Friday, October 4, 2013

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp: Phải chăng còn thiếu một mắt xích?

Cuối tuần, xin gửi đến các bạn một bài viết mới của tôi, viết cho Nhân dân cuối tuần (!). Đây là bài thứ hai tôi viết cho tờ báo nổi tiếng là ... ít người đọc này (hu hu), vì đó là báo của Đảng, chắc là chỉ có Đảng viên đọc thôi, mà ĐV ở VN thì chỉ chưa đến 5% dân số.

Nhưng kinh nghiệm (hết sức ngắn ngủi) của tôi khi cộng tác với tờ báo này khá là dễ chịu. Tự nhiên có một ngày đẹp trời kia, một PV của báo (nghe giọng nói thì có thể đoán là còn rất trẻ) gọi điện cho tôi và cho biết đã xin số điện thoại của tôi từ một tờ tạp chí mà tôi hay cộng tác, để đặt bài viết về những vấn đề giáo dục đang nóng hổi mà tờ báo quan tâm. Vì đây là báo của Đảng mà, nên tôi hỏi là tôi viết có phải theo định hướng gì không, nhưng câu trả lời là chị cứ viết đúng ý chị, vì đây là vấn đề chuyên môn mà. Không có định hướng gì cả, báo cần câu trả lời chuyên môn cho những vấn đề xem ra chưa có lời giải.

Thế là tôi viết, bài đầu là về tại chức, thấy OK, vì không bị sửa đổi gì (chỉ cắt ngắn đôi  chút cho hợp với phần đất dành cho bài viết). Tưởng chỉ một lần, không ngờ tôi lại được mời thêm lần thứ hai (nhưng quá bận nên tôi đã không hoàn tất được bài), và rồi sau đó là lần thứ ba, tức là lần này.

Có một điều lạ là cậu PV của báo khi gọi cho tôi thì có giới thiệu rằng đã đọc nhiều bài của chị, và thậm chí đã đọc blog của chị (ui da!). Thế mà họ vẫn muốn mời tôi viết, khiến tôi khá ngạc nhiên: Phải chăng đã có ít nhiều thay đổi; Đảng đã bắt đầu muốn nghe những người có ý kiến khác mình?

Nhưng dù có đăng ở đâu thì bài viết của tôi cũng vẫn chỉ chứa những điều tôi thực sự nghĩ và thực sự tin. Nên tôi vẫn cám ơn báo ND đã mời tôi viết và đăng lên; ai biết được sẽ có lúc có người có trách nhiệm và có quyền đọc và ... từ đó tạo ra những thay đổi?

Đây là link dẫn đến bài viết, đã biên tập lại chút ít: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21342502-thieu-mat-xich-quan-trong.html. Còn bên dưới là bài gốc, chưa biên tập, dài hơn và có nhiều chi tiết hơn.

Enjoy các bạn nhé!
--------------------

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp: Phải chăng còn thiếu một mắt xích?

Tốt nghiệp rồi thất nghiệp?

“Tốt nghiệp … thất nghiệp” là tựa của một bức biếm họa cười ra nước mắt được đăng trên một tờ báo gần đây. Không hề cường điệu, bức biếm họa đó nhằm minh họa cho một thực trạng đáng buồn của giáo dục đại học Việt Nam. Tình trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải làm những công việc không liên quan gì đến ngành nghề đào tạo đã kéo dài nhiều năm nay.

Bài viết có tựa “Nghịch lý cử nhân … thất nghiệp” vừa đăng ngày 28/9/2013 trên trang web của tờ Petrotimes dẫn số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cho biết tính đến thời điểm 1/10/2012, trong số gần 1 triệu người thất nghiệp tại Việt Nam hiện nay có đến xấp xỉ 18% số có trình độ cao đẳng và đại học, trong đó cao đẳng là 5,6% và đại học trở lên là 11,3%. Cũng theo bài báo trên, tình trạng cử nhân phải đi làm những công việc không cần có bằng cấp như lễ tân, tiếp thị, hoặc bảo vệ không phải là hiếm, kể cả đối với sinh viên tốt nghiệp những trường tốp trên như Đại học Ngoại thương. Điều này khẳng định lại kết quả của một cuộc khảo sát trên một mẫu khoảng vài ngàn sinh viên do Trường ĐHKHXH-NV thuộc ĐHQG Hà Nội thực hiện và công bố vào năm 2011, theo đó có đến gần 1/3 số sinh viên ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Ở một góc nhìn khác, báo cáo công bố năm 2012 của Viện Chiến lược Công nghệ thông tin về nhân lực của ngành công nghệ thông tin cho biết có đến 72% sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp ra trường không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết trong lĩnh vực nào có thể hành nghề tốt nhất, 70% không thành thạo ngoại ngữ và 77,2% doanh nghiệp CNTT phải đào tạo lại các nhân viên mới. Số liệu mới nhất – thu thập trong năm 2013 – của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM liên quan đến ngành CNTT vẫn tiếp tục là một gam màu xám. Chỉ có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp là có thể sử dụng ngay, còn lại đều phải đưwcj doanh nghiệp đào tạo lại. Nếu số liệu của ngành công nghệ thông tin –  ngành đào tạo được xem là thế mạnh của Việt Nam – mà còn chẳng có gì là sáng sủa, thì ta hoàn toàn có thể suy ra rằng tình trạng của những ngành nghề khác cũng chỉ tương tự nếu nói là tệ hơn.

Nhà trường và doanh nghiệp: Mối quan hệ kém mặn mà

Sinh viên tốt nghiệp để rồi thất nghiệp vì thiếu kỹ năng, hoặc doanh nghiệp tuyển nhân sự phải bỏ thêm chi phí ra để đào tạo trước khi sử dụng, rõ ràng là một sự lãng phí khó lòng thể chấp nhận.Nhưng làm thế nào để giải quyết tình trạng nói trên? Câu trả lời có lẽ không ai là không biết: Cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong quá trình đào tạo ở bậc đại học. Vấn đề là làm thế nào để tạo ra và duy trì sự gắn kết ấy? Trong những năm gần đây mặc dù hầu hết các trường đại học đều có ý thức về vấn đề này và đã có những nỗ lực lớn nhỏ khác nhau để tạo ra mối liên kết với các doanh nghiệp, nhưng kết quả đạt được vô cùng hạn chế. Có thể nói, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn không quan tâm gì đến việc tạo dựng quan hệ với các trường đại học.

Không kể đến việc một vài nhân sự trong khối doanh nghiệp có tham gia giảng dạy do có quan hệ cá nhân, sự tham gia của doanh nghiệp đối với quá trình đào tạo tại các trường hiện nay nếu có thường chỉ dừng lại ở chỗ nhận sinh viên vào thực tập tại công ty. Nhưng ngay cả trong việc này thì nhiều doanh nghiệp cũng không thực sự hào hứng, vì cho rằng các sinh viên thực tập chỉ làm vướng chân chứ không đóng góp được gì. Mặt khác, nhiều sinh viên cũng than phiền về việc không học được gì, do nhiều doanh nghiệp không cho phép sinh viên tham gia trực tiếp vào công việc mà chỉ được quan sát chung chung, cũng không có những hướng dẫn hoặc giải đáp khi sinh viên có thắc mắc. Đó là chưa kể tình trạng sinh viên được nhận vào thực tập chỉ để được sai vặt, như được nêu trong một phóng sự có tựa là “Cử nhân thực tập nghề … bê nước, pha trà” trên tờ Tiền Phong vào tháng 1/2013. Nói vắn tắt, các doanh nghiệp không mặn mà bắt tay với các trường đơn giản là vì họ không thấy có ích lợi gì trong việc hợp tác này cả.

Sẽ là không công bằng nếu nói đến sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhưng lại chỉ xét đến vai trò của doanh nghiệp mà bỏ qua vai trò của các trường. Thực tế cho thấy, không kể một số trường thực sự năng động và có nhiều quan hệ với doanh nghiệp, hầu như các trường đều không thực sự tích cực để tìm ra những phương cách tạo ra mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Ngay cả trong việc thực tập – một yêu cầu bắt buộc trong quá trình đào tạo – nhiều trường cũng bỏ mặc cho sinh viên tự đi tìm nơi thực tập, miễn là có sự xác nhận của doanh nghiệp như một thủ tục bắt buộc, rồi sau đó làm một báo cáo mang tính hình thức, thì có thể xem là đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo, như trong bài báo đăng trên tờ Tiền Phong đã dẫn ở trên.

Phải chăng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào lòng tốt và ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, và chừng nào điều này chưa xảy ra thì việc sinh viên ra trường để thất nghiệp vẫn sẽ là một tình trạng đương nhiên?

 “Vòng xoắn ba” Nhà trường – Doanh nghiệp – Nhà nước: Kinh nghiệm của các nước phát triển

Kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển có thể sẽ gợi ý cho cho chúng ta một vài ý tưởng. Thật vậy, đối với các nước phát triển phương Tây thì sự liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học và doanh nghiệp được xem là một điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cả hai phía trong nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu ngày nay. Trong mối quan hệ này, doanh nghiệp đóng vai trò đòn bẩy kích thích sáng tạo và thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, đồng thời cũng cung cấp thêm một nguồn lực tài chính cho các hoạt động của nhà trường; ngược lại, các trường đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới và tìm tòi các giải pháp cho các vấn đề mà thực tế đặt ra cho các doanh nghiệp, bên cạnh vai trò truyền thống là nguồn cung cấp cho nhu cầu về nhân lực có trình độ.

Cần lưu ý rằng mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp tại các nước phát triển là mối quan hệ bình đẳng và hai bên cùng có lợi, chứ không phải là mối hỗ trợ từ một phía. Tại các nước này, các trường đại học – đặc biệt là các trường có tầm cỡ – đồng thời cũng là những trung tâm sáng tạo với những phát minh sáng chế quan trọng, nơi tụ tập những tài năng lớn và đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp, được nhà nước đầu tư đáng kể về phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại để thực hiện những công trình nghiên cứu quan trọng. Tận dụng nguồn lực này để giải quyết những vấn đề của riêng mình qua những hợp đồng khoa học công nghệ chắc chắn sẽ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn so với việc từng doanh nghiệp tự đầu tư để thực hiện các nghiên cứu riêng lẻ – tất nhiên là trừ những doanh nghiệp lớn có sẵn bộ phận nghiên cứu và phát triển.

Nhưng mối quan hệ thuận lợi giữa nhà trường và doanh nghiệp tại các nước phát triển không phải tự nhiên mà có. Mặc dù không lộ diện, nhưng trong mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp luôn có sự hiện diện của nhà nước thông qua hệ thống chính sách và môi trường pháp lý. Đó chính là mô hình “vòng xoắn ba” (triple helix) gồm nhà trường – doanh nghiệp – nhà nước mà các tài liệu về nghiên cứu của phương tây thường hay đề cập đến. Một ví dụ rõ ràng là vấn đề sở hữu trí tuệ. Chính vì nhà nước đã tạo ra được một môi trường nơi sản phẩm trí tuệ của các nhà khoa học được bảo vệ chặt chẽ, nên các nhà khoa học phương tây hoàn toàn yên tâm nghiên cứu và phổ biến các ý tưởng sáng tạo của mình rộng rãi đến công chúng. Trong một môi trường như vậy thì các nhà nghiên cứu và các trường mong càng có nhiều người biết đến và áp dụng các ý tưởng và giải pháp của mình để sinh lợi càng tốt,bởi khi doanh nghiệp thu lợi từ ý tưởng của họ thì lúc ấy chính họ sẽ được hưởng quyền lợi chính đáng dành cho người có quyền sở hữu trên sản phẩm trí tuệ ấy.

Một ví dụ rõ ràng khác trong mối quan hệ khắng khít của “vòng xoắn ba” này là vấn đề kiểm định nghề nghiệp và cấp chứng chỉ hành nghề. Ở Mỹ, các hội nghề nghiệp có một vai trò rất quan trọng trong quá trình đào tạo của các trường đại học. Hội nghề nghiệp là nơi xác định các tiêu chuẩn năng lực cần có và nội dung của các kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề của một người bắt đầu bước chân vào một ngành nghề chuyên nghiệp nào đó. Những tiêu chuẩn này đồng thời cũng được đưa vào bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo (còn gọi là kiểm định nghề nghiệp, ví dụ như tiêu chuẩn của ABET) để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường. Thông qua kiểm định nghề nghiệp, nội dung chương trình đào tạo của các trường sẽ thường xuyên được đánh giá về mức độ cập nhật và phù hợp với thị trường, nhằm tránh tình trạng sinh viên ra trường nhưng không có những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Nhà nước không cần can thiệp vào quá trình kiểm định này, mà chỉ công nhận giá trị của các tổ chức kiểm định nghề nghiệp, và đưa ra các chính sách tài chính đối với người học và nhà trường đối với các trường, chẳng hạn như trường nào không thực hiện kiểm định thì sinh viên của họ sẽ không được cấp học bổng hoặc các khoản tín dụng học tập.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Kinh nghiệm của các nước phát triển về “vòng xoắn ba” khiến ta không khỏi thắc mắc, phải chăng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn lỏng lẻo là vì vòng xoắn hiện còn thiếu một sợi dây thứ ba? Chẳng hạn, nếu như các doanh nghiệp không mặn mà với các trường vì họ không được lợi gì từ mối quan hệ này, thì liệu nhà nước đã có chính sách gì để khuyến khích sự gắn kết này hay chưa? Nhà nước có vai trò gì không khi tuyệt đại đa số giảng viên trong các trường đại học của Việt Nam không say sưa nghiên cứu để sáng tạo ra tri thức mới, khi tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn tràn lan trên mọi lãnh vực, hoặc khi bằng cấp thật, chất lượng dỏm dường như ngày càng trầm trọng vì số trường đại học mở ra thì nhiều nhưng chưa có một hệ thống kiểm định hoàn chỉnh? 

Vâng, có lẽ điều cần làm để giải quyết tình trạng hiện nay không phải là tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết với doanh nghiệp, hoặc kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ quá trình đào tạo của các trường để chứng tỏ trách nhiệm xã hội, mà là nhanh chóng có được một vài chính sách vĩ mô để tác động vào mối quan hệ này, như chính sách về kiểm định nghề nghiệp chẳng hạn. Nếu không thì  hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp xong để tham gia vào lực lượng thất nghiệp không giảm đi mà có lẽ sẽ còn cao hơn nữa, đặc biệt là trước viễn cảnh Cộng đồng Kinh tế Asean vào năm 2015!


1 comment:

  1. Bài viết trình bày khá rõ ràng theo từng mục từ chỗ nêu ra thực trạng, chỉ ra điểm yếu kém và sau cùng không thiếu phần đề ra giải pháp. Với cấu trúc chặt chẽ, nội dung đã truyền tải đến nhiều người một vấn đề đang nhức nhối cho cả xã hội, đó là sự khủng hoảng thừa hay là lãng phí.

    Hiện tại, nhiều trường ĐH trong Nam đang loay hoay tìm kiếm làm sao thu hút sinh viên đầu vào. Tuy nhiên, bài toán căn cơ vẫn là quan hệ doanh nghiệp - nhà trường. Lúc trước, mối quan hệ này rất bỏ ngỏ mà bằng chứng là đầu những năm 2000, các trường mới chỉ ra đời phong quan hệ doanh nghiệp. Và phòng ban này đã dần dần đổi tên cũng vì bản chất đã thay đổi nhiều, đó là Phòng Quan hệ doanh nghiệp cộng đồng và hỗ trợ sinh viên. Một mặt tích cực nào đó, sự hỗ trợ của nhà trường để sinh viên có nơi thực tập đúng nghĩa vẫn đang được xúc tiến.

    Sau một số lần tìm nơi thực tập cho sinh viên, em thấy rằng vai trò của doanh nghiệp chưa thực sự rõ ràng trong mối quan hệ trên. Họ cứ kêu ca rằng công ty chưa có tiền lệ nhận sinh viên thực tập. Nhưng sau khi thảo luận về nội dung thực tập cũng như thù lao thì họ gật đầu vì có thể họ không phải có trách trả một đồng lương thực tập nào cho sinh viên mà vẫn có người "bưng bê trà nước". Vì thế, các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm về sinh viên thực tập thì may ra quan hệ này có thể cải thiện được.

    Xin chia sẻ cho một kinh nghiệm ở Pháp. Các công ty vì không muốn thuê cố định một người làm công để tránh trả những khoản chi phí thuế, bảo hiểm; họ sẵn sàng thuê sinh viên thực tập để có thể làm một số modules nào đó trong thời gian 3-6 tháng. Vì rằng tiền mà công ty phải đóng thuế cho nhân viên gần 50% khoảng lương net họ nhận. Với sinh viên thực tập (hoặc gọi cụ thể là bán thời) các khoản phí thấp hơn hoặc không phải đóng.

    ReplyDelete