Sunday, October 11, 2015

Tư liệu: Graduate Attributes and Professional Competencies

Xin đừng gọi Learning Outcomes là Chuẩn đầu ra nữa, làm ơn đi!

Entry này (có lẽ) sẽ rất ngắn, vì tất cả nội dung của nó đã được thể hiện trong cái tựa rồi. Nếu nó không ngắn, ấy là do tôi hay nói lăng nhăng, tản mạn nên thành ra dài dòng, thế thôi.

Tóm tắt cho những ai thiếu thông tin nền, lâu nay VN vẫn gọi Learning Outcomes là Chuẩn đầu ra. Tại sao gọi như vậy, tôi không biết, nhưng cách gọi đó đã chui vào sách vở, tài liệu tập huấn, và cả các văn bản hành chính nữa. Tóm lại, nó đã định hình, và cho dù tôi có lên tiếng đến thế nào đi nữa, thì mọi việc cũng đã rơi vào tình trạng: "thôi, xong!".

Như mọi người trong giới đều biết, tôi là người từ đầu đã kiên trì không đồng ý với cách gọi Learning Outcomes là Chuẩn đầu ra. Lý do ư, nhiều lắm, các bạn có thể tìm lại trên chính blog này. Tôi đã viết mấy bài về điều đó từ cách đây vài năm, và luôn phát biểu ý mình trong mỗi lần họp hành, tập huấn, lấy ý kiến chuyên gia, vân vân và vân vân.

Tất nhiên là trong vô vọng!

Vậy thì hôm nay, căn cớ gì mà tôi lại viết mẩu này? À, là do tôi sắp tổ chức một đợt tập huấn cho đối tượng là giảng viên các trường đại học muốn áp dụng tiêu chuẩn chất lượng CTĐT của AUN trong trường của mình. Phải rồi, AEC đến nơi rồi, thì cũng phải tìm cách hội nhập đi chứ?

Và tất nhiên, cụm từ CĐR lại được nhắc đến. Vì nó là yêu cầu đầu tiên của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo AUN. Một chương trình đào tạo thì phải có LOs rõ ràng, được kết nối chặt chẽ với mục tiêu, sứ mạng của Khoa và của Trường, bla bla bla....

Vậy thì phải gọi LOs là gì trong tiếng Việt chứ? À, thì là Chuẩn đầu ra, chứ còn là cái gì nữa? Người ta đều gọi thế, trên khắp nước Việt chứ có riêng gì nơi nào, cớ sao tôi lại không chịu gọi như thế mà cứ đòi một mình một cõi, mình nói mình nghe, là sao?

Dạ, là thế này ạ.

Mọi người cứ tha hồ gọi Learning Outcomes là chuẩn đầu ra, nếu muốn. (Và mọi người ĐÃ và ĐANG gọi, yes!!!)

Nhưng ít nữa, khi các chuẩn nghề nghiệp được xác định bởi các hiệp hội nghề nghiệp chung trong khối ASEAN, ví dụ, chuẩn (nghề nghiệp) của sinh viên tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật máy tính (computer engineering) được đưa ra  - những cái chuẩn ấy, tất nhiên được gọi là OUTCOME STANDARDS tức chuẩn đầu ra đúng nghĩa, dịch word-by-word luôn đó - thì chúng ta sẽ gọi nó bằng gì? Hay lại chế ra một từ khác để gọi outcome standards, bởi cách dịch đúng của outcome standards là chuẩn đầu ra thì đã bị dùng cho một cụm từ khác chẳng có liên quan gì là Learning Outcomes mất rồi?

Có nghĩa là, cái gì vào đến VN cũng cứ phải lệch đi một chút (hoặc "nhiều chút") cho nó khác người và "đậm đà bản sắc dân tộc", hay sao?

Xin mạn phép nhắc lại định nghĩa của từ "standard" mà chúng ta đã dịch sang tiếng Việt là "chuẩn". Định nghĩa ấy lấy trong tài liệu này đây, slide số 2: https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=3&ved=0CCoQFjACahUKEwiKnNqCq7nIAhWk2qYKHSkgDoU&url=http%3A%2F%2Fwww.cedefop.europa.eu%2Ffiles%2FFinal_PPT_on_outcome_standards_study.ppt&usg=AFQjCNFswGJ_-GGsZAYRJcPXcrsbBPJGww&sig2=zIZr-C1McaAu_sEy2jkWZA


Standards are technical specifications, measurable, drawn up by consensus and approved by a recognised organisation.

Chuẩn là các đặc tả kỹ thuật đo đạc được và được mọi người đồng thuận, được phê chuẩn bởi một tổ chức có thẩm quyền.

Hãy so sánh định nghĩa này với cụm từ "learning outcomes" do các trường tự đặt ra mà xem, có thấy chỗ nào trùng khớp hay không? LOs chỉ là những phát biểu về kết quả dự kiến mà một chương trình có thể (có thể, chứ không chắc chắn) cung cấp cho người học ở đầu ra của chương trình, tức là khi sinh viên ra trường. Nhắc lại nhé: Không ai phê chuẩn, không được mọi người đồng thuận (vì trường nào đưa ra kết quả dự kiến của trường ấy), hầu như không đo đạc được, vậy gọi nó là chuẩn thì chuẩn ở cái chỗ nào?

Ờ vậy nếu không gọi là chuẩn đầu ra thì gọi là gì nào, tôi nghe có người thách đố như vậy.

Well, gọi là gì thì tùy, nhưng không được gọi là chuẩn đầu ra, vì cái ấy sẽ dành để gọi OUTCOME STANDARDS, các bạn nhé! :-)

Còn đây là đề nghị của tôi: gọi là "kết quả học tập (dự kiến)" (expected learning outcome), hoặc đơn giản hơn là "kết quả đầu ra" để phân biệt kết quả của cả chương trình (là cái mà chúng ta đang nói tới) và kết quả quả của từng môn học, là việc của từng người thầy, không liên quan mấy đến chuyện mà chúng ta đang nói.

Vậy được chưa?

Vâng, xin đừng gọi Learning Outcomes là chuẩn đầu ra nữa nhé!

Làm ơn đi!

Monday, October 5, 2015

Lan man về trường chuyên, lớp chọn

Tôi đang đọc, và viết về đề tài này, trước hết là do đặt hàng của Tạp chí Tia Sáng, mà cũng là do chủ đề này bỗng dưng nóng hổi do mấy cuộc trao đổi thú vị mới đây của anh Giáp Văn Dương. Mới thấy chủ đề này thật là rộng lớn, và những hiểu biết của mình (tức là cá nhân tôi) và cả của toàn hệ thống giáo dục VN cũng như công chúng mới thật ít ỏi làm sao!

Bài của tôi viết rồi và gửi rồi, nhiều thông tin mới mẻ hay ho lắm, các bạn đón đọc nhé! Nhưng xin bật mí một điều: các bạn đọc bài của tôi, chủ yếu là viết về trường chuyên, lớp chọn (đây là nói đại khái nhé) của nước ngoài nên dường như có vẻ tôi ủng hộ mô hình trường chuyên. Nhưng không có gì sai sự thật hơn thế! Mô hình của VN là một mô hình, well, không giống ai hết; dường như cái gì vào tay người Việt rồi cũng méo mó đi hết cả. Nên tôi thực ra là người CHỐNG mô hình ĐANG CÓ ở VN, các bạn nhé! Sẽ giải thích thêm sau.

Do bài viết cho Tia Sáng bị biên tập cắt đi những phần tôi thấy thú vị nhất (hic) nên tôi đăng đỡ lên đây những phần bị cắt, chủ yếu là phần đầu và phần cuối của bài viết. Các bạn đọc chơi đỡ buồn này. Còn ở đây xin giới thiệu đường dẫn đến Đề án xây dựng hệ thống trường chuyên tại VN do PTT Nguyễn Thiện Nhân ký khi ông còn tại chức, năm 2010. Chẳng rõ hệ thống ấy giờ ra sao rồi nhỉ?

Link đây: huvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-959-QD-TTg-phe-duyet-De-an-Phat-trien-he-thong-truong-trung-hoc-107930.aspx
-----------


Đề tài “trường chuyên, lớp chọn” ở Việt Nam tưởng như không còn gì để tranh cãi khi cách đây vài tháng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quan điểm chính thức không cho phép tổ chức “chọn” học sinh vào lớp 6 dưới bất kỳ hình thức thi cử, khảo sát hay sát hạch nào, nhằm bảo đảm tất cả học sinh đều được hưởng một nền giáo dục toàn diện. Nhưng không, cuộc tranh luận mới đây giữa hai nhân vật khá nổi tiếng là tiến sĩ Giáp Văn Dương, “cha đẻ” của Giapschool[1], và đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp, người vừa đoạt giải đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Bratislava, đã khiến cho đề tài này lại nóng lên thêm một lần nữa.

Với một bên là TS Giáp Văn Dương thuộc phe “chống” (không ủng hộ trường chuyên) và bên kia là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thuộc phe “phò” (bảo vệ sự cần thiết của trường chuyên), cuộc tranh luận giữa đã diễn ra rất sôi nổi nhưng kết thúc bất phân thắng bại. Một điều có lẽ đã làm cho nhiều người thất vọng, vì câu trả lời thỏa đáng và thuyết phục nhất cho câu hỏi xem ra là rất quan trọng đối với các phụ huynh Việt Nam cho đến nay vẫn chưa ai có ai đưa ra được.


Việt Nam thì như vậy, còn thế giới thì sao? Trrái với ngộ nhận của nhiều người Việt Nam rằng trường chuyên lớp chọn không tồn tại trong các nền giáo dục tiên tiến, trên thực tế hệ thống các “lò luyện tài năng” phát triển khá mạnh ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc, Canada, vv 

......
...... 
......
...... 
(phần này chưa thể đăng, chờ Tia Sáng đăng - nếu có đăng - các bạn nhé!)

Lời kết luận bỏ lửng của Goushey có lẽ cũng là lời kết luận tốt nhất cho vấn đề “trường chuyên, lớp chọn” ở Việt Nam. Chọn lựa cuối cùng sẽ là của những người có quyền ra quyết định, dựa trên những cân nhắc thận trọng nhất về những cái được, cái mất so với mục tiêu và nguồn lực của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia trong những thời điểm cụ thể. 

Và cuộc tranh cãi về “trường chuyên, lớp chọn”, hay là “giáo dục tài năng và năng khiếu” có lẽ trong một thời gian dài trước mắt vẫn chưa thể khép lại được. Chúng ta hãy bình tĩnh đón chờ những cuộc tranh luận thú vị khác.