Wednesday, August 31, 2011

Vai trò của nhà nước và thị trường trong giáo dục đại học (1): Vài lời phi lộ

Đây sẽ là một loạt bài nhiều kỳ của tôi cho chủ đề mà tôi đã đưa lên làm tựa cho entry này. Nhưng trước khi viết, xin có vài lời phi lộ. Vừa là tâm sự, nhưng cũng vừa giải thích lý do tại sao tôi lại viết về vấn đề này.

Trước hết, vài lời tâm sự. Có nhiều bạn bè hỏi tôi rằng lúc này đang làm gì, ở đâu, sao im ắng thế, và công việc mới có vui không. Tôi đã trả lời một số người mà tôi có cơ hội gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại, qua mail, nhưng có lẽ chưa trả lời hết được.

Sự im ắng của tôi dường như có làm cho mọi người lo lắng, hoặc thậm chí hơi … nghi ngờ. Ngờ rằng có lẽ tôi bị thất sủng, hay bất mãn (?), hoặc thậm chí có khi là phạm phải lỗi gì đó chăng (!), nên mới tự nhiên đang làm rồi bỗng đùng đùng xin nghỉ như vậy. Mà lại nghỉ ngang, chưa hết nhiệm kỳ nữa?

Vậy thì xin khẳng định một câu ngắn gọn rằng hoàn toàn không có chuyện như vậy, còn các bạn có tin hay không thì tùy. Và cũng xin khẳng định luôn là tôi vẫn làm trong lãnh vực giáo dục đại học, dù không còn trong khối công lập nữa. Việc rút lui khỏi khu vực nhà nước để chuyển sang khu vực tư nhân thì tôi đã có ý định lâu rồi chứ chẳng phải mới đây, vì tôi vẫn có một niềm tin rằng những thay đổi lớn mà tôi mong đợi trong giáo dục đại học ở VN sẽ diễn ra ở khối ngoài công lập hơn là khối công lập.

Đây là một niềm tin có cơ sở lý luận đàng hoàng, mà tôi cũng đã suy nghĩ về điều này từ hơn 15 năm nay. Vì có thể nói cuộc đời nghề nghiệp (trong lãnh vực giáo dục đại học) của tôi gắn liền trực tiếp với quá trình cải cách giáo dục đại học của Việt Nam. Tôi bắt đầu đi dạy vào năm 1983, thì chỉ vài năm sau đó là giáo dục ĐH của VN có rất nhiều thay đổi, có thể nói là thay đổi hoàn toàn. Trước đó (thời của tôi), mọi sv đi học không phải đóng tiền, mà còn được lãnh học bổng, được chế độ mua gạo, nhu yếu phẩm, vv – tương tự như một người đi làm, có lãnh lương, mặc dù tất nhiên là thấp thôi, vì chưa học xong mà. Sau đó, ra trường thì được nhà nước “bao tiêu” đầu ra, tức là phân công công tác toàn bộ mọi sv tốt nghiệp, và nhà nước sẽ phân đi bất cứ nơi đâu, cũng phải chấp nhận.

Với cách làm như thế cho nên nhà nước đâu có đào tạo được nhiều (tiền đâu mà đào tạo), mà cũng đâu có đủ cơ quan đâu mà phân công (lúc ấy kinh tế chỉ có của nhà nước hoặc của tập thể, tức là các hợp tác xã mà thôi, sản xuất và kinh doanh đều đình trệ, cả nước thiếu ăn, thiếu mặc, dân SG lúc ấy thì chỉ “khoái ăn sang” tức là sáng ăn khoai mà thôi).

Nhưng chỉ vài năm sau, khoảng năm 1985, 1986 gì đó, thì cải cách giáo dục đại học bắt đầu diễn ra, và đến nay đã được ¼ thế kỷ rồi đó. Sẽ còn rất nhiều điều để nói về nó, nhưng chỉ xin ghi lại một điều thôi: từ lúc ấy, nhà nước đã bắt đầu có chủ trương huy động mọi nguồn lực, mọi sự đóng góp của toàn xã hội, để giải quyết bài toán tăng quy mô mà không làm giảm chất lượng của giáo dục đại học của VN. Chủ trương ấy, hình như được gọi là “xã hội hóa giáo dục” thì phải. Đấy là nói theo ngôn từ của VN, còn thế giới thì nó gọi đó là “tư nhân hóa giáo dục”.

Vâng, tóm lại là tôi đã bắt đầu quan tâm đến giáo dục đại học tư nhân (ban đầu ở VN người ta cũng không dám gọi là tư nhân, mà gọi bằng từ “mở” – mà đầu tiên là ĐH Mở - Bán công, nơi tôi có dạy một số năm – rồi sau đó là từ “dân lập”) ngay từ thời ấy rồi. Thậm chí, khi tôi học xong, có bằng Tiến sĩ (lúc ấy còn trẻ lắm, mới 36 tuổi thôi, hic hic!!) thì khi về còn được ĐH Mở - Bán công mời về làm với mức lương khá cao, và tôi cũng đã cân nhắc rất dữ, thậm chí đi hỏi Vụ Tổ chức Cán bộ của Bộ Đại học, xem tôi có quyền được làm như vậy không nữa kia. Đó là năm 1997. Nhưng sau đó, vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do … trả ơn (vì tôi được học hành, “thành danh” từ khối công lập, cụ thể là Trường Đại học Tổng hợp hồi ấy), nên tôi đã ở lại khối công lập, và làm …

Làm miết, làm miết, với những cố gắng, những hào hứng khi làm được một chút gì đó, rồi đến đụng chạm, những chán nản, mệt mỏi, và thậm chí có lúc bị đấu đá đến là đau đớn, rồi lại vượt qua, lại hào hứng, rồi lại mệt mỏi. Miết, cho đến giờ là 28 năm.

28 năm, đủ để cho tôi hiểu rõ hơn về những cái mạnh (rất nhiều) và cái yếu (đôi khi thâm căn cố đế) của giáo dục đại học khối công lập. Và cũng đủ để cho tôi có quyền nghỉ “hưu” (theo các chế độ của nhà nước, tất nhiên). Và hơn nữa, cũng đủ cho tôi chán, và muốn thay đổi môi trường, để vào một môi trường mới, trải nghiệm mới, phương pháp mới, tư duy mới …

Dài dòng quá, phải không các bạn? Tính của tôi vốn dài dòng, các bạn thông cảm. Vả lại, tôi đã có 28 năm làm việc, “bao nhiêu năm ấy biết bao nhiêu tình” mà, nên viết dài cũng phải thôi.

Cuối cùng, để trả lời câu hỏi tôi đã đặt ra ở trên: Tôi đang làm gì, ở đâu? Thì đây, tôi đã thôi biên chế ở nơi cũ từ ngày 1/8, giờ về làm cho một đại học tư, vẫn làm mảng khảo thí và đảm bảo chất lượng vì đó là nghề của tôi mà, đồng thời kiêm thêm quan hệ quốc tế và quản lý khoa học nữa. Trường đó là trường gì thì xin tạm giữ kín, chỉ xin nói rằng tôi thấy môi trường làm việc khá tốt, quan hệ con người chân tình, và mục tiêu của trường phù hợp với quan điểm về giáo dục của tôi. Làm, vì có lời hứa với một người mà tôi xem như bạn, đồng thời cũng vì chưa già lắm, còn có thể làm việc được, và cũng cần có lương để sống, để lo cho con cái chứ.

Bên cạnh công việc được lãnh lương ấy, tôi còn làm một việc khác nữa, không được lãnh lương (thậm chí còn phải bỏ tiền túi ra làm nữa cơ!), nhưng tôi làm vì tôi cảm thấy có ý nghĩa và cần phải làm: tôi đã nhận lời, và vừa được bổ nhiệm, làm Phó Giám đốc (phụ trách chuyên môn) của Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập. Công việc này cho phép tôi tìm tòi, nghiên cứu, phản biện chính sách, và chia sẻ kinh nghiệm với mọi người trong lãnh vực giáo dục. Với một mục đích duy nhất là đóng góp một phần vào phát triển giáo dục đại học của VN, dù chỉ là một phần vô cùng nhỏ bé.

Và với những tư cách mới ấy, tôi đã đọc, đang viết, và hy vọng sẽ còn sức để viết nhiều nữa, về giáo dục đại học tư nhân, và về vai trò của thị trường, của cạnh tranh vv, trong giáo dục đại học. Bài đầu tiên của tôi trong loạt ấy chính là entry này.

Một lời phi lộ quá dài, có lẽ dài hơn bài chính! Rất mất cân đối, nhưng hy vọng nó sẽ chỉ xảy ra một lần này thôi!

Hẹn gặp ở các entry sau, các bạn nhé!

2 comments:

  1. Em mong được đọc những bài viết của cô thường xuyên, như cô đã nói ở trên :D.

    Bên cạnh đó, em có một mong muốn nhỏ, đó là, khi cô biết một việc vui (theo nghĩa đen) trong ngành giáo dục đại học VN (dù là ngoài công lập hay công lập), em mong cô chia sẻ trên blog này, để em (và có thể nhiều bạn khác) có thể giữ được nhiệt huyết với nền giáo dục nước nhà, và cũng để có những quyết định chính xác hơn trong sự nghiệp của mình.

    Cám ơn cô ạ !

    ReplyDelete
  2. Em thích sự chia sẻ của Cô về con đường nghề nghiệp vì năm 1983 thì em mới vào giữa cấp 2 thôi Cô ạ :)) nên trải nghiệm và những dự định tới đây của Cô thực sự quý đối với em bởi bây giờ đã sang năm thứ 17 em làm việc ở đại học công lập rồi. Em vẫn đang yêu quí nơi em làm và vẫn hy vọng vào những thay đổi tích cực mà trong đó chắc chắn lại có ảnh hưởng từ những việc Cô đang làm. Em tin như vậy. chúc Cô sức khỏe và thành công mới!

    ReplyDelete