Sunday, February 23, 2014

Quản lý trường lớp mầm non tư thục: Cần một cách làm khác (Nhân Dân 22/2/2014)

Bài viết này của tôi được viết theo đề tài đặt hàng của báo ND, nay đã được đăng lên, nhưng được biên tập lại một số đoạn. Xin đăng bản gốc dưới đây. Ai quan tâm đến bản đã biên tập có thể xem ở đây: http://www.nhandan.org.vn/cuoituan/chuyen-de/item/22438002-quan-ly-giao-duc-mam-non-tu-thuc.html.
-----------------


QUẢN LÝ TRƯỜNG LỚP MẦM NON TƯ THỤC: CẦN MỘT CÁCH LÀM KHÁC

Dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non tư thục đã tồn tại nhiều năm nay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Số trẻ em mầm non được gửi tại các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân hiện nay đã đạt mức ngang ngửa với khu vực công lập. Tuy vậy, mãi đến gần đây vấn đề quản lý nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân mới được đặt ra một cách toàn diện. Cuộc họp đầu năm Giáp Ngọ vào ngày 7/2 do Thành ủy triệu tập liên quan đến công tác giáo dục trẻ mầm non[1] đã nói lên tính cấp bách của vấn đề.

Tại sao có sự quan tâm đặc biệt như vậy vào lúc này? Có lẽ không ai không biết đến những sự cố đáng buồn xảy ra dồn dập trong năm 2013, mà đỉnh điểm là vụ bạo hành trẻ em tại một nhà ở Thủ Đức[2]. Vụ việc này sau đó đã được xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc nhằm mục đích răn đe để làm nhụt chí những kẻ đã và đang có những vi phạm tương tự nhưng chưa bị phát hiện.

Xiết chặt quản lý, rồi sao nữa?
Kiên quyết và mạnh tay xử lý các vi phạm rõ ràng là cần thiết. Đó cũng là những gì hứa hẹn sẽ xảy ra trong năm 2014 này[3]. Tại cuộc họp đầu năm ngày 7/2 đã nêu ở trên, Văn phòng Thành ủy đã đưa ra những con số đáng giật mình: TP.HCM hiện đang có  1.028 nhóm, lớp trường nhân trông giữ trẻ không phép; 1.060 giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ tại các nhóm lớp, trường tư thục không phép trong đó 337 người có trình độ thấp, không có chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo[4]. Một mục tiêu quan trọng của TP HCM trong thời gian tới là tập trung “giải quyết” các đối tượng này. 

Đây có thể là một tin mừng, cho thấy các cấp quản lý đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến một vấn đề đã bị bỏ lơ quá lâu. Nhưng nhìn ở môt góc độ khác, nó phản ánh một khuynh hướng đáng lo ngại, đó là: đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân. Đọc lại các thông tin trên báo chí, truyền thông và dư luận công chúng, ta thấy rất nhiều lời lên án đối với những người vi phạm: Tham lợi nên không đầu tư cho các điều kiện vệ sinh và an toàn của trẻ, sử dụng những cô nuôi dạy trẻ chưa qua đào tạo và thiếu trình độ để tiết kiệm chi phí; thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, cố tình vi  phạm pháp luật khi hoạt động chui và hoàn toàn không đăng ký với địa phương vv. 

Không sai, nhưng chưa đủ! Để những sự việc đau lòng như vậy xảy ra cho trẻ em, vốn quý của xã hội như chúng ta vẫn nói, lẽ nào ngành giáo dục, ngành y tế, các đoàn thể, địa phương, gia đình và toàn xã hội lại vô can?

Nếu chỉ chăm chăm xử lý vi phạm, hệ quả tất yếu sẽ là tăng cường kiểm tra, thu hồi giấy phép, đóng cửa các nhà trẻ, nhóm trẻ không đạt yêu cầu, và thậm chí không cho phép tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc trẻ mầm non. Cũng tốt, nếu nhà nước có thể cung cấp đầy đủ dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non công lập đến mọi người, như đang xảy ra ở một vài quốc gia ở Bắc Âu với dân số vài triệu người và một nền kinh tế phát triển. Nhưng tuyệt đại đa số các quốc gia khác, kể cả những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, vv vẫn tồn tại các trường lớp mầm non tư thục hoạt động song hành với hệ thống công lập.[5] Vấn đề dường như không phải là cho phép hay không phép tư nhân chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, mà là quản lý như thế nào để có được kết quả tốt nhất.
Riêng tại Việt Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra thì nhu cầu về dịch vụ chăm sóc trẻ em vốn đã quá tải đối với hệ thống công lập không những không giảm đi mà ngày càng tăng thêm, và, như báo chí đã từng lên tiếng cảnh báo, các công nhân và người lao động nghèo vẫn đang mỏi mòn mong đợi có nhà trẻ tại nơi làm việc[6], để không phải gửi con em vào những chỗ không thể yên tâm mà vẫn phải bấm bụng làm ngơ.

Đi tìm câu trả lời khác
Rõ ràng là cần có một cách quản lý khác, vừa khuyến khích được tư nhân tham gia vào việc cung cấp dịch vụ thiết yếu này, vừa quản lý được chất lượng chăm sóc trẻ mầm non. Nhưng thay đổi như thế nào? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Quay lại TP HCM, trong cuộc họp quan trọng đầu năm đã nêu ta cũng chỉ thấy lời hứa xiết chặt quản lý và cung cấp thêm nhà trẻ công lập, mà không rõ họ sẽ làm điều đó như thế nào, hay vẫn sẽ chỉ là những kế hoạch trên giấy. 

Có thể, các nhà quản lý của chúng ta đang lúng túng chính là vì quan điểm chỉ nhìn thấy lỗi lầm của trường lớp mầm non tư thục, mà không thấy được họ cũng là đối tác tích cực để cùng với khối công lập thực hiện nhiệm vụ nặng nề của giáo dục mầm non.

Nhưng trong khi chúng ta đang lúng túng với câu hỏi mới thì câu trả lời đã tồn tại ở một quốc gia lân cận trong khu vực. Báo cáo của Văn phòng UNESCO tại Bangkok kết hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc được viết vào năm 2012[7] đã phân tích những thách thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em của các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, vv để từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp, dựa trên 5 vấn đề cốt lõi:
(1) Chính sách toàn diện;
(2) Ưu tiên cho các đối tượng “thiệt thòi”;
(3) Chăm sóc và giáo dục toàn diện trẻ mầm non;
(4) Các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn, và hoạt động bồi dưỡng - phát triển năng lực;
(5) Yêu cầu về chất lượng kèm cơ chế hỗ trợ, giám sát và rà soát thường xuyên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. 

Những vấn đề cốt lõi nêu trên cung cấp cho chúng ta một quan điểm toàn diện với các yếu tố cần quan tâm của một hệ thống chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, từ đó các thiếu sót, bất cập của hệ thống chúng ta đã lộ rõ. Chúng ta có “chính sách” nhưng chỉ ở mức độ vĩ mô, không được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu và giải pháp khả thi; chúng ta chưa quan tâm đủ đến những người nhập cư và những địa bàn có tập trung nhiều công nhân và người lao động; chưa có quan điểm toàn diện trong việc chăm sóc trẻ mầm non khi quy định chỉ có ngành giáo dục là chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục mầm non; các tiêu chuẩn và quy định còn khá sơ sài; và chúng ta rất ít quan tâm bồi dưỡng, phát triển năng lực thường xuyên cho đội ngũ giáo viên mầm non, đặc biệt là khu vực ngoài công lập; và cuối cùng, chúng ta hoàn toàn thiếu những cơ chế chất lượng đối với giáo dục mầm non, trong khi bỏ quá nhiều thời gian vào những báo cáo mang nặng tính hình thức như các phong trào thi đua, các kỳ thao diễn vv – danh mục nói trên còn có thể kéo dài thêm nhiều nữa.

Để bổ sung và sửa chữa những thiếu sót bất cập vừa được chỉ ra đòi hỏi nhiều thời gian và đặc biệt là nguồn lực vốn không dồi dào của một nước đang phát triển như Việt Nam. Xã hội hóa giáo dục, một chủ trương ra đời rất sớm và rất sáng suốt của ngành giáo dục có lẽ lại một lần nữa là câu trả lời cho vấn đề chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Thay vì sử dụng toàn bộ ngân sách hạn hẹp để cung cấp đủ nhà trẻ công lập tại các địa phương (trong đó có các khu công nghiệp), đào tạo đủ giáo viên mầm non để cung cấp cho các trường mầm non công lập, cần có quy định trách nhiệm xây dựng nhà trẻ cho các công ty, xí nghiệp tư nhân, đặc biệt là khu vực có đầu tư nước ngoài; khuyến khích, hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng (có thể thu phí một phần) cho lực lượng giáo viên mầm non ngoài công lập, thậm chí hỗ trợ về tài chính, cho tư nhân thực hiện dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non; và tất nhiên, tăng cường quản lý, giám sát và kiểm định chất lượng các trường lớp mầm non không phân biệt công tư  – phải chăng đó chính là giải pháp cho vấn đề dường như không có lối thoát hiện nay?

Thursday, February 20, 2014

CÁC NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN AUN DÀNH CHO ĐÁNH GIÁ VIÊN: (1)

Lưu ý:
Bài viết này (gồm nhiều phần) là bản nháp chưa hoàn chỉnh cuả một chuyên đề tôi viết cho Sở KHCN TP HCM, vì vậy người sở hữu là TP HCM còn tác giả là tôi. Các bạn có thể đọc để biết và trao đổi, nhưng xin không trích dẫn hoặc sử dụng nếu chưa được phép của tác giả và người sở hữu nhé. Mong các bạn thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Email của tôi: vtpanh@gmail.com.

--------------
Dẫn:
Loạt bài tôi đang giới thiệu ở đây là một phần nhỏ trong nhiệm vụ của Đề tài cấp thành phố có tên là “Áp dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN ở các trường đại học ngoài công lập tại TP. HCM". Đây là một đề tài do tôi làm chủ nhiệm, đăng ký với tư cách "kép" là Trưởng phòng ĐBCL của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính (University of Economics and Finance, thường được biết đến qua tên tắt là UEF) và cũng là Phó Giám đốc của Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (tên giao dịch thường dùng là EQTS), một trung tâm chuyên trách về các vấn đề chất lượng của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập. 

Cơ quan chủ quản của đề tài tất nhiên là UEF, còn nơi cấp kinh phí và quản lý đề tài là Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM. Đề tài này được thực hiện trong thời gian 2 năm (từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2015), tức là mới bắt đầu khởi động cách đây ít lâu.

Theo các mục tiêu đã được Sở KH&CN Tp. HCM phê duyệt, đề tài hướng đến việc cung cấp cho các trường những kiến thức sâu rộng về đánh giá chương trình theo AUN, đồng thời tạo cơ hội để các trường học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đặc biệt, đề tài sẽ triển khai đánh giá thử nghiệm 2 chương trình đào tạo ở 2 trường đại học ngoài công lập tại TP. HCM với sự tham gia của các chuyên gia đánh giá chính thức đến từ AUN. 

Như vậy, theo hiểu biết (có lẽ rất ít ỏi) của tôi thì đây là lần đầu tiên (?) một tổ chức tư nhân xin được tiền tài trợ của chính phủ VN để thực hiện một đề tài nghiên cứu cho mục tiêu phát triển của mình. Hay quá, đúng không các bạn? Khi tôi nói điều này ra, ai cũng ngạc nhiên và rất phục cái nhìn rất thoáng của TP HCM đấy. Ừ, một thành phố tự tin, năng động và cởi mở như TP HCM thì phải thế chứ nhỉ? (Ôi, mẹ hát con khen ...).

Thôi, dài dòng thế đủ rồi, nay xin đi vào nội dung chính: Giới thiệu các nguyên tắc thực hiện đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN dành cho đánh giá viên. Nội dung của loạt bài này dựa trên tài liệu công bố năm 2013 của AUN có tựa tiếng Anh là GUIDELINES FOR AUN QUALITY ASSESSMENT AND ASSESSORS & FRAMEWORK OF AUN QA STRATEGIC ACTION PLAN 2012-2015.
--------------------

Giới thiệu tài liệu

Tài liệu GUIDELINES FOR AUN QUALITY ASSESSMENT AND ASSESSORS & FRAMEWORK OF AUN QA STRATEGIC ACTION PLAN 2012-2015 (từ đây sẽ gọi tắt là tài liệu Guidelines for Assessors, tiếng Việt là Các nguyên tắc dành cho đánh giá viên) là một tài liệu nội bộ của tổ chức AUN (Mạng lưới các trường đại học ĐNA) được công bố vào Tháng Hai năm 2013 nhằm hướng dẫn các Đánh giá viên (ĐGV) thực hiện hoạt động đánh giá của mình một cách chuyên nghiệp, hiệu quả với kết quả đáng tin cậy.

Tài liệu được viết bằng tiếng Anh, ngôn ngữ giao dịch chính thức của khối ASEAN, có độ dài là 54 trang (tính cả bìa) hoặc 46 trang (nếu chỉ tính phần chính văn). Các nội dung được nêu trong tài liệu gồm có: Giới thiệu mạng lưới đảm bảo chất lượng của AUN, Quy trình đánh giá chất lượng, Các yêu cầu tham gia đánh giá chất lượng, và Kế hoạch tổ chức đánh giá chất lượng và lệ phí phải nộp. Mục lục chi tiết xin xem dưới đây (chữ màu xanh chỉ những gì dịch trực tiếp từ tài liệu).

Mục lục của tài liệu


1.0. Giới thiệu Mạng lưới Đảm bảo chất lượng (ĐBCL) AUN
1.1. Giới thiệu AUN-QA
1.2. Mục tiêu của AUN-QA
1.3. Cấu trúc của AUNU-QA
1.3.1  Chức năng của Hội đồng quản trị
1.3.2  Chức năng của Hội đồng ĐBCL
1.3.3  Chức năng của Giám đốc điều hành
1.3.4  Vai trò của các trường đại học thành viên 
1.3.5  Chức năng của Ban Thư ký
1.3.6  Hội đồng đánh giá AUN 
1.3.7  Cấu trúc và vai trò của Đánh giá viên    
1.3.8  Bộ quy tắc đạo đức dành cho Đánh giá viên

2.0  Quy trình đánh giá chất lượng   
2.1  Chu trình PDCA 
2.2  Giai đoạn Lập kế hoạch 
2.2.1  Phân loại đánh giá 
2.2.2  Đoàn đánh giá 
2.2.3  Lịch trình và lộ trình
2.3  Giai đoạn Thực hiện 
2.3.1  Đánh giá theo hồ sơ 
2.3.2  Đánh giá tại hiện trường 
2.4  Giai đoạn Kiểm tra 
2.5  Giai đoạn Hành động
 
3.0  Các yêu cầu tham gia đánh giá chất lượng
3.1  Tiêu chuẩn sơ tuyển các chương trình tham gia đánh giá
3.2  Yêu cầu đối với chương trình tham gia đánh giá
3.3  Yêu cầu đối với Báo cáo tự đánh giá (Self-Assessment Report, SAR) 
3.4  Yêu cầu đối với việc phỏng vấn các bên liên quan
3.5  Yêu cầu về hậu cần và khách sạn  
3.6  Yêu cầu đối với việc Chấp nhận Quan sát viên
 
4.0  Kế hoạch tổ chức đánh giá và Lệ phí 
4.1  Kế hoạch tổ chức đánh giá
4.2  Sử dụng Biểu tượng AUN-QA và Giấy chứng nhận 

4.3  Lệ phí đánh giá

Và dưới đây là phần Giới thiệu AUN-QA, Mục 1.1.

1.0. Giới thiệu Mạng lưới ĐBCL AUN (AUN-QA)


1.1. Thông tin về AUN-QA


Mạng lưới ĐBCL AUN (AUN-QA) là nhóm nhân sự phụ trách đảm bảo chất lượng (CQO) của các trường thành viên AUN được các trường bổ nhiệm làm đầu mối điều phối các hoạt động nhằm hiện thực hóa sứ mạng tạo sự đồng bộ về các tiêu chuẩn chất lượng và tìm kiếm sự cải thiện liên tục về chất lượng học thuật của các trường đại học trong khu vực ASEAN.

Các hoạt động của AUN-QA được thực hiện bởi các CQO theo Hiệp ước Bangkok đã được thông qua vào năm 2000. Hiệp ước này cung cấp các nguyên tắc nhằm thúc đẩy việc phát triển một hệ thống ĐBCL như những công cụ duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và các tiêu chuẩn học thuật tổng quát của các trường thành viên AUN.

Từ khi Hiệp ước Bangkok được thành lập năm 2000, AUN-QA đã tích cực thúc đẩy, phát triển, và triển khai việc thực hành ĐBCL dựa trên cách tiếp cận thực nghiệm trong đó các hoạt động đều được chia sẻ, thử nghiệm, lượng giá, và cải tiến.

Các mốc thời gian quan trọng của hoạt động ĐBCL AUN được nêu dưới đây (cập nhật đến Tháng 4/2013).  
 

Các mốc thời gian 
1998
AUN-QA được thành lập do sáng kiến của Hội đồng quản trị tại cuộc họp lần thứ 4

2000
Hiệp ước Bangkok về AUN-QA

2004
Phê duyệt Bộ nguyên tắc ĐBCL AUN

2005
Dự thảo Cẩm nang ĐBCL AUN
Hỗ trợ kỹ thuật với sự trợ giúp của AUNP

2006
Phê duyệt Cẩm nang ĐBCL AUN

2007
Đánh giá chất lượng cấp chương trình lần đầu tiên năm 2007
Đánh giá lần đầu tại UM, Malaysia

2008
Đánh giá chất lượng cấp chương trình 2008
Đánh giá lần 2 tại DSLU, Philippines
Đánh giá lần 3 tại UI, Indonesia
Đánh giá lần 4 tại ITB, Indonesia
Phê duyệt Bộ nguyên tắc ĐBCL AUN phiên bản tiếng Trung
Đào tạo đánh giá viên AUN lần thứ nhất
Bộ nguyên tắc ĐBCL của AUN

2009
Hội đồng quản trị chấp thuận phiên bản tiếng Việt của Bộ nguyên tắc ĐBCL AUN
Đánh giá chất lượng cấp chương trình 2009
Đánh giá lần 5 tại UGM, Indonesia
Đánh giá lần 6 tại ĐHQG-HN, Việt Nam
Đánh giá lần 7 tại ĐHQG-HCM, Việt Nam
Đào tạo đánh giá viên AUN-QA lần thứ hai

2010
Đánh giá lần 8 tại UI, Indonesia
Đánh giá lần 9 tại DSLU, Philippines
Đánh giá lần 10 tại ĐHQG-HN Việt Nam
Chuỗi Tập huấn IAI-QA[1] 2010
Tập huấn Tháng Hai tại ĐHQG Lào
Tập huấn Tháng Tư tại ĐH Hoàng Gia Phnom Penh, Campuchia
Tập huấn Tháng Năm tại ĐHQG-HCM

2011
Phê duyệt Tài liệu hướng dẫn đánh giá chính thức cấp chương trình của AUN
Đánh giá chất lượng cấp chương trình 2011
Đánh giá lần thứ 11 tại UGM, Indonesia
Đánh giá lần thứ 12 tại DLSU, Philippines
Đánh giá lần thứ 13 tại ĐHQG-HCM
Đánh giá lần thứ 14 tại UP, Philippines
Khóa tập huấn thực hiện đánh giá chương trình của AUN-QA, 3-6/10/2011, Bangkok
Hội thảo tập huấn về ĐBCL của ASEAN-QA do DAAD tài trợ, phần I

2012
Hội thảo AUN-QA và Hội nghị CQO, 5-6/01/2012, ChiangMai, Bangkok
Hội thảo tập huấn về ĐBCL của ASEAN-QA do DAAD tài trợ, phần II
Khóa tập huấn thực hiện đánh giá chương trình của AUN-QA, 16-19/04/2012, Bangkok
Đánh giá chất lượng cấp chương trình 2012
Đánh giá lần thứ 14, ĐHQG-HN, Việt Nam
Đánh giá lần thứ 15, UI, Indonesia
Đánh giá lần thứ 16, ĐHQG-HN, Việt Nam
Khóa tập huấn AUN-QA, 4-7/12/2012, Bangkok
Dự án AUN-ADB cho các nước CLM
Hội thảo tập huấn về ĐBCL của ASEAN-QA do DAAD tài trợ, phần III

2013
Đánh giá chất lượng cấp chương trình 2013
Đánh giá lần thứ 17, IPB, Indonesia
Đánh giá lần thứ 18, ĐHQG-HN, Vietnam
Đánh giá lần thứ 19, ĐHQG-HCM, Vietnam
Đánh giá lần thứ 20, UGM, Indonesia
Đánh giá lần thứ 21, UNAIR, Indonesia
Đánh giá lần thứ 22, DLSU, Philippines
Đánh giá lần thứ 23, UI, Philippines
Đánh giá lần thứ 24, ĐHQG-HN, Việt Nam
Khóa tập huấn thực hiện đánh giá chương trình của AUN-QA, 22-25/04/2013, Bangkok
Đánh giá thực địa ASEAN-QA
Khóa tập huấn nâng cao AUN-QA, 11/2013, Philippines



Nhìn vào danh mục các mốc thời gian nổi bật trong giai đoạn 1998 đến 2013, ta thấy có thể đưa ra những nhận xét như sau:

1. Từ khi thành lập đến nay, AUN-QA đã hoạt động rất tích cực qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài khoảng 10 năm (1998-2007) chỉ để thống nhất mục tiêu, xây dựng các nguyên tắc hoạt động và tiêu chuẩn chất lượng, nội dung và phương pháp thực hiện đánh giá chất lượng, và những vấn đề khác liên quan đến việc vận hành hệ thống ĐBCL trong AUN. Giai đoạn 2 là giai đoạn hiện tại, bắt đầu từ năm 2007, chủ yếu nhắm vào việc triển khai hoạt động đánh giá chất lượng dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn đã được xây dựng, để vừa giúp thử nghiệm vận hành hệ thống ĐBCL của AUN, đồng thời cũng thực sự thể hiện vai trò giám sát và quản lý chất lượng của Mạng lưới đối với các trường thành viên của mình.

2. Trong khoảng 13 năm hoạt động, AUN-QA đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các kết quả đạt được cho đến nay có thể kể là: Xây dựng được một hệ thống đảm bảo chất lượng hoàn chỉnh của AUN, gồm các nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy trình, phương pháp, tổ chức bộ máy, huấn luyện nhân sự, xuất bản và phổ biến các tài liệu, văn bản chính thức về hoạt động ĐGCL của AUN, thực hiện đánh giá, và tổ chức tập huấn cho các đối tượng có liên quan và có quan tâm. 

Số lượng các chương trình đã được đánh giá tính đến Tháng 4/2103 là 24 chương trình AUN-QA, và số lượng các chương trình nằm trong danh sách chờ đợi đánh giá cũng khá dài, đôi khi phải chờ đến vài năm (do AUN-QA hiện vẫn đang hoạt động với tư cách một hiệp hội phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ lẫn nhau, các hoạt động hầu như không thu lệ phí). Đáng nói là từ khi việc ĐGCL chính thức được triển khai thì số các trường muốn trở thành thành viên của AUN ngày càng tăng (từ chỗ chỉ có 17 thành viên vào năm 2007, nhưng đến năm 2013 AUN đã kết nạp đủ số thành viên tối đa mà họ nhắm đến ở mốc 2015: 30 thành viên, và hiện chưa có kế hoạch mở rộng). Sự thu hút của các khóa tập huấn về tự đánh giá và đánh giá ngoài cũng cho thấy sự thành công của AUN-QA, vì các lớp tập huấn đã chuyển từ chỗ miễn phí cho các thành viên qua các nguồn tiền tài trợ thành các khóa học có thu phí (theo nguyên tắc thu đủ chi - cost recovery) và số người đăng ký vẫn rất đông, phải đăng ký trước vài tháng. 

Tất cả những gì đã nêu đều chứng minh rằng AUN-QA có vai trò rất quan trọng, nếu không nói là chủ chốt, trong việc thúc đẩy quá trình liên thông bằng cấp và công nhận lẫn nhau giữa các thành viên (là hoạt động của Nhóm ACTS - Asean Credit Transfer System), vốn là một trong những mục tiêu cuối cùng của tổ chức AUN. Nếu không có các hoạt động ĐBCL do AUN-QA thực hiện thì sự cách biệt quá lớn về chất lượng giữa các thành viên sẽ là một rào cản đáng kể đối với quá trình nói trên. Với các hoạt động ĐBCL, các thành viên đã có một cam kết chung về chất lượng, có cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng làm cơ sở để xây dựng niềm tin và thừa nhận lẫn nhau.

(còn tiếp)

Wednesday, February 12, 2014

Quản lý trường lớp mầm non tư thục: Cần một cách làm khác! (trích đoạn)

Tựa entry này là một bài tôi viết cho báo Nhân Dân cuối tuần, chưa đăng, nên không thể đăng hết lên đây được. Chỉ chia sẻ một vài đoạn, và một số tài liệu tham khảo mà tôi đã sử dụng. Cùng một số ý kiến chưa đưa vào bài viết.

Mong nhận được trao đổi từ các bạn.
------------
Một số đoạn trích từ bài viết:

Dịch vụ chăm sóc trẻ mầm non tư thục đã tồn tại nhiều năm nay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Số trẻ em mầm non được gửi tại các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân hiện nay đã đạt mức ngang ngửa với khu vực công lập. Tuy vậy, mãi đến gần đây vấn đề quản lý nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân mới được đặt ra một cách toàn diện. Cuộc họp đầu năm Giáp Ngọ vào ngày 7/2 do Thành ủy triệu tập liên quan đến công tác giáo dục trẻ mầm non[1] đã nói lên tính cấp bách của vấn đề.

Tại sao có sự quan tâm đặc biệt như vậy vào lúc này? Có lẽ không ai không biết đến những sự cố đáng buồn xảy ra dồn dập trong năm 2013, mà đỉnh điểm là vụ bạo hành trẻ em tại một nhà ở Thủ Đức[2]. Vụ việc này sau đó đã được xử lý nhanh chóng và nghiêm khắc nhằm mục đích răn đe để làm nhụt chí những kẻ đã và đang có những vi phạm tương tự nhưng chưa bị phát hiện.



Xiết chặt quản lý, rồi sao nữa?
Kiên quyết và mạnh tay xử lý các vi phạm rõ ràng là cần thiết. Đó cũng là những gì hứa hẹn sẽ xảy ra trong năm 2014 này[1]. Tại cuộc họp đầu năm ngày 7/2 đã nêu ở trên, Văn phòng Thành ủy đã đưa ra những con số đáng giật mình: TP.HCM hiện đang có  1.028 nhóm, lớp trường nhân trông giữ trẻ không phép; 1.060 giáo viên, bảo mẫu, người giữ trẻ tại các nhóm lớp, trường tư thục không phép trong đó 337 người có trình độ thấp, không có chuyên môn, không qua trường lớp đào tạo[2]. Một mục tiêu quan trọng của TP HCM trong thời gian tới là tập trung “giải quyết” các đối tượng này.

Đây có thể là một tin mừng, cho thấy các cấp quản lý đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến một vấn đề đã bị bỏ lơ quá lâu. Nhưng nhìn ở môt góc độ khác, nó phản ánh một khuynh hướng đáng lo ngại, đó là: đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà trẻ, nhóm trẻ tư nhân. Đọc lại các thông tin trên báo chí, truyền thông và dư luận công chúng, ta thấy rất nhiều lời lên án đối với những người vi phạm: Tham lợi nên không đầu tư cho các điều kiện vệ sinh và an toàn của trẻ, sử dụng những cô nuôi dạy trẻ chưa qua đào tạo và thiếu trình độ để tiết kiệm chi phí; thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, cố tình vi  phạm pháp luật khi hoạt động chui và hoàn toàn không đăng ký với địa phương vv.

[...]

Và đây là phần tài liệu mà tôi muốn giới thiệu với mọi người. Ai quan tâm đến giáo dục mầm non thì rất nên đọc:

Trong khi chúng ta đang lúng túng với câu hỏi mới thì câu trả lời đã tồn tại ở một quốc gia lân cận trong khu vực. Báo cáo của Văn phòng UNESCO tại Bangkok kết hợp với Quỹ Nhi đồng của Liên hiệp quốc được viết vào năm 2012[1] đã phân tích những thách thức trong việc chăm sóc giáo dục trẻ em của các nước đang phát triển như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan, vv để từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp, dựa trên 5 vấn đề cốt lõi:
(1) Chính sách toàn diện;
(2) Ưu tiên cho các đối tượng “thiệt thòi”;
(3) Chăm sóc và giáo dục toàn diện trẻ mầm non;
(4) Các tiêu chuẩn, quy định, hướng dẫn, và hoạt động bồi dưỡng - phát triển năng lực;
(5) Yêu cầu về chất lượng kèm cơ chế hỗ trợ, giám sát và rà soát thường xuyên, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.