Thursday, September 27, 2018

Các chức năng của Phòng ĐBCL - revisited! (phần 1)

Bài viết này tôi sẽ viết lai rai nhiều kỳ, đọc tới đâu, hoặc nhớ tới đâu, rảnh tới đâu, thì viết đến đó. Chủ yếu là để khỏi quên, và cũng là để tạo ra những trao đổi, tranh luận nếu có, để mọi việc rõ ràng hơn.

Trước khi viết, cũng cần nhắc lại là bài viết về vấn đề tương tự như được nêu trong tựa của entry này tôi đã viết cách đây rất lâu rồi.

Tôi còn nhớ  lúc ấy là vào khoảng năm 2007-2008 gì đó, tôi đã phải viết bài ấy để trả lời thắc mắc của rất nhiều người. Bởi đó là lúc Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học chính thức đầu tiên vừa ra đời tại VN, trong đó có yêu cầu các trường phải có bộ phận đảm bảo chất lượng. Yêu cầu phải có thì sẽ có ngay thôi, các hiệu trưởng chỉ cần ký một quyết định thành lập, rồi đưa vào đấy  một vài nhân sự - chắc chắn là phải có trưởng phòng, phó phòng (thì trường công mà, phải có đầy đủ trưởng phó cho đẹp đội hình chứ, lương thì nhà nước trả thôi he he), thêm chừng 2, 3 nhân viên gì nữa, rồi ... mặc kệ! Thế là mọi người nhớn nhác hết cả lên, ngơ ngác không biết cái phòng ấy tồn tại để làm gì, vì xưa nay không có nó thì mọi việc vẫn chạy đó thôi (!!!). Lúc ấy, với tư cách là Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐHQG, một trong hai trung tâm lớn và tồn tại đầu tiên trên cả nước, lại đang tham gia vào mảng đảm bảo chất lượng trong Dự án Giáo dục đại học (không rõ là HEP 1 hay HEP 2 gì đó), nên tôi thấy cần phải viết - vừa dựa trên kinh nghiệm thực tế của mình, lại vừa dựa trên các tài liệu của nước ngoài mà tôi đã đọc và tổng hợp lại.

Từ ấy đến nay đã hơn 10 năm, và Bộ tiêu chuẩn ra đời năm 2007 ấy - gọi là bộ tiêu chuẩn chất lượng version 1.0 - cũng đã được cập nhật, điều chỉnh nhiều lần (10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí - có thể xem ở đây: http://huemed-univ.edu.vn/3-van-ban-hop-nhat-qd65-tt372.docx-sdlfile), đã được sử dụng để đánh giá được đâu khoảng 130 trường  và đến nay đã được được thay thế bởi phiên bản 2.0 rồi. Bộ phận đảm bảo chất lượng đã hình thành và tồn tại trong tất cả các trường đại học, và đảm bảo chất lượng đã trở thành một nghề được nhà nước công nhận, được cấp thẻ hẳn hoi (thẻ kiểm định viên). Kiểm định chất lượng - mà ngôn ngữ chuyên môn gọi là đảm bảo chất lượng bên ngoài - đã trở thành một dịch vụ công, trên cả nước đã có đến 5 trung tâm kiểm định ở các nơi cạnh tranh với nhau về số lượng khách hàng. Hoạt động đảm bảo chất lượng tại VN xem ra rất nhộn nhịp. Mọi việc dường như đã rất ổn và rất phát triển, không còn cần đến những người hay thắc mắc và hay có ý kiến nọ kia giống như tôi nữa.

Vậy tại sao vào lúc này tôi lại phải viết về các chức năng của phòng ĐBCL nhỉ? À, đơn giản thôi: tôi đang tư vấn cho một trường tư vốn đang chuẩn bị tham gia kiểm định quốc tế, và thấy rằng mặc dù ở VN ai cũng nghĩ mình biết "đảm bảo chất lượng" là gì, nhưng thực ra mỗi nơi lại đề cập đến những chức năng hoạt động khác nhau. Vì vậy, việc hiểu lầm gần như là không tránh khỏi, do bất đồng ngôn ngữ.

Mà cũng dễ hiểu thôi: không chỉ ở VN, mà ở khắp nơi trên thế giới, đảm bảo chất lượng (thường được gọi là Institutional Effectiveness ở Mỹ) là một lĩnh vực đang phát triển rất nhanh, nên nội hàm của cụm từ này được mở rộng và thay đổi liên tục. Vì vậy, đây là lúc phải có ai đó tổng hợp lại các chức năng của ĐBCL để khi trao đổi thì tránh được hiểu lầm.

Dưới đây là tóm tắt các chức năng của phòng ĐBCL theo kinh nghiệm và nhìn nhận của tôi (có thể khác với bài viết cách đây 10 năm, vì mảng ĐBCL đã thay đổi và chính tôi cũng đã thay đổi, cập nhật hơn). Trong những bài tiếp theo, tôi sẽ phân tích và trích dẫn tài liệu cẩn thận hơn. Giờ thì viết để lưu lại cái đã. Thực ra, phần mô tả dưới đây là tôi chép trong một email trả lời thắc mắc của một đồng nghiệp và thấy cần lưu lại để khỏi quên thôi.
-------------
Đảm bảo chất lượng là một chức năng bắt buộc trong các trường (tôi đang nói đến đại học, còn ở phổ thông thì tôi không rõ, sẽ tìm hiểu sau) có thể bao gồm một hoặc nhiều những mảng việc sau
- đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống
- đánh giá người học (bao gồm cả việc ra đề thi và quản lý, diễn dịch số liệu)
- thu thập số liệu về sự hài lòng & sự đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan thông qua các nghiên cứu khảo sát
- đánh giá hiệu suất (output) và kết quả (outcome) dựa trên số liệu định lượng -- ở VN ít làm vì thiếu số liệu và số liệu cũng không tin cậy. Và ở Mỹ thì IR chuyên làm cái này.

Và một việc quan trọng nữa là bộ phận DBCL phải làm chính công tác chuẩn bị cho kiểm định từ bên ngoài. Hiện nay chủ yếu DBCL ở VN tồn tại do yêu cầu bên ngoài chứ chẳng phải do tự thân muốn cải tiến gì cả.

(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment