Bài đăng dưới đây là bản dịch của bài viết Humanaties as spectacle được đăng trên tờ Inside Higher Education vào cuối tháng 7 tại địa chỉ: http://www.insidehighered.com/views/2013/07/30/essay-building-audience-humanities. Tác giả của nó đưa ra một giải pháp vô cùng lý thú cho sự xuống dốc của khối ngành nhân văn trong các trường đại học, đó là: hãy đối xử với ngành nhân văn như một ngành nghệ thuật biểu diễn. Điều này thực đúng, như ta có thể thấy ngay ở VN: nếu như hiện nay ngành nhân văn không mấy ai vào học, thì những buổi Cafe Thứ bảy, hoặc những diễn thuyết của các nhà văn, nhà sử học, triết học vv vẫn luôn đông người, và đặc biệt là rất nhiều người trẻ. Ví dụ như buổi trao đổi về cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức gần đây.
Bài viết thú vị đến nỗi tôi thấy cần phải dịch nó ra và phổ biến cho nhiều người đọc hơn nữa. Tôi đã dịch, và đã gửi cho Tạp chí Tia Sáng, tờ tạp chí mà tôi cộng tác quen thuộc lâu nay. Nay bài đã đăng lên (tại đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=6749), nên tôi đưa về đây để lưu và chia sẻ với mọi người.
Enjoy các bạn nhé!
--------------
Bài viết thú vị đến nỗi tôi thấy cần phải dịch nó ra và phổ biến cho nhiều người đọc hơn nữa. Tôi đã dịch, và đã gửi cho Tạp chí Tia Sáng, tờ tạp chí mà tôi cộng tác quen thuộc lâu nay. Nay bài đã đăng lên (tại đây: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=6749), nên tôi đưa về đây để lưu và chia sẻ với mọi người.
Enjoy các bạn nhé!
--------------
Lời giới thiệu:
“Sự khủng hoảng của các
ngành nhân văn” là một vấn đề đã làm đau đầu các nhà chính sách giáo dục của
Hoa Kỳ trong nhiều năm qua. Gần đây nhất, Quốc hội Hoa Kỳ đã đặt hàng cho Viện
Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ thực hiện một nghiên cứu để tìm ra những giải
pháp cho tình trạng nói trên. Kết quả của nghiên cứu trên được nêu trong một
báo cáo dài 88 trang, mới được công bố trong tháng 7 vừa qua. Nhưng theo nhận
định của giới chuyên môn thì báo cáo nói trên dù được thực hiện bởi những tên
tuổi trong ngành, dường như vẫn quá chung chung và không đưa ra được các giải
pháp khả thi để giải quyết sự khủng hoảng của khối ngành nhân văn. Mọi việc
dường như đang trong vào tình trạng bế tắc và không có lối thoát.
Tuy nhiên, Matti Bunz,
tác giả của bài viết được đăng trên trang Inside Higher Education vào cuối
tháng 7 vừa qua, tình trạng của các ngành nhân văn không bi đát đến thế, và giải
pháp cho tình trạng hiện nay có thể đến bằng một con đường rất bất ngờ. Theo
tác giả, có một cách làm rất đơn giản mà chắc chắn sẽ thành công, vì chính ông
đã có kinh nghiệm áp dụng đến hơn hai thập niên. Hãy nghe tác giả kết luận bài
viết của mình: “Hãy bắt chước chúng tôi!”
Xin trân trọng giới
thiệu bài viết của Matti Bunz đến tất cả bạn đọc.
Ngành nhân văn dưới góc
nhìn của nghệ thuật biểu diễn
Matti Bunzl
Phương Anh dịch và giới thiệu
Một vài tuần đã trôi qua kể từ khi bản báo cáo do Quốc hội Hoa
Kỳ đặt viết về tình trạng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn có tựa đề
là "The Heart of the Matter”[1]
(“Cốt lõi của vấn đề”) được Viện Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ công bố. Mặc dù
nội dung của bản báo cáo này không có gì đáng để chỉ trích – nó chứa đầy những
phát biểu về tầm quan trọng của giáo dục và về tinh thần công dân – nhưng nỗi
đau của các ngành nhân văn vẫn còn chưa dứt.
Chỉ riêng trong tờ New York Times cũng đã
có thể tìm được những lời phản đối của ba nhà bình luận chính trị tầm cỡ. David
Brooks, một thành viên của nhóm nghiên cứu, than vãn về tình trạng “tự tử tập
thể” của các giáo sư ngành nhân văn; Verlyn Klinkenborg thì thở than về sự
xuống dốc và sụp đổ của ngành ngữ văn[2],
còn Stanley Fish thì chỉ trích báo cáo này là tầm thường và nhạt nhẽo và những
"khuyến nghị của nó chỉ có thể có kết quả trong xã hội không tưởng
"(và vì là một người theo chủ nghĩa Milton, ông biết rõ chúng ta tất nhiên
không đang sống trong xã hội không tưởng).
Đã có những nỗ lực dũng cảm để chống đỡ
những lời phê phán ảm đạm gần đây về “sự khủng hoảng của các ngành nhân văn.”
Nhưng ngay cả nếu "sĩ số trong những
lớp học của chúng ta không bị giảm sút", thì chúng ta vẫn chưa đề cập đến
công chúng nói chung. Và ở đây, vẫn tồn tại một tranh luận chưa ngã ngũ: cho
đến nay, sự thật hiển nhiên là các ngành nhân văn hoàn toàn "thất bại
trong quan hệ công chúng" (Fish đang nhại lời của Klinkenborg[3]). Các
ngành nhân văn rõ ràng không thể giải thích được tại sao chúng lại cần thiết
đối với mọi người. Vì vậy chẳng ngạc nhiên gì nếu như công chúng không mấy quan
tâm gì đến những nỗ lực của họ.
Mặc dù vấn đề tiếp thị là rất quan trọng đối
với cuộc tranh luận này, nhưng hiện nay hầu như không ai nhắc tới nó. Riêng với
tôi, nó đặt ra một câu hỏi rất cơ bản: tại sao những người giảng dạy trong
ngành xã hội nhân văn lại phải tự quảng cáo cho mình? Những người hoạt động
trong các lĩnh vực sáng tạo khác đều có các nhà quản lý, đại lý và các nhà
quảng cáo cho họ, chưa kể là còn có các hãng phim, nhà hát, phòng trưng bày và
bảo tàng – nói cách khác là những điều kiện giúp cho họ tập trung vào những gì
họ làm tốt nhất; đó là: sáng tạo.
Nếu có một tổ chức tương tự như tôi đã nói
ở trên thì nó hoạt động như thế nào nhỉ? Thật may, tôi đang lãnh đạo một tổ
chức như thế: Tổ chức Lễ hội nhân văn Chicago (Chicago Humanities Festival)[4],
nơi tôi đang là giám đốc nghệ thuật, cũng là tổ chức lớn nhất của loại hình này
tại Hoa Kỳ. Thật ra, tổ chức của chúng tôi đã được nêu tên ngay trong báo cáo
"The Heart of the Matter", được ca ngợi về sự thành công trong việc
"thu hút các học giả và các nghệ sĩ đến chia sẻ niềm đam mê và tài năng
của họ với khán giả mới."
Lễ hội nhân văn Chicago đã hoạt động được
đến năm thứ 24. Đợt lễ hội mùa thu hàng năm của chúng tôi tổ chức khoảng 100 sự
kiện về cùng một chủ đề. Lượng người
tham gia là khoảng 50.000 lượt, và có hàng trăm ngàn lượt khán giả thưởng thức
các sản phẩm của chúng tôi dưới hình thức kỹ thuật số. Rõ ràng đó không phải là
sự thất bại về quan hệ cống chúng – chúng tôi tin như thế.
Nhưng chúng tôi đã làm điều đó như thế nào?
Làm cách nào mà chúng tôi lại có thể thu hút được hàng ngàn người đến nghe các
giáo sư thuộc các ngành nhân văn giảng bài?
Thực ra, mọi việc khá đơn giản: chúng tôi
xem các diễn giả như các ngôi sao và các sự kiện của chúng tôi như các buổi
biểu diễn.
Tôi nghĩ, để hiểu sự thành công của chúng
tôi thì tốt nhất là so sánh cách chúng tôi vận hành với cách vận hành của một
chương trình đại học điển hình. Ừ, các bài giảng trong trường cũng miễn phí và
mở rộng cho công chúng. Nhưng công chúng làm cách nào để biết được điều ấy?
Những tờ thông báo xấu xí dán trên bảng thông báo hẳn khó lòng thu hút được sự
chú ý của công chúng. Và công chúng hẳn chẳng thích thú gì với những bài thuyết
trình chuyên sâu và khô khan. (Ở đây tôi muốn nói thêm rằng với tư cách là một
giảng viên đại học, tôi có thể cũng rất thích thú khi đọc các thông báo dày đặc
chữ trên các listserv, tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh rằng tôi đã có sẵn sự yêu
thích đối với những sản phẩm đó rồi.)
Tất cả những gì chúng tôi làm tại Lễ hội
nhân văn Chicago đều nhằm phá vỡ những rào cản như vậy. Chúng tôi viết các bản
quảng cáo đầy khiêu khích về các sự kiện của chúng tôi, đăng quảng cáo trên
khắp các phương tiện thông tin đại chúng địa phương, và hối thúc báo đài đã
đăng quảng cáo phải viết tin về các sự kiện của chúng tôi.
Và chúng tôi đảm bảo rằng các tài năng mà
chúng tôi muốn giới thiệu phải được xuất hiện một cách nổi bật nhất. Chúng tôi
phải chuẩn bị sắp xếp sân khấu và phông nền, đồng thời chuẩn bị âm thanh một
cách kỹ lưỡng nhất. Quan trọng hơn, chúng tôi dành rất nhiều thời gian để suy
nghĩ về việc giới thiệu các “diễn viên” của chúng tôi đến công chúng. Vị giáo
sư lịch sử của Đại học Harvard mà chúng tôi mời đến có thói quen nói dài khi
diễn thuyết chăng? Không sao, chúng tôi sẽ sắp xếp cho ông trao đổi với nhà báo
có phong cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết và hiểu biết rất sâu sắc về vấn đề mà
giáo sư đó sẽ trình bày. Người ta lo ngại về tính hàn lâm của bài báo cáo về
triết học Châu Âu chăng? Không sao, chúng tôi sẽ huấn luyện cho người trình bày
cách tận dụng các phương tiện truyền thông để bài trình bày sao cho sinh động
hơn.
Với tất cả sự chuẩn bị này, chúng tôi có
được một lượng đông đảo khán giả háo hức, những người mà sau khi đắm mình trong
sự uyên bác của các diễn giả (và đôi khi chính bản thân họ cũng đưa ra những
câu hỏi sâu sắc một cách bất ngờ), sẽ trở về một cách háo hức muốn trở lại để
nghe nữa.
Cách làm chúng tôi làm chẳng khác gì cách
vận hành của các tổ chức văn hóa khác. Ví dụ như trong việc biểu diễn opera,
một lĩnh vực mà nếu xét theo cái nhìn khắt khe của thời đại ngày nay thì chẳng
lấy gì làm thực dụng lắm. Khi người ta lên kế hoạch để mời giọng nữ cao Anna
Netrebko đến biểu diễn tại Chicago trong mùa biểu diễn 2012-13, điều đó đã gây
ra cơn sốt chờ đợi của những tín đồ opera địa phương. Nhưng đối với nhiều khách
hàng quen thuộc của nhà hát Lyric Opera, cô ấy chỉ là một nghệ sĩ không tên
không tuổi. Vì vậy, nhà hát cần phải tạo ra sự kích động về sự xuất hiện của cô
không kém gì ca sĩ opera lừng danh Mimi[5],
chưa kể là phải cung cấp cho cô ấy mọi đạo cụ sân khấu cần thiết để đảm bảo một
buổi diễn tối ưu. Kết quả là buổi diễn đã cháy vé và gần như tạo ra một hiệu
ứng cuồng loạn tập thể (tất nhiên là theo nghĩa tốt).
Vậy tại sao các ngành nhân văn lại làm
khác? Rõ ràng, trong giới hàn lâm, chúng ta cũng thừa nhận những nhân vật như
Julia Kristeva, Frans de Waal, và Maria Tatar là những ngôi sao (chúng tôi nêu
tên ba diễn giả sẽ đến trình bày cho chúng tôi trong Festival mùa Thu năm nay
về chủ đề “Động vật: Điều gì giúp phân biệt con người với các động vật khác”).
Nhưng cũng giống như một diva opera hạng trung, họ cần được tiếp thị chuyên
nghiệp và được đạo diễn cẩn thận để thu hút khán giả. Với tư cách là nhà tổ
chức biểu diễn trong lĩnh vực nhân văn thì đó chính là công việc của chúng tôi.
Sau 24 năm kinh nghiệm, giờ đây chúng tôi đã biết làm điều đó như thế nào.
Hãy bắt chước chúng tôi!
[1] Có thể
tải ở đây: http://www.humanitiescommission.org/_pdf/hss_report.pdf
[2] Bản gốc
tiếng Anh ghi là ngành English, dịch chính xác là ngành Anh văn, nhưng thực ra
đây là ngành nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn học Anh dành cho sinh viên bản ngữ, tức
tương tự như ngành Ngữ văn của Việt Nam.
[3] Cả Fish
lẫn Klinkenborg đều là tác giả của nhiều bài viết về sự xuống dốc của khối
ngành nhân văn trên tờ New York Times. Ví dụ như những bài gần đây: http://www.nytimes.com/2013/06/23/opinion/sunday/the-decline-and-fall-of-the-english-major.html; http://opinionator.blogs.nytimes.com/2013/06/24/a-case-for-the-humanities-not-made/?_r=0
[4] http://chicagohumanities.org/