Friday, October 3, 2014

Trường chuyên, lớp chọn: Nên tồn tại hay không tồn tại?


Dẫn: Bài viết này tôi viết theo đặt hàng của báo Nhân Dân. Có lẽ sẽ còn biên tập và rút gọn lại, nhưng dưới đây là bản gốc, tôi đăng lại ở đây để lưu và chia sẻ. Sẽ để chế độ đăng lên tự động sau 2 tuần.
-----------
TRƯỜNG CHUYÊN, LỚP CHỌN: NÊN TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI?

Việc xóa bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn trong các trường công lập môi trường giáo dục đã được đặt ra từ nhiều năm nay[1], nhưng trên thực tế hệ thống này vẫn tồn tại dai dẳng dưới nhiều hình thức, đặc biệt ở các thành phố lớn. Thực tế này cho thấy trường chuyên, lớp chọn là một nhu cầu có thực ở Việt Nam và việc dẹp bỏ chúng bằng những biện pháp hành chính là không có hiệu quả. 

Thay vì tìm cách dẹp bỏ trường chuyên lớp chọn bằng mọi giá, có lẽ tốt hơn nếu ta có được những biện pháp quản lý sao cho vừa đáp ứng một nhu cầu có thật của người dân, vừa hạn chế những tác hại có thể có của các trường chuyên lớp chọn như tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục, việc học lệch gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của học sinh, hoặc hiện tượng có tiêu cực “chạy trường, chạy lớp” để đưa con em mình vào những trường lớp đặc biệt, vv. Câu hỏi đặt ra là ta sẽ làm điều đó như thế nào?

Trước hết, cần xác định là trường chuyên, lớp chọn không phải chỉ có ở Việt Nam. Trong thiên nhiên, luôn tồn tại sự khác biệt giữa các cá thể, và điều này cũng đúng đối với tài năng của các cá nhân. Những trường lớp thông thường phù hợp với đa số học sinh sẽ không giúp phát huy tốt nhất năng lực riêng của những cá nhân có tài năng đặc biệt. Vì vậy, các quốc gia khác nhau đều có những phương cách riêng để tạo điều kiện phát triển tốt nhất những tài năng đặc biệt này. 

Ví dụ, tại bang New South Wales (Úc), ngay từ khi bắt đầu vào tiểu học thì học sinh và phụ huynh đã được thông tin về cơ hội tham gia  vào các lớp “tài năng” tức lớp chọn (tiếng Anh gọi là Opportunity Class) khi các em lên lớp 5. Để vào được các lớp chọn này phải trải qua một kỳ thi mang tính cạnh tranh rất cao,  tỷ lệ chọi có thể lên đến 20:1. Các em học sinh được chọn vào các lớp này có thể tự hào là mình có năng khiếu đặc biệt so với các học sinh khác. Khi lên lớp 7, học sinh lại có một cơ hội thi vào các trường chuyên gọi là Selective Schools dành cho các học sinh có thành tích học tập xuất sắc và tài năng đặc biệt[2]. Sau khi hoàn tất lớp 12, các học sinh trường chuyên cùng dự kỳ thi tốt nghiệp THPT chung với các học sinh khác, nhưng đa số các em đều đạt điểm rất cao so với mặt bằng chung. 

Cần lưu ý, tất cả các trường chuyên, lớp chọn này đều thuộc hệ thống công lập, và việc lựa chọn học sinh vào các trường lớp đặc biệt này hoàn toàn dựa trên năng lực của các em chứ không dựa trên bất kỳ mối quan hệ quen biết hoặc một sự tiêu cực nào như có thể xảy ra ở Việt Nam. Sự tồn tại của các trường chuyên, lớp chọn ở các nước tiên tiến chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội phát triển tốt nhất cho những cá nhân “khác thường” (ở đây là những năng khiếu học tập đặc biệt) mà một môi trường học tập bình thường sẽ không hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ngay cả sự tồn tại của các trường này vẫn gây tranh cãi, do việc tập trung các học sinh có tài năng đặc biệt lại trong cùng một trường dù có thể giúp các em phát triển tốt hơn về trí tuệ nhưng lại có thể gây ra sự lệch lạc trong sự phát triển về mặt xã hội của các em. Ở lứa tuổi này, các em cần làm quen và chấp nhận sự đa dạng của xã hội, chứ không nên chỉ làm việc chung với những người có đặc điểm giống như mình. 

Cho đến nay, các nhà giáo dục vẫn chưa thể xác định dứt khoát là để các em có tài năng đặc biệt học riêng trong các trường chuyên thì tốt hơn hay không tốt bằng việc để các em theo học ở môi trường bình thường, và vấn đề nên hay không nên tồn tại các trường chuyên (dành cho các tài năng thực sự, được lựa chọn công bằng và chuyên nghiệp) vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh những trường lớp dành riêng cho học sinh tài năng đúng nghĩa và vì thế thực sự cần thiết, hệ thống giáo dục phổ thông của  của các nước tiên tiến còn có rất nhiều lựa chọn phù hợp với những đối tượng khác nhau, được đảm nhiệm bởi hệ thống giáo dục tư nhân. Ở Mỹ, có gần ¼ tổng số trường phổ thông là trường tư, trong đó đa số là các cơ sở giáo dục thuộc các tôn giáo; những trường này ngoài việc tuân theo chương trình và những quy định chung của tiểu bang và của địa phương, thường nhắm đến những đối tượng phục vụ riêng biệt và theo đuổi những giá trị riêng làm nên bản sắc của trường. 

Đặc điểm riêng biệt của các trường tư vừa làm phong phú cho hệ thống giáo dục vừa tạo điều kiện phát huy tốt nhất năng lực của các cá nhân học sinh. Nhiều trường đã tạo được thương hiệu riêng với chất lượng giáo dục rất cao, chẳng hạn như các trường Công giáo với tên tuổi lừng lẫy trên khắp thế giới đã có mặt tại miền Nam trước năm 1975 như hệ thống trường mang tên La San (La Salle)[3].  Học phí của các trường này cũng khác nhau, tuỳ theo đối tượng học sinh mà trường nhắm đến. 

Ngoài ra hệ thống trường công và trường tư, nước Mỹ còn có đến gần 3% tổng số học sinh phổ thông không theo học tại trường lớp mà học ở nhà, gọi là “học tập tại nhà” (homeschooling). Homeschooling thường dành cho những người vì những lý do riêng (thường là vì niềm tin tôn giáo hoặc  vì lý do sức khoẻ thể chất hoặc tâm lý của học sinh) tin rằng con em mình sẽ được giáo dục tốt hơn nếu để các em học ở nhà với những người thân và môi trường quen thuộc hơn là cho các em vào trường lớp chung với các học sinh đồng lứa khác.

Hệ thống giáo dục đa dạng với sự lựa chọn rộng rãi như trên sẽ giúp nhà nước tập trung nguồn lực và trí tuệ để giải quyết những vấn đề chung như các chuẩn mực về chương trình và thi cử, sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận cho mọi người, hoặc quan tâm phát triển tài năng cho đất nước. Những vấn đề đặc thù khác hoặc những nhu cầu riêng biệt và chính đáng của từng đối tượng riêng sẽ do hệ thống tư đảm nhiệm và sử dụng kinh phí tư nhân (do sự đóng góp của gia đình). Về thực chất, những trường/lớp tư nhân này chính là một loại trường chuyên, lớp chọn dành cho những người có yêu cầu/nhu cầu riêng và sẵn sàng chịu chi phí cho những đòi hỏi riêng biệt của mình. Một hệ thống như trên sẽ không tạo ra những bất công và bất cập mà hệ thống trường chuyên lớp chọn của Việt Nam đang gặp phải hiện nay.

No comments:

Post a Comment