Monday, November 19, 2018

Triết lý giáo dục VN trong thời đại mới (Thời báo KTSG 2017)



Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/160434/Triet-ly-giao-duc-trong-thoi-dai-moi.html

(TBKTSG) - Triết lý giáo dục là gì mà suốt mấy chục năm nay, lúc nào cũng như đống lửa âm ỉ, chỉ chờ gặp gió là bùng lên. Mà ngọn gió đó có thể là bất cứ một thứ gì liên quan đến giáo dục. Lần này thì đó là dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để lấy ý kiến.
Triết lý giáo dục là gì?
Một cách ngắn ngọn, triết lý giáo dục là một phát biểu ở tầm tư tưởng, nhưng cô đọng súc tích, thường chỉ trong một câu, để ai cũng thấu hiểu và thực hiện được. Nhờ đó, triết lý giáo dục trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động dạy và học, và rộng hơn là mọi hoạt động liên quan phát triển con người.
Triết lý giáo dục vì thế không nằm ở đâu xa, mà ở ngay sản phẩm đầu ra của hệ thống giáo dục, tức ở những con người mà hệ thống giáo dục đó tạo ra. Nói cách khác, triết lý giáo dục sẽ được tìm thấy trong việc trả lời câu hỏi mấu chốt nhất: Hệ thống giáo dục hướng đến việc đào tạo con người nào?
Một hành trình không có đích đến sẽ quẩn quanh mất phương hướng. Một hệ thống không có mục tiêu tường minh về đầu ra sẽ hỗn loạn không thể vận hành. 
Vì tầm quan trọng như thế, triết lý giáo dục không chỉ là tư tưởng định hướng, mà còn là hồn cốt thần sắc của cả hệ thống giáo dục đó. Dựa vào triết lý giáo dục mà toàn bộ hệ thống giáo dục cũng như các hoạt động của nó được thiết kế, vận hành và điều chỉnh.
Vì là hồn cốt thần sắc, triết lý giáo dục sẽ tự động hiện ra cho tất cả những người liên quan thấy. Khi đó, chúng ta sẽ thấy được triết lý giáo dục, cảm được triết lý giáo dục, thấu hiểu được triết lý giáo dục ở mức rất tinh tế sâu xa, từ học sinh đến giáo viên, đến các bậc phụ huynh trong nhà, chứ không phải chỉ các chuyên gia mới hiểu được.
Thay vì đào tạo con người công cụ, nền giáo dục phải chuyển hướng sang đào tạo con người tự do. Khi đó, con người sáng tạo, con người làm chủ sẽ tự nhiên xuất hiện.
Nói cách khác, khi đã có triết lý giáo dục, nó sẽ hiện ra một cách rất tự nhiên, và hiện hữu trong mọi hoạt động liên quan đến giáo dục theo cách nhất quán. Tự nhiên và nhất quán, như hơi thở, trong mọi hoạt động của hệ thống giáo dục.
Như vậy, nếu đã là triết lý giáo dục thì từ học sinh đến giáo viên, từ ông bố bà mẹ trong nhà đến nhà chuyên môn ở trong việc nghiên cứu, đều phải thấm nhuần và thấu hiểu theo cùng một cách. Triết lý giáo dục khi đó sẽ hiện diện như là chuyện thường ngày trong sinh hoạt chuyên môn ở nhà trường và bữa tối trong gia đình.
Nếu không phải là như thế, thì những phát biểu hoặc nghiên cứu nào đó về giáo dục, dù công phu tỉ mỉ bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không phải là triết lý giáo dục, mà là triết học về giáo dục, hoặc những nghiên cứu chuyên ngành giáo dục học.
Để được như vậy, triết lý giáo dục đòi hỏi phải được phát biểu tường minh và thuyết phục từ chính Bộ giáo dục và Đào tạo. Nếu không, nó sẽ không có được tính chính danh để trở thành tư tưởng điều hành chung cho cả hệ thống. Triết lý giáo dục khi đó sẽ trở thành triết lý chui. Ai cũng cảm nhận được, nhưng không ai có thể gọi tên hoặc dám gọi tên.
Nhìn lại để đi tìm triết lý giáo dục mới cho Việt Nam
Giờ nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam ta thấy, trong nền giáo dục Nho giáo, triết lý giáo dục được gói gọn trong một hình dung rất rõ ràng về sản phẩm đầu ra, đó là: Đào tạo người quân tử để làm quan. Chính nhờ triết lý này mà hệ thống giáo dục Nho giáo tồn tại được hơn hai ngàn năm. Chỉ đến khi hình mẫu về người quân tử, tức sản phẩm đầu ra của hệ thống này, không còn phù hợp với thời đại mới, thì hệ thống giáo dục này mới sụp đổ.
Nhưng kể từ ngày giành độc lập năm 1945 đến giờ, triết lý giáo dục của Việt Nam lại chưa bao giờ được phát biểu tường minh và súc tích như thế trong các lần cải cách giáo dục, ngoại trừ một phát biểu chính thức trước đây và vẫn còn phảng phất đâu đấy: Đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhưng con người mới xã hội chủ nghĩa là con người nào thì không ai biết, vì “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.
Câu chuyện về triết lý giáo dục vì thế rơi vào bất định. Phát biểu vào tháng 4-2014 của cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận: Triết lý giáo dục của Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương. Nghị quyết này dài hơn 7.000 từ.
Nghị quyết 29, dù nội dung của nó hay như thế nào đi chăng nữa, nhưng với hình thức dài dòng như thế, không có cách nào đi vào phòng học và bữa cơm tối của các gia đình để hiện hữu một cách tường minh, nhất quán và tự nhiên như hơi thở.
Nghị quyết 29 vì thế, nếu chỉ xét về mặt hình thức, không thể nào là một triết lý giáo dục, theo cách hiểu đó phải là một phát biểu ngắn gọn trong một câu nhưng lại mang tầm vóc của một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt cho sự vận hành của một hệ thống giáo dục.
Không hài lòng với việc cho rằng triết lý giáo dục của chúng ta là Nghị quyết 29, ngay sau đó tôi đã viết một bài báo có nhan đề “Gọi tên triết lý giáo dục”. Bài báo đó được viết dựa trên những phân tích và trải nghiệm của cá nhân tôi để đi đến một kết luận rằng: Nền giáo dục hiện thời có triết lý giáo dục chứ không phải là không có. Tuy rằng, nó chưa bao giờ được phát biểu tường minh. Vậy triết lý giáo dục đó là gì? Đó chính là: Đào tạo con người công cụ.
Đọc đến đây, bạn đừng cảm thấy bất ngờ hay bực mình vì nhận định quá  ư phũ phàng này. Hãy chùng lại và dành một phút để ngẫm về toàn bộ chặng đường giáo dục mình đã đi qua, bạn sẽ thấy mình đã và đang được tạo ra như một con người công cụ, nhằm đáp ứng một nhu cầu, phục vụ một hệ thống và một mục tiêu định trước.
Trong suốt cuộc đời đi học của mình, chúng ta luôn được dạy theo cách hiểu, biết và hành xử trong một khuôn mẫu định sẵn. Khác đi là không được. Khác đi là phải trả giá. Dù luôn kêu gào sáng tạo, không sáng tạo là chết, nhưng bạn hãy thử sáng tạo trong cách học, cách thi, cách hiểu, cách diễn giải thử xem, bạn sẽ phải trả giá ngay tức khắc. Lúc học thì tất cả đều phải nằm trong khuôn khổ của sách giáo khoa và sách giáo viên, trong những khuôn mẫu đã định sẵn. Lúc thi thì phải nhuần nhuyễn đề cương, vào phòng thi chỉ giống như chép lại bài đã học lòng. Lệch tủ là chết. Lỡ quên là không biết xoay sở ra sao.
Chiến tranh liên miên trong quá khứ, nơi sự tuân thủ được đặt lên hàng đầu, là môi trường thuận lợi để con người công cụ phát huy tác dụng. Điều này làm cho việc đào tạo con người công cụ có vẻ hợp lý và được việc mà không hề bị chất vấn đến nơi đến chốn. Nền văn hóa truyền thống đề cao trật tự và sự tuân thủ một chiều cũng góp phần làm cho vấn đề trở nên trầm trọng.
Áp lực thay đổi
Nhưng nay trước thách thức phải đổi mới, đặc biệt khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang sầm sập tới, việc đào tạo con người công cụ phải bị chất vấn và loại bỏ. Những học sinh của chúng ta sau 10-20 năm nữa, khi ra trường, sẽ phải cạnh tranh nổi với các robot và trí tuệ nhân tạo. Nếu không thay đổi từ bây giờ, phần thua của những con người công cụ sẽ là cầm chắc trong tay. Vì sao? Vì với tốc độ phát triển của công nghệ hiện giờ, cạnh tranh làm công cụ với máy móc thì không có cách nào có thể thắng được.
Những ngành nghề thâm dụng lao động không còn. Những dây chuyền tự động hóa chạy bằng... cơm lúc đó cũng biến mất. Trong nhà máy, các cánh tay robot sẽ đảm nhiệm phần lớn công việc. Ô tô có thể tự lái. Máy tính tự học. Những con người công cụ không có khả năng sáng tạo, chỉ biết rập khuôn trong những điều đã được dạy, những điều lạc hậu ngay trong lúc mình được dạy, sẽ phải làm gì trong hoàn cảnh đó? Và ai sẽ chịu trách nhiệm trước hiện trạng đó, nếu không phải là những người đang giữ quyền ban ra các quyết sách hiện thời?
Vậy nên, trước khi thực hiện bất cứ một cuộc cải cách giáo dục nào, hãy một lần sòng phẳng nhìn thẳng vào triết lý giáo dục để gọi đúng tên và chất vấn sự đúng đắn của nó, để từ đó lựa chọn một triết lý giáo dục mới, phù hợp hơn cho thời đại mới.
Muốn thế, thay vì đào tạo con người công cụ, nền giáo dục phải chuyển hướng sang đào tạo con người tự do. Khi đó, con người sáng tạo, con người làm chủ sẽ tự nhiên xuất hiện.
Chừng nào chưa đạt được điều đó thì cải cách giáo dục còn rơi vào bế tắc.

Saturday, November 3, 2018

Trường đại học của VN nên tham gia bảng xếp hạng nào? (Thanh niên 2/11/2018)

Bài viết mới của tôi trên báo Thanh Niên, có biên tập chút ít, ở đây:
https://thanhnien.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-cua-vn-nen-tham-gia-bang-xep-hang-nao-1019263.html 


Còn đây là bản gốc chưa biên tập.
-----------------

Trường đại học của Việt Nam nên tham gia bảng xếp hạng nào?

Vũ Thị Phương Anh
(bài đă đăng trên Thanh Niên 2/11/2018)
“Mùa xếp hạng lại đến rồi!” Lời phát biểu nói trên, mà đúng hơn là tiếng thở dài, là của một nhà nghiên cứu giáo dục nổi tiếng ở nước ngoài cách đây hơn nửa thập niên khi nói về tình trạng “ham hố” trong xếp hạng đại học của một số quốc gia Đông Á. Nhưng tình trạng này giờ đây có vẻ đã lan đến Việt Nam.

Việc công bố kết quả của một số bảng xếp hạng đại học với sự có mặt của một số trường đại học Việt Nam cách đây không lâu, trong đó có nhiều kết quả khá bất ngờ, đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau. Một bên là sự ca ngợi tán thưởng của một số người, và bên kia là sự nghi ngại, ngờ vực của những người khác. Nhưng dù phản ứng của mọi người có khác biệt đến đâu thì câu hỏi chung được đặt ra cho tất cả vẫn là: Làm sao để biết bảng xếp hạng nào là có giá trị?

Có một điểm cần ghi nhận là mặc dù công chúng có thể có những quan điểm trái ngược nhau về các bảng xếp hạng đại học, nhưng quan điểm của giới chuyên môn lại rất thống nhất. Cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng tựu trung một bảng xếp hạng tốt nhất thiết phải đạt hai yêu cầu tối thiểu: (1) Có các tiêu chí phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của các trường được xếp hạng; (2) Có phương pháp tốt để thu thập và xử lý các thông tin được sử dụng để xếp hạng.

Với hai yêu cầu nói trên, bảng xếp hạng đại học nào là phù hợp với các trường đại học của Việt Nam? Điểm qua các bảng xếp hạng đã từng được biết đến tại Việt Nam, có thể chọn ra 4 bảng xếp hạng sau đây:

1. Bảng xếp hạng đại học thế giới (ARWU - Academic Ranking of World University). Bảng đại học rất nổi tiếng này xuất phát từ một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University), với các tiêu chí chủ yếu nhắm vào các trường đại học nghiên cứu và thiên về khối ngành tự nhiên – kỹ thuật.

Vốn là một sản phẩm nghiên cứu, ARWU được xem là một trong những bảng xếp hạng uy tín nhất trên thế giới, có phương pháp thu thập thông tin và xử lý thông tin minh bạch, khách quan và rất nghiêm nhặt. Trong số các chỉ số được sử dụng để xếp hạng, ta thấy có số lượng công bố khoa học trên các tạp chí khoa học hàng đầu như Nature và Science, hoặc số lượng các nhà khoa học đoạt giải Nobel hoặc giải Fields tại các trường. 

Với những tiêu chí và chỉ số như trên, bảng xếp hạng này rõ ràng không phù hợp với Việt Nam, ít ra là trong giai đoạn hiện nay. Đơn giản là khả năng một quốc gia ở trình độ phát triển của Việt Nam mà có được một trường lọt vào danh sách 500 trường đại học nghiên cứu tốt nhất trên thế giới chắc chắn là một con số không to tướng.

2. Bảng xếp hạng đại học thế giới Webometrics (Webometrics Ranking of World University, gọi tắt là Webometrics). Tương tự như ARWU, Webometrics cũng là một sản phẩn nghiên cứu của nhóm Cybermetrics Lab thuộc Hội đồng nghiên cứu quốc gia Tây Ban Nha.

Tương tự như ARWU vốn là một sản phẩm nghiên cứu, phương pháp xếp hạng Webometrics được các chuyên gia đánh giá cao về tính minh bạch và khách quan, không có mâu thuẫn lợi ích. Một điểm mạnh khác của Webometrics là không giống như ARWU có đối tượng xếp hạng rất chọn lọc, Webometrics có độ phủ rộng khắp trên toàn thế giới, và đưa ra một danh sách xếp hạng lên đến trên 12 ngàn trường, trong đó có nhiều trường của Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Webometrics không nhằm đánh giá toàn diện chất lượng của một trường đại học, mà nhắm đến độ bao phủ, sức lan tỏa và mức độ tác động của thông tin khoa học của một trường đại học trên trang web của mình. Mặc dù trong thời đại Internet ngày nay, việc công bố thông tin khoa học thông qua trang web là một chỉ số quan trọng để chứng tỏ năng lực của các trường đại học, nhưng không thể xem kết quả xếp hạng Webometrics như một chỉ số chính xác về chất lượng tổng thể của một trường, và càng không thể xem việc tăng hoặc giảm thứ hạng trên Webometrics là chứng cứ của sự gia tăng hoặc giảm sút chất lượng.  

3. Hệ thống xếp hạng đại học khu vực và thế giới của THE (Times Higher Education). Times Higher Education là một tờ báo chuyên cung cấp thông tin về giáo dục đại học của Anh quốc. Bảng xếp hạng của THE ra đời lần đầu tiên vào năm 1971 như một phụ trương của tờ báo, và điều này có thể thấy qua tên gọi ban đầu của hệ thống xếp hạng này là Times Higher Education Supplement (Phụ trương của tờ Times Higher Education, viết tắt là THES).

Qua nhiều năm tồn tại, hiện nay, THE đã trở thành một tổ chức xếp hạng có uy tín với phương pháp minh bạch, rõ ràng, và có độ phủ rộng hơn ARWU rất nhiều. Danh sách các trường hàng đầu thế giới của THE lên đến gần 1000 trường so với 500 trường của ARWU. Không những thế,  THE không chỉ so sánh các trường hàng đầu thế giới, mà còn có nhiều bảng xếp hạng được phân loại chi tiết theo khu vực, ngành đào tạo, và thậm chí theo thâm niên của các trường với Bảng xếp hạng các trường dưới 50 tuổi. Ngoài ra, các tiêu chí xếp hạng của THE cũng toàn diện hơn, không quá nặng về nghiên cứu như ARWU. Các tiêu chí đánh giá của THE bao gồm 5 nhóm: Giảng dạy; Nghiên cứu; Công bố; Mức độ quốc tế hóa; và Chuyển giao công nghệ.  

Với những đặc điểm nêu trên, kết quả xếp hạng của THE đang có rất ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc lựa chọn trường của người học và do đó cũng ảnh hưởng đến các chiến lược phát triển của các trường, đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều trường đại học lớn trong khu vực sử dụng kết quả này như một thông tin chính thức về chất lượng của trường. Theo nhận định của một số chuyên gia, nếu được sử dụng một cách đủ cẩn trọng, kết quả xếp hạng đại học nói chung, trong đó có kết quả xếp hạng của THE, có thể thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển của các trường được xếp hạng.
4. Hệ thống xếp hạng đại học khu vực và thế giới của QS (Quacquarelli Symonds). Quacquarelli Symonds là tên một công ty truyền thông giáo dục được thành lập vào cuối thập niên 1980 bởi chính Quacquarelli (từ đó có tên của công ty). Bảng xếp hạng đầu tiên do QS đưa ra là vào năm 1996, chỉ nhằm xếp hạng các trường có chương trình MBA tốt nhất thế giới.

Ngay sau khi ARWU xuất hiện và đưa ra bảng xếp hạng đại học thế giới đầu tiên vào năm 2003 (trước đó chỉ có các bảng xếp hạng đại học của một số quốc gia), năm 2004 QS và THE đã cộng tác với nhau để cạnh tranh với bảng xếp hạng đại học thế giới cạnh tranh của ARWU. Lúc ấy, bảng xếp hạng chung này có tên là THE-QS để thể hiện sự hợp tác của 2 bên. Tuy nhiên, việc hợp tác này chỉ kéo dài được 5 năm (2004 đến 2008), khi THE cho rằng phương pháp đánh giá của bảng xếp hạng THE-QS – chủ yếu dựa vào kết quả khảo sát các đối tượng khác nhau – cần phải được điều chỉnh để có tính khách quan hơn. Từ đó, THE và QS từ đối tác trở thành đối thủ, với các sản phẩm tương đối giống nhau, chỉ khác biệt về tiêu chí và phương pháp xếp hạng.

Trung thành với cách tiếp cận ban đầu của mình, QS tiếp tục xếp hạng các trường đại học dựa phần lớn vào kết quả khảo sát, dù cũng có những điều chỉnh nhỏ nhằm tiếp thu những phê phán của giới nghiên cứu nói riêng và cộng đồng giáo dục đại học thế giới nói chung. Xét về khía cạnh truyền thông, có thể nói QS rất thành công trong việc đưa sản phẩm của mình đến với công chúng, và trở thành một trong những bảng xếp hạng được biết đến nhiều nhất, đặc biệt là ở Việt Nam.

Có hai yếu tố giúp tạo nên sự thành công của QS. Đầu tiên là đối tượng độc giả mà QS nhắm đến. Không giống một số bảng xếp hạng đại học nhắm đến đối tượng độc giả là giới nghiên cứu và quản lý giáo dục, QS xem việc xếp hạng như một cách đưa thông tin nhanh về các trường đến người học tiềm năng, với rất nhiều ấn phẩm và nhiều hoạt động quảng bá cho kết quả xếp hạng của mình như một cách giới thiệu các trường đại học được xếp hạng. Một ưu điểm khác của QS là độ bao phủ rộng và yêu cầu không quá nghiêm nhặt như các bảng xếp hạng có danh tiếng khác khiến khả năng lọt vào bảng xếp hạng của QS không đến nỗi bất khả thi, và việc tăng hạng trên bảng xếp hạng QS cũng dễ dàng hơn. Ví dụ, ngoài tiêu chí về “danh tiếng” chiếm đến 50% tổng điểm, QS có 2 tiêu chí khá dễ dàng cải thiện với tổng tỷ lệ là 20% -- tỷ lệ thầy trên trò (15% tổng điểm) và tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ (5% tổng điểm). Điều này khiến cho QS có một lượng khách hàng trung thành là các trường đại học muốn thấy tên mình trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế, như một hình thức quảng cáo.

Nhưng mặc dù được rất nhiều người biết đến và nổi trội trong giới truyền thông, QS không phải là một bảng xếp hạng được giới hàn lâm đánh giá cao. Một điều dễ thấy là QS vừa là người xếp hạng lại cũng đồng thời là người cung cấp gói dịch vụ tư vấn xếp hạng, khiến cho tính khách quan của số liệu và kết quả xếp hạng của QS có thể bị đặt một dấu chấm hỏi. Tờ Chronicle of Higher Education, một tờ báo chuyên về giáo dục đại học có uy tín của Mỹ, trong một bài viết năm 2017 thậm chí còn viết rằng mặc dù bảng xếp hạng nào cũng có thể có những vấn đề này khác, nhưng “QS nổi bật vì các hành xử trong kinh doanh đáng ngờ vực của mình[1].

Và ngay cả khi ta có lý do để tin rằng QS không có điều gì khuất tất, thì phương pháp xếp hạng của QS cũng không đáng tin cậy vì đến 50% tổng điểm xếp hạng là dựa vào kết quả khảo sát danh tiếng của nhà trường, một khái niệm khá mơ hồ và chủ quan. Vì vậy, đa số các nhà chuyên môn đều cho rằng việc tham gia của các trường vào bảng xếp hạng QS cũng chỉ là một cách quảng bá cho trường trên khía cạnh truyền thông mà thôi.
****
Với những thông tin đã nêu, thì câu trả lời cho câu hỏi đặt ra trong tựa của bài viết này - này dường như đã quá rõ. Hiển nhiên là trong giai đoạn hiện nay và có thể là trong tương lai gần, nếu vẫn không có những thay đổi mang tính đột phá mà chủ yếu là sự đầu tư mạnh mẽ vào đội ngũ giảng viên và năng lực quản trị của các trường, thì Việt Nam vẫn chỉ có khả năng có mặt trên hai bảng xếp hạng là Webometrics và QS mà thôi. Nhưng ngoài giá trị truyền thông mà các bảng xếp hạng này mang lại, thì điều quan trọng mà các trường đại học của Việt Nam cần nhớ, đó là: thay vì mê mải chạy theo các thứ hạng để tăng khả năng thu hút người học (một điều không phải là không cần thiết), thì điều quan trọng hơn vẫn là hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của mình và thực sự cải tiến chất lượng, để một ngày không xa có thể xuất hiện trong những bảng xếp hạng có giá trị hơn. 

Bởi, nếu những nước láng giềng gần gũi của Việt Nam như Thái Lan và Mã Lai đã đều có mặt trong top 100 của bảng xếp hạng châu Á của THE trong vài năm vừa qua, và riêng Mã Lai thì thậm chí đã vọt lên chiếm được vị trí top 50 ngay trong năm 2018 này, thì tại sao Việt Nam lại không thể mong đợi sự có mặt của mình trong vài trăm thứ hạng đầu trong cùng bảng xếp hạng ấy trong vòng 5-10 năm tới?