Giá trị thực sự của một ngân hàng câu hỏi phụ thuộc trước hết và trên hết vào giá trị của các câu hỏi trong ngân hàng. Vì vậy, khả năng chọn lựa hoặc viết những câu hỏi trắc nghiệm là kỹ năng quan trọng và cần thiết nhất trong việc xây dựng một ngân hàng câu hỏi.
Tài liệu hướng dẫn viết câu trắc nghiệm của IIEP* (UNESCO, 2005) đưa ra quy trình viết (lựa chọn) câu trắc nghiệm rất phức tạp bao gồm các bước như sau:
• Xây dựng bản đặc tả (specifications) hay còn gọi là bản thiết kế (blueprint) của bài trắc nghiệm.
• Xây dựng ma trận chi tiết cấu trúc bài trắc nghiệm (nội dung và thang mức độ năng lực nhận thức)
• Xác định hình thức trình bày và các lời chỉ dẫn trong bài trắc nghiệm
• Xác định loại hình và định dạng câu hỏi trắc nghiệm phù hợp với mục tiêu cụ thể của việc kiểm tra
• Viết/ thu thập các câu trắc nghiệm theo yêu cầu đã xác định
• Phản biện/ điều chỉnh những câu trắc nghiệm đã viết/chọn bằng phương pháp chuyên gia
• Biên tập ngôn ngữ (biên tập lần 1)
• Chuẩn bị lên khuôn bài trắc nghiệm hoàn chỉnh
• Thử nghiệm câu trắc nghiệm
• Phân tích kết quả thử nghiệm
• Biên tập chính thức dựa trên kết quả thử nghiệm (biên tập lần 2)
• Đánh giá chất lượng bài trắc nghiệm sau khi sử dụng
• Huấn luyện giám khảo
Để giản tiện và dễ nhớ, có thể gộp lại quy trình đã nêu thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn thiết kế: gồm xây dựng bản đặc tả và ma trận cấu trúc bài trắc nghiệm, xác định hình thức trình bày, loại hình và định dạng câu hỏi sao cho phù hợp với mục tiêu của việc kiểm tra
- Giai đoạn thực hiện bằng phương pháp chuyên gia (tạm gọi là vòng 1): gồm viết/thu thập câu trắc nghiệm, phản biện/ điều chỉnh câu trắc nghiệm bằng phương pháp chuyên gia, và biên tập ngôn ngữ
- Giai đoạn thực hiện bằng phương pháp thực nghiệm (tức vòng 2): gồm thử nghiệm trên mẫu, phân tích kết quả và biên tập lại các câu chưa tốt theo các thông số kỹ thuật thu được từ việc thử nghiệm
- Giai đoạn sử dụng và cập nhật: các câu hỏi trắc nghiệm khi sử dụng thật sẽ tạo ra các thông số kỹ thuật chính xác hơn so với những thông số kỹ thuật từ việc thử nghiệm; những thông số này cần được lưu lại trong cơ sở “siêu dữ liệu” của ngân hàng.
Có thể thấy, việc viết/ thu thập câu trắc nghiệm để đưa vào ngân hàng câu hỏi là một công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, và là một vòng lặp liên tục không bao giờ ngưng. Ngoài ra, mặc dù việc viết câu trắc nghiệm và xây dựng ngân hàng đề thi phải theo một quy trình chặt chẽ, khoa học với những số liệu thực nghiệm và các phương pháp phân tích nặng tính kỹ thuật, nhưng về bản chất viết câu trắc nghiệm vẫn là một nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và sự cải thiện dần dần.
Những số liệu thực nghiệm và quy trình chặt chẽ của việc viết câu trắc nghiệm chỉ có tác dụng giúp ta ý thức về những nhược điểm còn tồn tại trong các câu hỏi, chứ không phải là công thức thần thánh chỉ cần áp dụng một lần là ta có thể có được những câu hỏi tuyệt hảo, có thể sử dụng mãi mãi.
---
* Item writing for tests and examinations, Graeme Withers, UNESCO IIEP 2005
Saturday, December 10, 2011
Ngân hàng câu hỏi (5): Quy trình viết/ lựa chọn câu trắc nghiệm
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment