Entry này chỉ nói về “cách gọi” mà thôi. Mà cũng chỉ nói về cách gọi bằng tiếng Việt trong mối liên hệ với cách gọi trong tiếng Anh thôi. Vì một trong những mục tiêu của việc xây dựng “CĐR” là để phục vụ đánh giá/ kiểm định chương trình đào tạo theo các yêu cầu của thế giới, ví dụ như theo AUN-QA hoặc theo chuẩn của ABET.
Lâu nay, ở VN mọi người vẫn hiểu/ tin rằng CĐR trong tiếng Việt là tương đương hoàn toàn với từ learning outcomes (LO) trong tiếng Anh. Nhưng như loạt bài gần đây tôi đã viết (phục vụ Hội thảo của Cục Khảo thí tại Huế trong tháng 11/2011), LO chỉ nên dịch ra tiếng Việt là “đầu ra (của việc học)” hoặc “kết quả (học tập)” mà thôi. Chứ không có “chuẩn” gì ở trong cụm từ LO này cả!
Từ “chuẩn” trong tiếng Việt được dịch sang tiếng Anh là “standard”. Và từ này có nghĩa là một yêu cầu/ mong đợi từ bên ngoài, không phải do chính mình tạo ra, và thường có tính ràng buộc (tức là nếu không đạt chuẩn thì sẽ dẫn đến những hệ quả nào đó). Như vậy, những gì một trường tự viết ra và tự tuyên bố (và nếu muốn thì lại tự chỉnh sửa) thì không thể xem là “chuẩn”. Như cách hiểu “CĐR” tại VN hiện nay.
Hiện nay, những gì các trường đang làm theo yêu cầu của Bộ Giáo dục (công bố CĐR của các chương trình đào tạo) thực ra chỉ là công bố các “kết quả học tập dự kiến” (expected learning outcomes) của mình mà thôi. Tức là những gì nhà trường hứa/ cam kết với xã hội (người học, gia đình, nhà tuyển dụng, nhà nước, toàn xã hội) rằng người học sẽ đạt được sau khi kết thúc việc học tại trường. Nói cách khác, CĐR theo cách hiểu tại VN hiện nay (mà trước hết là cách hiểu từ Bộ GD) chính là để trả lời câu hỏi: “Vậy chứ người học sau khi tốt nghiệp chương trình này thì sẽ có ‘đầu ra’ như thế nào?” Đây là một lời hứa của nhà trường, chứ không phải là “chuẩn” (nhắc lại: chuẩn thì phải có ràng buộc!)
Nhưng như vậy thì trong tiếng Anh có cái gì thực sự được gọi là “chuẩn đầu ra” theo đúng nghĩa của “chuẩn” và “đầu ra” hay không? À, có chứ. CĐR thì là “chuẩn” và “đầu ra”, chứ sao. Outcome standard, vậy thôi. Và “CĐR của chương trình” thì sẽ là Program outcome standard, vô cùng đơn giản.
Các bạn không tin, phải không? Vậy thì hãy gõ đúng cụm từ “program outcome standard” lên google search (có dấu ngoặc kép, nhớ nhé), thì bạn sẽ có câu trả lời thôi mà. Tôi cũng vừa tìm đấy, và tìm thấy 2.910 kết quả trong khoảng 0.28 giây. Dưới đây là một số ví dụ:
Nguồn: http://www.engineersaustralia.org.au/sites/default/files/shado/ACED/ACED%20Submission%20to%20HEd%20Review%20final_doc.pdf
Trích dẫn từ tài liệu nói trên:
Washingon Accord signatories include the national accrediting bodies of USA, Canada, Japan, Korea, UK, Hong Kong as well as Australia.) Each accord has developed a set of program outcome standards (otherwise called graduate attribute exemplars) that are reviewed periodically by the accord signatories to ensure that they are in step with on-going changes to national higher education systems.
Lưu ý nhé: “program outcome standards” còn được gọi là “graduate attribute exemplars”, tạm dịch là “những mẫu mực/chuẩn mực về đặc điểm của người tốt nghiệp”. Nói cách khác, “chuẩn đầu ra của chương trình” ở đây được hiểu là những đặc điểm (về năng lực) mà các tổ chức kiểm định yêu cầu/đòi hỏi ở người tốt nghiệp sau khi ra trường.
Đây là tài liệu của ACED (Australian Council of Engineering Deans, tạm dịch Hội đồng các trưởng khoa kỹ thuật/ công trình của Australia), phần trích dẫn nói trên là phần nói “đo lường kết quả học tập và đối sánh trong nước và quốc tế” (measuring learning outcomes and national and international benchmarking).
Một tài liệu khác:
Nguồn: www.doe.mass.edu/cte/programs/manual.doc
Trích dẫn từ tài liệu nói trên:
4Q. What are the grounds for revocation of program approval?
4A. The Commissioner or his/her designee may deny approval of, or revoke approval from, any program when the Commissioner or his/her designee determines that the program does not meet the requirements of one or more of the approval criteria, fails to meet the Program Outcome Standards, or violates any provision of applicable laws and regulations.
Đây là một câu hỏi liên quan đến việc rút giấy phép một chương trình đào tạo, nếu như chương trình đó không đạt được “chuẩn mực đầu ra của chương trình”. Đấy nhé, nếu không đạt “chuẩn (mực)” thì phải rút giấy phép. Điều này có nghĩa là phải có người bên ngoài kiểm soát, đo đạc, rồi đưa ra quyết định về việc đạt hoặc không đạt.
Không có chuyện “chuẩn” mà lại tuyên bố khơi khơi, không đo đạc gì hết, rồi thích đổi thì đổi, như ta đang hiểu đâu nhé.
Tóm lại:
- Learning outcomes thì chỉ nên gọi là “kết quả đầu ra” hoặc “đầu ra” hoặc “kết quả học tập” gì đấy thôi. Và cái này thì tùy mỗi trường mỗi tuyên bố, sao cho phù hợp với sứ mạng của trường và mục tiêu giáo dục của chương trình.
- Outcome standards thì mới là “chuẩn đầu ra”. Đã là chuẩn thì phải do bên ngoài đưa ra (ví dụ như tổ chức kiểm định, hoặc hội nghề nghiệp), có kiểm soát, đo đạc, và những hệ quả khi đạt hoặc không đạt.
Hy vọng là sau entry này của tôi thì ít nhất chúng ta sẽ gọi đúng, nếu không phải là làm đúng, về cái gọi là “chuẩn đầu ra”.
No comments:
Post a Comment