Thursday, August 4, 2011

Cải cách tuyển sinh tại TQ: Kinh nghiệm cho VN

Bài viết này của tôi vừa đăng trên Bản tin ĐH Hoa Sen số mới nhất. Có thể đọc bài ấy trên mạng, ở đây. Xin đăng lại dưới đây để chia sẻ cùng các bạn, và để lưu cho chính mình.
---------------

Cải cách tuyển sinh ở Trung Quốc: Kinh nghiệm cho Việt Nam
Vũ Thị Phương Anh

Lại một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa lại qua đi, kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời học sinh ở Việt Nam Một kỳ thi được tổ chức với rất nhiều công sức với những chi phí tính được và không tính được của toàn xã hội mà giờ đây, không cần đợi kết quả thì ai cũng biết rằng sẽ chỉ có một số nhỏ khoảng trên dưới 25% là có được chỗ học thêm 4 năm. Số còn lại sẽ ngậm ngùi chấp nhận thất bại, và đường đời từ đây sẽ rẽ vào ngã khác.

Thi cử nặng nề: Không chỉ có ở Việt Nam!
Một kỳ thi nặng nề, tốn kém như vậy rõ ràng cần phải được cải cách, dư luận xã hội của Việt Nam đã đưa ra đòi hỏi này từ nhiều năm nay. Nhưng cải cách như thế nào đây để không rơi vào tình trạng “lợn lành thành lợn què”? Thay vì phải thử nghiệm trên chính mình, việc tìm hiểu kinh nghiệm của những quốc gia có điều kiện tương tự như Việt Nam chắc chắn sẽ mang những điều hữu ích. Và – dù muốn dù không – thì một trong những quốc gia mà Việt Nam có thể học hỏi cho việc cải cách tuyển sinh chính là Trung Quốc.

So với kỳ thi tuyển sinh của Việt Nam thì kỳ thi đầu vào đại học của Trung Quốc, mà tầm quan trọng được thể hiện ngay trong tên gọi là kỳ thi “Cao khảo” (gaokao), có lẽ còn nặng nề hơn gấp bội. Cũng giống như Việt Nam, cho đến nay kỳ thi Cao khảo ở Trung Quốc vẫn là cơ hội duy nhất để các sĩ tử tìm kiếm một vận may cho tương lai. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, thương hiệu của các trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến triển vọng nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường. Việc cạnh tranh để có được một chỗ học trong các trường thuộc hàng ưu tú ở Trung Quốc vì vậy gay gắt hơn ở Việt Nam rất nhiều lần.

Dựa vào kết quả của kỳ thi Cao khảo, các thí sinh có thể sẽ được nhận vào học tại một trường đại học ưu tú, ở đó các em sẽ có một công việc có thu nhập ổn định chờ sẵn sau khi ra trường. Hoặc các em sẽ có chỗ học ở một trường bậc trung mà cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường vẫn chỉ là một ẩn số. Hoặc nếu thất bại hoàn toàn, thì các em sẽ phải suốt đời chấp nhận cuộc sống khó nhọc, vất vả của người lao động phổ thông. Nói cách khác, cả cuộc đời của các em được định đoạt chỉ trong kỳ thi hai ngày đầy căng thẳng va phụ thuộc nhiều vào may rủi.

Bất bình âm ỉ, cải cách từ từ
Sự không hài lòng đối với kỳ thi cao khảo tại Trung Quốc đã âm ỉ từ lâu. Theo tác giả Jiang Xueqin trong bài viết trên tờ Diplomat ngày 3/6/2011 , chỉ vài ngày trước ngày băts đầu kỳ thi Cao khảo năm nay, tất cả mọi người Trung Quốc đều đồng ý rằng kỳ thi đã hoàn toàn tước đi tính tò mò tự nhiên, sự sáng tạo, và cả tuổi thơ của các học sinh Trung Quốc. Vì thế, cần thiết phải cải cách kỳ thi này bằng mọi giá – đó là điều không có gì để bàn cãi nữa.

Cần thiết thì cần thiết, nhưng cải cách một cuộc thi đã có thâm niên đến mấy chục năm ở một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Khổng giáo với một nền giáo dục ứng thí quả là điều không dễ. Vì vậy, mặc dù kế hoạch cải cách kỳ thi Cao khảo của Trung Quốc đã được nói đến trong nhiều năm nay, nhưng việc triển khai cải cách vẫn chỉ mới diễn ra trong phạm vi thử nghiệm. Nhiều biện pháp được đem ra thử nghiệm, đa số đều rút ra từ cách làm của các nước phương Tây. Các trường thí điểm cải cách được phép tuyển thẳng những học sinh có các thành tích đặc biệt, hoặc tổ chức thêm những buổi phỏng vấn để tuyển chọn những thí sinh phù hợp, hoặc liên kết thành một nhóm trường và tự tổ chức kỳ thi riêng khác vói kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi Liên khảo, tức đề thi chung của một nhóm trường) . Mặc dù rất khác biệt, nhưng các biện pháp này đều có chung một mục đích: cố gắng đánh giá những khía cạnh khác của tài năng vốn khó đánh giá được trong các kỳ thi truyền thống, đặc biệt là tính sáng tạo của người học.

Không chùn bước trước những ý kiến trái chiều
Những giải pháp vừa nêu không phải là đều đã nhận được sự đồng tình của toàn xã hội. Cũng dễ hiểu, vì mỗi giải pháp đã nêu đều có những khiếm khuyết riêng, và điều này đã được công chúng nêu ra trên các diễn đàn công khai, kèm những lời phản đối đôi khi có thể được xem là gay gắt . Liệu việc trao quyền cho các trường tổ chức phỏng vấn để tuyển sinh liệu có dẫn đến việc lạm quyền của các hiệu trưởng, chỉ nhận những người thân vào học – một dạng tham nhũng trong giáo dục – hay chăng? Liệu việc cho phép từng nhóm trường tạo ra một cách thi riêng có công bằng đối với mọi thí sinh không, khi các trường đại học tốt ở các đô thị lớn sẽ phù hợp hơn với thí sinh sinh sống ở các đô thị đó, và loại trừ các thí sinh ở các địa phương khác – một sự bất bình đẳng trong giáo dục?

Nhưng bất chấp những ý kiến trái chiều này, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã tỏ rõ sự kiên quyết thực hiện cải cách, dù chậm chạp và thận trọng. Trong bài viết có tựa đề “Taking the right step forward” (tạm dịch: “vững bước tiến lên”) đăng trên trang mạng của tờ Trung Hoa nhật báo ngày 25/3/2011 , tác giả Xiao Xiangyi khẳng định Trung Quốc đã thực hiện những bước đầu tiên của việc cải cách kỳ thi Cao khảo thông qua việc khuyến khích các trường đại học tự đưa ra những tiêu chuẩn tuyển sinh sao cho có thể kiểm tra được tính sáng tạo, óc tưởng tượng và kỹ năng học tập của sinh viên. Việc cải cách này là cần thiết để góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt tài năng kinh niên của đất nước này.

“Khi các trường lần lượt được cho phép sử dụng kỳ thi riêng của mình, thì kỳ thi Cao khảo sẽ không còn là yếu tố duy nhất để định đoạt việc sinh viên sẽ được nhận học ở trường nào như hiện nay nữa,” bài báo trích lời của giáo sư Qin Shaode thuộc Đại học Phúc Đán.

Cải cách tuyển sinh đã khởi động ở Trung Quốc, còn Việt Nam?
“Lần lượt được cho phép”, cụm từ này cho thấy cuộc cải cách kỳ thi Cao khảo sẽ diễn ra khá chậm chạp, có lẽ là để tránh những xáo trộn không cần thiết của một kỳ thi với số lượng thí sinh lên đến cả chục triệu người, cũng có nghĩa là ảnh hưởng đến cả chục triệu gia đình, tức vài ba chục triệu con người. Vì vậy, khi nhìn từ bên ngoài, cuộc cải cách kỳ thi tuyển sinh của Trung Quốc hiện nay dường như vẫn chưa có gì thay đổi.

Nhưng thực ra, cuộc cải cách tuyển sinh của Trung Quốc đã thực sự bắt đầu, một sự bắt đầu hợp quy luật và chắc chắn sẽ là xu thế không thể đảo ngược. Vì nó là một bước tiếp theo tất yếu của những cải cách đối với nền giáo dục đại học của Trung Quốc theo hướng hội nhập với thế giới. Như có thể thấy qua những gì đã diễn ra trong mùa thi năm nay, khi một số trường đã dám cho phép sinh viên của mình “nói không” với kỳ thi Cao khảo.

Bất chấp một thói quen lâu đời và sự trì trệ, ít thích thay đổi, chỉ muốn duy trì nguyên trạng của nền văn hóa Khổng giáo, Trung Quốc đã làm được như vậy trên một đất nước với trên 1 tỷ dân. Lẽ nào Việt Nam lại không làm được như vậy, nếu có quyết tâm?

2 comments:

  1. Chào chị:
    Tôi có bài viết về gaocao tựa là:

    Yimin Wang and Heidi Ross

    Experiencing the Change and
    Continuity of the College Entrance
    Examination
    A Case Study of Gaokao County, 1996–2010

    Chinese Education and Society, vol. 43, no. 4, July–August 2010, pp. 75–93.

    Nếu chị muốn nhận được, chị có thể cho tôi email để tôi gửi cho chị. Ngoài ra tôi còn có rất nhiều bài viết rất cập nhật của tờ journal này (năm 2011 v.v.).
    davidngo06

    ReplyDelete
  2. I am Yimin Wang--Thanks for recommending the article that I co-authored. If you need me to send it to you or if you need related references on College Entrance Exam in China, please let me know. I am hoping to communicate more with people who have interest in this field.

    ReplyDelete