Sunday, January 31, 2016

Xử lý đa nhiệm (multitasking) làm thay đổi cách học như thế nào? (Mindshift 3/5/2013)

Nguồn: http://ww2.kqed.org/mindshift/2013/05/03/how-does-multitasking-change-the-way-kids-learn/

Phương Anh dịch
-----------
Đưa các công cụ kỹ thuật mà người học đã quen thuộc và yêu thích vào trong giảng dạy và học tập là một điều mà các nhà giáo dục đều mong muốn, nhưng điều này sẽ làm giảm sức tập trung của người học vào những công việc mà họ đang cần phải hoàn tất.

Phòng khách, phòng riêng để làm việc, nhà bếp, và cả phòng ngủ nữa - các nhà nghiên cứu thực hiện việc theo dõi từng người học trong không gian học tập tại nhà. Tay cầm cây viết, trước mặt là một phiếu quan sát, các nghiên cứu viên chăm chú quan sát người học thuộc nhiều cấp học, bậc học khác nhau - trung học cơ sở, trung học phổ thông, và đại học, tổng cộng 263 người - khi những người này vừa mở sách học lại vừa có chiếc máy tính được bật sẵn kề bên.

Trong vòng một phần tư giờ đồng hồ, những nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của Larry Rosen, một giáo sư tâm lý học từ trường Đại học California State University - Dominguez Hills cứ mỗi phút lại ghi xuống những gì mà người học đang thực hiện trong quá trình học tập. Để làm việc này, họ sử dụng một bảng kiểm tra (checkist) trong đó có nêu các mục như: đọc sách, ghi chép trên giấy, gõ phím trên máy vi tính, rồi cả những việc như nhìn vào Facebook, tham gia một cuộc trao đổi, trả lời tin nhắn, đọc tin nhắn, nói chuyện điện thoại, xem tivi, nghe nhạc, lướt web.... Ngồi ẩn mình ở phía sau một căn phòng, người quan sát có thể đếm số cửa sổ được tạo ra trên màn hình của người học,và ghi nhận xem học viên có đang đeo tai nghe hay không.

Mặc dù đã được thông báo trước ngay từ đầu rằng họ cần tập trung làm những điều quan trọng như làm bài tập, chuẩn bị cho kỳ thi hoặc thực hiện một đồ án, đọc sách cho một môn học, nhưng chẳng bao lâu sau khi bắt đầu thì sự tập trung của người học bị phân tán ngay lập tức. Việc tập trung vào công việc cần làm giảm đi chỉ sau 2 phút vì họ bắt đầu trả lời những thư điện tử mới được gửi đến hoặc đọc thông báo về những hoạt động mới trên facebook. Sau khi kết thúc 15 phút quan sát thì họ đã chỉ sử dụng khoảng 65 phần trăm tổng thời gian để thực hiện công việc mà họ cần làm trong quá trình học tập.

Chúng tôi thật sự rất ngạc nhiên về thói quen xử lý đa nhiệm thường xuyên của họ, dù họ biết  rõ rằng đang có người quan sát họ, GS Rosen cho biết. Rõ ràng là dường như họ không thể tập trung liên tục trong 15 phút mà không đụng đến chiếc máy tính hoặc các thiết bị di động, và điều này thực sự rất đáng lo lắng.

Tất nhiên sự lo ngại về việc giới trẻ mất quá nhiều thời gian sử dụng công nghệ quá nhiều không phải là một điều gì mới. Nhưng nghiên cứu của giáo sư Rosen,  được công bố vào tháng 5/2013 trên tạp chí Computers in Human Behavior (Máy tính trong hành vi của con người) đã góp phần vào những kết quả nghiên cứu gần đây tập trung vào một chủ đề chuyên biệt trong việc sử dụng công nghệ - chủ đề xử lý đa nhiệm khi đang học. Việc quan tâm cùng một lúc đến nhiều dòng thông tin và giải trí trong khi học, làm bài tập về nhà, hoặc khi đang ngồi nghe giảng ở trong lớp đã trở nên một hành vi rất phổ biến của người trẻ ngày nay - phổ biến đến nỗi nhiều người hầu như không còn biết có cách nào khác để viết  luận hay làm toán  nữa.

Tuy nhiên các chứng cứ khoa học từ các ngành tâm lý, khoa học về nhận thức, và khoa học thần kinh cho thấy  khi người học áp dụng cách xử lý đa nhiệm trong khi làm bài vở thì việc học của họ trở nên kém hoàn chỉnh và và hời hợt hơn rất nhiều so với khi họ tập trung đầy đủ cho công việc. Họ hiểu ít hơn, nhớ kém hơn, và rất khó khăn trong việc áp dụng những gì đã học trong bối cảnh mới. Cách học này quá nguy hại đến nỗi phải  nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra đề xuất rằng tiền đề cho sự thành công trong việc học và trong các hoạt động chuyên môn -  nói cách khác, bài kiểm tra Marshmallow mới về tính kỷ luật - chính là khả năng cưỡng lại một hộp thư điện tử được nhấp nháy báo tin vừa nhận thư mới, hoặc tiếng chuông điện thoại đang rung bần bật liên hồi. 

(còn tiếp)