Monday, April 1, 2013

"Nâng cao sức khỏe nền giáo dục: Cần tới kiểm định chất lượng" (bài PV trên báo Sinh viên Việt Nam)

Vừa qua, báo Sinh viên Việt Nam có thực hiện phỏng vấn tôi nhân dịp Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng NCL có thư "kêu cứu" đến Thủ tướng về nguy cơ phá vỡ chủ trương XHH của nhà nước do những khó khăn trong tuyển sinh của khối trường NCL. Nay bài phỏng vấn đã lên báo giấy, tôi đăng lên đây để chia sẻ với mọi người.
-----------------

Thưa bà, là chuyên gia kiểm định, nếu nói thật về sức khỏe của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, thì bà sẽ nói gì?

Tôi sẽ không thể nói về tất cả các trường NCL vì nói như thế là vô trách nhiệm: tôi không có đủ thông tin. Tuy nhiên, với những gì mà tôi biết về một số trường NCL, đa số các trường này ở TP HCM hoặc những tỉnh gần TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, thì tôi có thể nói hai điều:

(1) Về số lượng giảng viên cơ hữu, chắc chắn đa số các trường NCL không thể bằng các trường công lập lớn vì hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nhà nước (tất nhiên tôi chưa xét đến một thực trạng mà ai cũng biết là có nhiều giảng viên mặc dù là cơ hữu của trường công lập nhưng thực ra lại giảng dạy chính ở các trường NCL vì họ cảm thấy được tôn trọng hơn và thường thì các chính sách đãi ngộ cũng tốt hơn – như tôi hay nói đùa, hộ khẩu thì ở trường công lập nhưng lại sinh sống ở bên trường NCL);
(2) Về hiệu quả của việc giảng dạy, cũng như sự quan tâm đến và tôn trọng người học thì ở đa số các trường NCL tốt hơn trường công rất nhiều. Tôi biết sẽ có nhiều người phản đối điều tôi mới nói, và luôn cho rằng trường công lập có chất lượng tốt hơn nên suy ra hiệu quả giảng dạy ở trường công là cao hơn. Nhưng cần nhớ rằng ở những trường công có tiếng thì chất lượng đầu vốn đã rất tốt; điều đó không hề do công sức của các trường mà chỉ là do chính sách ưu đãi của NN đối với trường công (học phí thấp, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư vd như các ĐHQG, giảng viên được tạo cơ hội học tập ở nước ngoài vv), và nếu đầu vào tốt thì đầu ra tốt là đương nhiên. Khoảng cách về chất lượng giữa trường tư và trường công nếu có thì trước hết phản ánh sự khác biệt ngay ở đầu vào, và điều đó không hề do các trường tạo ra. Trong khi đó, các trường tư phải nhận một đầu vào thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra được cho xã hội một nguồn nhân lực mà thị trường chấp nhận, vì nếu các trường tư đào tạo ra mà sv tốt nghiệp không có việc làm thì khối trường này đã chết lâu rồi chứ không tồn tại đến ngày nay để chịu khó khăn như vậy.


Điều gì sẽ xảy ra, nếu sẽ có các trường ngoài công lập bị phá sản?
Nếu các trường NCL bị phá sản thì có 2 khả năng có thể xảy ra:
1.     Trở lại thời kỳ không đủ chỗ học cho sv, tức không thể cung cấp đủ nhân lực cho một nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu hiện nay
2.     Nếu không muốn điều này xảy ra thì nhà nước có thể sẽ cho thành lập thêm nhiều trường đại học công lập khác với chất lượng ngày càng thấp, do nguồn lực nhà nước rõ ràng là không đủ để đầu tư cho quá nhiều trường đại học như vậy. Ngay cả với số trường hiện nay thì nhà nước cũng chưa đầu tư đầy đủ như cần thiết để có được những trường chất lượng cao như mong ước của chúng ta nhiều năm nay (có được trường tốp 200 thế giới năm 2020 chẳng hạn).

Thưa bà, có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân làm các trường ngoài công lập khốn đốn trong việc tuyển sinh đó là hệ thống điểm sàn. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi phải nói rằng, với điểm sàn chung này, ngay cả các trường công cũng khó tuyển sinh chứ chưa nói đến trường tư. Với hệ thống điểm sàn như hiện nay sẽ chẳng giúp ích được gì cả. Tôi nghiêng về quan điểm cần có một đầu vào mở. Kể cả những như hệ thống giáo dục của Mỹ cũng là một hệ thống mở như thế. Hệ thống đại học của Mỹ cho phép người học nếu chưa tốt nghiệp phổ thông, thậm chí học hành dở dang không xong trung học phổ thông vẫn có thể thi kỳ thi GED (tương tự bổ túc văn hóa) và vẫn có thể vào những trường đại học lớn,  nhưng để ra được trường thì phải qua những kỳ kiểm tra rất khắt khe. Đó mới đúng là tinh thần học thật, học tập suốt đời.

Áp dụng điểm sàn cứ để đảm bảo chất lượng ư? Tôi e rằng không phải. Tôi là dân nghiên cứu chất lượng nên thấy cứ sử dụng áp dụng điểm sàn là vô cùng phi lí. Ở Sài Gòn, có một vài tờng mà ngay cả tôi cũng muốn cho con cái học, nó không phải thi cử vất vả như các trường khác, điển hình như RMIT. Nếu thi rớt ở hệ thống đại học của ta thì vào RMIT, họ chỉ xét học bạ, để vào học trường này chỉ cần tốt nghiệp THPT (là kỳ thi mà hiện nay chính Bộ GD cũng chê là không có chất lượng nên phải có kỳ thi đại học để lọc bớt những học sinh kém), còn điểm trung bình trên học bạ chỉ cần 6 điểm, nhưng đầu ra thì không ai chê sinh viên của trường này dốt cả,…  Họ tuyển là phỏng vấn, kiểm tra tiếng Anh. Tiếng Anh cũng là một chuyện, em nào học kém thì học 1 năm tiếng Anh, thậm chí 2 hay 3 năm tiếng Anh cho tới khi nào xong mới được ra. Như vậy, tại sao mình cứ chặn đầu vào mãi mà giáo dục của mình nó có hơn họ gì đâu?! tại sao không mở đầu vào và siết đầu ra kĩ lưỡng.

Vì sao nay lời lẽ của Hiệp hội có vẻ khá nặng khi phản ánh những bất cập của hệ thống giáo dục đại học và những vướng mắc mà cơ chế gây ra cho hệ thống trường ngoài công lập?

Hiệp hội đã kêu 3 năm nay, chứ không phải năm nay mới kêu. Nhưng đến năm nay lời lẽ của Hiệp hội là nặng. Nói thật, hầu như trường công nào khi bộ thả lỏng đều tăng thêm ít nhất 10% sinh viên, trong khi tổng số nguồn sinh viên không thay đổi thì còn chỗ nào cho trường tư nữa. Trường công cũng lấy đến điểm sàn rồi thì lấy đâu sinh viên cho trường tư nữa. Thêm nữa, trường tư bị đóng thuế cao, và không được bộ hỗ trợ đất… Học phí của trường tư chứa cả tiền đóng thuế (những trường trong thành phố khoảng hơn 20% học phí dành cho thuế). Đó là những thứ bất cập sờ sờ về mặt chính sách.

Có cảm tưởng là không ít người muốn hệ thống trường tư chết đi cho xong. Thì cứ coi tất cả là lợi nhuận đi, ít nhất nó là loại hình doanh nghiệp, nhà nước có nên quan tâm và có chính sách. Bởi nó đụng chạm đến toàn bộ xã hội: Nếu nó chết thì chất lượng giáo dục có tiến được không? Tôi tin chắc là không. Nếu trường tư chết thì trường công tha hồ tuyển, chất lượng vẫn thấp. Nhưng nếu có hệ thống trường tư cạnh tranh, thì hệ thống trường công cũng vì thế mà nâng cao chất lượng hơn.  

Tôi cho rằng, Bộ cứ đi kiểm định, trường nào yếu thì đóng cửa, Hiệp hội sẽ không có một tiếng nào. Đằng này lại không kiểm định.

Nhưng nếu xem trường tư là một loại hình doanh nghiệp – như bà vừa nói, thì chuyện rủi ro trong đầu tư là đương nhiên nhà đầu tư phải chịu chứ?!

Thì rõ ràng một nhà nhà đầu tư thì họ có thể hình dung ra rằng là xây trường sẽ có lợi, thì họ mới làm. Nhưng để họ tham gia thì rõ ràng trước đó nhà nước đã có chính sách, quy hoạch, do đó Nhà nước phải thấy chứ. Cái chuyện cứ để cho họ làm rồi để cho họ chết cũng lỗi nhà nước, vì nói gì thì nói đó cũng là vốn liếng của xã hội. Bộ GD&ĐT đừng có vô cảm như vậy, nếu diễn ra cái chết của một số trường ngoài công lập thì nó sẽ rất phí phạm vốn liếng xã hội, của cả sinh viên lẫn thầy cô giáo, vốn nhà của đầu tư... Ngay từ đầu cấm các nhà đầu tư thì có thể họ đã đi kinh doanh ngành khác rồi, sẽ có lợi cho xã hội hơn. Trách nhiệm của chính sách là cực kỳ lớn. 

Theo bà là có cái cách giải quyết nào phát huy được vai trò của trường ngoài công lập không?

Như thế này, hiện nay trong cái đống lổn nhổn như thế, chính sách nào mà nó mất lợi cho trường ngoài công lập, nhà nước phải xem xét một cách thực sự. Không phải coi đó là chuyện miễn cưỡng mà coi nó là một phần trong chính sách giáo dục của mình. Chính sách mà vướng thì nên cùng tháo gỡ để giúp họ. Chứ Bộ không nên giữ khư khư tâm lý: chính sách của mình sửa là chính sách của mình sai. Tại sao cứ thi ba chung với điểm sàn, trong khi nó không hề làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn. Mà cái làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn ngay đấy là kiểm định. Nếu có chính sách kiểm định độc lập, nghĩa là để cho tư nhân tham gia, khi áp vào thì các trường tự nhiên nó phải chỉnh đốn để nâng cao chất lượng của mình. Các trường tư nào mà không làm thì sẽ đóng cửa ngay. Sự tham gia của tư nhân là giải pháp cho rất nhiều vấn đề. Đơn vị kiểm định phải độc lập ngoài nhà nước, hoặc nước ngoài càng tốt. Và đó gần như là giải pháp duy nhất.

Có những chính sách nó sai và nó sai hệ thống. Cái chính sách của mình khiến cho trường tư không thể ngóc đầu lên được. Đơn cử như việc giao đất, nếu không giao được đất thì ít nhất đừng có bắt họ đóng thuế đến mấy chục phần trăm.

Theo bà, mô hình giáo dục ở nước nào, chúng ta có thể học hỏi được họ?

Tôi đang nghiên cứu về một số nền đại học trong khu vực, và đặc biệt quan tâm đến nền giáo dục Malaysia. So sánh sự phát triển của trường ngoài công lập của Malaysia với Việt Nam thì có khá nhiều điểm giống nhau ở bước khởi đầu. Malaysia cũng từng không có trường ngoài công lập nào, tất cả đều là trường công lập. Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, họ mới thấy là kinh tế, tri thức hội nhập thì cần phải có trường ngoài công lập. Họ có lộ trình rất rõ ràng ngay từ đầu và kiểm định kiểm soát rất chặt, và bây giờ có được 50% số sinh viên học ở hệ thống trường ngoài công lập. Một số trường ngoài công lập của họ thu hút đông sinh viên quốc tế đến. Họ cũng xuất phát điểm như Việt Nam mình, nhưng giờ có một nền giáo dục ngoài công lập khá ổn, nhưng của ta thì đứng trước nguy cơ... vỡ. Chuyện này trách nhiệm của ngành giáo dục (đặc biệt là cơ quan làm chính sách) lớn vô cùng. Mà bây giờ chỉ có nhà nước chữa được thôi.


No comments:

Post a Comment