Monday, September 22, 2014

Đề án 2020: Cần thay đổi tư duy quản lý

Dẫn: Bài viết dưới đây dựa trên một nghiên cứu nhỏ mà tôi đã thực hiện hồi cuối năm 2013 để tham dự hội thảo khoa học cựu sinh viên Úc lần đầu tiên tại VN. Bài viết cũng đã được gửi cho báo Nhân Dân Cuối Tuần và (có lẽ) đã đăng vào cuối tuần qua, với một số bổ sung và biên tập. Dưới đây là bài gốc mà tôi đã gửi đi. Ai có quan tâm nhiều hơn về kết quả nghiên cứu của tôi thì nhắn qua comment nhé.

--------------

Đề án 2020: Cần thay đổi tư duy quản lý

Đề án 2020: Tiến triển tốt, nhưng cần “làm lại”?  
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (gọi tắt là Đề án 2020),được phê duyệt năm 2008[1] với tổng kinh phí gần 10 nghìn tỷ đồng[2], đến nay đã đi được nửa đoạn đường. Đây là một đề án quan trọng của ngành giáo dục, với mục tiêu “đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”. 

Là một đề án cấp quốc gia, Đề án 2020 được quản lý bài bản với một Ban Chỉ đạo do một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng đầu, cùng một Ban Quản lý với những nhân sự toàn thời gian để theo dõi, quản lý, giám sát và hỗ trợ việc triển khai trên toàn quốc[3]. Thông tin trên trang web của đề án[4] cho thấy đề án đang được tiến hành đúng kế hoạch và tiến độ ở cả cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở, và mọi đang tiến triển khá trơn tru, thuận lợi. 

Thật ra, ngay từ khi đề án mới được dự thảo, dư luận đã bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng thành công của đề án rất tốn kém và đầy tham vọng này. Giờ đây, sự nghi ngờ đó đang có nguy cơ trở thành sự thực. Sự vội vã, thiếu chuẩn bị và lúng túng khi triển khai; tình trạng thiếu đồng bộ “mạnh ai nấy bơi” của các địa phương [5]; khoảng cách mênh mông giữa các mục tiêu “trên trời”[6] và thực tại đáng buồn của chất lượng dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam; sự kém hiệu quả và lãng phí khủng khiếp của các hoạt động, tất cả đã được nêu lên trên mặt báo không chỉ một lần[7]. Có thể nói, chưa bao giờ có một đề án gây bức xúc dư luận như vậy, dù những lợi ích mà đề án sẽ đem lại cho toàn xã hội nếu nó thành công là không thể phủ nhận.

Và thật bất ngờ, sau khi đề án đã đi được nửa đường, cách đây vài tháng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đột nhiên tuyên bố rằng Đề án 2020 sẽ được “xây dựng lại cho phù thực tiễn hơn”, mà báo chí đã diễn đạt lại một cách bình dân là “xoá đi để làm lại”[8].

Người thụ hưởng đề án nghĩ gì và nói gì?
Đề án 2020 tác động đến nhiều đối tượng, trong đó giáo viên/giảng viên (gọi chung là giáo viên) là đối tượng đáng quan tâm nhất vì họ không chỉ là người thụ hưởng mà còn trực tiếp tạo ra những kết quả mong đợi của đề án. Thông tin trên báo chí đang vẽ ra một bức tranh đen tối về đối tượng này: Đó là những người yếu kém về năng lực, lo sợ sự thật bị phơi bày, không ủng hộ việc áp dụng chuẩn năng lực cho giáo viên (“Sợ chuẩn châu Âu, 40% giáo viên bỏ thi”[9]), không hăng hái tham gia đề án với tư cách người hưởng lợi mà với thái độ miễn cưỡng chỉ để đối phó với yêu cầu của cấp trên. Nếu nhận định trên là chính xác thì đề án đang có vướng mắc trầm trọng, vì thiếu lực lượng nòng cốt này thì sự thất bại của đề án là một điều đã được báo trước.

Bản thân các giáo viên có ý kiến ra sao về Đề án 2020? Để tìm câu trả lời, một cuộc khảo sát độc lập qua mạng Internet với sự tham gia của khoảng 90 giáo viên tiếng Anh thuộc các bậc học khác nhau tại nhiều địa phương vào cuối năm 2013[10]. Dù có quy mô rất nhỏ và chỉ có giá trị thăm dò, cuộc khảo sát cũng cung cấp cho ta được một số thông tin ở góc nhìn của người trong cuộc.  

Kết quả khảo sát cho thấy, khác với nhận định phổ biến hiện nay,  đa số giáo viên hiểu rõ mục tiêu của đề án, và tán thành việc áp dụng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho giáo viên (“chuẩn châu Âu”). Tuy nhiên, các giáo viên này không được biết về kế hoạch cụ thể và các bước triển khai đề án tại địa phương/ trường nơi mình làm việc. Nhu cầu và nguyện vọng của họ không được ai quan tâm.  Các tiêu chí tuyển chọn các cá nhân/đơn vị đứng ra thực hiện tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra-đánh giá không minh bạch; năng lực của các cá nhân/đơn vị này có nhiều điểm cần xem xét lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của giáo viên. 

Nhìn chung, cuộc khảo sát cho thấy giáo viên không được xem là một thành phần quan trọng cho sự thành bại của đề án, mà chỉ là những cái máy thực hiện chỉ đạo của cấp trên. Các mục tiêu của đề án không dựa trên năng lực và điều kiện cụ thể của từng địa phương nên xa rời thực tế,  gây nhiều áp lực lên các giáo viên, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Cách làm thiếu minh bạch và không chuyên nghiệp khiến giáo viên không tin tưởng vào đề án, dẫn đến hiệu quả thấp. 

Phải thay đổi từ tư duy quản lý
Tuyên bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây vài tháng về việc sẽ xây dựng lại Đề án 2020 đã mặc nhiên thừa nhận việc triển khai đề án cho đến nay là thiếu hiệu quả. Điều này trùng khớp với kết quả khảo sát giáo viên ở trên, và khiến ta không khỏi ngạc nhiên rằng một đề án đầy tham vọng như vậy lại chưa bao giờ thực hiện thu thập ý kiến phản hồi của những người trong cuộc để có những điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của việc triển khai. 

Cuộc khảo sát giáo viên đã nêu ở trên còn cung cấp nhiều gợi ý đáng quan tâm. Cần phải thay đổi việc áp dụng chuẩn năng lực giáo viên, không áp dụng một chuẩn chung mà phải xét điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương khác nhau. Nhất thiết phải thí điểm ở một số nơi và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà. Cần cải thiện năng lực của chính những người thực hiện tập huấn, bồi dưỡng và kiểm tra đánh giá trước khi để cho họ lên lớp bồi dưỡng hoặc thực hiện và đánh giá các giáo viên khác. Những ý kiến xác đáng mà chỉ có những người trong cuộc mới có thể nhìn ra được. 

Nhưng dù có lắng nghe và thực hiện một số điều chỉnh như các góp ý vừa nêu hoặc những ý kiến tương tự khác, đề án vẫn sẽ rất khó thành công nếu Bộ vẫn tiếp tục giữ cách quản lý như hiện nay. Thực vậy, cho đến nay dù đã có nhiều dư luận về tính hiệu quả của đề án thì nó vẫn đang chạy bon bon trên con đường đã được vạch sẵn, bám sát từng hạng mục công việc được nêu trong kế hoạch, chẳng cần biết những công việc đó chất lượng ra sao và sẽ đem lại hiệu quả đến đâu. 

Để Đề án 2020 – và các đề án tương tự – không rơi vào cảnh thất bại từ trước khi kết thúc, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý và áp dụng cách quản lý dựa trên kết quả (RBM, result-based management) mà các tổ chức tài trợ quốc tế vẫn thường áp dụng.  Trong trường hợp cụ thể của Đề án 2020, cần ngay lập tức có những thay đổi căn bản sau đây: 

-         +  Quan tâm đến ý kiến của người thụ hưởng thông qua các cuộc khảo sát thường xuyên nhằm điều chỉnh mục tiêu và kế hoạch của đề án. Một đề án được cho là đem lại lợi ích cho người thụ hưởng nhưng chính họ lại không cảm nhận được lợi ích gì thì đề án đó là vô ích và cần dừng hẳn.

-        +  Có cơ chế giải ngân theo những kết quả đạt được, tức theo hiệu quả của công việc, chứ không theo khối lượng công việc đã thực hiện mà không cần biết hiệu quả đó ra sao. 

-          Việc đánh giá hiệu quả của đề án không thể do chính những người thực hiện đề án mà phải thuê tư vấn độc lập và chuyên nghiệp để thực hiện những công cụ quản lý kinh tế như phân tích chi phí – lợi ích của đề án. Không thể tiếp tục cách quản lý vừa đá bóng vừa thổi còi hiện nay.

Một giáo viên đã từng nhận xét: Thay vì bỏ tiền mời người đến bồi dưỡng cho giáo viên để có thể đạt chuẩn và đi thi mà thi nhiều lần vẫn không đạt như hiện nay, các tỉnh chỉ cần có chính sách thưởng tiền cho các giáo viên đạt sau khi đã được mức chuẩn mà đề án đã nêu ra trong một thời gian vài năm. Chỉ cần như thế thì năng lực của giáo viên đã có thể tăng lên một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn hiện nay nhiều; các tỉnh không cần phải bỏ ra một số tiền quá lớn cùng một lúc, cũng không phải bận rộn theo dõi, quản lý và giải trình trước dư luận về hiệu quả của đề án. Một nhận xét không phải là không đáng quan tâm, vì nó dựa trên một một tư duy quản lý mới: quản lý dựa trên kết quả.  

Chỉ có thay đổi tư duy quản lý mới có thể giúp Đề án 2020 tránh khỏi sự thất bại đã được báo trước mà thôi.


[8]


[8]

2 comments:

  1. Bài viêt chân thực quá !

    NHớ hồi xưa anh em mình cũng góp lửa nhưng ko thành nhỉ !
    tiếc quá ! Đừng wên kỉ niệmđó nhé

    Click vào đây nhé : Bán Căn Hộ Sunview Town quận Thủ Đức tại TPHCM hoặc click vào đây nhé bạn ban can ho sunview town quan thu duc tai tphcm

    ReplyDelete
  2. Bài viết này là một bài thuộc thể loại lý luận nhận thức mang tính triết học sâu sắc.

    ReplyDelete