Tác giả bài báo là Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và quan hệ doanh nghiệp kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu Chính sách GDĐH tại Học viện Công nghệ Dublin, người viết cuốn “Rankings and the Reshaping of Higher Education: The Battle for World-Class Excellence” (Xếp hạng và việc tái định hình GDĐH: Cuộc tranh giành danh hiệu đẳng cấp quốc tế) được xuất bản hồi tháng 3 năm nay.
----------------
Đã đến lúc nói không với xếp hạng
Ellen Hazelkorn
Tôi cảm thấy thất vọng trước những thông tin dồn dập về kết quả xếp hạng đại học mới nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xét trên bề mặt thì tất cả chúng ta đều có thể đang tham gia vào trò chơi lố bịch này, khi tất cả các trường và Chính phủ các nước tranh đua khốc liệt để quảng bá cho trường của họ, và – đây là một thực tế – quảng bá cho đất nước của mình như một nơi xứng đáng để đầu tư và thu hút nhân tài thế giới.
Trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tính cấp thiết của việc nâng cao trách nhiệm giải trình cũng như tính minh bạch đã tạo ra những thay đổi sâu sắc tại các trường cũng như trong toàn bộ nền GDĐH. Những thay đổi này bao gồm việc ký “hợp đồng đào tạo”1 và các thỏa ước về dịch vụ giữa nhà trường với sinh viên và với toàn xã hội nói chung. Mặc dù chính giáo dục đại học mong muốn chiếm được vị trí ưu tiên trong các vấn đề chính sách, nhưng nó đã không tiên liệu được rằng điều đó khiến nó rơi vào tình trạng bị săm soi như hiện nay. Thế nhưng, ảnh hưởng và quyền lực ngày càng gia tăng của các bảng xếp hạng toàn cầu đối với GDĐH đã bị đẩy lên đến quá mức và không còn chút liên hệ gì với yêu cầu về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Quả thật, mặc dù đã có rất nhiều thay đổi về phương pháp, các bảng xếp hạng hoàn toàn không thể đánh giá được chất lượng – trừ phi chúng ta định nghĩa chất lượng là giàu có và danh tiếng. Một trường đại học được xem là đẳng cấp quốc tế là một trường ước tính có ngân sách hằng năm vào khoảng 2 tỷ USD, và Chính phủ các nước ở khắp nơi trên thế giới đang rất bận rộn để đáp ứng cái “trật tự thế giới mới” đó. Điều này giải thích tại sao lại có những thay đổi đáng kể trong các vị trí xếp hạng, đồng thời cũng như lý giải được cấu trúc tổng quát của nhóm các trường Top 100 hay Top 400.
Bên cạnh đó, việc công bố các bảng xếp hạng hằng năm chỉ có thể giải thích bằng những lợi ích kinh doanh mà các tổ chức xếp hạng đạt được thông qua sự nhân rộng số lượng phát hành đến những đối tượng khác ngoài những khách hàng truyền thống của họ. Tương tự như vậy, đề án Global Institutional Profiles (tạm dịch: Hồ sơ toàn cầu về các trường đại học) của Thomson Reuters thật ra là một phương pháp tinh vi nhằm mở rộng thị phần của họ trên thị trường thông tin tri thức đang phát triển nhanh chóng và đầy hấp dẫn. Đề án này bao gồm việc các trường cung cấp dữ liệu của mình một cách tự nguyện và miễn phí và chính các dữ liệu này sau đó lại được biến thành nhiều sản phẩm có thu phí khác nhau.
Chính phủ nhiều nước đã sử dụng các bảng xếp hạng như một động lực để tái cấu trúc một cách vững chắc toàn bộ nền GDĐH của họ, với niềm tin rằng một trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế sẽ là thần dược đảm bảo cho sự thành công của nước đó trong nền kinh tế thế giới. Sự quyết tâm của Chính phủ Pháp trong việc thành lập nhóm các trường đại học hàng đầu của mình tương tự như “Ivy League” ở Mỹ là ví dụ mới nhất minh họa cho các chính sách chỉ chú trọng tưởng thưởng thành tích của những trường “đại học đầu tàu” (flagship university) chứ không quan tâm cải thiện năng lực và chất lượng của toàn hệ thống.
Bên cạnh đó nhiều nước hiện đang sử dụng các bảng xếp hạng để đánh giá và phân biệt nền giáo dục của họ so với các nước khác – thường là được sự giúp đỡ của những tổ chức xếp hạng.
Tức giận trước việc các bảng xếp hạng toàn cầu phớt lờ sự đa dạng của các trường đại học, hạ thấp tầm quan trọng của giảng dạy và xem nhẹ khả năng nghiên cứu của khu vực châu Âu, EU đã quyết định tài trợ việc phát triển đề án U-Multirank, trong đó nhấn mạnh việc phục vụ người sử dụng làm trung tâm, có tính chất đa chiều, đa cấp độ, và có khả năng so sánh được trong các nhóm đồng cấp (tức các trường có đặc điểm tương tự nhau). U-Multirank tự gọi mình là một bảng xếp hạng, nhưng mục tiêu của nó là tạo ra các nhóm so sánh chứ không tạo ra một bảng xếp hạng duy nhất.
Tuy nhiên, cũng giống như bất kỳ sáng kiến nào khác, luôn tồn tại những rắc rối của sự phát triển, cụ thể là: (1) Mặc dù U-Multirank đã vượt qua được những bảng xếp hạng hiện có, nhưng việc lựa chọn các chỉ số để đánh giá vẫn còn nhiều nhược điểm; ngoài ra, sự thiếu hụt những dữ liệu có ý nghĩa để so sánh toàn cầu cho thấy U-Multirank cũng gặp phải những khó khăn tương tự như những bảng xếp hạng khác; (2) U-Multirank đã cố gắng khắc phục vấn đề đánh giá hiệu quả dạy và học thông qua việc sử dụng dữ liệu từ đề án Đánh giá kết quả đầu ra trong GDĐH của OECD (đề án AHELO) – đề án này nhằm mục đích đánh giá “những gì mà sinh viên tốt nghiệp biết và sử dụng được sau khi ra trường”, tuy nhiên nó vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khai; và (3) Giai đoạn nghiên cứu khả thi của U-Multirank đã không thu hút được nhiều công nhận rộng rãi quốc tế, và cho đến nay, nó vẫn chủ yếu được biết đến là một công cụ của khối các nước châu Âu.
Những thách thức trên cho thấy rằng trong ngắn hạn hoặc trung hạn, U-Multirank khó lòng vô hiệu hóa tầm ảnh hưởng của các bảng xếp hạng toàn cầu hiện có.
Vì vậy, đã đến lúc các tổ chức quốc tế phải lên tiếng – vì tôi tin rằng các trường hay quốc gia không thể hành động đơn phương trong vấn đề này. Phải thừa nhận rằng trong việc xếp hạng, chính phủ các nước đã có lỗi khi không thực hiện các kiểm soát nghiêm nhặt như đối với các đầu tư quan trọng khác. Tuy nhiên, việc thay đổi các chính sách quốc gia chỉ nhằm mục đích đáp ứng các chỉ số chủ quan do người khác tạo với mục đích thương mại và nhiều mục đích tư nhân khác thì chẳng khác nào các nước đã tự nguyện chối bỏ chủ quyền quốc gia vậy.
Thực thế, đã đến lúc:
Các tổ chức quốc tế như UNESCO, OECD, World Bank và EU cần cùng nhau nói không với việc xếp hạng và sử dụng kết quả xếp hạng làm cơ sở hoạch định chính sách, từ đó đưa ra những cảnh báo phù hợp đến các bên có liên quan. Tương tự như việc chính phủ đưa ra những cảnh báo về sức khỏe (ví dụ: đối với thuốc lá), các tổ chức quốc tế cần đồng loạt tiến hành một chiến dịch xã hội để chỉ ra cho Chính phủ các nước thấy những tác hại của việc sử dụng các bảng xếp hạng vào các mục đích đã nêu.
EU cũng cần đưa ra một tuyên bố tương tự và tái cấu trúc bảng xếp hạng U-Multirank thành một công cụ đối sánh. Qua đó, U-Multirank sẽ hợp thức hóa mục đích của mình và trở thành một công cụ “giúp sinh viên đưa ra những lựa chọn có hiểu biết” và “giúp giới hoạch định chính sách đưa ra những chiến lược đúng đắn”. Đây sẽ là một nước cờ khôn ngoan, cho phép EU lấy lại được lợi thế chính trị của mình.
Các bảng xếp hạng đã giúp đưa GDĐH trở thành một chủ đề chính sách quan trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng làm cơ sở để ra quyết định ở cấp trường hay cấp quốc gia sẽ vô tình dẫn đến những hậu quả sai lầm, và sẽ gây ra nhiều hệ quả đối với xã hội trong một thời gian dài. Vì vậy đã đến lúc phải nói không với bảng xếp hạng.
Kim Khôi dịch
http://chronicle.com/blogs/ worldwise/its-time-to-move-beyond-rankings-2/28830
----------------
1 Academic contracts và service-level agreements là những yêu cầu trong cải cách giáo dục ở châu Âu theo Tiến trình Bologna.
Tuesday, December 13, 2011
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment