Saturday, May 16, 2009

Bảo vệ người tiêu dùng trong giáo dục đại học xuyên biên giới: Quyền được cung cấp thông tin

Bài viết của Vũ Thị Phương Anh cho Hội thảo về Consumer Protection in Higher Education tại DHQG-HCM vào tháng 3/2009
---

Quá trình toàn cầu hóa giáo dục đại học trong vài thập niên vừa qua đã thúc đẩy sự ra đời của các dịch vụ giáo dục có yếu tố quốc tế dưới nhiều hình thức đa dạng. Bên cạnh việc cung cấp thêm cơ hội học tập cho người học, sự tồn tại của các dịch vụ nói trên – được biết đến trên thế giới với tên gọi chung là giáo dục đại học xuyên biên giới (GDĐHXBG) – đang đòi hỏi các quốc gia điều chỉnh hoặc thiết lập một hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện cho các hoạt động GDĐHXBG, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người học trong các loại hình giáo dục mới mẻ này.

Đối với Việt Nam, vấn đề này đang cần được sự quan tâm của các nhà chính sách hơn bao giờ hết. Việt Nam là một trong số không nhiều các quốc gia có quan điểm chủ động, tích cực trong việc thực hiện GATS. Mức độ cam kết mở cửa đối với dịch vụ giáo dục đại học của Việt Nam là khá sâu và rộng so với nhiều nước trên thế giới. Cần nhắc lại rằng từ ngày 1/1/2009, Việt Nam đã hoàn toàn mở cửa cho các cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn nước ngoài hoạt động trong nước, và hiện đang có khá nhiều đề án thành lập trường đại học quốc tế đang trong giai đoạn chờ phê duyệt của chính phủ.

OECD và các nguyên tắc cung cấp dịch vụ giáo dục có chất lượng

Trước tình hình này, việc xem xét lại các khuyến nghị mà OECD đã công bố trong tài liệu Các nguyên tắc cung cấp GDĐHXBG có chất lượng (Guidelines for Quality Provision in Cross-Border Higher Education) là điều cần thiết. Tài liệu này được công bố cách đây 4 năm vào năm 2005 sau một thời gian dài thảo luận rộng rãi với sự tham gia của 90 quốc gia cùng đại diện các tổ chức phi chính phủ và liên chính phủ như UNESCO và World Bank. Mục đích biên soạn tài liệu cũng không ngoài việc “bảo vệ người học và các bên có liên quan khác khỏi các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng thấp và thiếu uy tín ”mà người tiêu dùng của cả các nước phát triển cũng có thể là nạn nhân.

Các khuyến nghị của OECD dành cho 6 đối tượng có liên quan khác nhau: (1) chính phủ, (2) cơ sở GDĐHXBG, (3) tổ chức đại diện người học, (4) cơ quan kiểm định, (5) cơ quan công nhận văn bằng chứng chỉ, và (6) hội nghề nghiệp. Trong bối cảnh của Việt Nam, do vai trò của các hội nghề nghiệp trong giáo dục vẫn còn mờ nhạt, và chưa tồn tại các cơ quan kiểm định và công nhận văn bằng chứng chỉ độc lập, trước mắt cần quan tâm đến hai đối tượng có liên quan trực tiếp nhất là chính phủ và người học, trong đó chính phủ là người có trách nhiệm cao nhất.

Các khuyến nghị của OECD dành cho chính phủ

Đối với chính phủ các nước, OECD đã đưa ra 7 khuyến nghị sau để quản lý hoạt động GDĐHXBG:

a. Thiết lập hệ thống quy định công bằng, minh bạch và đầy đủ về đăng ký và cấp phép cho các cơ sở GDĐHXBG muốn hoạt động trên lãnh thổ quốc gia.

b. Thiết lập và tăng cường độ bao quát và đáng tin cậy của hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định đối với GDĐHXBG, chú trọng cả hai phía cung cấp và tiếp nhận dịch vụ.

c. Tham vấn và hợp tác với các bộ phận đảm bảo chất lượng và kiểm định có uy tín trong và ngoài nước.

d. Cung cấp thông tin chính xác, đáng tin cậy và dễ tiếp cận liên quan đến các tiêu chí., tiêu chuẩn đăng ký, cấp phép, đảm bảo chất lượng và kiểm định GDĐHXBG, nêu rõ hậu quả liên quan đến việc tài trợ của chính phủ đối với người học, chương trình giảng dạy hoặc cơ sở đào tạo (nếu có), và tính chất bắt buộc hoặc tự nguyện của các quy định này.

e. Xem xét khả năng tham gia và đóng góp vào việc phát triển và/ hoặc cập nhật các công ước trong khu vực về công nhận trường đại học và văn bằng chứng chỉ, và thiết lập các trung tâm thông tin quốc gia theo quy định của các công ước này.

f. Trong điều kiện phù hợp, phát triển hoặc khuyến khích các hiệp ước công nhận song phương hoặc đa phương, thúc đẩy việc công nhận hoặc quy đổi tương đương các văn bằng chứng chỉ của mỗi quốc gia dựa trên các quy trình và tiêu chí đã nêu rõ trong các hiệp ước giữa các bên.

g. Đóng góp vào nỗ lực cải thiện tính dễ tiếp cận ở tầm quốc tế các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về các cơ sở giáo dục được công nhận.

Thực tại và nhu cầu của Việt Nam

Xét theo 7 khuyến nghị trên, có thể thấy chính phủ Việt Nam đang cần rất nhiều nỗ lực để thiết lập một hành lang pháp lý đầy đủ và có hiệu quả nhằm quản lý GDĐHXBG, trong đó ba điểm đáng lưu ý nhiều nhất là năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định trong GDĐHXBG, tính minh bạch và dễ tiếp cận của thông tin, và nhu cầu hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ lợi ích các bên có liên quan.

Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, khi việc quản lý các hoạt động GDĐHXBG vẫn chưa thực sự hiệu quả nếu không muốn nói là gần như hoàn toàn bỏ ngỏ, có thể nói người tiêu dùng Việt Nam vẫn luôn bị đe dọa bởi các rủi ro tiềm ẩn như sự biến mất của SITC trước đây, hoặc việc tồn tại các văn bằng, chứng chỉ được in ra từ các lò sản xuất văn bằng chứng chỉ “dỏm” (diploma mills), các chương trình hoặc cơ sở giáo dục được kiểm định bởi lò cấp giấy chứng nhận kiểm định “ma” (accreditation mills), như đã từng xảy ra và tạo dư luận râm ran trong các trường đại học và các cơ quan nhà nước trong thời gian qua, dù hiện nay vẫn chưa có thống kê chính thức.

Bên cạnh việc ngăn ngừa, cũng cần nhanh chóng xây dựng các biện pháp xử lý phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam và thông lệ quốc tế khi xảy ra các tranh cãi, kiện tụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến GDĐHXBG. Khi tất cả những yêu cầu này vẫn chưa tồn tại một cách có hệ thống thì người chịu thiệt thòi nhiều nhất và trực tiếp nhất bao giờ cũng vẫn là người tiêu dùng, trong trường hợp này là các trường đại học Việt Nam có các chương trình liên kết với nước ngoài, và sau hết là từng cá nhân người học.

Vai trò của các tổ chức đại diện người học

Trong điều kiện như vậy, tự bảo vệ chính mình hầu như lựa chọn duy nhất của người học. Tài liệu năm 2005 của OECD nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện người học trong việc cung cấp các thông tin và những hướng dẫn cho người học để giúp họ lựa chọn đúng. Các tổ chức đại diện người học nếu đủ mạnh về nhân lực, đủ dồi dào về kinh phí hoạt động, và có hiết sâu sắc về GDĐHXBG chắc chắn sẽ hỗ trợ đươc rất nhiều cho chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của người học. Dưới đây là 3 khuyến nghị của OECD dành cho các tổ chức đại diện người học.

a) Tham gia tích cực ở cả 3 cấp độ nhà trường, quốc gia, và quốc tế để phát triển, giám sát và duy trì việc cung cấp dịch vụ GDĐHXBG có chất lượng, và thực hiện các bước cần thiết để đạt được mục tiêu này.

b) Tích cực đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ có chất lượng bằng cách tăng cường ý thức của người học về các rủi ro tiềm ẩn như các thông tin và hướng dẫn sai lệch, các chương trình giáo dục có chất lượng thấp dẫn đến các văn bằng chứng chỉ có giá trị hạn chế, và các cơ sở giáo dục thiếu uy tín. Tổ chức đại diện người học cũng cần hướng dẫn cho người học về các nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy liên quan đến GDĐHXBG. Có thể thực hiện điều này bằng cách làm cho người học biết đến sự tồn tại của các nguyên tắc mà OECD đã đề ra, và tích cực tham gia vào việc triển khai các nguyên tắc này.

c) Khuyến khích người học và người học tiềm năng đặt những câu hỏi phù hợp khi đăng ký các chương trình GDĐHXBG. Có thể chuẩn bị sẵn danh mục các câu hỏi có liên quan, được thực hiện bởi các tổ chức đại diện người học, kể cả người học nước ngoài, và kêu gọi sự tham gia của các trường đại học, cơ quan đảm bảo chất lượng và kiểm định, và cơ quan công nhận văn bằng chứng chỉ. Danh mục này có thể gồm những câu hỏi như cơ sở GDĐHXBG có được công nhận hoặc kiểm định bởi một cơ quan có uy tín hay không; văn bằng, chứng chỉ do cơ sở GDĐHXBG cấp có được công nhận tại quốc gia sở tại cho các mục đích học thuật hoặc nghề nghiệp hay không.<

Cả ba khuyến nghị dành cho các tổ chức đại diện người học đều liên quan đến quyền được thông tin. Biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giáo dục là có được các thông tin đầy đủ, minh bạch và chính xác Trong khuyến nghị của OECD, tất cả các bên có liên quan đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đến người học. Vai trò của từng cá nhân người học là xử lý các thông tin đã được cung cấp để đưa ra những quyết định đúng đắn cho việc học của mình.

Ở đây, một lần nữa lại có thể thấy rằng hai tổ chức đại diện chính thức cho người học tại Việt Nam hiện nay là Đoàn thanh niên và Hội sinh viên vẫn chưa làm tốt chức năng thông tin của mình. Về phương diện này, các “tổ chức” không chính thức đang tồn tại khá nhiều tại Việt Nam, tức các nhóm bạn cùng quan tâm đến việc học tập ở một quốc gia nào đó, lại đang làm tốt hơn rất nhiều với các trang web thông tin của mình. Có thể nói, nếu không kể các thông tin phi lợi nhuận do các tổ chức đại diện cho giáo dục của các quốc gia cung cấp, hiện nay phần lớn nguồn thông tin về giáo dục xuyên biên giới là từ các nhóm không chính thức này, với tất cả những nhược điểm đương nhiên của nó.

Vai trò của các cơ quan truyền thông tại Việt Nam?

Trong một xã hội như Việt Nam hiện nay, khi các tổ chức dân sự vẫn chưa đủ mạnh để thực hiện được vai trò thông tin và giám sát cần thiết, thì vai trò thông tin quan trọng nhất vẫn chủ yếu là do chính phủ và sau đó là giới truyền thông. Với chức năng và nguồn lực sẵn có của các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý hiện nay, nên chăng cần xem các cơ quan này như những tổ chức đại diện cho người học về mặt thông tin để thực hiện các khuyến nghị mang tính ngăn ngừa của OECD nhằm bảo vệ quyền lợi người học tại Việt Nam một cách hữu hiệu hơn? Vì mặc dù những thông tin mang tính khuyến nghị và ngăn ngừa có thể không hấp dẫn độc giả như các scandal tương tự như vụ SITC trước đây, nhưng chắc chắn tác dụng của chúng trong việc bảo vệ người học sẽ cao hơn rất nhiều (mặc dù cũng sẽ âm thầm hơn). Một khi các rủi ro trong GDĐHXBG với những hậu quả tai hại của nó đã xảy ra thì đối với các nạn nhân các tin tức ấy dù có được thông báo rộng rãi cũng chẳng để làm gì. Bởi lúc ấy, mọi việc đều đã là quá muộn!

Tài liệu tham khảo

1. OECD (2003) Enhancing Consumeer Protection in Cross-Border Higher Education Activities (Bảo vệ người tiêu dùng trong các hoạt động GDĐHXBG).
2. OECD (2005) Guidelines for Quality Provision in Cross-Border Higher Education (Các nguyên tắc cung cấp GD ĐHXBG có chất lượng).
3. UNESCO (2006) UNESCO-APQN Toolkit: Regulating the Quality of Cross-Border Education (Bộ công cụ của UNESCO-APQN: quy định các hoạt động giáo dục xuyên biên giới)

Viết xong 21/3/2009

1 comment:

  1. Gửi cô Phương Anh,

    Tối hôm nay em rất vui khi nhận được comment của Cô. Tình cờ biết được blog của Cô, em đã học hỏi thêm nhiều kiến thức về vấn đề cải cách GDVN...
    Hy vọng một ngày không xa những trăn trở này sẽ bước vào hiện thực và giải quyết những rắc rối hiện nay.

    Nhà em ở Q.9, gần ĐHQG TPHCM, vào hè 2004 khi tham gia MHX em đã từng có cơ hội làm việc 1 tháng tại nhà điều hành. Hy vọng một ngày đẹp trời em có duyên được gặp Cô.

    Thân

    ReplyDelete