Saturday, December 21, 2013

Liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, từ góc nhìn quản lý


Bài viết mới của tôi, đã đăng trên báo Nhân Dân với ít nhiều biên tập. Xem ở đây: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/21936602-lien-ket-dao-tao-quoc-te-dang-bi-buong-long.html

 Dưới đây là bản gốc chưa biên tập:
-------------

Liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam, từ góc nhìn quản lý
 Thượng vàng hạ cám
Khả năng hội nhập hay mức độ quốc tế hóa là một trong những yêu cầu quan trọng của giáo dục đại học trong thế kỷ 21. Nếu đo lường khả năng này bằng sự hiện diện của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thì ta có thể khẳng định giáo dục đại học của Việt Nam có mức độ quốc tế hóa rất cao.
Sự tồn tại của các chương trình đào tạo liên kết ở một nước kém phát triển là một điều tích cực vì nó góp phần đáp ứng mục tiêu phát triển trong thời đại kinh tế tri thức. Đây cũng là một xu hướng của giáo dục đại học trên thế giới, trong đó những nước có nền giáo dục tiên tiến cung cấp dịch vụ giáo dục cho những nước kém phát triển hơn. Điều này phổ biến đến nỗi nó đã được nêu trong Hiệp định thương mại và dịch vụ (GATS) của tổ chức WTO.
Nhưng giáo dục xuyên biên giới cũng luôn hàm chứa những rủi ro lớn cho các nước đang phát triển, như các tổ chức quốc tế đã cảnh báo[1]. Không khó hiểu, bởi để phán đoán đúng về chất lượng của một chương trình đào tạo đại học nước ngoài đòi hỏi phải có một trình độ khá cao và ít nhiều trải nghiệm về giáo dục quốc tế, điều mà người tiêu dùng giáo dục ở các nước đang phát triển rất thiếu.
Sự thiếu thông tin, thiếu kinh nghiệm và thiếu khả năng phán đoán vừa nêu đã khiến cho việc liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam trong thời gian qua ít phát huy được những lợi ích cho người tiêu dùng giáo dục và cho toàn xã hội, mà trái lại, tạo ra khá nhiều hệ lụy. Có thể tóm tắt tình hình liên kết đào tạo tại Việt Nam trong câu thành ngữ “thượng vàng hạ cám” – trong đó vàng thì ít mà cám lại rất nhiều.
Mất bò mới lo làm chuồng?
Dư luận vẫn chưa quên được các vụ scandal nổ ra liên tiếp về trong khoảng thời gian 2009-2011 khi báo chí liên tục phanh phui ra các trường dỏm, bằng giả, chương trình ảo vv. Câu hỏi đặt ra là: Không có ai quản lý ư, nếu có thì họ ở đâu, làm gì? Xin thưa: Cơ quan quản lý có tồn tại nhưng hầu như chỉ vào cuộc sau khi có những vụ việc bị vỡ lở, thiệt hại đã xảy ra và báo chí đã phanh phui. Tất nhiên, đến lúc ấy thi mọi rủi ro đều do người tiêu dùng hứng chịu, còn mọi lỗi lầm đều thuộc về các đơn vị đã thực hiện liên kết. Hóa ra, trong tất cả những thiệt hại mà xã hội phải gánh chịu, chỉ có nhà quản lý là luôn luôn an toàn, không chịu rủi ro mà dường như cũng chẳng bao giờ chịu nhiệm gì cả.
Một điều khá phổ biến là các cơ sở đào tạo tự thực hiện liên kết mà không xin phép. Đây rõ ràng là lỗi của các cơ sở, nhưng cơ quản lý cũng không phải là không có trách nhiệm, vì họ hoàn toàn có thể khống chế được tình trạng trên. Chẳng hạn, tại TH HCM, trong mùa tuyển sinh 2013 Sở Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường kiểm tra giấy phép các cơ sở đào tạo có tổ chức quảng bá và tuyển sinh nhằm làm giảm tình trạng liên kết bừa bãi như hiện nay. Giá như chúng ta làm điều này từ trước thì đã tránh được biết bao tổn thất cho xã hội.
Ngay cả một cơ sở đào tạo đại học hàng đầu của Việt Nam là ĐHQG Hà Nội cũng mắc sai lầm. Vì thiếu thận trọng không chịu tìm hiểu thông tin trước khi quyết định, ĐHQG Hà Nội đã đẩy người học và cả chính mình vào một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro khi liên kết với Đại học Griggs, không hề biết rằng ngay từ khi bắt đầu bước vào thị trường Việt Nam thì trường này đã có nhiều khó khăn về tài chính và đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.
Điều tệ nhất đã xảy ra. Năm 2011, ĐH Griggs bị xóa sổ. Không rõ vô tình hay cố ý, chương trình liên kết tại ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa cũ với một đối tác đã không còn tồn tại. Sự việc bị phanh phui, các học viên bị thiệt hại về thời gian, công sức đã đành, mà ĐHQG Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng tốn rất nhiều chi phí hữu hình và vô hình để tìm ra cách giải quyết ổn thỏa nhất cho người học.[2] Một tổn thất quá lớn cho toàn xã hội; một kết cục không ai mong đợi. Rủi ro này thật ra quá dễ để ngăn ngừa, vì chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kiểm tra đối tác trước khi liên kết.
Chất lượng hoàn toàn bỏ ngỏ
Ngay cả những chương trình đã được cấp giấy phép cũng không phải là không có vấn đề. Để giảm chi phí, các chương trình liên kết ở Việt Nam thường sử dụng giảng viên tại chỗ nhưng lại không kiểm soát chất lượng một cách nghiêm nhặt. Việc sử dụng giảng viên Việt Nam là một điều đáng khuyến khích; nhưng các cơ sở đào tạo của Việt Nam thường không có đủ giảng viên đáp ứng cả hai yêu cầu chuyên môn và ngoại ngữ, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, chương trình liên kết thường bị cắt xén khá nhiều so với chương trình gốc; thi cử thường không nghiêm vì nhiều cơ sở đào tạo chỉ mong có tỷ lệ đậu cao để tiếp tục thu hút học viên mới.
Trình độ ngoại ngữ của học viên là một vấn đề nghiêm trọng khác. Các chương trình liên kết ở Việt Nam thường cho học viên miễn hoặc nợ chứng chỉ ngoại ngữ ở đầu vào, thỉnh thoảng mới có nơi yêu cầu nộp chứng chỉ khi đã gần tốt nghiệp. Do không đủ trình độ ngoại ngữ nên học viên thường gặp khó khăn khi đọc tài liệu và nghe giảng. Việc gian lận trong học tập và thi cử cũng thường xuyên xảy ra mà không có ai kiểm soát.
Có thể khẳng định chất lượng của đa số chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam hiện đang rất bấp bênh. Nguyên do chính là các chương trình này hiện đang nằm ở vùng mờ, thoát ra ngoài sự kiểm soát của cả nước cung cấp lẫn nước tiếp nhận.
Quản lý chương trình liên kết: Đảm bảo chất lượng và cung cấp thông tin
Câu hỏi mà cấp quản lý các cấp tại Việt Nam cần đặt ra cho mình, đó là: Vì sao cũng là nơi tiếp nhận giáo dục xuyên biên giới, nhưng những quốc gia lân cận như Thái Lan và Malaysia đã không trở thành nạn nhân như Việt Nam? Các nước này đã tận dụng xu hướng liên kết quốc tế để chọn lọc các trường đại học lớn đến mở chi nhánh trên đất nước của của mình, trở thành nơi thu hút người học từ các nước lân cận đến học (và tất nhiên là ngoại tệ của họ). Sẽ có người nhắc đến RMIT Việt Nam nhưng nếu xét theo tổng số người học chương trình nước ngoài thì RMIT Việt Nam thực chẳng thấm vào đâu.
Ngay từ giữa thập kỷ trước, OECD và UNESCO cũng đã đưa ra những khuyến nghị cho các nước đang phát triển nhằm tránh những rủi ro liên quan đến giáo dục xuyên biên giới[3]. Riêng với Việt Nam ở giai đoạn hiện nay, cần thực hiện ngay hai điều, đó là: “đảm bảo chất lượng” và “cung cấp thông tin”.
Về đảm bảo chất lượng, Việt Nam hiện nay vẫn chỉ tập trung vào việc kiểm soát đầu vào, chủ yếu là khâu cấp phép. Nhưng kiểm soát ở đầu vào là chưa đủ, mà còn phải kiểm tra trong suốt quá trình thực hiện. Các quy định về kiểm định chất lượng ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không đề cập đến chương trình liên kết quốc tế, một thiếu sót cần phải bổ sung ngay lập tức, và hoàn toàn không khó thực hiện.
Quan trọng không kém, nếu không muốn nói thậm chí còn quan trọng hơn, là việc cung cấp đầy đủ thông tin cho người học và toàn xã hội. Có thể khẳng định rằng nhà nước Việt Nam mà cụ thể là Bộ Giáo dục đang thực hiện điều này quá kém, hầu như không có vai trò gì, khiến người học bị quay mòng mòng trong một mớ hỗn độn thông tin không chọn lọc. Lẽ ra, công việc đầu tiên của chính phủ khi cho phép các chương trình liên kết quốc tế được triển khai trên đất nước mình là thiết lập một hệ thống thông tin miễn phí và dễ tiếp cận để người tiêu dùng có thể có những lựa chọn đúng đắn, tránh được các rủi ro. Đây là một khuyến cáo quan trọng của OECD và UNESCO được nhiều nước trong khu vực thực hiện nghiêm nhặt.
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thiết nghĩ việc hạn chế những tiêu cực và phát huy những điểm tích cực của liên kết đào tạo quốc tế tại Việt Nam cũng là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đặc biệt là khi mốc thời điểm 2015 với sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN đã thực sự cận kề.

Sunday, December 15, 2013

PISA VN 2012: Thế giới bất ngờ, dư luận nghi ngờ, rồi sao nữa?

Bài viết dưới đây tôi viết theo đặt hàng về đề tài của báo Nhân Dân (cuối tuần), đã đăng vào cuối tuần qua, ở đây: http://nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/21882902-hieu-dung-ve-pisa-cho-viet-nam.html. Còn dưới đây là bản gốc, chưa qua biên tập, và cũng đã được đăng trên trang "học thế nào", ở đây: http://hocthenao.vn/2013/12/11/pisa-vn-2012-the-gioi-bat-ngo-du-luan-nghi-ngo-roi-sao-nua-vu-thi-phuong-anh/
------------
 PISA VN 2012: Thế giới bất ngờ, dư luận nghi ngờ, rồi sao nữa?

Chín người mười ý …
Kết quả kỳ thi PISA 2012 đã tạo ra một trận cuồng phong dư luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mấy ngày qua, trên tờ báo nào cũng đầy ắp tin tức và bình luận về kết quả kỳ thi, với đủ mọi sắc thái tình cảm: từ bất ngờ, phấn khởi, mừng rỡ, đến nghi ngờ, dửng dưng, mai mỉa…

Có thể đoán được sự vui mừng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nơi chịu trách nhiệm về toàn bộ kỳ thi. Không vui sao được, khi ngay lần tham gia đầu tiên Việt Nam đã đạt điểm cao hơn mức trung bình của OECD, hơn cả Anh, Mỹ, Úc…. Niềm vui này biểu hiện rõ qua những tiếng reo vui trên mặt báo như “gây bất ngờ cho cả thế giới” [1], “khơi dậy trí tuệ Việt”[2], “xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ”[3]…. Không chỉ vui, báo chí còn đồng thanh ca ngợi sự chuyên nghiệp của PISA và đánh giá cao sự “dũng cảm” của Việt Nam khi quyết định tham gia vào một sân chơi quốc tế.

Cùng với sự vui mừng, các ý kiến trái chiều xuất hiện ngay lập tức. Khi nhiều người vẫn còn “say sưa với chiếc bánh PISA”,[4]đã có lời cảnh tỉnh là “nên thận trọng”;[5] kỳ thi này “không phản ánh toàn bộ năng lực”[6] của học sinh, càng không cho biết về chất lượng của cả nền giáo dục.Tính chính xác của kết quả PISA bị nghi ngờ: liệu kỳ thi “có thực chất”,[7] hay đã có sự can thiệp, chuẩn bị “luyện thi” từ phía Việt Nam? Và dù không có việc luyện thi thì “vượt Mỹ không có nghĩa là đã thành công”;[8]người Việt học giỏi nhưng nhân lực của Việt Nam luôn bị đánh giá là yếu, thiếu tính sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác vv – những yếu tố quan trọng nhưng không hề đượcPISA kiểm tra.

Thầy bói mù sờ voi?
Các ý kiến trái ngược nhau khiến tất cả mọi người đều cảm thấy rất lúng túng: Biết tin ai khi cả hai đều có những lý lẽ thuyết phục – hoặc không thuyết phục – ngang nhau?

Không thể phủ nhận hoàn toàn giá trị của PISA. Theo dõi một vài nước lân cận trong khu vực, ta thấy đạt điểm cao trong kỳ thi này không hề dễ dàng. Trong 5 nước ASEAN tham gia PISA 2012, Việt Nam chỉ thua Singapore nhưng bỏ xa ba nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Thái Lan đã tham gia kỳ thi này liên tục 5 lần kể từ lần đầu tiên vào năm 2000 với kết quả thuộc vào hàng thấp. Viện Khảo thí Giáo dục Quốc gia (NIETS) sau đó đã được thành lập vào năm 2005 để thực hiện khảo sát chất lượng giáo dục dựa trên những bài kiểm tra theo kiểu PISA ở nhiều cấp học. Có nhiều khả năng Thái Lan đã cho các học sinh của mình làm quen rộng rãi với PISA. Nhưng kết quả năm 2012 của Thái Lan vẫn cứ ở mức cách xa trung bình của OECD[9].  Ấn Độ tham gia một lần vào năm 2009 với kết quả rất thấp, đến nỗi họ quyết định không tham gia kỳ thi năm 2012 nữa[10]. Hai ví dụ trên cho thấy kết quả PISA của Việt Nam cao ngay từ lần đầu tiên không phải là vô nghĩa.

Nhưng cũng không thể trách dư luận. Bỏ qua những nhận định như “nên xấu hổ vì người Việt học giỏi mà vẫn nghèo”, hoặc “giáo dục Việt Nam càng lên cao càng kém”, chỉ nói riêng về PISA ta vẫn có thể trách Bộ Giáo dục đã không cung cấp thông tin đầy đủ về kỳ thi, dẫn đến những nghi ngờ không cần thiết. Trang web của Bộ cho biết Việt Nam đã đăng ký tham gia PISA từ năm 2009; triển khai các hoạt động chuẩn bị từ năm 2010; tiến hành thử nghiệm vào năm 2011; khảo sát chính thức vào năm 2012. Có Ban Quản lý PISA cấp quốc gia, Văn phòng PISA Việt Nam trong Bộ Giáo dục, có cả Ban Chỉ đạo PISA ở mỗi tỉnh/thành phố. Nhưng thời gian dài chuẩn bị với bộ máy không nhỏ vẫn không đủ để tạo một trang web riêng cho PISA để phổ biến các thông tin cần thiết về kỳ thi, đáp ứng mối quan tâm và tạo điều kiện giám sát cho toàn xã hội.

Thông tin chính thức về kết quả kỳ thi nằm trong báo cáo về kỳ thi trên trang web của Bộ[11]. Báo cáo dài nhưng không nhiều thông tin, chủ yếu nêu những công tác mà Văn phòng PISA đã thực hiện chứ không phân tích sâu về kết quả. Có một chi tiết đáng chú ý, đó là: do Việt Nam không có trang web như các nước khác (!), nên Văn phòng PISA đã (phải) biên soạn công phu tài liệu tập huấn cho giáo viên. Nội dung đã có sẵn, nhưng công chúng vẫn không được giới thiệu trước về PISA. Hoàn toàn thiếu những thông tin quan trọng để diễn giải đúng kết quả kỳ thi. Thiếu những thông tin về khung mẫu, phương pháp chọn mẫu; nội dung và mục đích của các đợt tập huấn; thống kê mô tả về mẫu tham gia kỳ thi như danh sách các trường ở từng địa phương, số lượng học sinh ở từng trường, tỷ lệ nam-nữ, tỷ lệ thành thị-nông thôn …. Không ai quan tâm trả lời một thắc mắc đang râm ran trong dư luận như: Tại sao PISA dành cho học sinh 15 tuổi (cuối bậc trung học cơ sở), nhưng Việt Nam lại là những em ở tuổi 16 (sinh năm 1996, thi năm 2012)? Học sinh Việt Nam đã học gần xong lớp 10, đã vượt qua một kỳ thi chuyển cấp khó khăn trước đó, đây có phải là nguyên do dẫn đến kết quả cao?[12].

Cần hiểu đúng về PISA
Có lẽ, trước khi bàn thêm về ý nghĩa kết quả PISA 2012 đối với giáo dục Việt Nam, chúng ta cần thống nhất một thái độ đúng đắn về kỳ thi này. Thực ra, điều này đã được Thứ trưởng Nguyễn Minh Hiển đề cập đến từ đầu tháng 4/2012 trong một bài phỏng vấn trên báo Giáo dục Việt Nam, nói về “hai thái cực cần tránh”[13] đối với PISA. Hai thái cực đó là: quá coi trọng, xem đó là minh chứng cho sự ưu việt của giáo dục Việt Nam, hoặc quá coi thường, xem đó chỉ là những số liệu “thú vị”[14] không thực sự có ý nghĩa gì đối với nền giáo dục Việt Nam.

Tưởng cũng cần phải nhắc lại mục đích của PISA. Ngay cách chúng ta gọi PISA là “kỳ thi” (examination) cũng cho thấy cách hiểu chưa đúng về PISA, khi thực ra phải gọi đó là một kỳ “khảo sát” (survey), nhằm mục đích để hiểu hiện trạng chứ không phải để hơn thua. Dù một phần quan trọng của cuộc khảo sát được tính bằng điểm số, và kết quả của các nước tham gia được sắp xếp từ cao xuống thấp dựa trên số điểm của từng nước, nhưng PISA không nhằm so sánh năng lực của học sinh giữa các nước với nhau, mà chỉ là ghi nhận năng lực này đồng thời tìm mối liên hệ với các yếu tố khác mà đặc biệt là các yếu tố về chính sách để tìm ra nguyên nhân của hiện trạng đó, từ đó đưa ra những khuyến nghị chung về chính sách giáo dục mà tất cả các quốc gia đều có thể học hỏi và áp dụng.

Để làm điều này, PISA không chỉ khảo sát năng lực học sinh, mà còn thu thập thông tin qua một bảng hỏi dành cho học sinh để khảo sát sự say mê, động cơ học tập, và sự tự tin vào năng lực của bản thân[15]. Đây là một nguồn thông tin hết sức quan trọng nhưng hầu như chưa thấy ai đề cập đến, kể cả trong báo cáo của Bộ. Nếu kết hợp những thông tin này với kết quả khảo sát năng lực học sinh thì bức tranh về giáo dục Việt Nam có lẽ sẽ tối đi một chút – nhưng chắc cũng sẽ trở nên rõ nét và đáng tin hơn. Ví dụ, nên giải thích như thế nào về việc học sinh của Indonesia và Thái Lan đều cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với học sinh Việt, trong khi học sinh Việt lại báo cáo trốn học, bỏ giờ học/buổi học nhiều hơn học sinh Indonesia và Thái Lan? Điều đó liệu có phải vì sức ép học hành quá nặng nề của gia đình và nhà trường đối với học sinh Việt, khiến các em dù học giỏi (đạt điểm cao) nhưng không hề cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, như lâu nay ta vẫn tin như thế?
Đây mới chỉ là một ví dụ, trong khi còn rất nhiều thông tin khác mà ta có thể đọc được khi kết hợp các thông tin từ bảng hỏi với các thông tin của bài khảo sát năng lực mà lâu nay báo chí vẫn thường chú trọng quá mức. Tiếc rằng cho đến nay những thông tin ấy – đã được PISA công bố trong những báo cáo công phu trên trang web của tổ chức này – vẫn chưa được khai thác, phân tích và tổng hợp để cung cấp cho công chúng những hiểu biết sâu sắc hơn về chất lượng thực và hướng đi cần có của nền giáo dục Việt Nam.

Cuối cùng, có thể đưa ra một nhận xét mà có lẽ cả hai “phe” ủng hộ và không ủng hộ PISA đều đồng ý. Đó là: giáo dục Việt Nam còn quá thiếu những dữ liệu khách quan, đa chiều, kết hợp cả định lượng lẫn định tính, được phổ biến công khai, minh bạch cho mọi người cùng xem xét, tranh luận, giám sát. Đồng thời, chúng ta cũng rất thiếu những phân tích thận trọng và có chiều sâu của những nhà quan sát độc lập trên cơ sở các dữ liệu mà ai cũng có thể tiếp cận và kiểm chứng. Hai cái thiếu vừa nêu lâu nay vẫn luôn là một trong những điều bất cập trong quản lý giáo dục hiện nay; nó có thể cũng giải thích tại sao công chúng không có niềm tin vào giáo dục nước nhà, kể cả khi có những kết quả khách quan do một bên thứ ba độc lập thực hiện. Và nếu nhìn ở khía cạnh ấy thì việc tham gia PISA của Việt Nam, dù cho kết quả cao hay thấp, vẫn là một thay đổi quan trọng theo hướng tăng thêm sự minh bạch, tạo điều kiện giám sát, tranh luận, góp ý của tất cả các bên liên quan, để từ đó làm tăng thêm niềm tin đối với ngành giáo dục. Đó mới chính là lợi ích thực sự của việc tham gia PISA của Việt Nam.