Wednesday, September 11, 2013

"Nhiệt liệt chào mừng 40 năm quan hệ ngoại giao ..." nên dịch như thế nào?

Entry ngắn này tôi viết nhân đọc một bài viết trên fb của nhà báo NVP, vốn cũng là một giảng viên tiếng Anh ở trường ĐHSP. Một bài viết rất hay về việc dùng từ Welcome ở VN. Xin đọc tại đây: https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201410210090859.

Trong bài trên, anh NVP có nhận xét về cách dùng sai từ Welcome trong khẩu hiệu chào mừng 40 năm quan hệ ngoại giao VN và UK, những khẩu hiệu hiện đang treo đầy đường phố SG. Xin trích một đoạn ở đây:

Đó là câu “Welcome to the 40th anniversary of diplomatic relations between the Socialist Republic of Vietnam and the United Kingdom”, với câu tiếng Việt tương đương “Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Anh”.

Câu hỏi mà bài viết của anh NVP đặt ra cho người đọc, trong đó có tôi, là nên dịch khẩu hiệu nói trên như thế nào nhỉ? Và dưới đây là câu trả lời - well, gợi ý - của tôi.

Nhiệt liệt chào mừng thì chắc chắn là Tây không nói rồi, vì đó là kiểu nói của VN (có lẽ ảnh hưởng tiếng Hán chăng). Nhưng họ vẫn có một từ tương đương để dùng trong những dịp như thế này, đó là từ "commemorate". Dịch chính xác từ này ra tiếng Việt thì nó là "(tổ chức) kỷ niệm". Còn "40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao" thì anh Phú đã nói rồi, nhưng tôi thấy khẩu hiệu trên của TP HCM dịch không sai, vì nhiều nơi cũng dịch tắt như thế (không cần từ "thiết lập"). Ví dụ như trên trang của Chính phủ Úc có viết: "40th anniversary of diplomatic relations"

Xem tại đây: http://www.dfat.gov.au/acc/our-relations/40th-anniversary-of-diplomatic-relations.html

Khẩu hiệu nói trên vì vậy chỉ cần thay mấy từ "Welcome to" thành "Commemorating" là được. Tuy nhiên, tôi nghĩ kiểu nói "diplomatic relations between the Socialist Republic of Vietnam and the United Kingdom” vừa dài dòng không cần thiết, vừa không hay, nên được đổi lại thành "Vietnam - UK diplomatic relations".

Và như vậy, khẩu hiệu vừa nêu nên được dịch thành: "Commemorating the 40th anniversary of Vietnam-UK diplomatic relations", vì như thế là chính xác đến từng chữ (well, gần như từng chữ) mà không làm sai tiếng Anh, không rơi vào tình trạng đọc lên thấy ... kỳ kỳ!

Từ commemorate cũng được dùng trên báo chí ở nhiều nơi, ví dụ như trong những links sau:

http://www.philstar.com/letters-editor/518676/fiesta-filipinas-commemorating-40th-anniversary-rp-singapore-diplomatic

http://www.cie.mie-u.ac.jp/en/cier/new/commemoration-of-the-40th-anniversary-for-the-normalization-of-diplomatic-relations-between-japan-an.html

http://www.chihiro.jp/global/en/tokyo/exhibition/02.html?keepThis=true&TB_iframe=true&height=440&width=407

http://www.state.gov/r/remarks/2013/207366.htm

Thực ra, còn một từ khác có thể sử dụng để diễn đạt khẩu hiệu trên, đó là từ "celebrating" (nghĩa đen là "ăn mừng"); từ này cũng được nhắc đến trong bài viết của anh NVP. Nếu tra trên mạng bạn cũng sẽ tìm thấy nhiều câu có dùng từ celebrating. Tuy nhiên, theo tôi thì "celebrating" nhấn mạnh các hoạt động (triển lãm, hội thảo, văn nghệ, chiêu đãi) nhân dịp kỷ niệm, còn "commemorating" thì tổng quát hơn, chủ yếu nhắc đến dịp kỷ niệm, còn nhân dịp này người ta celebrate như thế nào thì lại là chuyện khác. Và tôi nghĩ khẩu hiệu đang treo trên đường phố có ý nghĩa tổng quát. Từ "celebrating" có lẽ hợp hơn khi nói đến một số hoạt động cụ thể nào đó.

Tuy nhiên, vẫn còn một việc đáng bàn. Tôi vẫn cảm thấy cái khẩu hiệu bắt đầu bằng "commemorating" (hoặc "celebrating") là kỳ kỳ, không đúng kiểu tiếng Anh. Thực ra, tiếng Anh là một ngôn ngữ không thích động từ, trừ phi bắt buộc. Các khẩu hiệu, bảng hiệu, hoặc tựa sách báo vv trong tiếng Anh đa số đều dùng danh từ. Commemorating/Celebrating thì cũng là một loại danh từ rồi đó, nhưng mà là "danh động từ", tức là động từ nhưng chuyển sang dạng danh từ để phù hợp với chức năng trong câu. Vì là "danh động từ" nên nó vẫn có cái nằng nặng của động từ, nghe không thanh.

Vì vậy, theo tôi chỉ cần dùng: "40th anniversary of Vietnam-UK diplomatic relations" hoặc thậm chí "... diplomatic ties" như cách dịch của anh NVP thì lại càng hay hơn nữa. Vì nghe nó nhẹ nhàng, tự nhiên, không nặng nề, rổn rảng. Không giống như tiếng Việt, cái gì cũng phải nói rõ ra, lại còn phải kêu lốp bốp nữa, thì mới ... hay!

Nói gọn trong một câu: Do khác biệt văn hóa, nên dịch cũng phải khác!

Các bạn trao đổi thêm nhé?

2 comments:

  1. “Nhiệt liệt” ( ba lần) hoan nghênh ý kiến của cô PA. Chữ “ nhiệt liệt” đúng là do ảnh hưởng của tiếng Hán, có định nghĩa trong Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh. Nhưng nói “ nhiệt liệt chào mừng” một người/ phái đoàn thì còn hiểu được, chứ “nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm” thì không hiểu là cái gì? Theo kiểu này thì có thể nói “nhiệt liệt chào mừng ngày giỗ ông nội”?
    Ngoài “ commemorate” và “celebrate”, chữ “mark” cũng thường được dùng trong các bài báo và diễn văn. Nhưng như cô PA nói, những chữ này mà cho vào khẩu hiệu để treo ngang đường hoặc trước cổng cơ quan thì có lẽ không được native speakers “nhiệt liệt” tán thưởng.
    Còn phía nhà nước VN, có lẽ họ cũng “không nhiệt liệt” tán thành cách dịch do cô PA gợi ý vì chữ “commemorate” không hàm ý “nhiệt liệt”: có thể nói “ commemorate the fall of Saigon”, ngày này cả hai bên “commemorate” nhưng chỉ một bên “nhiệt liệt”, còn bên kia thì “ngậm ngùi”.
    Tú Đoàn.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn nhận xét sắc sảo và dí dỏm (as usual) của anh Tú Đoàn nhé!

      Delete