trách nhiệm, vì họ hoàn toàn có thể khống chế được tình trạng trên. Chẳng hạn, tại TH HCM, trong mùa tuyển sinh 2013 Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường kiểm tra giấy phép các cơ sở đào tạo có tổ chức quảng bá và tuyển sinh nhằm làm giảm tình trạng liên kết bừa bãi như hiện nay. Giá như chúng ta làm điều này từ trước thì đã tránh được biết bao tổn thất cho xã hội.
Ngay cả một cơ sở đào tạo đại học hàng đầu của Việt Nam là ĐHQG Hà Nội cũng mắc sai lầm. Vì thiếu thận trọng không chịu tìm hiểu thông tin trước khi quyết định, ĐHQG Hà Nội đã đẩy người học và cả chính mình vào một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro khi liên kết với Đại học Griggs, không hề biết rằng ngay từ khi bắt đầu bước vào thị trường Việt Nam thì trường này đã có nhiều khó khăn về tài chính và đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.
Điều tệ nhất đã xảy ra. Năm 2011, ĐH Griggs bị xóa sổ. Không rõ vô tình hay cố ý, chương trình liên kết tại ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa cũ với một đối tác đã không còn tồn tại. Sự việc bị phanh phui, các học viên bị thiệt hại về thời gian, công sức đã đành, mà ĐHQG Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng tốn rất nhiều chi phí hữu hình và vô hình để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất cho người học.[2] Một tổn thất quá lớn cho toàn xã hội; một kết cục không ai mong đợi. Rủi ro này thật ra quá dễ để ngăn ngừa, vì chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra đối tác trước khi liên kết.
Chất lượng hoàn toàn bỏ ngỏ
Ngay cả những chương trình đã được cấp giấy phép cũng không phải là không có vấn đề. Để giảm chi phí, các chương trình liên kết ở Việt Nam thường sử dụng giảng viên tại chỗ nhưng lại không kiểm soát chất lượng một cách nghiêm nhặt. Việc sử dụng giảng viên Việt Nam là một điều đáng khuyến khích; nhưng các cơ sở đào tạo của Việt Nam thường không có đủ giảng viên đáp ứng cả hai yêu cầu chuyên môn và ngoại ngữ, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, chương trình liên kết thường bị cắt xén khá nhiều so với chương trình gốc; thi cử thường không nghiêm vì nhiều cơ sở đào tạo chỉ mong có tỷ lệ đậu cao để tiếp tục thu hút học viên mới.
Trình độ ngoại ngữ của học viên là một vấn đề nghiêm trọng khác. Các chương trình liên kết ở Việt Nam thường cho học viên miễn hoặc nợ chứng chỉ ngoại ngữ ở đầu vào, thỉnh thoảng mới có nơi yêu cầu nộp chứng chỉ khi đã gần tốt nghiệp. Do không đủ trình độ ngoại ngữ nên học viên thường gặp khó khăn khi đọc tài liệu và nghe giảng. Việc gian lận trong học tập và thi cử cũng thường xuyên xảy ra mà không có ai kiểm soát.
Có thể khẳng định chất lượng của đa số chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam hiện đang rất bấp bênh. Nguyên do chính là các chương trình này hiện đang nằm ở vùng mờ, thoát ra ngoài sự kiểm soát của cả nước cung cấp lẫn nước tiếp nhận.
Quản lý chương trình liên kết: Đảm bảo chất lượng và cung cấp thông tin
Câu hỏi mà cấp quản lý các cấp tại Việt Nam cần đặt ra cho mình, đó là: Vì sao cũng là nơi tiếp nhận giáo dục xuyên biên giới, nhưng những quốc gia lân cận như Thái Lan và Malaysia đã không trở thành nạn nhân như Việt Nam? Các nước này đã tận dụng xu hướng liên kết quốc tế để chọn lọc các trường đại học lớn đến mở chi nhánh trên đất nước của của mình, trở thành nơi thu hút người học từ các nước lân cận đến học (và tất nhiên là ngoại tệ của họ). Sẽ có người nhắc đến RMIT Việt Nam nhưng nếu xét theo tổng số người học chương trình nước ngoài thì RMIT Việt Nam thực chẳng thấm vào đâu.
Ngay từ giữa thập kỷ trước, OECD và UNESCO cũng đã đưa ra những khuyến nghị cho các nước đang phát triển nhằm tránh những rủi ro liên quan đến giáo dục xuyên biên giới[3]. Riêng với Việt Nam ở giai đoạn hiện nay, cần thực hiện ngay hai điều, đó là: “đảm bảo chất lượng” và “cung cấp thông tin”.
Về đảm bảo chất lượng, Việt Nam hiện nay vẫn chỉ tập trung vào việc kiểm soát đầu vào, chủ yếu là khâu cấp phép. Nhưng kiểm soát ở đầu vào là chưa đủ, mà còn phải kiểm tra trong suốt quá trình thực hiện. Các quy định về kiểm định chất lượng ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không đề cập đến chương trình liên kết quốc tế, một thiếu sót cần phải bổ sung ngay lập tức, và hoàn toàn không khó thực hiện.
Quan trọng không kém, nếu không muốn nói thậm chí còn quan trọng hơn, là việc cung cấp đầy đủ thông tin cho người học và toàn xã hội. Có thể khẳng định rằng nhà nước Việt Nam mà cụ thể là Bộ Giáo dục đang thực hiện điều này quá kém, hầu như không có vai trò gì, khiến người học bị quay mòng mòng trong một mớ hỗn độn thông tin không chọn lọc. Lẽ ra, công việc đầu tiên của chính phủ khi cho phép các chương trình liên kết quốc tế được triển khai trên đất nước mình là thiết lập một hệ thống thông tin miễn phí và dễ tiếp cận để người tiêu dùng có thể có những lựa chọn đúng đắn, tránh được các rủi ro. Đây là một khuyến cáo quan trọng của OECD và UNESCO được nhiều nước trong khu vực thực hiện nghiêm nhặt.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thiết nghĩ việc hạn chế những tiêu cực và phát huy những điểm tích cực của liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam cũng là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đặc biệt là khi mốc thời điểm 2015 với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thực sự cận kề.

2 comments:

  1. Nói chung, các cơ sở đào tạo liên kết ở VN vừa dốt lại vừa tham nên đào tạo liên kết là mảnh đất béo bở của các quan chức ngành giáo dục và bọn lừa đảo quốc tế.

    ReplyDelete
  2. du học nhật

    Bạn này bình luận hơi quá, xin hãy tế nhị

    ReplyDelete