Saturday, March 17, 2012

Giảng bài văng tục và thời loạn chuẩn


Bây giờ mới viết về vụ giảng bài văng tục của một vị tiến sĩ nọ thì có lẽ đã hơi muộn, vì báo chí đã khai thác đề tài này quá nhiều rồi. Các học viên, đối tượng cần được bảo vệ khỏi cái thái độ lấc xấc và ngôn ngữ xuồng xã của vị tiến sĩ nói trên, cũng đã tranh luận ầm ĩ trên mạng cả tuần nay.  Nhưng có một điều bất ngờ là các tranh luận của học viên cho ta thấy một xu hướng rất rõ: phong cách giảng dạy của vị tiến sĩ đặc biệt này lại được đa số học viên thích thú, thậm chí ngưỡng mộ.


Thật rõ ràng, vị tiến sĩ của chúng ta là một người rất hiểu “thị hiếu”, “khẩu vị” của học viên, và rất thành công trong việc thu hút họ đến nghe ông giảng. Nếu việc giảng bài được xét theo khía cạnh “bán dịch vụ” thì ông tiến sĩ dã thành công trong việc bán cái người ta cần/muốn mua, chứ không phải là bán cái mình có/cái mình muốn bán. Vấn đề còn lại là ông tiến sĩ (hay bất kỳ một giảng viên nào khác) liệu có quyền bán bất cứ cái gì mà người học muốn mua hay không? Ví dụ, nếu học viên không cần thầy hướng dẫn cho họ cách tư duy, làm việc độc lập, mà chỉ cần đưa ra những câu hỏi có thể xuất hiện trong các kỳ thi, rồi cung cấp cách trả lời sao cho dễ “ăn điểm” nhất, còn thời gian còn lại thì nói chuyện phiếm, cà rỡn, thọc léc sinh viên cho đến hết giờ học thì thôi?


Hỏi, tức là đã trả lời. Không chỉ riêng nghề nhà giáo, mà bất cứ nghề nào trong xã hội cũng đều phải có những nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp – thành văn hoặc bất thành văn – mà nếu ai vi phạm thì sẽ bị trừng phạt, bị khai trừ, hoặc ít nhất là bị tẩy chay. Ví dụ, không thể vì người tiêu dùng thích thịt heo nạc mà những người nuôi heo đều có quyền cho heo ăn thuốc tạo nạc theo kiểu “thích thì chiều”, bất kể điều đó có gây hại gì cho sức khỏe của người tiêu dùng hay không. Cũng vậy, không phải vì sinh viên thích nghe giảng bài có đệm thêm tiếng đan mạch mà giảng viên cứ thế tuôn ra để … chống buồn ngủ. Bởi tôi tin chắc chắn hầu hết các bậc phụ huynh đều dạy con mình không được nói tục, chửi bậy ngay từ lúc các em còn nhỏ.


Vậy, tại sao phong cách giảng bài văng tục của vị tiến sĩ mà chúng ta đang bàn ở đây lại được rất nhiều học viên bênh vực, chấp nhận? Thậm chí, sự bênh vực này còn đến từ một vài đồng nghiệp của ông ta nữa. Và một số người khác, cũng là “trí thức”, nhà giáo, thì tỏ ra phân vân không rõ ông ta có đáng bị lên án hay không? Tôi đang tự hỏi mình, thì nhận được một đường dẫn của một người bạn về bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, từ Trường ĐH La Trobe là nơi mà tôi may mắn là một cựu sinh viên. Có thể download nó ở đây, có sẵn bằng tiếng Việt: http://www.latrobe.edu.au/equality/assets/downloads/Vietnamese%20-%20La%20Trobe%20Uni%20-%20Sexual%20Harassment,%20Harassment%20and%20Discrimination%20Brochure%2016042010.pdf.

Thực ra, bộ quy tắc ứng xử này chỉ là một ví dụ thôi, chứ nó chẳng có gì đáng gọi là độc đáo, vì ở mọi nước người ta đều có quy định về quy tắc ứng xử của nhà giáo, hay còn gọi là đạo đức nhà giáo. Mà ở VN hình như cũng có thì phải; chúng ta còn có hẳn một Cục Nhà giáo nữa cơ mà. Rồi các hội, đoàn (hội giáo chức? công đoàn giáo dục?), chúng ta cũng có đủ cả.


Hình như cũng giống như nhiều thứ khác, xét trên giấy thì cái gì chúng ta cũng có, nhưng không làm, hoặc ít ra là không làm đến nơi đến chốn. Câu nói “thật thà thường thua thiệt” dễ đã có ở VN đến vài thập niên nay rồi. Nên bây giờ, cái gì nghe có vẻ “chính thống”, “chuẩn mực”, đạo đức vv thì những người trẻ (sinh viên) chẳng coi là cái thá gì cả. Họ tung hê đi hết, vì nói mà không làm thì chỉ là đạo đức giả. Càng ngông nghênh, ngổ ngáo, thách thức các “chuẩn mực”, quy định vv thì lại càng “hot”, càng được xem là mới, là sáng tạo, là thực, là dũng cảm. Và trường hợp của vị tiến sĩ của chúng ta là một ví dụ rất cụ thể, sinh động cho tình trạng nói trên.

Cho nên chỉ có thể kết luận rằng vụ tiến sĩ giảng bài văng tục mà lại còn được bênh vực, tung hô như thế kia thì cũng chẳng có gì bất ngờ, vì chúng ta đang ở trong thời loạn chuẩn. Trách nhiệm tại ai, và bây giờ cần làm gì, tôi nghĩ, có lẽ trong hệ thống của chúng ta, nơi có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì câu trả lời trước hết phải đến từ Đảng.

Chẳng hiểu tôi nghĩ như thế có đúng không?

12 comments:

  1. Cô Phương Anh thử đọc bài này xem, thể hiện một cách nhìn khác về vụ bài giảng của TS.Dương:
    http://bshohai.blogspot.com/2012/03/tu-duy-giao-duc-trong-cach-hoc-va-day.html

    ReplyDelete
  2. Hoan nghênh bài viết của chị Phương Anh. Mặc dù đã đọc hàng loạt bài viết phản ánh ý kiến của nhiều người khác nhau phê phán TS Dương, tôi vẫn thấy bàì của chị PA rất hấp dẫn vì sự phân tích sắc sảo với những lập luận mới.
    Tôi thật không thể tưởng tượng nổi Trường ĐH Ngân hàng TP HCM có một ông thầy như TS Dương. Ăn nói thì tục tĩu, cà lơ. Kiến thức thì lỗ mỗ. Dạy học thì nói suốt từ đầu đến cuối, chẳng thấy phương pháp mới ở đâu cả. Đúng là món hàng của ông này chỉ có thể đem bán cho những người "học giả" thôi.
    Nhưng điều đáng ngạc nhiên là không chỉ TS Dương mà cả trường ĐH nơi ông ta làm trưởng khoa lẫn trường mời ông ta dạy cho đến bây giờ vẫn chưa có động thái gì tiếp thu công luận. Nghe bà viện trưởng của Trường ĐH FPT khen ông ta, tôi thành thật nghĩ rằng những cơ sở dạy học như vậy nên sớm được đóng cửa.

    ReplyDelete
  3. Tôi cũng có may mắn (hay xui xẻo?)nghe ông TS Lê Thẩm Dương giảng bài. Tôi đã phải sử dụng hết vốn lịch sự của mình để không bỏ ra ngoài trước khi ông ta kết thúc bài giảng và tôi thề sẽ không tham dự bất cứ lớp học nào mà ông ta được mờilàm giảng viên.
    Nhưng điều khiến tôi còn kinh hãi hơn là đọc trên một trang báo mạng thấy số ý kiến cho rằng cách giảng bài như vậy là bình thường đã chiếm tỷ lệ áp đảo.

    ReplyDelete
  4. hay thật, thì ra quanh đi quẩn lại các vị ở đây cũng đổ lỗi cho Đảng Cộng sản, những bài viết thế này tính xây dựng thì không có mà tính chất phản động thì nhiều. Tôi thật không hiểu các vị đi học ở nước ngoài đã giúp ích được gì cho đất nước chưa mà mở miệng là báng bổ nhà nước, chế độ chính trị, nức nở khen giáo sư nước ngoài này nọ, dẫn chứng kiến thức hùng hồn, uyên bác.
    Sinh viên cũng chẳng yêu cầu thầy giảng bài theo cách đó, đó là phog cách vậy thôi, ai thích thì nghe, không thì thôi.
    Chỉ có những người tư tưởng phản động mới chờ những dịp thế này để đả kích mà thôi

    ReplyDelete
    Replies
    1. Phong Trần nên nhớ là nhà nước, chế độ là do dân bầu ra và chỉ đại diện cho người dân thôi nhé, một khi không chứng minh được năng lực của mình thì tốt nhất nên từ chức còn hơn chứ đừng khư khư bám lấy chức vụ để làm khổ dân.

      Bên cạnh đó, bác có chắc anh tỉ phú như bầu Đức đóng góp được nhiều hơn anh đổ rác hay không? Không chắc thì đừng mở miệng chụp mũ người khác nhé. Hy vọng bác biết xấu hổ mà nghỉ việc cho dân nhờ.

      Delete
  5. Phong Tran: ???

    Toi xin doi "thoi loan chuan" thanh "thoi chup mu" (mu phan dong) vay.

    ReplyDelete
  6. Cô Phương Anh nói rất đúng. Em đã rất bất bình và lên tiếng phản đối trên youtube. Đáng buồn nhất là SV thì cứ hưởng ứng ông Dương ầm ầm. Em mới than rằng GDVN hết thuốc chữa rồi.
    Em không cho nói tục là vấn đề to tát nhưng phải có nơi có chỗ. Ông này diễn tấu hài ở quán thịt chó thì chuẩn, chứ môi trường academic thì sao dung được. Nội dung kiến thức thì vừa võ đoán, vừa đơn giản, không có gì mới cả.
    Có lẽ phần đa người học là dạng chuyên tu bắt buộc, họ gặp nhau cười hà hà rồi về, cuối khóa nhận chứng chỉ. Thế nên phong cách ông Dương thành ra hợp gu.
    Những hiện tương như thế này là tiếng chuông cuối cùng cảnh báo về sự vô phương cứu chữa (beyond remedy) rồi. Cô và những các học giả khác có làm gì cải tạo được không?
    Nghĩ tiêc thay cho bà Nữ Oa đội đá vá trời
    Con Dã Tràng xe cát lấp biển biết đời nào xong?

    ReplyDelete
  7. Cô Phương Anh nói trách nhiệm thuộc về Đảng nhà nước là đúng rồi còn gì nữa mà tranh cãi?
    Các vị học hành thế nào, có cái cỏn con như thế cũng phải tranh luận. Giáo dục là bộ phận của kiến trúc thượng tầng, Đảng nhà nước khẳng định là mình có vai trò chỉ đạo và điều chỉnh toàn bộ hệ thống đó (luật pháp, giáo dục, văn hóa,...) thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm giáo dục của mình chứ?
    Đấy là nói theo ngôn ngữ Mác Lê đấy nhé, không thèm dùng Tây học đâu.

    ReplyDelete
  8. GV vào lớp dành nhiều thời gian nói chuyện tếu chẳng ăn nhập gì với kiến thức bài giảng, được nhiều sinh viên thích và khen hay.Từ đó GV đi đâu cũng vỗ ngực tự đắc ta đây là GV giỏi mà không chịu hiểu mình chỉ là thầy..."thọc lét". Chuyện thường ở giảng đường ĐH xứ ta ấy mà. Chán!...

    ReplyDelete
  9. Có độc giả dẫn tay Hồ Hải ra kìa.

    Ông này luôn miệng nhắc tới phản biện, tư duy độc lập, critical thinking... nhưng đọc ông cũng phải TỈNH TÁO lắm mới được.

    Đừng tìm hiểu critical thinking qua lời Hồ Hải.

    Đề nghị chị Phương Anh viết một bài về critical thinking đi!

    ReplyDelete
  10. Giáo dục cũng như một sản phẩm/dịch vụ và sinh viên là người tiêu dùng. Khi mà hàng giả, hàng nhái, dịch vụ lừa đảo tràn lan thì người tiêu dùng phải khôn ngoan để bảo vệ mình. Tiếc rằng đa số sinh viên VN hiện nay được dạy theo kiểu nhồi sọ lâu quá rồi nên mất luôn khả năng tư duy phản biện, chỉ thích mấy trò giật gân mà thôi.

    ReplyDelete