Thursday, April 18, 2013

Nói chuyện tiếng Anh (14): Chuyện học tiếng Anh ở Thái Lan, hay, Trông người lại ngẫm đến ta!

Như các bạn biết, nhắc đến việc dạy và học tiếng Anh tại VN là tôi lại phát rầu. (Mà cũng chẳng phải chỉ riêng tiếng Anh, mà cả ngành giáo dục nói chung, các bạn nhỉ? Mà cũng chẳng riêng ngành giáo dục .... Well, I think I am going too far!!!!)

Nhưng hôm nay đọc được bài này trên tờ Bangkok Post thì thấy ... vui vui lên một chút (?!) vì hóa ra chuyện dài dạy và học tiếng Anh (hay Nỗi buồn tiếng Anh như một người bạn của tôi hay nói) không chỉ là chuyện của VN mà cả Thái Lan cũng chịu chung số phận nữa.

Vâng, bài viết trên tờ Bangkok Post có tựa như thế này: Yêu cầu học sinh Thái Lan nói tiếng Anh: Nhiệm vụ bất khả?

Bạn có thể đọc bài ấy ở đây: http://www.bangkokpost.com/learning/easier-stuff/275993/mission-impossible-getting-thai-students-to-speak-english?goback=%2Egde_39986_member_233377580.

Nào, để xem việc học tiếng Anh ở Thái có gì giống VN không nhé?

Ôi, ngay từ câu đầu đã thấy Thái giống Việt Nam rồi: Người học thì chẳng có nhu cầu sử dụng tiếng Anh gì cả và thấy chỉ cần tiếng Thái là đủ (--> không có động cơ học tiếng Anh), mặc dù tác giả bài viết cũng lo lắng về việc năm 2015 sắp đến là ASEAN sẽ trở thành một cộng đồng chung (tương tự châu Âu), tức ai muốn đi làm ở đâu trong khắp khu vực ASEAN cũng được! Cái này giống mình quá!

Chính vì lo lắng về việc này nên từ năm 2012 Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan đã đưa ra một đề án trong đó yêu cầu tất cả các trường phổ thông ở Bangkok phải yêu cầu học sinh nói tiếng Anh một tuần một ngày. Tuy nhiên, mới đây một phóng viên của tờ Bangkok Post đã đi khảo sát tình hình để xem đề án này được triển khai ra sao, và kết quả cho thấy là việc triển khai đề án này hết sức khó khăn. Hừm, xem ra điều này cũng rất giống VN, vì chúng ta cũng có đề án ngoại ngữ 2020 với mục tiêu tương tự và việc triển khai dường như cũng hết sức khó khăn!

Ôi, thế là ta có thể ... thở phào nhẹ nhõm rồi chứ nhỉ? Vì việc học tiếng Anh ở VN có vẻ rất khó khăn, nhưng Thái Lan cũng thế mà, phải không? Vậy thì có lẽ lỗi không phải tại chúng ta, mà là vì tiếng Anh quá khó, người châu Á (hay ít ra là người Đông Nam Á) không học được chăng?

À không, giữa VN với Thái Lan không chỉ có những điều giống nhau, mà còn có những điều khác nhau nữa ạ. Ví dụ, ngay năm 2012 thì Bộ Giáo dục Thái đã yêu cầu các trường phổ thông ở Bangkok nói tiếng Anh mỗi tuần một ngày. Mà đó là TẤT CẢ các trường và TẤT CẢ học sinh và giáo viên nhé. Chứ ở VN thì cho đến nay chưa thấy ai dám làm như thế cả. Trường duy nhất mà tôi thấy có một chính sách tương tự là trường Đại học Quốc tế Miền Đông ở Bình Dương (của công ty Becamex) thôi, mà dường như kết quả của việc này cũng kha khá đấy. Vậy nếu Bangkok chỉ cần khoảng 20% các trường phổ thông triển khai được việc này thì cũng đã hơn VN đến rất nhiều lần rồi!!!!

Một ví dụ khác là ngay chính trang Bangkok Post nơi đưa cái tin mà tôi đang điểm đây, đó là một tờ báo địa phương của Thái nhưng viết bằng tiếng Anh và đã tồn tại từ rất lâu rồi, tận giữa thập niên 90 của thế kỷ trước tức cách đây gần 20 năm họ đã có phiên bản tiếng Anh trên web rồi, và rất phổ biến, được người ngoại quốc đọc rất nhiều. Không những thế, trên tờ báo này còn có một trang học tập (Learning) dựa trên những tin tức do họ viết (bằng tiếng Anh) và soạn ra thành những bài giảng ngắn để dạy tiếng Anh cho người Thái.

Các bạn có thể vào trang ấy ở đây http://www.bangkokpost.com/learning/ để xem cách họ làm. Và họ cũng đã làm điều này từ thâp niên 90 tức trên dưới 20 năm nay rồi. Một cách làm rất chuẩn, gắn việc học tiếng Anh với những vấn đề thời sự và thực tế, và dùng ngay báo chí địa phương để làm cho những bài học có tính thời sự của địa phương, gần gũi với người học chứ không chỉ lấy báo chí của phương tây với những vấn đề có thể xa lạ với số đông người học - một cách làm rất sáng tạo.

Còn ở VN? Cho đến nay tôi chưa thấy có một nỗ lực dài hơi nào của báo chí để phổ biến tiếng Anh ở VN cả. Nói cho đúng, hồi cuối thập niên 1990 khi tôi mới đi học ở Úc về thì phong trào học tiếng Anh cũng đang lên rất cao, và báo chí cũng quan tâm. Tôi cũng có một khoảng thời gian hồi còn ở khoa Anh cộng tác với một vài tờ báo để mở chuyên mục nói về tiếng Anh, lúc ấy tôi viết cho tờ Sài Gòn Tiếp Thị và columm ấy của tôi khá ăn khách! Nhưng rồi sau đó sa vào công tác quản lý, bận rộn quá, nên tôi viết không đều được nữa nên cuối cùng mục ấy của tôi bị ... chết. Phải mở ngoặc nói thêm rằng tôi rất cám ơn báo SGTT vì tôi đã thôi cộng tác với báo cả hơn chục năm nay rồi, thế mà họ vẫn nhớ và gửi báo biếu cho tôi hàng tuần, đều đặn bằng ấy năm, từ năm 1997 đến giờ, thật đáng kính nể! (Vì vậy, hãy đọc và cổ động báo SGTT, các bạn nhé!)

Hồi ấy, tôi nhớ anh NVP cũng phụ trách mục tiếng Anh cho Kinh tế trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, những bài viết của anh ấy cũng rất hay, nhưng cuối cùng giờ đây cũng không thấy nữa, chắc là anh Phú cũng quá bận (bây giờ lên tới Tổng thư ký tòa soạn rồi thì phải). Trong khi đó, ngành giảng dạy tiếng Anh của VN thì ... bị doping, số lượng người có bằng cử nhân tiếng Anh và thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh tăng vọt mà chất lượng thì hình như tỷ lệ nghịch với số lượng, và thế là ... sau một thời gian chộn rộn, nhiều người kiếm tiền rất dễ trong nghề dạy (và cả xuất bản, theo kiểu book piracy) tiếng Anh "phất" lên thấy rõ (như địa ốc), rồi sau đó thì cả cái ngành ấy bị sụp như bong bóng địa ốc, để đến bây giờ khi đặt lại vấn đề giảng dạy tiếng Anh thì mọi người lại dường như bắt đầu từ đầu. Nói cho đúng hơn là còn tệ hơn từ đầu, vì nếu bắt đầu từ đầu thì còn dễ, chứ đàng này lại bắt đầu từ chỗ học dở dang và học sai, hu hu hu!!!

Cho nên, đọc bài về cái khó khăn trong việc dạy và học tiếng Anh ở Thái Lan, tôi chẳng thấy mừng hơn chút nào, mà càng lo hơn. Vì họ còn khó, còn lạc hậu, nhưng họ đang đi đúng hướng. Còn mình thì ... lạc hậu và lạc hướng, trời ơi!!!

Well, nghe đến câu trời ơi thì có vẻ tuyệt vọng quá các bạn nhỉ. Nhưng tiếng Anh có câu: Where there's a will, there's a way. Có ý chí thì sẽ có cách thôi!

Mà chúng ta, tôi và những bạn đọc của blog này, chúng ta đều là những kẻ có ý chí mà, phải không các bạn? Yes, there will be a way!

Wednesday, April 17, 2013

Tản mạn về tiếng Anh tại VN, và free download báo cáo nghiệm thu đề tài "Đánh giá hiệu quả đào tạo tiếng Anh ..." (Tác giả: Vũ Thị Phương Anh, 2004)

Như các bạn có thể thấy, gần đây mối quan tâm của tôi lại trở về với việc đào tạo tiếng Anh. Mặc dù tôi đã từng tuyên bố là không bao giờ thèm quan tâm đến việc đào tạo tiếng Anh nữa khi tôi rời khỏi Khoa Anh trường ĐH KHXH-NV vào cách đây 10 năm (đầu năm 2003) sau một cơn "binh biến".

Mở ngoặc về cái gọi là "binh biến" này: hồi ấy việc mở cử nhân Anh văn tại chức kém chất lượng ở Khoa tôi đang lan tràn như căn bệnh ung thư, và với tư cách một người có trách nhiệm tôi đã phản đối việc ấy hết mình; và cũng chính vì diều này nên lẽ ra tôi đã là Chủ nhiệm Khoa của nhiệm kỳ mới thì tôi được điều lên ĐHQG-HCM để làm công tác tại Trung tâm Khảo thí. Thực ra, lên làm việc tại TTKT thì âu cũng là một cái may trong cái rủi, vì tôi lại được làm điều mà tính thẳng thắn của tôi cho phép tôi làm, mặc dù cũng chẳng dễ dàng gì và sau 8 năm ở đấy thì tôi lại quyết định rời nó, hic!

Quay trở lại tiếng Anh: Có nhiều nguyên nhân khiến tôi quan tâm trở lại đến việc đào tạo tiếng Anh, nhưng tôi muốn nêu ở đây 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, tôi có may mắn được biết qua và tham gia ít nhiều (rất ít thôi ạ) vào đề án 2020 của Bộ Giáo dục, theo đó thì đến năm 2020 tiếng Anh sẽ trở thành một thế mạnh (!) của Việt Nam. Một mục tiêu cao cả, và khi nó được đặt ra vào năm 2007 thì nó rõ ràng là nó cho thấy một tầm nhìn không hề kém cỏi của người đã đưa ra chủ trương ấy.

Chỉ có điều, hơn 5 năm đã qua đi kể từ khi nó được nghĩ tới, và chỉ còn có 7 năm nữa thì các mục tiêu đặt ra (ví dụ: học sinh tốt nghiệp THPT phải đạt trình độ B1 tức khoảng 5 điểm IELTS, là điểm tối thiểu để có thể đi học ở nước ngoài những chương trình đào tạo nghề nghiệp hoặc làm lao động phổ thông - nói thêm, theo như tôi biết thì 5 điểm IELTS cũng là điểm tối thiểu để có thể được cấp visa vào Úc dài hạn một chút chứ không phải chỉ đi du lịch) mà hiện trạng bây giờ vẫn vô cùng ngổn ngang, giáo viên tiếng Anh ở trường phổ thông thì hiện nay đang lo lắng, tao tác chạy đi học luyện thi để chứng tỏ là mình đủ năng lực tiếng Anh để đứng lớp, với kết quả dường như là rất không khả quan.... Haizzz, nói đến việc này thì đúng là tôi chỉ còn biết thở dài! Rồi chẳng biết đến năm 2020 mọi việc sẽ ra sao, hay lại phá sản toàn bộ như nhiều đề án hoành tráng khác như đề án tin học hóa 112 trước đây?

Một lý do thứ hai mà tôi quan tâm đến việc dạy tiếng Anh ở VN là, trời ơi, chỉ còn có 2 năm nữa là lực lượng lao động của VN sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với lực lượng lao động của các nước Đông Nam Á khác như Thái Lan, Philippines vv, ở ngay trên đất VN, và với lợi thế về ngoại ngữ của họ thì tất cả những chỗ làm "ngon lành" ở các công ty nước ngoài tại VN sẽ do những người Thái, người Phi, người Indo ... đảm nhiệm hết! Còn ngược lại, ai mà giỏi tiếng Anh thì thị trường lao động sẽ không chỉ bó hẹp tại VN mà được mở rộng ra khắp ĐNA. Ai không biết thông tin này thì xin đọc ở đây nhé, trên trang web của ASEAN: http://www.asean.org/communities/asean-economic-community.

Vì trăn trở về việc dạy tiếng Anh tại VN nên tôi chợt nhớ ra một đề tài mà tôi được Sở Khoa học Công nghệ TP HCM đặt hàng từ năm 2002, và hoàn tất vào cuối năm 2004. Lúc ấy, kết luận của tôi là sinh viên đang học cuối năm thứ ba tại các trường ĐH lớn tại TP HCM chỉ đạt trình độ khoảng trên dưới 350 TOEFL (paper-based), nếu quy ra chuẩn châu Âu thì có lẽ đạt đâu đó khoảng trình độ A2. Nên nhớ rằng đa số sinh viên chỉ học tiếng Anh đến hết năm 3, vì năm thứ tư là năm cuối, hầu như chỉ còn học có 1 học kỳ, còn 1 học kỳ còn lại thì lo thực tập vv và thi tốt nghiệp, nên trình độ cuối năm 3 cũng có thể xem là trình độ lúc ra trường rồi. Tôi nghĩ bây giờ mà có đo lại thì chắc trình độ các em cũng chỉ thế thôi, mà từ năm 2004 đến nay đã gần 10 năm rồi, vẫn dặm chân tại chỗ, thì 7 năm nữa liệu chúng ta có điều gì nhảy vọt không nhỉ?

Ôi, đúng là nỗi buồn tiếng Anh! Biết làm gì với nó bây giờ, khi

So runs my dream, but what am I?
A baby crying in the night
A baby crying for the light
And with no language but a cry!

(Lord Alfred Tennyson, In Memoriam)

Tạm dịch như sau, chưa hay lắm:

Thơ thẩn tôi mơ, nhưng tôi là ai?
Đứa trẻ con với tiếng khóc thê lương
Đứa trẻ con nức nở giữa đêm trường
Đòi ánh sáng, nhưng nào có ai thương?


Thôi thì đăng báo cáo nghiệm thu của tôi lên đây cho mọi người cùng đọc vậy!

https://docs.google.com/file/d/1UOppN6O2NM7kdGsapBfadFFIhHUt8CTi1HUMNbQfO-JzxSsZlb8Odav2mdwa/edit?usp=sharing

Enjoy các bạn nhé!

Monday, April 15, 2013

Câu chuyện giáo dục (1): Tản mạn về bụi phấn, blog, facebook, hacker và giáo dục

Như các bạn đã thấy qua tựa của entry này, tôi vừa bắt đầu một loạt bài mà tôi tạm gọi là câu chuyện giáo dục để ghi lại những gì tôi nghe, nhìn, thấy, nghĩ về giáo dục, không chỉ là vấn đề khoa học hoặc lý luận hoặc kỹ thuật như lâu này tôi vẫn làm trên blog này.

Nói thêm, entry đầu tiên này sẽ là một entry rất tản mạn, nhưng tôi tin là rất quan trọng. Vì nó liên quan đến "triết lý giáo dục", là điều mà nhiều người đang cho rằng VN đang rất thiếu. Và nếu cần tìm nguyên nhân của tình trạng mà nói theo cách nói "văn vẻ" của ai đó mà tôi thấy là rất đúng, rằng giáo dục VN "vừa lạc hậu vừa lạc hướng", thì tôi cho rằng căn nguyên của nó chẳng có gì khác hơn là sự thiếu triết lý này.

Nhưng tôi cần phải giải thích cái tựa entry này đã. Bụi phấn, đó là tên một bài hát rất hay dành cho nhà giáo, và thường được hát trong Ngày nhà giáo Việt Nam. Nó cũng là tên của một cái blog bằng tiếng Anh - chalkdust - và chắc không đoán bạn cũng có thể biết ngay rằng đó là một blog viết về giáo dục.

Còn facebook và hacker thì đó là những nội dung mà bài viết mới nhất trên blog Chalkdust này đang đề cập đến. Bài viết ngắn thôi, và cũng chỉ là ghi chép tản mạn giống như tôi đang làm, nhưng chỉ với một mẩu truyện ngăn ngắn như thế ta đã có thể thấy toát ra một triết lý giáo dục vô cùng nhân bản. Nhưng chúng ta sẽ nói thêm về việc này sau.

Vậy chỉ còn từ cuối cùng thôi, là từ giáo dục. Nhưng đọc đến đây thì các bạn đã hiểu tôi muốn nói gì rồi phải không ạ. Chỉ muốn thêm một chút ở đây thôi: trong tiếng Anh có hai từ khác nhau để chỉ cái mà chúng ta hay gọi chung là "giáo dục", đó là "schooling" - nghĩa đen là có đi học, có đến trường lớp đàng hoàng, và "education", tức là giáo dục. Và theo tôi giáo dục như thế nếu muốn dịch nôm na thì phải dịch ra thành "dạy/học làm người", còn "schooling" thì dịch ra thành "học/dạy chữ, dạy nghề".

Có phải một biểu hiện của việc thiếu triết lý của giáo dục VN chính là quên mất ý nghĩa đích thực của từ education, mà đã biến nó thành đồng nghĩa với schooling, hay không?

Và cuối cùng, xin quay trở lại trang blog Chalkdust với câu truyện liên quan đến facebook và hacker. Các bạn tạm đọc trước bằng tiếng Anh ở đây nhé: http://webenglishteacher.com/chalkdust/2013/02/the-hack-2/. Câu truyện rất cảm động và kết cục rất vui. Còn tối nay, nếu rảnh tôi sẽ dịch nó ra và đăng lên đây cho các bạn xem.

Enjoy (phần tiếng Anh, of course) các bạn nhé!

Tuesday, April 2, 2013

Về chuyện ngôn ngữ và dịch thuật (Nguyễn Vạn Phú)

Tôi ít khi chép bài của người khác về blog mình, nhưng thỉnh thoảng có những bài hay và ít nhiều trùng với ý mình, hoặc ngược lại có điểm cần tranh luận, thì tôi hay chép về để lưu, đọc, tìm lại và bình luận hoặc tranh luận. Bài này của anh NVP là một bài như thế - đây là bài mà tôi đồng ý gần như hoàn toàn. Xin phép anh NVP cho tôi được lưu lại ở đây nhé (tiền trảm hậu tấu, chắc anh không phiền). 

Nguồn: http://nguyenvanphu.blogspot.com/2013/04/ve-chuyen-ngon-ngu-va-dich-thuat.html
--------------------
Về chuyện ngôn ngữ và dịch thuật
Tôi có một số suy nghĩ về vấn đề ngôn ngữ nói chung và dịch thuật nói riêng nhu thế này.
  1. Không nên cứng nhắc, cầu toàn khi nói về ngôn ngữ vì miễn sao có sự giao tiếp giữa hai người trở lên thì ngôn ngữ đã đóng trọn vai trò của nó. Chẳng hạn, ngày xưa, xưa lắm rồi, có người cứ khăng khăng đòi phải dùng từ “chúng cư” thay vì “chung cư”. Nhưng cái thông điệp phát ra từ câu văn có dùng từ “chúng cư” là sự sân si, khoe chữ chứ không giúp gì cho việc giao tiếp cả.
Tương tự, ngày nay đôi lúc tôi rất dị ứng với những ai dùng sai từ “cứu cánh” theo nghĩa “cứu tinh, cứu viện” (Bất động sản là cứu cánh của nền kinh tế; Bệnh tâm thần là cứu cánh cho tội danh hối lộ…) trong khi nghĩa đúng của từ này là “mục đích sau cùng”. Nhưng lại nghĩ nếu đa phần các bạn trẻ dùng sai như thế thì chính các bạn ấy tạo ra một nghĩa mới cho từ này và lâu dần, tự điển phải ghi nhận thêm nghĩa này cho nó thì sao!
Vì thế từ “công sở” (cái này là tranh luận trên một diễn đàn) ngày xưa chỉ dùng cho nơi làm việc của cơ quan công quyền nhưng ngày nay có bạn dùng nó để chỉ nơi làm việc nói chung (không phân biệt công tư) như trong câu “thời trang công sở” thì cũng được, miễn sao mục đích giao tiếp được thỏa mãn.
Nói thế nhưng cũng phải chú ý đến chuẩn mực của ngôn ngữ. Một mặt chấp nhận sự tiến hóa của ngôn ngữ nhưng mặt khác phải duy trì cái chuẩn mực để mọi người hướng đến. Điều đáng tiếc là ngày nay ở Việt Nam rất ít nơi, ít nhân vật tạo ra và duy trì cái chuẩn mực ấy như các nhà văn nhà trí thức nhà báo ở các nước khác. Vai trò của người biên tập, của báo chí là duy trì cái chuẩn mực ấy để sửa sang và điều chỉnh để làm sao ngôn ngữ thỏa mãn vai trò giao tiếp đến với số đông nhất.
  1. Dịch thuật là một nghệ thuật đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn chuyện hiểu, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Lạ một điều là bất kỳ ai có chút kiến thức về ngoại ngữ cũng có thể tham gia tranh luận vào cách dịch thuật, mà tranh luận rất hăm hở nữa là đằng khác. Theo tôi cái chuẩn mực trong dịch thuật là làm sao để đến khi thuật ngược lại cho tác gia văn bản gốc nghe, họ sẽ bảo, nó không hoàn toàn là những điều tôi viết nhưng ý tôi đúng là như thế đấy – vậy là đạt.
Lấy ví dụ cuốn “Bố già” của Ngọc Thứ Lang dịch từ cuốn “The Godfather” của Mario Puzo.  Đây là một dịch phẩm xuất sắc nhưng nếu có ai rảnh đối chiếu bản tiếng Việt và bản tiếng Anh sẽ thấy hàng loạt lỗi dịch sai, dịch sót. Nói vậy chứ bất kỳ ai đã đọc nguyên tác rồi đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang đều phải thừa nhận dịch giả đã chuyển tải được tinh thần, văn phong, bút pháp của Puzo qua bản dịch thần tình này. Vậy là đạt ở mức xuất sắc.
Một ví dụ khác, tờ Slate vừa có bài “Is Sherlock Holmes in the Public Domain?”, nói về chuyện quyền tác giả. Thông thường người ta quy định quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả và sau đó thêm 50 năm nữa. Hết thời hạn này thì tác phẩm sẽ là “của chung” (public domain), ai muốn xài thì cứ thoải mái. Vì thế nhan đề bài báo nên dịch thành “Bản quyền Sherlock Holmes đã hết hạn chưa?” là rất đạt. Nhưng cũng sẽ có người cãi vậy đã dịch được chữ public domain đâu mà bảo là đạt!!!
Ở đây cũng là câu chuyện chuẩn mực. Điều đáng tiếc là người dịch giỏi ngày càng hiếm bởi họ không có động lực để dịch. Lại không có người san định để thống nhất từ ngữ. Ví dụ từ “private equity” đến giờ tranh luận miết vẫn chưa ai đưa ra cách dịch hay và chính xác.
  1. Trở lại với tựa sách “Nice Girls Don’t Get the Corner Office” của Thái Hà Books là nguyên do cái note này. Tôi ít khi dám chê ai dịch sai bởi lý do như đã nói ở trên. Gần đây nhất là chuyện thấy báo Thanh Niên chơi một lần hai ba bài về chuyện sai tiếng Anh (rất hữu ích) nhưng báo cũng chê quá đà, chê viết ticketing counter là sai, phải viết ticket counter mới đúng. Hai từ này được dùng như nhau thôi, chê sai một cách nặng nề làm gì.
Nhưng khi thấy tựa sách được dịch thành “Phụ nữ thông minh không ở góc văn phòng” in to đùng ngoài bìa thì phải lên tiếng vì dịch như thế chẳng khác nào bảo phụ nữ thông minh phải xông xáo, phải xung phong ra tuyến đầu lửa đạn!!! Nếu người dịch cứ chân phương mà nói “Phụ nữ dễ bảo thì khó tiến thân” thì có ai phê phán gì đâu (bởi câu này rất bình thường không có gì phải tranh luận). Còn dịch cho hay lại là chuyện khác.
Cuối cùng, dịch sai cũng còn châm chước được vì ai cũng có lúc sai sót. Nhưng biết mà cố ý dịch ẩu như vụ các báo dịch lại bài về ba nữdoanh nhân Việt Nam trên tờ Guardian rồi thêm bớt, xào nấu phục vụ cho ý đồ của mình là điều đại kỵ trong nghề báo, nghề dịch, nghề viết lách. Rất đáng lên án.

Monday, April 1, 2013

"Nâng cao sức khỏe nền giáo dục: Cần tới kiểm định chất lượng" (bài PV trên báo Sinh viên Việt Nam)

Vừa qua, báo Sinh viên Việt Nam có thực hiện phỏng vấn tôi nhân dịp Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng NCL có thư "kêu cứu" đến Thủ tướng về nguy cơ phá vỡ chủ trương XHH của nhà nước do những khó khăn trong tuyển sinh của khối trường NCL. Nay bài phỏng vấn đã lên báo giấy, tôi đăng lên đây để chia sẻ với mọi người.
-----------------

Thưa bà, là chuyên gia kiểm định, nếu nói thật về sức khỏe của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, thì bà sẽ nói gì?

Tôi sẽ không thể nói về tất cả các trường NCL vì nói như thế là vô trách nhiệm: tôi không có đủ thông tin. Tuy nhiên, với những gì mà tôi biết về một số trường NCL, đa số các trường này ở TP HCM hoặc những tỉnh gần TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, thì tôi có thể nói hai điều:

(1) Về số lượng giảng viên cơ hữu, chắc chắn đa số các trường NCL không thể bằng các trường công lập lớn vì hoàn toàn không có sự hỗ trợ của nhà nước (tất nhiên tôi chưa xét đến một thực trạng mà ai cũng biết là có nhiều giảng viên mặc dù là cơ hữu của trường công lập nhưng thực ra lại giảng dạy chính ở các trường NCL vì họ cảm thấy được tôn trọng hơn và thường thì các chính sách đãi ngộ cũng tốt hơn – như tôi hay nói đùa, hộ khẩu thì ở trường công lập nhưng lại sinh sống ở bên trường NCL);
(2) Về hiệu quả của việc giảng dạy, cũng như sự quan tâm đến và tôn trọng người học thì ở đa số các trường NCL tốt hơn trường công rất nhiều. Tôi biết sẽ có nhiều người phản đối điều tôi mới nói, và luôn cho rằng trường công lập có chất lượng tốt hơn nên suy ra hiệu quả giảng dạy ở trường công là cao hơn. Nhưng cần nhớ rằng ở những trường công có tiếng thì chất lượng đầu vốn đã rất tốt; điều đó không hề do công sức của các trường mà chỉ là do chính sách ưu đãi của NN đối với trường công (học phí thấp, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư vd như các ĐHQG, giảng viên được tạo cơ hội học tập ở nước ngoài vv), và nếu đầu vào tốt thì đầu ra tốt là đương nhiên. Khoảng cách về chất lượng giữa trường tư và trường công nếu có thì trước hết phản ánh sự khác biệt ngay ở đầu vào, và điều đó không hề do các trường tạo ra. Trong khi đó, các trường tư phải nhận một đầu vào thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra được cho xã hội một nguồn nhân lực mà thị trường chấp nhận, vì nếu các trường tư đào tạo ra mà sv tốt nghiệp không có việc làm thì khối trường này đã chết lâu rồi chứ không tồn tại đến ngày nay để chịu khó khăn như vậy.


Điều gì sẽ xảy ra, nếu sẽ có các trường ngoài công lập bị phá sản?
Nếu các trường NCL bị phá sản thì có 2 khả năng có thể xảy ra:
1.     Trở lại thời kỳ không đủ chỗ học cho sv, tức không thể cung cấp đủ nhân lực cho một nền kinh tế tri thức và cạnh tranh toàn cầu hiện nay
2.     Nếu không muốn điều này xảy ra thì nhà nước có thể sẽ cho thành lập thêm nhiều trường đại học công lập khác với chất lượng ngày càng thấp, do nguồn lực nhà nước rõ ràng là không đủ để đầu tư cho quá nhiều trường đại học như vậy. Ngay cả với số trường hiện nay thì nhà nước cũng chưa đầu tư đầy đủ như cần thiết để có được những trường chất lượng cao như mong ước của chúng ta nhiều năm nay (có được trường tốp 200 thế giới năm 2020 chẳng hạn).

Thưa bà, có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân làm các trường ngoài công lập khốn đốn trong việc tuyển sinh đó là hệ thống điểm sàn. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi phải nói rằng, với điểm sàn chung này, ngay cả các trường công cũng khó tuyển sinh chứ chưa nói đến trường tư. Với hệ thống điểm sàn như hiện nay sẽ chẳng giúp ích được gì cả. Tôi nghiêng về quan điểm cần có một đầu vào mở. Kể cả những như hệ thống giáo dục của Mỹ cũng là một hệ thống mở như thế. Hệ thống đại học của Mỹ cho phép người học nếu chưa tốt nghiệp phổ thông, thậm chí học hành dở dang không xong trung học phổ thông vẫn có thể thi kỳ thi GED (tương tự bổ túc văn hóa) và vẫn có thể vào những trường đại học lớn,  nhưng để ra được trường thì phải qua những kỳ kiểm tra rất khắt khe. Đó mới đúng là tinh thần học thật, học tập suốt đời.

Áp dụng điểm sàn cứ để đảm bảo chất lượng ư? Tôi e rằng không phải. Tôi là dân nghiên cứu chất lượng nên thấy cứ sử dụng áp dụng điểm sàn là vô cùng phi lí. Ở Sài Gòn, có một vài tờng mà ngay cả tôi cũng muốn cho con cái học, nó không phải thi cử vất vả như các trường khác, điển hình như RMIT. Nếu thi rớt ở hệ thống đại học của ta thì vào RMIT, họ chỉ xét học bạ, để vào học trường này chỉ cần tốt nghiệp THPT (là kỳ thi mà hiện nay chính Bộ GD cũng chê là không có chất lượng nên phải có kỳ thi đại học để lọc bớt những học sinh kém), còn điểm trung bình trên học bạ chỉ cần 6 điểm, nhưng đầu ra thì không ai chê sinh viên của trường này dốt cả,…  Họ tuyển là phỏng vấn, kiểm tra tiếng Anh. Tiếng Anh cũng là một chuyện, em nào học kém thì học 1 năm tiếng Anh, thậm chí 2 hay 3 năm tiếng Anh cho tới khi nào xong mới được ra. Như vậy, tại sao mình cứ chặn đầu vào mãi mà giáo dục của mình nó có hơn họ gì đâu?! tại sao không mở đầu vào và siết đầu ra kĩ lưỡng.

Vì sao nay lời lẽ của Hiệp hội có vẻ khá nặng khi phản ánh những bất cập của hệ thống giáo dục đại học và những vướng mắc mà cơ chế gây ra cho hệ thống trường ngoài công lập?

Hiệp hội đã kêu 3 năm nay, chứ không phải năm nay mới kêu. Nhưng đến năm nay lời lẽ của Hiệp hội là nặng. Nói thật, hầu như trường công nào khi bộ thả lỏng đều tăng thêm ít nhất 10% sinh viên, trong khi tổng số nguồn sinh viên không thay đổi thì còn chỗ nào cho trường tư nữa. Trường công cũng lấy đến điểm sàn rồi thì lấy đâu sinh viên cho trường tư nữa. Thêm nữa, trường tư bị đóng thuế cao, và không được bộ hỗ trợ đất… Học phí của trường tư chứa cả tiền đóng thuế (những trường trong thành phố khoảng hơn 20% học phí dành cho thuế). Đó là những thứ bất cập sờ sờ về mặt chính sách.

Có cảm tưởng là không ít người muốn hệ thống trường tư chết đi cho xong. Thì cứ coi tất cả là lợi nhuận đi, ít nhất nó là loại hình doanh nghiệp, nhà nước có nên quan tâm và có chính sách. Bởi nó đụng chạm đến toàn bộ xã hội: Nếu nó chết thì chất lượng giáo dục có tiến được không? Tôi tin chắc là không. Nếu trường tư chết thì trường công tha hồ tuyển, chất lượng vẫn thấp. Nhưng nếu có hệ thống trường tư cạnh tranh, thì hệ thống trường công cũng vì thế mà nâng cao chất lượng hơn.  

Tôi cho rằng, Bộ cứ đi kiểm định, trường nào yếu thì đóng cửa, Hiệp hội sẽ không có một tiếng nào. Đằng này lại không kiểm định.

Nhưng nếu xem trường tư là một loại hình doanh nghiệp – như bà vừa nói, thì chuyện rủi ro trong đầu tư là đương nhiên nhà đầu tư phải chịu chứ?!

Thì rõ ràng một nhà nhà đầu tư thì họ có thể hình dung ra rằng là xây trường sẽ có lợi, thì họ mới làm. Nhưng để họ tham gia thì rõ ràng trước đó nhà nước đã có chính sách, quy hoạch, do đó Nhà nước phải thấy chứ. Cái chuyện cứ để cho họ làm rồi để cho họ chết cũng lỗi nhà nước, vì nói gì thì nói đó cũng là vốn liếng của xã hội. Bộ GD&ĐT đừng có vô cảm như vậy, nếu diễn ra cái chết của một số trường ngoài công lập thì nó sẽ rất phí phạm vốn liếng xã hội, của cả sinh viên lẫn thầy cô giáo, vốn nhà của đầu tư... Ngay từ đầu cấm các nhà đầu tư thì có thể họ đã đi kinh doanh ngành khác rồi, sẽ có lợi cho xã hội hơn. Trách nhiệm của chính sách là cực kỳ lớn. 

Theo bà là có cái cách giải quyết nào phát huy được vai trò của trường ngoài công lập không?

Như thế này, hiện nay trong cái đống lổn nhổn như thế, chính sách nào mà nó mất lợi cho trường ngoài công lập, nhà nước phải xem xét một cách thực sự. Không phải coi đó là chuyện miễn cưỡng mà coi nó là một phần trong chính sách giáo dục của mình. Chính sách mà vướng thì nên cùng tháo gỡ để giúp họ. Chứ Bộ không nên giữ khư khư tâm lý: chính sách của mình sửa là chính sách của mình sai. Tại sao cứ thi ba chung với điểm sàn, trong khi nó không hề làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn. Mà cái làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn ngay đấy là kiểm định. Nếu có chính sách kiểm định độc lập, nghĩa là để cho tư nhân tham gia, khi áp vào thì các trường tự nhiên nó phải chỉnh đốn để nâng cao chất lượng của mình. Các trường tư nào mà không làm thì sẽ đóng cửa ngay. Sự tham gia của tư nhân là giải pháp cho rất nhiều vấn đề. Đơn vị kiểm định phải độc lập ngoài nhà nước, hoặc nước ngoài càng tốt. Và đó gần như là giải pháp duy nhất.

Có những chính sách nó sai và nó sai hệ thống. Cái chính sách của mình khiến cho trường tư không thể ngóc đầu lên được. Đơn cử như việc giao đất, nếu không giao được đất thì ít nhất đừng có bắt họ đóng thuế đến mấy chục phần trăm.

Theo bà, mô hình giáo dục ở nước nào, chúng ta có thể học hỏi được họ?

Tôi đang nghiên cứu về một số nền đại học trong khu vực, và đặc biệt quan tâm đến nền giáo dục Malaysia. So sánh sự phát triển của trường ngoài công lập của Malaysia với Việt Nam thì có khá nhiều điểm giống nhau ở bước khởi đầu. Malaysia cũng từng không có trường ngoài công lập nào, tất cả đều là trường công lập. Đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, họ mới thấy là kinh tế, tri thức hội nhập thì cần phải có trường ngoài công lập. Họ có lộ trình rất rõ ràng ngay từ đầu và kiểm định kiểm soát rất chặt, và bây giờ có được 50% số sinh viên học ở hệ thống trường ngoài công lập. Một số trường ngoài công lập của họ thu hút đông sinh viên quốc tế đến. Họ cũng xuất phát điểm như Việt Nam mình, nhưng giờ có một nền giáo dục ngoài công lập khá ổn, nhưng của ta thì đứng trước nguy cơ... vỡ. Chuyện này trách nhiệm của ngành giáo dục (đặc biệt là cơ quan làm chính sách) lớn vô cùng. Mà bây giờ chỉ có nhà nước chữa được thôi.