Saturday, October 11, 2014

Quá lớn nên không thể thất bại: Vai trò của trường đại học tư vì lợi nhuận tại Mỹ (Phần 1)

Nhân vụ lùm xùm kéo dài tại ĐH Hoa Sen liên quan đến "vì lợi nhuận" và "phi lợi nhuận", tôi đã đọc rất nhiều về đại học vì lợi nhuận trên thế giới, và tìm được bài này của GS Tierney, một giáo sư hàng đầu chuyên nghiên cứu về giáo dục đại học tại một trường đại học phi lợi nhuận của Mỹ, trường USC University of Southern California. Một bài rất đáng đọc và cần được giới thiệu đến bạn đọc, do những hiểu biết không đầy đủ và rất lệch lạc về đại học tư vì lợi nhuận tại VN. Bài đã được Tạp chí Tia Sáng đăng dưới dạng rút gọn, tại đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7945. Dưới đây là bài đầy đủ.
-------

Quá lớn nên không thể thất bại: Vai trò của các trường đại học vì lợi nhuận tại Mỹ[1]

William G. Tierney

Mặc dù các trường đại học và cao đẳng vì lợi nhuận ở Mỹ đã có một lịch sử lâu dài, chúng chỉ mới bắt đầu được nhiều người chú ý từ thập niên trước. Trong những năm đầu thế kỷ 20, các trường cao đẳng nghề tồn tại chủ yếu ở khu vực đô thị để đào tạo những ngành nghề cụ thể, như thợ sửa ống nước, quản lý nhà hàng, nghệ thuật và thiết kế, thẩm mỹ, hỗ trợ pháp lý, và những ngành nghề tương tự. Các trường này phần lớn là trường nhỏ chỉ có vài lớp học trong các tòa nhà được thuê mướn. Học phí tại các trường này tương đối thấp và người học đến đây để học những kỹ năng cụ thể nhằm kiếm việc làm.

Ngay trong thập niên 1960, các trường cao đẳng nghề vẫn chỉ là một phần nhỏ trong nền giáo dục đại học Mỹ. Năm 1967 có khoảng 7 triệu người họctại các trường đại học và cao đẳng ở Mỹ, và trong số này chỉ có gần 22.000 người học tại các trường vì lợi nhuận, tức chưa đến 0.3%. Thật ra, thuật ngữ “đại học/cao đẳng vì lợi nhuận" khi ấy vẫn chưa được sử dụng; thay vào đó chúng được gọi là trường cao đẳng nghề hoặc cao đẳng kỹ thuật. Trong vài thập niên sau đó, các trường này vẫn thuộc sở hữu tư nhân và ít bị dư luận săm soi. Đa số các trường này không được kiểm định, và cũng chẳng tìm kiếm sự tài trợ của liên bang hoặc tiểu bang.

Tình hình bắt đầu thay đổi với sự ra đời của Đại học Phoenix vào năm 1976, hiện nay là cơ sở giáo dục sau trung học lớn thứ hai của Mỹ, với hơn 400.000 sinh viên. Ngày nay, các trường cao đẳng nghề nhỏ theo kiểu “gia đình” vẫn còn tồn tại, nhưng chúng lọt thỏm trong số những trường lớn khác như Đại học Phoenix và các trường giao dịch công cộng khác như Đại học Corinthian và Đại học DeVry, mỗi trường có hơn 80.000 sinh viên.

Lịch sử phát triển của đại học tư vì lợi nhuận thể hiện rõ qua trường hợp của một trong những trường cao đẳng nghề nổi tiếng ở giai đoạn đầu, Trường Katherine Gibbs. Được thành lập vào năm 1911 tại Providence, Rhode Island, ban đầu trường này đào tạo nghề thư ký cho phụ nữ trẻ. Sau đó, trường Katherine Gibbs phát triển thành một chuỗi các cơ sở cao đẳng nghề khá thành công ở bờ Đông nước Mỹ, đào tạo các kỹ năng như đánh máy, tốc ký, và kỹ năng ứng xử trong môi trường kinh doanh. Năm 1997, Tập đoàn Giáo dục nghề nghiệp (Career Education Corporation), một tổ chức vì lợi nhuận khổng lồ đã mua lại Trường Katherine Gibbs.

Đại học Phoenix và các trường tư vì lợi nhuận khác bắt đầu thử nghiệm quá trình thay đổi ý nghĩa và mục đích của giáo dục đại học bằng nhiều cách khác nhau. Người học là những người trưởng thành đã đi làm và học bán thời gian không chỉ là đối tượng trọng tâm của các trường này, mà được xem là một nguồn khách hàng tiềm năng khổng lồ vốn bị các trường đại học truyền thống hoặc bỏ qua hoặc xem thường. Đối tượng người học này không cần các trường lớp truyền thống với các điều kiện hoạt động văn thể mỹ liên quan – các phòng tập thể dục, hội quán sinh viên, sân thi đấu điền kinh, v.v... Thay vì phải chọn trong rất nhiều môn học mà lợi ích của chúng đối với nghề nghiệp tương lai không rõ ràng, người học chỉ cần chọn một số môn học hữu hạn, được tổ chức giảng dạy tại các thời điểm và địa điểm thuận tiện, theo một cách làm rất hiệu quả và tập trung cao độ.

Vai trò của giảng viên tại các trường này cũng rất khác. Biên chế chính thức, quyền tham gia các hoạt động quản trị, và quyền tự do học thuật hoàn toàn vắng mặt. Trong khi tại các đại học truyền thống, giảng viên có toàn quyền tự xây dựng nội dung môn học, khiến cho cùng một học có thể có những trọng tâm, mục tiêu và mục đích rất khác nhau tùy thuộc vào giảng viên, thì tại các trường đại học tư vì lợi nhuận nội dung môn học được chuẩn hóa và phong cách giảng dạy của các giảng viên thường là giống nhau.

Tình trạng được kiểm định trở thành một chuẩn mực quan trọng đối với nhiều cơ sở giáo dục vì lợi nhuận. Điều này không chỉ có ý nghĩa như một sự công nhận về chất lượng, mặc dù điều đó là chắc chắn quan trọng. Đối tượng người học của các trường này không chỉ là những người học trưởng thành đang có việc làm, mà ngày càng có nhiều lớp sinh viên thế hệ đầu tiên từ những gia đình nghèo. Đối với những sinh viên này, học phí tại các trường tư vì lợi nhuận ở mức cao đến khó chấp nhận. Nhưng tình trạng được  kiểm định sẽ cho phép các sinh viên này nhận hỗ trợ tài chính từ liên bang, và sau này, một số tiểu bang như California, cũng cho phép sinh viên của các trường tư được kiểm định nộp đơn xin hỗ trợ tài chính của tiểu bang nữa. Nếu không có hỗ trợ tài chính của liên bang và tiểu bang thì sự phát triển của loại trường này chắc chắn sẽ không thể cao như hiện nay.

Là doanh nghiệp hoạt động vì mục đích lợi nhuận, các trường tư vì lợi nhuận đại diện cho mô hình kinh doanh khác biệt căn bản với các trường đại học và cao đẳng truyền thống. Những trường này tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc kết hợp tốc độ tăng trưởng cả về số lượng lẫn về tỷ lệ lợi nhuận tính theo đơn vị (chênh lệch giữa chi phí và doanh thu). Kết quả là sự đãi ngộ và thước đo sự thành công của loại trường này cũng khác với các trường đại học và cao đẳng truyền thống.

Tính đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, số sinh viên theo học các cơ sở giáo dục vì lợi nhuận đã tăng lên đến gần 1,2 triệu người, tương đương khoảng 6,5% tổng số sinh viên trên toàn nước Mỹ. Nếu tính cả những chương trình cấp chứng chỉ, thị phần của các trường vì lợi nhuận được ước tính là khoảng 12%. Các trường này cũng cung cấp nhiều khóa học trực tuyến hơn các trường đại học công hoặc đại học tư phi lợi nhuận. Đây là khu vực phát triển nhanh nhất trong khu vực giáo dục sau trung học.

Bán dịch vụ giáo dục
Cho dù sự hài lòng của khách hàng, việc phát triển sản phẩm, và quan hệ cộng đồng có thể là quan trọng, nhưng một công ty kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận mà không tạo ra được doanh thu, thì cuối cùng nó cũng không thể tồn tại. Vì vậy, trong vòng khoảng ¼ thể kỷ vừa qua, các cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận đã tìm ra những cách để tạo doanh thu. Tình trạng được công nhận kiểm định là một trong những cách ấy, vì nó sẽ cho phép các trường được nhận hỗ trợ tài chính hoặc được vay ưu đãi cho sinh viên.

Ở Mỹ, số tiền hỗ trợ học phí cho người học là do chính người học định đoạt, vì vậy cần phải làm sao để họ chọn mua dịch vụ giáo dục của nhà trường. Trên thị trường, đôi khi các sản phẩm đã tồn tại sẵn, và doanh nghiệp mới tham gia thị trường cần phải tạo ra một thị trường ngách hoặc thuyết phục được khách hàng rằng sản phẩm của họ tốt hơn sản phẩm của đối thủ. Đôi khi, những nhà cung cấp mới tạo ra một phân khúc hoàn toàn mới. Ngành công nghiệp ô tô luôn đưa ra các kiểu dáng mới được cho là đã cải tiến so với chiếc xe hiện tại hoặc một loại xe mới hoàn toàn. Những kiểu xe mới hàng năm, và loại xe ô tô tiện ích thể thao, chính là những ví dụ từ ngành công nghiệp ô tô. Rõ ràng, nếu các sản phẩm mới không có sự cải tiến hoặc nếu khách hàng cho rằng phân khúc thị trường mới là không cần thiết thì sản phẩm đó hoặc cả công ty sẽ chới với và có thể phải chấm dứt kinh doanh.

Đôi khi có thể kết hợp nhiều cách: một công ty có thể tạo ra một phân khúc hoàn toàn mới cùng một lúc với sự gia tăng nhu về sản phẩm đó. Nhưng thông thường khách hàng không biết rằng sản phẩm này cần cho họ, cho đến khi có một chiến dịch quảng cáo thành công. Loại giấy có dán keo nhãn hiệu “Post-its” và loại dép có quai nhãn hiệu “Crocs” là những sản phẩm hiện nay có thể thấy nhan nhản khắp nơi mặc dù trước khi những sản phẩm này được đưa ra thị trường thì chẳng có ai có vẻ cần đến những sản phẩm này cả.

Các trường đại học và cao đẳng vì lợi nhuận đã phát triển y hệt như thế. Các trường đại học truyền thống không tiếp thị, cũng chẳng quan tâm đến những người học trưởng thành, những người thuộc thế hệ đầu tiên học đại học từ các gia đình thu nhập thấp. Nhưng trong khoảng hơn hai thập niên vừa qua, đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tấm bằng tốt nghiệp trung học không còn đủ để đảm bảo một cuộc sống trung lưu, và việc tham gia học tập sau trung học sẽ dẫn đến những mức lương cao hơn. Với sự thay đổi nhận thức về giá trị của giáo dục sau trung học trong xã hội, các trường vì lợi nhuận đã nhận ra được phân khúc thị trường mới này, nhưng họ cũng hiểu rằng cần phải tiếp thị sản phẩm để biến tiềm năng đó thành hiện thực.

Văn phòng tuyển sinh của các trường công lập thường rất ít tiếp thị vì họ đã có một nguồn khách hàng tự nhiên nên không quan tâm đến việc thu hút đối tượng người học mà những trường vì lợi nhuận quan tâm. Trong khi đó, những trường tư phi lợi nhuận ưu tú lại đánh dấu uy tín của mình qua tỷ lệ những sinh viên mà họ từ chối. Vì vậy, các trường vì lợi nhuận cần phải thu hút những người chưa bao giờ nghĩ đến việc đi học đại học, thậm chí cũng chẳng nghĩ đến việc bước chân vào khuôn viên của một trường đại học.

Kết quả là những trường vì lợi nhuận đã áp dụng những cách tuyển sinh mà nhiều người cho là kỳ lạ, thậm chí là vô đạo đức hoặc trái pháp luật. Thay vì tham gia vào quá trình tuyển sinh kéo dài từ mùa hè trước năm lớp 12 và kết thúc bằng một thư chấp thuận vào mùa xuân, rồi thư hỗ trợ tài chính ngay sau đó, các trường vì lợi nhuận đã đẩy nhanh tiến độ tuyển sinh. Họ tìm khách hàng tiềm năng, thuyết phục khách hàng về giá trị của sản phẩm, giải thích các chi phí và thủ tục tài chính, và thuyết phục khách hàng đăng ký nhập học. Các môn học có thể bắt đầu ngay vài ngày sau đó.

Vấn đề phát sinh khi người tiêu dùng không hiểu chi phí thực của sản phẩm, những chi phí sẽ phát sinh để hoàn tất việc học, hoặc những gì họ sẽ đạt được sau khi tốt nghiệp. Nếu các trường vì lợi nhuận cung cấp một sản phẩm có giá trị tương đương hoặc thấp hơn mà chi phí lại cao hơn so với các trường phi lợi nhuận thì hẳn là cơ chế thị trường sẽ tự giải quyết vấn đề đó. Tuy nhiên, cơ chế thị trường chỉ có tác dụng nếu người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ về chi phí và lợi ích của sản phẩm.

Một mặt, những người làm việc trong các trường vì lợi nhuận lập luận rằng việc đưa thông tin sai lệch là rất hiếm; nhìn chung việc học tập tại các trường vì lợi nhuận đã đem lại lợi ích cho người học vì thu nhập của họ tăng lên rất nhiều khiến cho khoản nợ mà họ đã phải vay cho việc học đại học trở thành không đáng kể. Mặt khác, các cơ quan liên bang và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cáo buộc rằng khoản nợ học tập đối với nhiều người học là quá mức chịu đựng, khi so mức lương mà họ được nhận với tấm bằng mà họ được trao - nếu quả thật họ có thể hoàn tất được việc học để lấy được tấm bằng.


Một vấn đề nữa rất đặc thù đối với các sản phẩm từ các trường vì lợi nhuận. Vào cùng khoảng thời gian Đại học Phoenix ra đời, một hãng hàng không non trẻ, Southwest Airlines, cũng đã bắt đầu. Ở nhiều khía cạnh, cả hai công ty vì lợi nhuận này khá giống nhau. Cả hai đều quyết định hoạt động một cách khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh truyền thống. Cả hai đều phục vụ cho đối tượng khác hàng khác, và sử dụng nhân viên của theo những cách không giống với các đối thủ của mình. Cả hai đều cần có lợi nhuận. Cả hai đã cực kỳ thành công. Nhưng sự giống nhau giữa hai công ty này kết thúc ở đây, mà lý do chính là vì các sản phẩm mà hai công ty này cung cấp.

Southwest Airlines ngay lập tức phải đối mặt với đòn phản công pháp lý của đối thủ cạnh tranh của mình. Các hãng hàng không đang tồn tại thấy rằng ngành hàng không chẳng cần có thêm một đối thủ cạnh tranh mới, và ban đầu đã cố gắng ngăn chặn rồi sau đó thì kiềm chế sự tăng trưởng của nó. Đại học Phoenix đã được các đối thủ cạnh tranh của mình làm ngơ. Trong khi Southwest Airlines ngày nay được các công ty hàng không khác nhìn nhận là một công ty thành công, thì Đại học Phoenix và những trường tương tự đều bị mọi người nhíu mày chê trách, không chỉ vì các cáo buộc về hành vi sai trái mà còn vì đối với nhiều người, ý nghĩ rằng giáo dục là một sản phẩm có thể mua vào bán ra là một điều không thể chấp nhận. .

Người ta thường nghĩ về giáo dục như là hàng hóa công. Khi nhu cầu học đại học tăng lên do những ưu tiên của tiểu bang hoặc của các cử tri thì mọi người đều cho rằng cần phải xây thêm những trường đại học công mới. Ví dụ, trong vòng 20 năm qua, người ta đã thảo luận về nhu cầu xây dựng một cơ sở mới của hệ thống Đại học California (UC). Cuối cùng, sau khi chính quyền tiểu bang phải chi ra khoảng 500 triệu đô, trường Đại học UC Merced cũng đã mở cửa hoạt động và bây giờ đã có 5.000 sinh viên. Cũng trong 20 năm đó, hầu như không ai nhắc đến hoặc tranh luận về việc phải chăng một trường đại học vì lợi nhuận có thể là cách đáp ứng tốt hơn nhu cầu của 5000 sinh viên này cũng như các sinh viên tiềm năng khác.

No comments:

Post a Comment