Dẫn: Đây là phiên bản 2 của một bài viết đã đăng trên blog này, có bổ sung thêm phần đầu nói về thực trạng của trường chuyên lớp chọn ở VN. Phần 2 là phần giải pháp, hầu như giữ nguyên như cũ.
---------------
---------------
Trường chuyên, lớp chọn:
Tồn tại hay không tồn tại?
Vũ Thị Phương Anh
Việc xóa bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn trong hệ thống giáo dục
công lập đã được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng trên thực tế hệ thống này vẫn tồn
tại dai dẳng dưới nhiều hình thức, đặc biệt ở các thành phố lớn. Thực tế này
cho thấy trường chuyên, lớp chọn là một nhu cầu có thực ở Việt Nam và việc dẹp
bỏ chúng bằng những biện pháp hành chính là không có hiệu quả.
Trường chuyên, lớp chọn ở Việt Nam: Mặt trái của tấm huy chương
Không thể
phủ nhận sự thành công của hệ thống trường chuyên, lớp chọn trong việc đào tạo,
bồi dưỡng tài năng cho các em học sinh có năng khiếu từ nhiều năm qua. Có nhiều
minh chứng cho sự thành công ấy. Đa số các huy chương trong các kỳ thi quốc tế
cho học sinh phổ thông đều do các học sinh trường chuyên dành được. Tỷ lệ đậu
vào đại học của học sinh trường chuyên lớp chọn luôn cao hơn nhiều so với học
sinh các trường lớp khác. Nhiều cựu học sinh trường chuyên trở thành những tên
tuổi nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực.
Nhưng mặt
trái của hệ thống trường lớp này là không hề nhỏ. Cuộc chạy đua vào trường
chuyên lớp chọn đã và đang làm méo mó bộ mặt của ngành giáo dục. Để dành được một
chỗ học tốt cho con, nhiều phụ huynh không ngần ngại sử dụng quan hệ và thậm
chí tiền bạc, tạo ra nạn chạy trường, chạy lớp. Các em học sinh trường chuyên phải
học một chương trình rất nặng và không còn đủ thời gian để vận động thân thể
hay nghỉ ngơi, giải trí. Việc giảng dạy chỉ nhằm lấy thành tích trong các kỳ
thi chứ không quan tâm đến việc phát triển toàn diện của học sinh. Để theo kịp chương trình và có được thành
tích tốt, nhiều em học sinh sẽ phải học thêm ngoài giờ chính khóa, khiến cho nạn
dạy thêm học thêm càng trở nên trầm trọng.
Có thể nói,
nhiều trường chuyên, lớp chọn hiện nay không còn mang ý nghĩa đào tạo, bồi dưỡng
tài năng mà trên thực tế đã trở thành những trường lớp “luyện thi toàn thời
gian”. Các trường lớp này sử dụng nguồn đầu tư của nhà nước để phục vụ cho một
thiểu số do may mắn (nếu không phải là do tiêu cực) lọt được vào các trường lớp
này, tạo ra một sự bất binh đẳng ngay trong môi trường giáo dục. Tình trạng vừa nêu khiến nhiều người phải đặt
ra câu hỏi: Liệu có nên để cho hệ thống trường chuyên, lớp chọn tồn tại nữa hay
không?
Thực ra, từ nhiều năm nay
nhà nước đã có nhiều biện pháp để ngăn ngừa những mặt trái của hệ thống trường
chuyên, lớp chọn, thậm chí đã cấm không cho mở lớp chọn trong các trường công lập,
nhưng sự tồn tại dai dẳng của chúng cho thấy ngày càng có nhiều người dân mong
muốn cho con em học trong những điều kiện tốt hơn là điều kiện đại trà đang áp
dụng cho tất cả học sinh – một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, thay
vì cứ loay hoay tìm cách dẹp bỏ trường chuyên lớp chọn, chúng ta cần tìm những giải
pháp về quản lý sao cho vừa đáp ứng một nhu cầu có thật của người dân, vừa hạn
chế những tác hại có thể có của các trường lớp này. Nhưng ta sẽ làm điều đó như
thế nào?
Kinh
nghiệm của thế giới
Cần biết rằng trường chuyên,
lớp chọn không chỉ có ở Việt Nam. Trong thiên nhiên, luôn tồn tại sự khác biệt
giữa các cá thể, và điều này cũng đúng đối với tài năng của các cá nhân. Những
trường lớp thông thường phù hợp với đa số học sinh sẽ không giúp phát huy tốt
nhất năng lực riêng của những cá nhân có tài năng đặc biệt. Vì vậy, các quốc
gia khác nhau đều có những phương cách riêng để tạo điều kiện phát triển tốt nhất
những tài năng đặc biệt này.
Tại bang New South Wales (Úc),
ngay từ khi bắt đầu vào tiểu học thì học sinh và phụ huynh đã được thông tin về
cơ hội tham gia vào các lớp “tài năng” tức
lớp chọn (tiếng Anh là Opportunity Class) khi các em lên lớp 5. Học sinh phải
trải qua một kỳ thi mang tính cạnh tranh rất cao, tỷ lệ chọi có thể lên đến 1/20.
Học sinh được chọn vào các lớp này có thể tự hào về năng khiếu đặc biệt của
mình. Khi lên lớp 7, học sinh lại có cơ hội thi vào các trường chuyên (tiếng
Anh là Selective Schools) dành cho các học sinh có thành tích học tập xuất sắc.
Sau khi hoàn tất lớp 12, các học sinh trường chuyên cùng dự kỳ thi tốt nghiệp
THPT chung với các học sinh khác, nhưng đa số các em đều đạt điểm rất cao so với
mặt bằng chung.
Cần nhấn mạnh rằng tất cả
các trường chuyên, lớp chọn của Úc đều là công lập, và việc lựa chọn học sinh
vào các trường lớp đặc biệt này hoàn toàn dựa trên năng lực của các em chứ
không dựa trên mối quan hệ quen biết hoặc “chạy chọt” như có thể xảy ra ở Việt
Nam. Các bài thi nhằm lựa chọn học sinh vào các trường lớp đặc biệt này được
xây dựng một cách hết sức chuyên nghiệp, dựa trên những thành tựu mới nhất của
tâm lý học giáo dục. Phương pháp giảng dạy cho đối tượng đặc thù này cũng không
giống với đối tượng thông thường, và việc phát triển toàn diện cả về trí lực,
thể lực và thẩm mỹ cho các em được đặc biệt chú trọng.
Tuy vậy, sự tồn tại của các
trường lớp này vẫn gây tranh cãi. Việc tập trung các học sinh có tài năng đặc
biệt trong cùng một môi trường dù giúp các em phát triển tốt hơn về trí tuệ
nhưng lại có thể gây ra sự lệch lạc trong sự phát triển về mặt xã hội. Trong
khi đó, ở lứa tuổi này các em học sinh cần làm quen và chấp nhận sự đa dạng của
xã hội, chứ không chỉ quen làm việc chung với những người có đặc điểm giống như
mình. Vì vậy, ngay ở các nước phát triển thì vấn đề nên hay không nên tồn tại
các trường chuyên, lớp chọn vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.
Bên cạnh những trường lớp dành
cho học sinh tài năng đúng nghĩa, hệ thống giáo dục phổ thông của các nước tiên
tiến còn có rất nhiều lựa chọn phù hợp với những đối tượng khác nhau, do hệ thống
giáo dục tư nhân đảm nhiệm. Ở Mỹ, có gần ¼ tổng số trường phổ thông là trường
tư, trong đó đa số là các cơ sở giáo dục thuộc các tôn giáo; những trường này
ngoài việc tuân theo chương trình và những quy định chung của tiểu bang và của
địa phương, thường nhắm đến những đối tượng phục vụ riêng biệt và theo đuổi những
giá trị riêng làm nên bản sắc của trường.
Đặc điểm riêng biệt của các
trường tư vừa làm phong phú hệ thống giáo dục quốc gia vừa tạo điều kiện phát
huy tốt nhất năng lực của các cá nhân học sinh. Nhiều trường đã tạo được thương
hiệu riêng với chất lượng giáo dục rất cao, chẳng hạn như các trường Công giáo
với tên tuổi lừng lẫy trên khắp thế giới đã có mặt tại miền Nam trước năm 1975
như hệ thống trường mang tên La San (La Salle). Học phí của các trường này cũng khác nhau, tuỳ
theo đối tượng học sinh mà trường nhắm đến.
Ngoài ra hệ thống trường
công và trường tư, nước Mỹ còn có đến gần 3% tổng số học sinh phổ thông không
theo học tại trường lớp mà học ở nhà, gọi là “học tập tại nhà” (homeschooling).
Homeschooling thường dành cho những người vì những lý do riêng (thường là vì niềm
tin tôn giáo hoặc vì lý do sức khoẻ thể chất hoặc tâm lý của học sinh) tin rằng
con em mình sẽ được giáo dục tốt hơn nếu để các em học ở nhà với những người
thân và môi trường quen thuộc hơn là cho các em vào trường lớp chung với các học
sinh đồng lứa khác.
Hệ thống giáo dục đa dạng với
sự lựa chọn rộng rãi như trên sẽ giúp nhà nước tập trung nguồn lực và trí tuệ để
giải quyết những vấn đề chung như các chuẩn mực về chương trình và thi cử, sự
bình đẳng về cơ hội tiếp cận cho mọi người, hoặc quan tâm phát triển tài năng
cho đất nước. Những vấn đề đặc thù khác hoặc những nhu cầu riêng biệt của từng
đối tượng riêng sẽ do hệ thống tư đảm nhiệm và sử dụng kinh phí tư nhân. Về thực
chất, những trường/lớp tư nhân này chính là một loại “trường chuyên, lớp chọn”
dành cho những người có yêu cầu/nhu cầu riêng và sẵn sàng chịu chi phí cho những
đòi hỏi riêng biệt của mình. Một hệ thống như trên sẽ không tạo ra những bất
công và bất cập mà hệ thống trường chuyên lớp chọn của Việt Nam đang gặp phải
hiện nay.
No comments:
Post a Comment