Tuesday, July 23, 2013

Về nhóm Mở miệng và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism)

Trước nay tôi không quan tâm đến chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), dù biết nó là một trào lưu tư tưởng quan trọng mà tất cả mọi người đều cần phải được biết qua, do tác động của nó đến lý thuyết của hầu hết các ngành XH-NV. Sở dĩ không quan tâm là vì khoảng một thập niên trở lại đây lãnh vực hoạt động của tôi thiên về các hành vi đo đạc được, và những lý luận hay quan điểm triết lý vv chỉ còn ảnh hưởng vô cùng gián tiếp, vì tôi cần trả lời những câu hỏi what và how hơn là why, vốn là lãnh vực hoạt động chủ yếu của các ngành nhân văn như văn, triết, sử vv, và là lý do tồn tại của tất cả các chủ thuyết - tức những cái -isms trong tiếng Anh ấy.

Nhưng vừa qua  vụ om xòm về LV của ĐTT buộc tôi phải quan tâm trở lại đến hậu hiện đại - cụ thể là thơ hậu hiện đại và sự tồn tại của nó tại VN. Vì đây vừa là cơ sở lý luận cần thiết để hiểu lập luận của ĐTT trong luận văn, đồng thời cũng là tên gọi duy nhất đúng của một hiện tượng thơ đã xuất hiện ở VN trong vòng một thập niên trở lại đây, tạm gọi là thơ "ngoài luồng" vì nó không được (và cũng không nhắm đến việc sẽ được) dòng văn học chính thống tại VN chấp nhận. Một gương mặt tiêu biểu của hiện tượng này là nhóm Mở miệng, cũng là nhóm thơ "ngoài luồng" được ĐTT chọn ra để phân tích và lý giải trong luận văn của mình.

Để có thể phán đoán được  giá trị của lập luận của những người đang phê phán ĐTT (và qua đó là nhóm Mở miệng cùng các tác phẩm tạm gọi là thơ của họ), tôi đã bỏ ra 2 ngày trời để đọc những tiểu luận được ĐTT công bố trên damau.org dưới bút hiệu Nhã Thuyên. Không những thế, tôi cũng đọc thêm một số tác phẩm khác của nhóm Mở miệng và các nhà thơ hậu hiện đại VN được đăng trên tienve.org.

Đọc xong thì tôi thấy muốn viết ra một số cảm nhận, có thể là hơi lan man, về thơ của nhóm Mở miệng (qua đó đôi chỗ có thể sẽ nhắc đến luận văn của ĐTT), và viết thêm ít dòng về hậu hiện đại để mọi người có thêm thông tin và rộng đường suy xét.

1. Qua những gì tôi đọc được về văn chương hậu hiện đại (cả phần lý luận lẫn các tác phẩm của dòng văn học này) thì tôi có thể khẳng định nó không phải là gu thẩm mỹ của tôi, vốn đã được định hình với những kiểu mẫu cổ điển. Nếu hỏi tôi thích dòng văn chương nào, có lẽ tôi sẽ trả lời: văn học lãng mạn! Các nhà thơ tiêu biểu mà tôi thích là Longfellow của Mỹ hoặc Keats của Anh. Ở VN sẽ là các nhà thơ đầu thế kỷ 20 như Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh của thời tiền chiến.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi có quyền kỳ thị và chống lại các trào lưu văn học khác vốn không giống với gu thẩm mỹ của tôi. Tôi nghĩ, mỗi dòng văn học đều có những đại diện xuất sắc, và chỉ có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở, chứ không có trào lưu văn học hay và trào lưu văn học dở. Còn thích dòng văn học nào thì lại tùy thuộc vào thị hiếu thẩm mỹ và hoàn cảnh cụ thể của từng người. Mỗi trào lưu văn học đều có những lý do để ra đời, phát triển, và suy tàn rồi bị thay thế bằng những trào lưu khác. Đó là quy luật của cuộc sống - trong tất cả mọi lãnh vực, không chỉ văn học, mà còn là, hoặc đúng hơn là "nhất là", chính trị và khoa học.

2. Nhóm Mở miệng không phải là nhóm thơ mà tôi thích; lý do thì rõ ràng: quan điểm sáng tác của họ không trùng với quan điểm thẩm mỹ của tôi. Tuy nhiên, cũng vậy, tôi vẫn quan tâm đến họ như một phần của cuộc sống văn học tại VN hiện nay, và đánh giá cao nỗ lực tự thể hiện mình với tất cả những cái hay, cái dở của họ. Sự tồn tại của họ - đặc biệt là trong điều kiện không mấy thuận lợi ở VN, do quan điểm "chính thống" thống trị trên mọi mặt của cuộc sống không cho phép sự phát triển đầy đủ của những gì phi chính thống - đã góp phần làm tăng thêm sức sống và sự đa dạng cho văn học Việt đương đại, thoát khỏi sự nhàm chán, predictability của văn thơ chính thống hiện nay.

Viết đến đây tôi chợt liên tưởng đến mấy câu thơ  trong một bài thơ của Hồ Chủ tịch: "Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/Mây gió trăng hoa tuyết núi sông"; một loại công thức nhàm chán của thơ ca thời đó. Chính vì vậy mà câu thơ liền sau đó thật xuất sắc: "Nay ở trong thơ nên có thép" - cái hay của câu thơ ấy là sự bất ngờ đầy sáng tạo và đầy sức sống. Giờ đây, ta cũng có thể bắt chước theo đó mà đặt ra hai câu thơ tương tự để tả tình trạng thơ cách mạng: "Thơ nay ca ngợi quê hương đẹp/Yêu nước thương dân kính Bác ta", tức là làm thơ theo lối mòn, theo công thức có sẵn, không hề có một chút sáng tạo .... Và cái đóng góp của nhóm Mở miệng chính là ở chỗ đã cố gắng thoát ra khỏi lối mòn và sự khuôn sáo đó, một cách thực hiện phương châm: "Nay các nhà thơ nên Mở miệng"....

Tuy nhiên, do đặc điểm ngoài luồng, tức là phải tồn tại bên ngoài hệ thống - kể cả hệ thống in ấn, xuất bản, rồi khả năng tiếp cận với đa số độc giả - nên các tác phẩm của nhóm Mở miệng nói riêng và của văn học hậu hiện đại nói chung ít được biết đến, chứ đừng nói là được quan tâm nghiên cứu để hiểu và để chỉ ra những đóng góp hoặc những "phá hoại" - nếu có - của nó đối với nền văn học nước nhà (như ai đó đã lớn tiếng phê bình).

Nếu xét theo quan điểm thuần khoa học - tức tìm cách giải thích mọi hiện tượng trong đời sống xã hội hoặc tự nhiên - thì LV của ĐTT đã có một đóng góp quan trọng: Tác giả đã chỉ ra được sự tồn tại của dòng thơ hậu hiện đại tại VN hiện nay, nêu ra được các đặc điểm cơ bản của nó, lý giải được nguyên nhân tồn tại của nó, và cuối cùng là đánh giá nó. Riêng phần đánh giá này thì có thể sẽ có những phán đoán khác nhau, tùy theo quan điểm và chỗ đứng của người đánh giá - ở đây, nếu muốn phê phán tác giả LV thì những người phê bình cần đưa ra những tiêu chí đánh giá cho một tác phẩm hậu hiện đại, rồi sau đó mới có thể kết luận là ĐTT đúng hay sai. Chứ không thể không có tiêu chí, hoặc lấy các tiêu chí đánh giá tác phẩm của dòng văn học này để áp vào đánh giá một tác phẩm thuộc dòng văn học khác được.

Cuối cùng, hậu hiện đại là gì thế? Xin đọc phần giải thích ngắn gọn sau, lấy từ bài giảng tóm tắt về các trào lưu văn học, ở đây: http://www.marilenabeltramini.it/schoolwork1011/UserFiles/Admin_teacher/modernism_postmodernism..

Chỉ vài trang, các bạn có thể tự đọc. Tôi xin dịch hầu các bạn đoạn có liên quan đến hậu hiện đại ở phần cuối của tài liệu. Những phần trong ngoặc đơn là phần nhận xét của tôi. Những phần trong ngoặc vuông ở đoạn dịch là lời tôi thêm vào để cho dễ đọc, vì nếu thiếu chúng thì bản dịch sẽ trở nên ngô nghê hoặc vô nghĩa. Lẽ ra thì tôi chép cả phần tiếng Anh vào cho mọi người theo dõi cho dễ, nhưng mới đọc ở trên trang Bà Đầm Xòe có đăng lại bài viết hôm trước của tôi, trong đó có người viết nhận xét mà mắng rằng tôi bày đặt tiếng nọ tiếng kia như là khoe mẽ, nên thôi!

(Mà trời ơi, thì hậu hiện đại nó xuất phát từ phương Tây, vậy để hiểu nó thì phải đọc tiếng Tây chứ khoe mẽ cái gì đây không biết nữa??????)

Từ hiện đại đến hậu hiện đại

"Hậu hiện đại" là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ văn học đương đại của nửa cuối thế kỷ 20. Nó khác với chủ nghĩa hiện đại ở một số khía cạnh quan trọng.

Đặc điểm của hậu hiện đại trong văn học:

1. Trong khi trào lưu hiện đại đặt niềm tin vào các tư tưởng, các giá trị, đức tin, văn hóa, và các chuẩn mực của văn minh phương Tây, trào lưu hậu hiện đại từ chối các giá trị phương Tây, xem chúng chỉ như chỉ một phần nhỏ của kinh nghiệm con người và thường từ chối các tư tưởng, các giá trị, đức tin, văn hóa, và các chuẩn mực như vậy. 

(Đây chính là sự "giải thiêng" được bị phê phán dữ dội trong các bài viết của những nhà phê bình "chính thống", những người đang kêu gọi đưa luận văn của Nhã Thuyên và qua đó là lên án nhóm Mở miệng cùng trào lưu văn học mà họ đại diện lên đoạn đầu đài.)

2. Trong khi trào lưu hiện đại nỗ lực để tìm hiểu những chân lý sâu xa về kinh nghiệm và đời sống, thì chủ nghĩa hậu hiện đại lại nghi ngờ chính những điều được xem là "sâu xa" này, vì [họ cho rằng] những tư tưởng như vậy chỉ dựa trên một hệ thống giá trị phương Tây riêng biệt nào đó [mà loại trừ những cách hiểu và cách nghĩ khác].

3. Trong khi chủ nghĩa hiện đại cố gắng kiếm tìm ý nghĩa sâu xa từ nội hàm bên dưới lớp vỏ bề mặt của các đối tượng và các sự kiện, thì chủ nghĩa hậu hiện đại thích dừng lại ở hình ảnh bên ngoài và tránh đưa ra những kết luận hoặc gợi ý về các ý nghĩa cơ bản bên trong của chúng.

4. Trong khi CN hiện đại tập trung vào các chủ đề trung tâm và tuân theo một quan điểm thống nhất trong một tác phẩm văn học cụ thể, thì chủ nghĩa hậu hiện đại quan niệm rằng kinh nghiệm của con người là không ổn định, tự mâu thuẫn, không rõ ràng, bất phân thắng bại, không xác định, dở dang, bị phân mảnh, không liên tục, "xù xì thô ráp", và không có một thực tại nào cụ thể. Do đó, hậu hiện đại tập trung vào hình ảnh của một thế giới tự mâu thuẫn, bị phân mảnh, không rõ ràng, không xác định, chưa hoàn tất, và còn thô tháp.

5. Trong khi các tác giả hiện đại hướng dẫn và kiểm soát phản ứng của người đọc đối với tác phẩm của họ, thì các nhà văn hậu hiện đại tạo ra một tác phẩm "mở", trong đó người đọc phải cung cấp những kết nối riêng của mình, tạo ra các hệ ý nghĩa thay thế, và cung cấp những diễn giải của riêng mình mà không cần ai hướng dẫn.

(Như vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại đã ra đời và tồn tại cả nửa thế kỷ nay, và là một trào lưu văn học mới, với nỗ lực đưa ra một cách nhìn và cách lý giải mới đối với cuộc sống. Điều này hoàn toàn không có liên quan gì đến việc chống cộng mà các nhà phê bình "chính thống" hiện nay đang cố gắng áp đặt lên ĐTT và nhóm Mở miệng. Mà đó chỉ là sự không hài lòng với cái nhìn chính thống (meanstream) và muốn đưa ra sự khẳng định của riêng mình, và cũng chỉ cho riêng mình mà thôi, chứ không có ý định lôi kéo hoặc kêu gọi ai.

Phải chăng sự la hoảng lên của các nhà phê bình chính thống, đặc biệt là từ Hội nhà văn, là một biểu hiện của tâm lý tự tôn xen lẫn tự ti, hoảng sợ khi thấy cái nhìn của mình không còn được tất cả mọi người chấp nhận như cái nhìn duy nhất đúng nữa?)

Cuối cùng, xin giới thiệu một bài thơ tiếng Anh làm ví dụ cho thơ hậu hiện đại. Không dịch được, mà cũng không cần dịch vì mỗi người sẽ hiểu theo cách của mình. Tôi chỉ muốn đưa ra một nhận xét: có thể thấy sự nghịch ngợm, phá phách của tác giả đối với ngôn ngữ - cái được quy ước - ngay ở cái tựa. Tiếng Anh chính thống có bao giờ viết thế này đâu. Nhưng đó mới là sáng tạo, well, sáng tạo theo kiểu hậu hiện đại.

Cái tựa ấy, tôi tạm dịch sang tiếng Việt là "Cái ngôn ngữ" - Thing language.


THING LANGUAGE by Jack Spicer
This ocean, humiliating in its disguises
Tougher than anything.
No one listens to poetry. The ocean
Does not mean to be listened to. A drop
Or crash of water. It means
Nothing.
It
Is bread and butter
Pepper and salt. The death
That young men hope for. Aimlessly
It pounds the shore. White and aimless signals. No
One listens to poetry.

6 comments:

  1. Nhờ bạn giới thiệu cho vài cuốn lý thuyết về modernism và postmodernism để được tham khảo, suy nghĩ thêm. Xin cảm ơn!

    ReplyDelete
  2. Trong bài viết mới đây của tôi (trước bài này) có link dẫn đến một cuốn sách mang tính nhập môn rất căn bản về lý luận phê bình văn học, có hẳn một chương về hậu hiện đại khá hay.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn cũng có thể tìm được trên Internet nhiều sách khác, chỉ cần gõ, ví dụ, "introduction to postmodernism" thì sẽ ra rất nhiều.

      Delete
  3. Đảng và Chính phủ "ta" chống lại xu hướng hậu hiện đại này là rất đúng đắn .

    Phong trào hậu hiện đại bắt nguồn từ 2 nguồn: thứ 1, là lò thiêu người Do Thái của Đức Quốc Xã . Adorno viết "Sau Auschwitz, còn làm thơ là tàn nhẫn", một cách phủ định quá khứ trước đó . Hiện tượng thứ 2 là cuốn "Quần Đảo Ngục Tù" của Solzhenitsyn. Trước đó, có rất nhiều trí thức phương Tây hâm mộ chủ nghĩa Mác và "thiên đường XHCN" ở Liên Xô . Cuốn "Quần Đảo Ngục Tù" hoàn toàn lột bỏ huyền thoại đó, làm các trí thức phương Tây bàng hoàng . Có người không tin được nên kiện Solzhenitsyn về tội nói dối ngay tại Paris. Tòa xử Solzhenitsyn vô tội .

    Bản chấn của hậu hiện đại là soi kính hiển vi và giải thiêng tất cả những đại tự sự (grand narratives), đồng thời giễu nhại chúng . Đảng Cộng Sản còn tồn tại nhờ vào huyền thoại và ngăn cấm mọi hành động xem lại cùng giải thiêng . Thời nó bắt đầu, Stalin là một trong những mục tiêu, khỏi phải nói ông ta giận tới mức nào .

    Cấm tiệt là đúng rồi, vì phong trào văn hóa nghệ thuật này tất yếu sẽ tạo ra tư duy phản kháng trong giới văn nghệ sĩ, mà chính họ là những người viết lại sử ngày hôm nay . Đảng không thể để những việc đó xảy ra .

    Mở ngoặc ở đây . Ngoài nhóm Mở Miệng, một số những tay viết thuê cho chính quyền cũng áp dụng những thủ pháp như phi tuyến tính, đa nghĩa ... để tạo nên những cuốn truyện quái đản, làm chính quyền vừa lòng và mọi người muốn hiểu sao thì hiểu . Đối với tôi, đây là những tác phẩm què quặt . Cũng như rock vào VN. Nhạc rock là tiếng nói phản kháng, về VN nó trở thành ru ngủ . Cứ tưởng glam rock đã tệ, về VN nó trở thành lame rock.

    ReplyDelete
  4. Luận văn "Vị trí kẻ bên lề" đọc ở đâu nhỉ.

    ReplyDelete
  5. Tác giả đã có một vài nhận xét đúng về nhóm MM:- chống lại cái công thức, sáo mòn, giáo điều, nhàm chán của thi ca chính thống.
    -tư tưởng của nó về nghệ thuật, về thi ca là cho riêng nó (theo tôi, đúng hơn là một thiểu số công chúng); rằng nó ko kêu gọi, không truyền bá, lôi kéo ai.
    Nhưng tiếc rằng, phân tích của tác giả còn nghèo nàn, chưa chỉ ra được nhãn quan của MM, dựa trên lập trường của hậu hiện đại. Và vì thế tác giả cũng không chỉ ra được, sự phê phán của các GS, nhà phê bình như ông Chu Giang. võ trọng Thưởng...đối với Nhã Thuyên, và qua đó là nhóm MM là cuộc đối thoại của những người không cùng hệ qui chiếu. Cái này giống như kiểu ông nói con gà, thì bà nói về con vịt.
    Riêng với LV của NT, theo tôi, tác giả có nhiều thành công khi đánh giá MM. Tuy nhiên, mức độ phản kháng, và đối tượng phản kháng của MM, là giải trình ngôn ngữ chính thống. Thông qua đó, MM muốn kiến tạo sự vật, thế giới từ cách diễn ngôn của mình. Với MM, không có sự vật khách quan, ko có thực tại khách quan như chúng ta đang sống và cảm nhận. Và vì vậy, sự phản kháng của MM, không mang nghĩa nổi loạn, chống là chế độ, chống lại quyền lực của cái chính thống, mà chúng ta sờ thấy, chạm thấy là các thiết chế, và thể chế chính trị. Nhưng NT thì lại xem MM như là thế, và còn cổ vũ cho nó, xem đây như điều kiện của sự Sáng tạo. Cái mà MM không có. Tôi cho đây là một sai lầm nghiêm trọng của NT. Có thể điều này, cho biết NT đã nắm không đúng, sâu, thực chất Bản thể học của Chủ nghĩa hậu hiện đại, khi lấy nó làm điểm tựa để tham dự cùng MM

    ReplyDelete