Sunday, August 28, 2011

"Quản đầu vào hay quản đầu ra?"

Quản đầu vào hay quản đầu ra?
----
Bình thường tôi ít chép từ blog của người khác về blog của mình; nếu có cũng chỉ trích dẫn và có lời bình.

Nhưng hôm nay thì phá lệ. Vì bài này tác giả đúng là đã nói thay dùm tôi.

Số là ít lâu nay thấy báo chí lề phải “đánh” các trường ngoài công lập (NCL) dữ quá, đặc biệt là “diếc móc” vụ các trường ấy thiếu sinh viên nên tìm cách “mua chuộc” thí sinh vào trường mình bằng cách “thưởng” – thực chất là cho học bổng để thí sinh vào trường mình.

Tôi thấy lập luận trong những bài viết ấy rất thành kiến, và có nhiều chỗ sai, nghe rất … không lọt tai, nên muốn viết một bài để ghi lại ý kiến của mình. Nhưng chưa có thời gian, vì đang bận quá, thì do thay đổi công tác mà lại.

Mà không viết cũng còn vì tôi mới chuyển từ khu vực công sang khu vực ngoài công lập, e rằng người ta bảo rằng mình … tự bào chữa, nên định chờ cho mọi việc lặng đi, rồi mới nói. Hoàn toàn là vấn đề lý luận, chứ không có mục đích bênh, bỏ công lập hay ngoài công lập gì cả.

Nay có bài này, đỡ quá, không cần viết nữa. Các bạn đọc nhé. Bài này lấy từ blog của Bút Lông. Link nằm ở cuối bài đấy.

Enjoy, and share your views, will you?
--------------

Bất chấp ý kiến của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, một số trường vẫn tiếp tục công bố các “chiêu tiếp thị” nhằm thu hút học viên như giảm học phí, tặng quần áo, thậm chí tặng cả… điểm!

Nhiều người cho rằng sự việc không chỉ là vấn đề kỷ cương phép nước hay là biểu hiện của thương mại hóa giáo dục mà đó còn là hệ lụy sẽ phải đến của một phương pháp quản lý giáo dục “chẳng giống ai”!

Cụ thể, đó là hậu quả rõ nét nhất của việc cho ra đời hàng loạt trường ĐH, CĐ nhưng quá yếu kém về năng lực dẫn tới phải “bán mình” để thu hút người học. Hoặc đó là hệ quả của một nền giáo dục phổ thông thiếu định hướng dẫn tới nhiều thí sinh nhầm tưởng chỉ có một con đường duy nhất vào đời là ĐH. Người ác khẩu còn bảo chính từ sự non kém trong quản lý giáo dục khiến các nhà đầu tư mở trường không hề quan tâm đến sự nghiệp chung là trồng người mà chỉ nhăm nhăm mong… gỡ vốn và thu lời!

Thực ra, nếu quan sát các cách thức quản lý giáo dục của nước ngoài, việc chào mời học viên đến với trường đâu phải là chuyện lạ. Cứ thử nhìn vào các trang quảng cáo báo chí hoặc các băng rôn treo ngoài cột điện sẽ thấy, các chiêu thu hút học viên thông qua các “hội thảo du học” nước ngoài thực chất cũng là cách thức tiếp thị, tìm kiếm khách hàng mua một thứ dịch vụ mang tên: giáo dục chuyên nghiệp.

Vậy thì có đáng kêu ca ầm ĩ khi các trường cạnh tranh nhau thu hút học viên (tức đầu vào)?!

Trong khi đó, điều đáng báo động nhất là chất lượng cử nhân (đầu ra) thì ở ta gần như “khoán trắng” cho các trường. Ai cũng hiểu, cứ đỗ ĐH thì kiểu gì sau bốn năm, hầu hết sinh viên sẽ ra trường, sẽ cầm trong tay tấm bằng kỹ sư, cử nhân để “hãnh diện với đời”. Điều phi lý này tồn tại hàng chục năm nay cho dù các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, với tư cách là người sử dụng lao động, luôn luôn phải bỏ chi phí ra để đào tạo lại hoặc đầu tư rất kỹ cho khâu tuyển dụng nhằm có được nhân lực có chất lượng.

Nhiều chuyên gia gọi kiểu quản lý đào tạo đó của ta là theo “mô hình ống”. Trong khi các nước dù để tự do tuyển dụng đầu vào (chấp nhận đủ các cách tiếp thị, kể cả thí sinh nước ngoài) thì họ lại quản rất chặt đầu ra mà nôm na gọi là “mô hình nón”. Người học có thể đăng ký ghi tên bất cứ trường nào, song không phải cứ đủ bốn năm là nghiễm nhiên cầm bằng tốt nghiệp mà có thể là sáu, tám và thậm chí 10 năm nếu quá trình học không nhận đủ số tín chỉ cần thiết. Theo cách đó, chất lượng nhân lực là thật, dù có khi chỉ sau hai năm một người giỏi đã lấy bằng tốt nghiệp!

Cho nên chất lượng đầu ra mới là việc đáng “kêu”!


Source: http://butlong.multiply.com/journal/item/909/909

No comments:

Post a Comment