Chào các bạn,
Lâu lắm rồi tôi không viết về tiếng Anh trên blog này (mà cũng chẳng viết gì ở đâu nữa, vì bận quá, và ... vì già rồi, không muốn nhiều chuyện nữa, chỉ muốn nghỉ ngơi cho yên tĩnh và làm được gì thì làm thôi).
Nhưng hôm nay thấy trên mạng có bài viết chê tiếng Anh trên bằng lái xe của Bộ GTVT. Ai muốn đọc nguyên văn bài viết ấy thì có thể vào trang này:
http://danviet.vn/tin-tuc/xau-ho-vi-bang-lai-xe-song-ngu-cua-bo-gtvt-23216.html
E rằng bài viết sẽ bị rút xuống (sau khi dư luận có ý kiến này khác) nên tôi chụp lại ở đây để làm bằng chứng. Tôi không quan tâm đến các góp ý khác, mà chỉ quan tâm đến phê bình liên quan đến driver's license mà thôi.
Nguyên văn lời phê bình như sau:
[...] ông Thịnh cho rằng việc dịch "Giấy phép lái xe" thành Driver's License là không chuẩn xác, mà phải dùng cụm từ Driving Licence. Mẫu này Bộ GTVT từng sử dụng phụ lục 30 tại Thông tư 07.2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT.
Hình chụp đây:
Cũng trong bài viết ấy, đại diện Bộ GTVT đã trả lời như sau: Chúng tôi áp dụng dịch theo tiếng Anh-Mỹ. Xin xem hình:
Vậy ai nói đúng nhỉ? Dạ thưa các bạn, ai nói cũng đúng hết ạ!
Và không chỉ có driver's license hoặc driving licence, mà còn có driver license (không có 's), drivers license (không có '), và driver's licence (-ce ở cuối từ giấy phép thay vì -se) nữa, các bạn ạ.
Gì mà rắc rối vậy? À, nó là như thế này: Trong tiếng Anh (Anh-Anh hay Anh-Mỹ, -Úc, -Canada gì cũng vậy) thì drive là động từ, driver là danh từ, drivers là danh từ số nhiều, driver's là sở hữu cách của danh từ số ít, và drivers' là sở hữu cách của danh từ số nhiều.
Còn giấy phép thì Anh và các nước theo Anh viết là licence (-ce ở cuối), còn Mỹ, từ khi có cải cách chữ viết của Webster thì viết thành license (-se) ở cuối.
Và theo quy luật ngữ pháp của tiếng Anh (Anh-Anh hay Anh-Mỹ, -Úc, -Canada gì cũng vậy) thì khi có một từ bổ nghĩa cho danh từ (ở đây là từ license - well, licence) ta có thể dùng, ngoài tính từ là từ đương nhiên có thể bổ nghĩa cho danh từ, những tự loại sau: (1) participle của động từ - chẳng hạn như sleeping beauty hoặc concerned citizens; một danh từ khác (nguyên mẫu) để bổ nghĩa -- như beauty queen; một danh từ số ít ở dạng sở hữu cách như Father's Day; một danh từ số nhiều có hoặc không có dấu sở hữu cách như Teachers' Day hoặc Teachers Day.
Rồi, như thế là trong tiếng Anh có rất nhiều lựa chọn để tạo ra một danh từ kép là "giấy phép lái xe" (gồm hai từ: giấy phép và lái xe). Mà tiếng Anh thì không chỉ được nói ở Anh, mà còn trên nhiều nước khác cũng được xem là bản ngữ. Như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand, và đôi khi cả Nam Phi cũng được xem là bản ngữ nữa.
Vậy thì sao? À, thì mỗi nước dùng một cách chứ sao. Mà ngay cả trong một nước Mỹ thì các bang cũng dùng khác nhau nữa. Có bang dùng driver's license, có bang lại dùng driver license (không có sở hữu cách). Và ngoài Mỹ viết chính tả theo kiểu riêng có từ thời Webster là licence, thì nhiều nước khác đa số dùng chính tả theo kiểu Anh: licence.
Nên chúng ta có vô thiên lủng các kiểu dịch giấy phép lái xe. Riêng Bộ GTVT của VN thì dùng theo kiểu (một số bang của) Mỹ. Ừ thì họ chọn như thế, ai mà biết tại sao. Nhưng chắc chắn là không có gì sai, các bạn nhé.
Đây, tặng các bạn một lô các hình ảnh để minh họa. Các bạn tự đọc rồi rút ra kết luận.
Ôi chao, tiếng Anh phức tạp quá, có phải không? Thì từ rất lâu, hồi còn đi học lận á, tôi đã tự rút ra kết luận cho mình như sau: Tiếng Anh là một thứ tiếng rất ... lừa đảo, mới học thì tưởng dễ, mà càng học thì càng quá khó, hic hic hic....
Khổ nỗi, nó đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu rồi, nên cứ phải học thôi. Hay là ta chuyển sang học tiếng ... Tàu nhỉ?