Sunday, May 17, 2015

AEC 2015 và giáo dục sau trung học của VN (1): MRAs là gì?

AEC là từ viết tắt của ASEAN Economic Community, tiếng Việt là Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đây là một thỏa thuận chung của 10 nước ASEAN được ký vào năm 2007 nhằm tạo ra sự lưu chuyển tự do về vốn, hàng hóa, dịch vụ và lao động có trình độ trong 10 nước ASEAN, tạo điều kiện phát triển một khu vực kinh tế chung với hơn 600 triệu dân. Sau gần 1 thập niên chuẩn bị, chẳng bao lâu nữa AEC sẽ trở thành hiện thực đối với ASEAN-6 (6 nước phát triển hơn trong khối ASEAN), còn với VN và các nước ASEAN-4 khác thì sẽ chậm lại thêm 2 năm để có thêm thời gian chuẩn bị.

Trích:
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015 nhằm mục đích tạo dựng một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Như vậy, AEC sẽ biến ASEAN thành một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất với 5 yếu tố cơ bản, gồm: chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề, chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư.

Theo đó, hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ từng bước bị xóa bỏ. Các nhà đầu tư ASEAN sẽ được tự do đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong khu vực. Các chuyên gia và lao động có tay nghề sẽ được luân chuyển tự do trong khu vực. Những thủ tục hải quan và thương mại khi đã được tiêu chuẩn hóa hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch.

Một nguồn khác:
3. Các nội dung chính của Cộng đồng Kinh tế ASEAN:

Bốn đặc điểm đồng thời là yếu tố cấu thành của AEC:
- Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hoá; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề.
- Một Khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử.
 - Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.
 - Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO).

i) Một thị trường đơn nhất  và một cơ sở sản xuất thống nhất


Các biện pháp chính mà ASEAN sẽ thực hiện để xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất bao gồm: dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa hóa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng hơn các thủ tục hải quan và xuất nhập khẩu,  hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn ASEAN và tự do lưu chuyển hơn của dòng vốn, thuận lợi hóa di chuyển lao động có tay nghề (di chuyển thể nhân) v.v., song song với việc củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông, cũng như phát triển các kỹ năng thích hợp.

Các biện pháp thực hiện AEC đã và đang được các nước thành viên ASEAN triển khai cụ thể thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng như Hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), Hiệp định khung về Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) và Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khung về Hợp tác Công nghiệp ASEAN (AICO), Lộ trình Hội nhập Tài chính và Tiền tệ ASEAN, v.v. …

- Tự do hoá thương mại hàng hoá: Cho đến nay, ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0-5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu và vào 2015 với 4 nước thành viên mới, hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa. Để hỗ trợ tự do hoá thương mại, ASEAN đang nỗ lực đưa vào hoạt động Cơ chế hải quan 1 cửa ASEAN (ASEAN Single Window-ASW) và các quy định về áp dụng chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá có nguồn gốc từ ASEAN để đủ điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế quan, trong đó ASEAN đang nghiên cứu tiến tới việc cho phép các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ, cùng với việc hài hoà hoá các quy định về hợp chuẩn hàng hoá v.v.

- Về tự do hoá dịch vụ, ASEAN đã hoàn tất Gói 9 cam kết dịch vụ theo Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) trong năm 2013, tạo thuận lợi cho việc luân chuyển dịch vụ trong khu vực. Tới nay, các cam kết về tự do hoá dịch vụ trong ASEAN đã bao trùm nhiều lĩnh vực như dịch vụ kinh doanh, dịch vụ chuyên nghiệp, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, vận tải biển, viễn thông và du lịch. Có 4 gói cam kết về dịch vụ tài chính và 6 gói cam kết về vận tải hàng không đã được ký kết. Các thoả thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước thành viên ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp v.v. là một công cụ quan trọng giúp tự do hoá lưu chuyển các dịch vụ chuyên nghiệp trong ASEAN. Tới nay, các nước ASEAN đã ký các thoả thuận công nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn, kỹ năng các ngành dịch vụ cơ khí, y tá, kiến trúc, kế toán và du lịch.

- Về tự do hoá đầu tư, trong khuôn khổ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), ASEAN hướng tới hình thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn ở khu vực, với cơ chế đầu tư thông thoáng và mở, bao gồm tự do hoá đầu tư trên các lĩnh vực chính như sản xuất-chế tạo, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ phụ trợ cho các ngành này. Danh mục các lĩnh vực mở cửa cho đầu tư còn được tiếp tục bổ sung trong thời gian tới. Các nỗ lực tự do hoá đầu tư của ASEAN không chỉ giúp tạo dựng và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với khu vực ASEAN, mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư nội khối cũng như đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong khu vực.

ii) Nhằm xây dựng một khu vực cạnh tranh về kinh tế, ASEAN thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng như hệ thống đường bộ, đường sắt, cảng biển, năng lượng, phát triển thương mại điện tử v.v.

iii) Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đồng đều, ASEAN đã thông qua và đang triển khai Khuôn khổ ASEAN về Phát triển Kinh tế Đồng đều (AFEED), trong đó đáng chú ý là các biện pháp hỗ trợ các nước thành viên mới, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

iv) Để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN nỗ lực đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai các thoả thuận liên kết kinh tế ở khu vực Đông Á, với 6 Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do (FTAs) đã được ký với các Đối tác quan trọng là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôx-trây-lia và Niu Di-lân, và đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) hướng đến hình thành một không gian kinh tế mở toàn Đông Á vào năm 2015, với GDP chiếm 1/3 tổng GDP toàn cầu và quy mô thị trường chiếm ½ dân số thế giới.

(Nguồn: http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr130930205728/nr130930210355/ns131113230924)

Giáo dục đại học - hoặc đúng hơn là giáo dục sau trung học - được xem là có vai trò rất quan trọng đối với mỗi quốc gia để có thể hưởng lợi từ những cơ hội mà AEC mang lại. Nhưng tất nhiên, để nắm được các cơ hội này thì mỗi quốc gia cũng phải phấn đấu để đạt được những yêu cầu mà AEC đặt ra. Và hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đang tự rà soát lại hệ thống của mình, bổ sung những gì còn thiếu theo yêu cầu của AEC, và cố gắng tạo ra những lợi thế cạnh tranh để không bỏ mất cơ hội.

Nhưng AEC đòi hỏi những gì đối với giáo dục? Một câu hỏi có lẽ được xem là ngớ ngẩn đối với đa số các trường đại học của ASEAN-6, nhưng thực ra là rất cần thiết đối với VN, vì xem ra chẳng có mấy ai hiểu. Well, ngay cả tôi cũng còn cần phải đi tìm, bởi ở VN hầu như không thấy mấy ai có ý thức hoặc hiểu biết về AEC. Trong khi đó, mọi việc đã được đề cập đến một cách chính thức từ đã lâu, như có thể thấy rõ trong tài liệu chính thức sau đây:

http://www.mqa.gov.my/aqan/events/2013/AQAN%20SeminarRoundtableMeeting/Proceedings/Proceedings%20in%20Vietnamese.pdf (Hội thảo của AQAN vào tháng 10/2013 tại ĐH Tôn Đức Thắng)

Có lẽ, điều mà tất cả mọi người cần thực hiện ngay lúc này là tìm hiểu về MRAs (mutual recognition agreements, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau) của 8 ngành nghề mà các nước ASEAN đã đồng ý ký để chuẩn bị cho AEC. Vì nếu bây giờ mà còn chưa biết điều này, thì sinh viên của VN tốt nghiệp sau này sẽ không hy vọng tìm được việc làm trong thị trường chung hơn 600 triệu dân này nữa. Bởi, bằng cấp của chúng ta không giống ai cả!

Vậy MRA là gì? Xin đọc định nghĩa dưới đây:

1.4 T
(Sẽ viết thêm khi có thời gian; giờ thì phải đi ngủ đã, mai viết tiếp.)

------------
Những trang web có liên quan:

1. http://www.hoinhap.org.vn/chuyen-de/hiep-dinh-da-ky-ket/cong-dong-kinh-te-asean.html (Kiến trúc)
2. http://thuvienphapluat.vn/archive/Quyet-dinh-554-QD-BXD-Quy-che-danh-gia-Kien-truc-su-ASEAN-vb125420.aspx (Kiến trúc)
3. http://www.xaydung.gov.vn/web/guest/home/-/legal/2pBh/vi_VN/18/2999 (Kiến trúc)
4. http://esrt.vn/default.aspx?portalid=1&tabid=571 (Du lịch)
5. http://esrt.vn/data/filedownload/file/FileDownload29.pdf  (Du lịch)
6. http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr070521165956/nr131112162227/ns131113182332 (Tổng quát về ASEAN)
7. http://asean.mofa.gov.vn/vi/nr130930205728/nr130930210355/ns131113230924 (Tổng quát về AEC)

No comments:

Post a Comment