Sunday, May 5, 2013

Nói chuyện tiếng Anh (15): Người đàn ông Paralysed, hay "dịch thuật thời thổ tả"!

Bài viết này tôi bắt đầu cách đây hơn một tuần rồi, từ trước kỳ nghỉ lễ đến mấy ngày. Hôm ấy, đọc được mẩu tin này trên báo, tôi thấy cần có ý kiến ngay nên vội chụp hình trang web có lỗi sai rồi bắt đầu viết. Nhưng sau đó bận việc khác nên không hoàn tất, rồi nghỉ lễ, và sau lễ thì tôi tin là trên facebook người ta đã đề cập quá nhiều, hẳn nhà báo đã sửa lại, nên không quan tâm nữa.

Hôm nay ngồi dọn lại blog, nhìn thấy bài viết còn dang dở nên tôi trở lại trang báo hôm trước xem mọi việc ra sao. Thật ngạc nhiên, bài viết từ ngày 24/4 mà hôm nay đã là 4/5 rồi, nhưng cái lỗi sơ đẳng đó vẫn còn nguyên vẹn. Như thế có nghĩa là bài viết này vẫn còn hợp thời, vậy thì viết tiếp. Vâng, các bạn đọc bài mà tôi mới hoàn chỉnh hôm nay ở dưới đây nhé.
---------------
Buổi sáng, lướt qua trang facebook của mình, tôi chú ý đến dòng status của một người bạn như sau:

“Một người đàn ông Paralysed” là người gì, thuộc dân tộc nào vậy, hay ở đất nước lạ lẫm nào? Có bà con với người da đỏ hay sao Hỏa không mà viết hoa? Sao không chịu khó tra từ điển để dịch là “người bị liệt” hay “người bán thân bất toại”?

Tò mò, tôi theo đường dẫn được cung cấp để dẫn đến một bài báo đã được đăng trên trang vietnamnet vào lúc 15:30 chiều hôm qua 24/4, và cho đến khi tôi viết bài này thì nó đã nằm ở đấy được hơn 1 ngày rưỡi rồi (bây giờ là 6:30 sáng 26/4). Link ở đây: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/118598/-dat-cuc-khoai-chi-bang-ngon-tay-cai-.html. Để phòng hờ sau này tờ VNN sẽ sửa lại hoặc rút bài xuống (which I recommend!) thì có cả hình chụp màn hình ở đây nữa (xem bên dưới).



Bỏ qua phần nội dung (khá là "lá cải") của bài báo, việc dịch tầm bậy như trong bài báo này quả tình không thể nào chịu nổi! Vì ai có học tiếng Anh chỉ cần đến cỡ trình độ B thì đều phải có khả năng tra từ điển, mà tra thì có ngay chứ có khó khăn gì đâu!!!!

Ví dụ như đây này, tra online trên trang tratu (tra từ):

http://tratu.soha.vn/dict/en_vn/Paralyse

Cách viết khác paralyze
(y học) làm tê liệt
(nghĩa bóng) làm đờ người ra; không hoạt động bình thường được
 be paralysed with fear đờ người ra vì sợ

Dễ như vậy, thì vì cớ làm sao mà tờ VNN, một tờ báo mạng lớn của VN (có lẽ lớn nhất VN?) lại không dịch được? Có khó khăn gì ở đây chăng? Hay tại vì bản gốc viết hoa, khiến cho người dịch tưởng rằng tên riêng nên không dám dịch ra mà để nguyên bản gốc chăng?

Vì nghĩ như vậy nên tôi đi tìm bản gốc, và đã tìm được bản gốc ở đây, trên tờ The Daily Telegraph, một tờ báo lá cải rất tệ hại của Anh. Link đây: http://www.dailytelegraph.com.au/lifestyle/sex-relationships/paralysed-man-learns-to-have-orgasms-with-his-thumb/story-e6frf01i-1226626729395

Nhìn vào bài báo thì quả thật từ paralysed được viết hoa thật, nhưng là để nhấn mạnh. Các bạn xem hình dưới đây:

Đang rất thắc mắc thì một bạn trên fb cho biết, đây không phải là lỗi của người dịch, mà chỉ là cái dốt của ... google thôi! Nói cách khác, người phóng viên viết bài trên báo VNN chẳng làm gì khác hơn là tìm bài, đưa lên google dịch tự động, có lẽ có sửa lại sơ sơ cho dễ nghe rồi sau đó tương lên mặt báo cho mọi người đọc. Đây là hình chụp màn hình google dịch:
Ôi, nếu thế này thì làm nghề dịch thuật dễ quá, chỉ việc tìm tài liệu, đưa cho google dịch, rồi cứ thế đem đi đăng báo hoặc in thành sách kiếm tiền thôi! Sao lâu nay tôi ngốc thế, không biết làm như vậy để mọi việc nhanh chóng nhỉ, dù tôi vẫn biết về sự tồn tại của công cụ google dịch từ lâu rồi, và thậm chí còn quảng cáo với các học viên để sử dụng trong việc học tiếng Anh: dùng google dịch để tra từ tự động và học cách phát âm trong khi học tiếng Anh thì rất tốt.

Tất nhiên, vì nó là một công cụ dịch, nên hoàn toàn có thể dùng google dịch để hỗ trợ quá trình dịch thuật. Nhưng các bạn chú ý nhé, chỉ là HỖ TRỢ, chứ không thể nào là thay thế được, trời ạ! Vì ai cũng biết rằng google dịch có nhiều chỗ ngây ngô lắm. Vì vậy, nếu có cho google dịch thì cũng phải đọc lại thật kỹ, chỗ nào thấy ngô nghê khó hiểu thì phải quay lại đọc kỹ bản tiếng Anh xem chính mình có hiểu được không. Nếu không thì có nghĩa là mình đã thiếu kiến thức ở chỗ đó và cần tìm người có hiểu biết đó để hỏi. Thực ra, điều mà google dịch làm được chỉ đơn thuần tra từ/cụm từ và ghép chúng lại thôi, chứ đâu có thể hiểu các ẩn ý hoặc lựa chọn đúng nghĩa của những từ đa nghĩa hoặc ngữ cảnh của bản dịch vv.

Tò mò, tôi tự hỏi những "thảm họa dịch thuật" mà báo chí kêu ầm lên gần đây phải chăng cũng ... chỉ là lỗi của google, hay nói bằng "uyển ngữ" thì đó chỉ là "lỗi kỹ thuật" thôi?
-------------
Entry này của tôi hôm trước đang tạm dừng ở câu hỏi: phải chăng "chung quy cũng tại Gúc-gồ"? Hôm nay có thời gian viết tiếp, tôi quay trở lại bản gốc của bài báo trên và cho google dịch rồi đem so với bản tiếng Việt của VNN.

Kết quả so sánh làm tôi giật mình, và cho phép tôi khẳng định 100% rằng người viết bài này chắc chắn đã không đọc/hiểu bản gốc chút nào cả, chỉ đơn thuần bỏ vào google dịch rồi sửa vài từ cho câu cú gãy gọn, bớt ngô nghê; chỗ nào google dịch quá ngô nghê nên không thể hiểu được thì bỏ luôn không dịch.

Các bạn hãy xem dưới đây, tôi đã trích phần gốc bằng tiếng Anh, bản dịch do google cung cấp, và bản trên VNN. Sự giống nhau là đến trên 80%, có những chỗ giống gần như tuyệt đối, kể cả sự ngây ngô, vô nghĩa (tôi tô màu từng cặp để so sánh, kèm những bình luận/nhận xét của tôi trong ngoặc vuông, in nghiêng).

Tiếng Anh
A PARALYSED man has found a new way to enjoy sex, learning to orgasm when a woman caresses his thumb. 

Rafe Biggs, 43, from California, was left quadriplegic after breaking his neck when he fell from a roof.

He lost all sensation below the waist and feared he would never again be able to experience sexual pleasure.

But a year after the accident he experienced an orgasm when a girlfriend sucked and massaged his thumb.

Mr Biggs, who now regards his thumb as a "surrogate penis," told the Sun: "I felt this build-up of energies and felt I was getting closer and closer to orgasm.



"When I did it - it was amazing. I never thought it would be possible, but massaging and sucking on my thumb, feels a lot like my penis used to feel - it's really hot."

Mr Biggs, who has launched a support group for people with disablities to enjoy sex, now has regular sessions with sex therapist Lisa Skye Carl who said:

"What Rafe is experiencing is a 'transfer orgasm' - where another place on the body gives the same sensation. He has significant reduction in pain after a session."
 -------
GOOGLE DỊCH:
Một người đàn ông PARALYSED đã tìm ra cách mới để thưởng thức quan hệ tình dục, học tập để đạt cực khoái khi một người phụ nữ vuốt ve ngón tay cái của mình.

Rafe Biggs, 43 tuổi, từ California, còn lại liệt tứ chi sau khi phá vỡ cổ của ông khi ông rơi từ mái nhà.

Ông đã mất tất cả cảm giác phía dưới thắt lưng sợ rằng anh sẽ không bao giờ có thể trải nghiệm khoái cảm tình dục.

Tuy nhiên, một năm sau khi xảy ra tai nạn ông đã trải qua một cơn cực khoái khi bạn gái hút mát xa ngón tay cái của mình.


Ông Biggs, hiện đang liên quan đến ngón tay cái của mình như là một "dương vật thay thế", nói với The Sun


"Tôi cảm thấy điều này xây dựng các nguồn năng lượng và cảm thấy tôi đã nhận được gần hơn và gần gũi hơn để đạt cực khoái.
"Khi tôi đã làm nó - đó là tuyệt vời, tôi không bao giờ nghĩ rằng nó sẽ có thể, nhưng xoa bóp mút ngón tay cái của tôi, cảm thấy rất nhiều như dương vật của tôi được sử dụng để cảm thấy -.. Nó thực sự nóng"

Ông Biggs, người đã đưa ra một nhóm hỗ trợ cho những người có disablities để thưởng thức quan hệ tình dục, hiện nay có phiên họp thường kỳ với bác sĩ chuyên khoa tình dục Lisa Skye Carl người đã nói:

"Những gì Rafe đang trải qua một 'chuyển cực khoái' - nơi một nơi khác trên cơ thể cung cấp cho các cảm giác giống như Ngài đã giảm đau rõ rệt sau một phiên.."

 

VNN DỊCH:
Một người đàn ông Paralysed đã tìm ra cách mới để thỏa mãn nhu cầu quan hệ tình dục, bằng việc học cách đạt cực khoái khi một người phụ nữ vuốt ve ngón tay cái của mình.
 
Rafe Biggs , 43 tuổi, đến từ California, đã bị liệt tứ chi sau khi gãy cổ trong vụ tai nạn rơi từ mái nhà.

Ông đã mất hết cảm giác phía dưới thắt lưng và sợ rằng sẽ không bao giờ có thể trải nghiệm được khoái cảm tình dục.

Tuy nhiên, một năm sau khi xảy ra tai nạn ông đã cảm nhận được cơn cực khoái khi bạn gái mút và massa ngón tay cái của mình.

Giờ đây, Ông Biggs đang coi ngón tay cái của mình như là một "dương vật thay thế", chia sẻ với tạp chí The Sun : 

"Tôi cảm thấy điều này đã tạo nguồn cảm hứng và giúp tôi cảm nhận gần hơn nữa để đạt được cực khoái”.

[Giúp tôi cảm nhận gần hơn nữa để đạt cực khoái là cái quái gì thế? Đúng ra phải dịch là: "giúp tôi cảm thấy gần như đạt được cực khoái".]

"Khi tôi làm nó - đó là sự tuyệt vời, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó có thể xảy ra, nhưng khi massa và mút ngón tay cái của mình, cảm thấy rất rõ như dương vật của tôi đã cảm thấy được… Nó thực sự nóng"

[Các bạn thử đọc dòng in ngiêng ở trên - liệu đây có phải là tiếng Việt không hả trời, và có người Việt nào có thể hiểu được từ "nó" trong những câu này không: "Khi tôi làm nó", và "Nó thực sự nóng"! Nó là ai, hay là cái gì thế nhỉ? Lẽ ra phải dịch: "Khi làm như vậy, tôi có cảm giác thật tuyệt." ... "Cảm giác thật tuyệt vời!"]

Ông Biggs, người đã phát động một nhóm hỗ trợ cho những người bị khuyết tật có thể thỏa mãn nhu cầu tình dục, ngay lúc đó cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa tình dục Lisa Skye Carl đã cho biết: 
"Những gì Rafe đang trải qua 'chuyến cực khoái' là – một chỗ khác trên cơ thể mang lại cảm giác tương tự…
----

Như thế là đã rõ: google chính là nguyên nhân của thảm họa dịch thuật trong bài báo của VNN. Rồi tôi chợt nhớ gần đây có nhiều "thảm họa dịch thuật", mà gần nhất là vụ "cây gạo đại thụ" và "(năm) Giáp Thân" trên một tấm biển ở đâu đó đã được dịch một cách thảm họa ra thành "plant rice university acceptance" và "body armor".

Để tiếp tục kiểm tra, tôi thử đưa vào google dịch, thì trời ơi, "giáp thân" được google dịch ra đúng là "body armor" thật! Còn "cây gạo đại thụ" thì là sản phẩm trí tuệ của ai đó, nhưng tôi cho rằng sản phẩm này còn kém hơn sản phẩm của dịch máy, vì máy nó còn dịch được ra một cụm từ đúng cú pháp và có vẻ có nghĩa (consumption of rice plants) chứ không phải 4 từ rời rạc vô nghĩa đứng cạnh nhau như trong bản dịch thảm họa kia. (Nguồn: http://ihay.thanhnien.com.vn/pages/20130411/tham-hoa-dich-thuat-tren-tam-bia-cay-gao-dai-thu.aspx)

Kết luận gì bây giờ, hả các bạn? Tôi chỉ còn biết giơ hai tay lên trời mà than: Ôi, dịch thuật thời thổ tả!
---------
Cập nhật sáng 5/5/2013

1. Mời các bạn đọc những comment bên dưới về việc dịch và kỹ thuật dịch máy của google, rất hữu ích. Đặc biệt đối với các bạn nghiên cứu về dịch máy. Và cũng xin trao đổi thêm một chút với bạn Nguyễn Vũ Ngọc Tùng:

Tôi dồng ý hoàn toàn với nhận định rằng google dịch khá chính xác vì nó có database ngôn ngữ lớn nhất hiện nay. Nhưng xin nói thêm: khá chính xác ở đây là chính xác so với việc dịch tự động (chỉ trong tích tắc là cho ra được bản dịch), chứ không bao giờ có thể thay thế con người, trừ trường hợp dịch kỹ thuật. Đơn giản là vì ngôn ngữ có chứa rất nhiều "hàm ngôn" và "ẩn ý" với những quy luật và mối quan hệ về nghĩa phức tạp giữa các thành phần của một ngôn bản mà máy khó có thể phát  hiện ra được. Và tôi cũng tin rằng hướng đi của google là đúng, và sản phẩm của google sẽ ngày càng hoàn thiện.

Nói thêm: tôi cũng đã có thời gian kha khá nghiên cứu về dịch máy hồi còn ở Khoa Ngữ văn Anh (thậm chí còn muốn đưa môn dịch máy vào chương trình học thời ấy, nhưng chưa kịp), vào cuối thập niên 1990 và đầu 2000. Lúc ấy ở VN có nhóm Đinh Điền nghiên cứu theo hướng dựa vào phân tích ngữ pháp, có làm một đề tài lớn được đánh giá rất cao. 

Nhưng ngay từ lúc ấy tôi đã cho rằng hướng đi của nhóm Đinh Điền dựa trên phân tích ngữ pháp là không đi xa được, mà phải dùng cơ sở dữ liệu và nguyên tắc "học máy" (machine learning) để cho máy tự tìm ra quy luật (dựa trên xác xuất). Đó cũng là cách con người học sử dụng ngôn ngữ mà. Điều khác giữa máy và người là khi mỗi con người sử dụng ngôn ngữ thì lại thêm vào đấy những ý nghĩa và đặc điểm riêng của ngôn ngữ cá nhân, nên để dịch đúng thì phải hiểu đời, hiểu người, hiểu văn hóa, xã hội, bối cảnh, thời sự vv và vv chứ không chỉ hiểu nội dung văn bản và kiến thức chuyên môn/hàn lâm mà văn bản muốn chuyên chở. 

Ôi, nếu nói về lý luận dịch thuật thì còn dài lắm bạn Tùng nhỉ!

2. Một bạn đọc khác trên facebook gửi cho tôi comment sau:

Em cung kiem tra roi co a. cung la san pham cua google. Co go vao Cay Gao Dai Thu (viet hoa) thi google dich ra Plant Rice University Acceptance. Dung la bo tay.com.

Tôi lại đi kiểm tra, và đúng thật!!!!! Té ra Cây gạo đại thụ và Giáp Thân đều là sản phẩm của Google!

Đến đây thì tôi bỗng nảy ra một ý: Google đừng thèm tiếp tục phát triển thêm sản phẩm dịch cho VN, cứ để nó lỗi như thế và chú tâm vào việc kiểm tra lại những sản phẩm dịch từ Việt Nam. Và cứ hễ thấy chỗ nào đã dùng google dịch mà còn nguyên vẹn dấu ấn ngô nghê (ví dụ như bài của VNN mà tôi phân tích ở trên) thì đòi tiền bản quyền, mà đòi cho cao vào!!!! Nếu họ không trả, thì hãy kiện ra tòa đi, cho chết! Mà riêng cái tấm bia "Cây gạo đại thụ" với "Giáp Thân" kia thì chắc là phải đòi tiền dịch khá cao đó, vì một nó là công trình quan trọng. 

Chứ gì nữa, dùng google dịch miễn phí, mà lại đem bán cho mọi người, thu tiền đầy đủ, lại còn ghi tên là dịch giả vv rồi lấy điểm công trình gì gì đấy, coi sao được? Để google nó kiện cho, rồi lúc ấy mới trắng mắt ra! 

Chứ còn tôi, nói nặng như thế này, chứ nói nặng nữa, thì cũng chỉ như nước đổ lá môn thôi, các bạn ơi! Hu hu hu, Gabriel Marquez ơi, đúng là dịch thuật thời thổ tả mà!

2 comments:

  1. Theo em hiểu thì Google đang sử dụng kỹ thuật dịch theo xác suất. Nó là thế này:

    Google có một bộ dữ liệu tìm kiếm (database) khá đồ sộ mà nó móc từ các nguồn tài liệu khác nhau được chính tác giả của nội dung đó dịch sang các dạng ngôn ngữ cụ thể. Bằng cách tìm kiếm, google sẽ đánh giá từ nào có nghĩa gì gần với từ cần tra với một tỉ lệ nhất định. Dựa trên tỉ lệ này mà nó chọn ra nghĩa tương ứng cho từ đang tra. Thường thì tiêu chí để chọn là từ nào có tỉ lệ cao nhất.

    Vì thế, về cơ bản độ chính xác của phương pháp dịch tự động này khá cao. Vì rằng hiện nay google được xem là bộ tìm kiếm mạnh và chính xác nhất. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là có một số từ ít phổ biến (theo nghĩa xác suất là số lượng mẫu ít) dẫn đến phép tính không được chính xác. Chẳng hạn như "Cây gạo đại thụ kia"... Do đó, những từ này chưa dịch đúng. Có thể google tra ở đâu đó trên mạng trong các tài liệu dịch thuật xuất phát từ Việt Nam. Vì thế có thời gian bà con tra trên mạng từ "China" ra "đồ chó", "Hoàng Sa" ra "của việt nam"...

    Vấn đề kỹ thuật này chỉ có thể dân IT hoặc dân ngôn ngữ làm nghiên cứu về dịch thuật tự động mới hiểu. Hi vọng thông qua bài này người đọc hiểu và cải thiện dần bộ dịch của google.

    Ngoài ra, còn có phương pháp dịch theo văn phạm. Phân tích câu từ thành các thành tố cơ bản của một đơn vị ngôn ngữ. Sau đó, tra vào database (trong ví dụ này là từ điển) để chọn ra nghĩa thích hợp.

    Nói chung, dịch tự động không bao giờ cho kết quả chính xác. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang cố gắng cải thiện độ chính xác của dịch tự động. Và vấn đề là ta không nên chủ quan với dịch tự động.

    Vài dòng chia sẻ cùng cô và các bạn đọc.

    ReplyDelete
  2. Nhớ chuyện buồn cười mấy hôm trước - để đùa người bạn ở Đức, tôi nhờ Gúc dịch câu tiếng Việt không can đảm, chỉ liều Gúc dịch nicht mutig, nur Dosis :d.

    Thỉnh thoảng đùa vui với bạn phương xa, tôi cũng hay nhờ dịch một câu nào đó ra tiếng Nga, tiếng Đức hay tiếng Pháp .. và kinh nghiệm là ko nên nhờ dịch từ tiếng Việt, mà nên nhờ dịch từ tiếng Anh. Có lẽ tiếng Việt nhiều từ đồng âm khác nghĩa, Gúc sẽ rất bối rối để chọn, và thường thì xác suất chọn từ đúng khá thấp - dù là chọn theo ưu tiên tần suất. Tiếng Anh gần gũi với Pháp, Đức, Nga, .. hơn tiếng Việt, rất nhiều từ cùng gốc Latin nên Gúc dễ chọn hơn. Cả dịch ra tiếng Việt cũng thế. Nhiều lyrics tiếng Ý tiếng Nga .. nhờ Gúc dịch qua tiếng Việt nhiều chổ đọc chả hiểu gì, nhưng nhờ dịch qua tiếng Anh thì dễ hiểu hơn.

    Xin phép cô Phương Anh cop entry này lưu tặng người bạn gv tiếng Anh để bạn bớt ngạc nhiên khi đọc những câu dịch trời ơi của SV :D
    Xin cảm ơn cô

    ReplyDelete