Saturday, May 30, 2009

Tài liệu dịch: Chỉ số hoạt động của trường đại học: quái thai hay quý tử? … Tác giả: Sid Gilbert

Nguồn: http://www.ocufa.on.ca/forum/spring99/perind.asp

(bản gốc tiếng Anh xin truy cập tại địa chỉ trên; bản dịch tiếng Việt của Vũ Thị Phương Anh; sử dụng xin liên hệ tác giả tại vtpanh@gmail.com. rất mong mọi người tôn trọng bản quyền của người dịch!)

Chỉ số hoạt động của trường đại học: quái thai hay quý tử? … Tác giả: Sid Gilbert


Chỉ số hoạt động của trường đại học thường được nhà nước, các nhà quản lý và các hội đồng quản trị ủng hộ nhằm chứng minh trách nhiệm giải trình trước công chúng. Mọi người đều quan tâm đến việc đảm bảo rằng các trường đại học có trách nhiệm sử dụng một cách có hiệu quả với hiệu suất cao nguồn công quỹ vốn bao giờ cũng eo hẹp.

Nhưng mặt khác, giảng viên, công đoàn giảng viên và các nhóm vận động thường xem các chỉ số hoạt động như là một trong những biểu hiện của một xu hướng chung là tấn công vào trường đại học. Sự tấn công này bao gồm các khía cạnh sau:

(a) chuyển trường đại học từ các tổ chức được nhà nước tài trợ thành các tổ chức được nhà nước hỗ trợ - tức cố tình rút bớt ngân sách công dành cho các trường và buộc các trường phải sử dụng học phí cũng như các nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách công;
(b) ngày càng ép các trường phải tuân theo các yêu cầu của thị trường lao động;
(c) đưa các yếu tố tư nhân vào giáo dục để tạo ra tính thích hợp và sự cạnh tranh;
(d) chấm dứt chế độ biên chế và sự nhấn mạnh vào các chỉ số hoạt động đã nêu ở trên.

Bill Bruneau khẳng định mối nguy từ việc sử dụng chỉ số hoạt động là ở chỗ chúng sẽ được sử dụng để tấn công các bộ môn, các khoa và các cá nhân (Bản tin CAUT Tháng 11/1997: trang 8). Bill Graham cũng cho rằng thiết kế mới của giáo dục đại học xem sinh viên là khách hàng và việc thu lợi (bottom line) là mục tiêu tối hậu. Để nâng lợi nhuận, các trường đã buộc phải sử dụng đến các chỉ số hoạt động, đối sánh và quan tâm đến thị trường (Báo Ngôi sao Torronto, Ngày 17/5/1998: mục F6)

Có cơ hội nào cho sự thỏa hiệp giữa hai bên chăng? Giới học thuật liệu có thể hoặc có nên thử nghiền ngẫm, thương thuyết hoặc hỗ trợ việc giải quyết mâu thuẫn này chăng, hay đây chính là đoạn đường dốc trơn trượt nhất?

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ chỉ số hoạt động là gì và không phải là gì. Sau đó, chúng ta cần phân biệt giữa việc định nghĩa khái niệm này trên lý thuyết và việc vận dụng hoặc lạm dụng chúng trên thực tế.

Tôi cho rằng sự phát triển và phát tán các chỉ số hoạt động thực sự và đúng nghĩa là một lợi ích cho chúng ta, cả về mặt cá nhân lẫn với tư cách là một tập thể, nhưng chúng ta cần tránh một số cách vận dụng sai lầm và nguy hiểm. Lợi ích lớn nhất của chỉ số hoạt động là chúng có thể được dùng để đánh giá hiệu quả giảng giảng và sau cùng là cải thiện chất lượng giáo dục. Với tư cách là một giảng viên tôi rất quan tâm đến mức độ đáp ứng mục tiêu và kết quả đầu ra của các môn học do tôi đảm nhiệm mà tôi luôn phấn đấu. Bộ môn của tôi cũng rất quan tâm đến việc chương trình đào tạo của chúng tôi có đem lại được gì cho sinh viên tốt nghiệp xét trên các khía cạnh kiến thức, kỹ năng, giá trị, thái độ và hành vi mà sinh viên đã đạt được sau khi học xong những môn học theo yêu cầu. Trường của tôi đã xác định việc lấy sinh viên làm trung tâm và việc đẩy mạnh nghiên cứu là hai phương hướng chiến lược cơ bản; và vì thế nhà trường rất tích cực đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu then chốt này. Nói vắn tắt, việc tạo ra được các chỉ số hoạt động đúng nghĩa có thể hỗ trợ chúng tôi hoàn thành các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu, làm tăng sự tin tưởng của sinh viên và công chúng đối với nhà trường, thậm chí còn có thể làm tăng tình đoàn kết giữa giảng viên và đội ngũ quản lý, và cuối cùng nhưng không hề kém quan trọng là giúp xóa đi mối đe dọa bị áp đặt những so sánh thống kê vô nghĩa dưới danh nghĩa các chỉ số hoạt động từ bên ngoài tạo ra.

Nhưng chỉ số hoạt động là gì và chúng được vận dụng hoặc lạm dụng trên thực tế như thế nào? Một chỉ số hoạt động là một số thống kê, một con số hoặc một mô tả định tính có thể chỉ ra được mức độ mà một hệ thống đại học, một trường đại học cụ thể, hoặc một quy trình hay cơ cấu nội bộ nào đó đang được vận hành như nó đáng được vận hành. Thông thường, các chỉ số hoạt động được xây dựng dựa trên việc tham chiếu các phát biểu tường minh về mục tiêu dài hạn, mục đích, sứ mạng hoặc mục tiêu cụ thể. Các điểm quy chiếu hoặc mức chuẩn so sánh khác cho phép đưa ra một phán đoán hoặc đánh giá sự hoạt động của một đơn vị hoặc một hệ thống là một tiêu chuẩn tuyệt đối, một giá trị trong quá khứ (so sánh theo thời gian), hoặc so sánh giữa các trường đại học, các khu vực, và các quốc gia. Việc xây dựng chỉ số hoạt động thường sử dụng khung Đầu vào – Quá trình – Đầu ra (IPO). Đầu vào đại diện cho những gì mà một trường đại học có sẵn trước khi bắt đầu mọi hoạt động – sinh viên, giảng viên, sách vở tài liệu, và cơ sở vật chất. Quá trình là những gì nhà trường thực hiện trên các yếu tố đầu vào, như các chương trình đào tạo, các hoạt động đào tạo như xây dựng nội dung chương trình, tải trọng học tập, tổ chức giảng dạy, lên lớp trực tiếp có mặt giảng viên và sinh viên, kích thước lớp học vv. Đầu ra là những tác động về khía cạnh nhận thức cũng như những khía cạnh khác của việc học tại trường lên sinh viên – kiến thức, kỹ năng, giá trị, thái độ và hành vi của cựu sinh lên việc làm sau này và thu nhập của họ. Sự tương tác giữa các đặc điểm đầu vào và cấu trúc cũng như quy trình hoạt động của nhà trường để tạo ra những kết quả tăng thêm đều xảy ra trong một môi trường hoặc bối cảnh bên ngoài (dân số, kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử, khu vực hoặc các yếu tố chính trị) và chúng đều có tác động lên các trường nhưng những điều này nhà trường không khống chế được.

Vì vậy sẽ có thể có, và trên thực tế đã có, nhiều chỉ báo giáo dục, bản mô tả hoặc các số thống kê quản lý liên quan đến đầu vào, quá trình và đầu ra của trường đại học. Nhưng đa số chúng không phải là chỉ số hoạt động. Một trong những phê phán đối với hệ thống xếp hạng trường đại học của Macleans là các số đo thường là các số đo về đặc điểm đầu vào (điểm của sinh viên khi vào trường, số lượng sách trong thư viện), hoặc các chỉ báo quá trình đáng ngờ (kích thước lớp học, vốn không có độ tương quan cao với thành tích học tập và kết quả đầu ra của sinh viên).

Các chỉ số hoạt động có ý nghĩa phải kết nối được giữa cấu trúc và quy trình hoạt động của nhà trường với kết quả học tập và phát triển toàn diện của sinh viên (là những mục tiêu hoặc sứ mạng cơ bản của trường). Chúng phải chứng minh được kết quả của sinh viên chính là kết quả của các hoạt động và cấu trúc của nhà trường (tác động của chương trình) hơn là kết quả của đầu vào (tác động của sự chọn lọc) hay của các ảnh hưởng ngoại lai nào khác, chẳng hạn như các điều kiện kinh tế.

Vậy cái gì không phải là chỉ số hoạt động? Chỉ số hoạt động không phải chỉ là các số đo về đầu vào, quá trình hoặc thậm chí đầu ra đơn thuần như vậy. Chúng không phải là số đo của bất kỳ cái gì và tất cả những gì mà người ta đo được, bất kể ý nghĩa thực sự của chúng. Chỉ số hoạt động không phải chỉ là các số thống kê quản lý mô tả các khía cạnh hoạt động khác nhau của một trường hoặc một hệ thống đại học. Ví dụ, mặc dù có thể so sánh các trường đại học trên cơ sở tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ không trả nợ hoặc sai hẹn trả nợ học phí của sinh viên các trường, nhưng những con số này không hề chỉ ra được về tác động của chương trình đào tạo họăc những vấn đề nằm trong khả năng khống chế của nhà trường. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên là hàm số của các điều kiện kinh tế, là một yếu tố bối cảnh, còn tỷ lệ không trả nợ hoặc sai hẹn trả nợ học phí có liên quan chặt chẽ đến các yếu tố đầu vào hoặc yếu tố chọn lọc trong tuyển sinh (loại sinh viên được tuyển) cũng như các điều kiện chung của nền kinh tế. Một cách vận dụng sai các chỉ số hoạt động khác là xem các khoản tài trợ nghiên cứu mà các giảng viên dành được là số đo của năng suất nghiên cứu hoặc là một dấu chỉ của giá trị của giảng viên này đối với nhà trường. Điều này cho thấy sự nhầm lẫn giữa các hoạt hoạt động xin tài trợ và việc đóng góp về tài chính cho trường với việc sáng tạo hoặc phát triển thêm các tri thức mới; có một số tài trợ lớn chẳng mang lại bao nhiêu tri thức mới, trong khi đó có những tri thức mới được tạo ra mà chẳng nằm trong bất kỳ cơ cấu tài trợ nào của trường cả.

Bản báo cáo Broadhurst và đa số các nhà phê bình như Bruneau và Graham nhấn mạnh sự quan trọng của việc bắt đầu xây dựng các chỉ số hoạt động cho các mục tiêu hoặc sứ mạng cơ bản nhất của một trường đại học. Mỗi trường phải chịu trách nhiệm giải trình trước hết về việc nhà trường đã hoàn thành sứ mạng mà mình đã chọn trong số các mục tiêu chính sách công như thế nào (Báo cáo của Tổ đặc nhiệm về Trách nhiệm giải trình của trường đại học). Nếu một khía cạnh quan trọng trong sứ mạng của một trường đại học là tạo sự công bằng trong khả năng tiếp cận giáo dục cho người học từ các nhóm thu nhập khác nhau, thì trường đại học ấy phải giám sát thành phần xã hội trong cơ cấu sinh viên của trường và phải giải quyết ngay những lệch lạc đối với mục tiêu tạo được tính đại diện về cơ cấu xã hội so với dân số của Ontario nói chung. Điều này đặc biệt quan trọng khi thu nhập của gia đình không tăng lên nhưng học phí và các khoản nợ học phí phải trả lại tăng lên, trong khi những kỳ vọng về việc làm và thu nhập lại mơ hồ hoặc hoặc khiêm tốn. Tương tự như vậy, nếu một yếu tố quan trọng trong sứ mạng của một trường đại học là phát triển khả năng giao tiếp, tư duy sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề và sự say mê học tập cho sinh viên tốt nghiệp, thì nhà trường cần pảhi xem xét, ghi nhận và đưa ra được các chứng cơ rằng quả thật những điều này đang xảy ra và đó chính là kết quả của việc học tập tại trường. Những điều này không thể được xem là đương nhiên sẽ xảy ra.

Tạo ra thông tin từ các chỉ số hoạt động có ý nghĩa sẽ giúp ta rất nhiều trong việc chứng tỏ trách nhiệm giải trình trước công chúng. Đã nhiều lần các trường đại học bị phê phán và chẳng có nghiên cứu nào được thực hiện để có thể chứng minh ngược lại. Nếu các trường đại học phát biểu được sứ mạng của mình được tường minh, đo lường được mức độ đạt được các mục tiêu của mình, chia sẻ dữ liệu về sự thành công và các vấn nạn của mình, kể cả những gì cần làm để sửa sai những thiếu sót (đây là một minh chứng hết sức hùng hồn về trách nhiệm giải trình của nhà trường), thì chắc chắn sự tin tưởng của công chúng đối với trường sẽ tăng lên rất nhiều. Và quan trọng hơn nữa, chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện.

Thay vì phó mặc việc xây dựng các chỉ số thực hiện cho người khác, chúng ta cần tích cực xác định mục tiêu, cách tiếp cận, cách đo đạc và sử dụng chúng. Nếu các giảng viên không nhận trách nhiệm về điều này thì sẽ có ai khác nhận trách nhiệm này và tình hình hoạt động giáo dục tại trường sẽ tệ đi. Tệ đi không chỉ cho giảng viên mà còn cả sinh viên, nhà tuyển dụng, phụ huynh, người dân đóng thuế, và cả xã hội Canada nói chung. Các trường đại học có sứ mạng phát triển các tài năng có kỹ năng thành thục và tạo ra các công dân có năng lực hoạt động trong một nền kinh tế ngày toàn cầu ngày càng có tính cạnh tranh. Còn ai có vị thế tốt hơn trong việc tạo ra các đặc điểm công dân và năng lực sáng tạo, khả năng suy luận và năng lực học tập bậc cao này? Còn ai có vị thế tốt hơn trong việc phát biểu các mục tiêu giảng dạy và nghiên cứu của chúng ta, xác định mức độ đạt được của các mục tiêu này, và đưa ra những đề xuất cải thiện? Các chỉ số hoạt động cần phải khách quan, định lượng và đo lường được, nhưng trên hết chúng phải đo lường những gì thực sự đáng đo.

Sid Gilbert là Giáo sư Xã hội học và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục tại Trường đại học Guelph. Các quan điểm nêu trong bài viết là của riêng tác giả và không phải là chính sách của OCUFA.

No comments:

Post a Comment