Tuesday, February 28, 2012

Compendium of Planning Information là gì?

Trong bài viết hôm trước nhận xét về chất lượng dịch của khóa tập huấn về Nghiên cứu nội bộ do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực ĐHQG-HCM tổ chức, tôi có nhắc đến cụm từ Compendium of Planning Information. Cụm từ này là một ví dụ trong bản mô tả chức năng của Phòng Nghiên cứu nội bộ của trường đại học Ohio, mà hôm viết bài thì tôi chưa có thì giờ để tra nên chưa thể dịch nó là gì.


Nay có chút thời gian, tôi đã tìm hiểu thêm về cụm từ này, cũng đã vào tận trang nhà của IR Office của ĐH Ohio, và có thể đưa ra lời giải thích và dịch nghĩa như sau:


Compendium of Planning Information = Kho (tập hợp) thông tin quy hoạch

Trong đó, planning information thì dễ hiểu rồi, nhưng từ compendium thì cần được giải thích. Định nghĩa bằng tiếng Anh của từ này theo Từ điển Merriam-Webster là như sau:


1: a brief summary of a larger work or of a field of knowledge : abstract

2 a: a list of a number of items b: collection, compilation


Nghĩa thì như vậy, còn công việc thực tế là gì? Dưới đây là lời giải thích lấy từ trang của IR office, ĐH Ohio:

Planning Compendiums

The Compendium of Planning Information shows descriptive data on various indicators for Athens campus colleges and departments/schools. The Compendium is updated annually and is available in two formats -- one organized by type of indicator (section) and one organized by college and department (profile). It contains seven years of the most current data available.

Tạm dịch:
Kho thông tin quy hoạch cung cấp những dữ liệu mô tả về nhiều chỉ số (chỉ báo, indicators) cho các khoa/bộ môn thuộc cơ sở Athens. Kho thông tin này được cập nhật hằng năm và được tổ chức dưới hai dạng thức: dạng thức theo chỉ số (theo hạng mục) và dạng thức theo khoa/ bộ môn (theo đơn vị). Kho thông tin chứa thông tin cập nhật của 7 năm gần nhất.
Địa chỉ web: http://www.ohio.edu/instres/compendium/index.html, Các bạn có thể vào đây để tìm hiểu thêm về hoạt động của một phòng IR với những thông tin mà họ lưu giữ.

Sunday, February 26, 2012

Thư trả lời chị Phạm Thị Ly

Tình cờ tôi được bạn bè báo cho biết chị Phạm Thị Ly có thư ngỏ gửi tôi ở trên trang web của chị ấy. Tôi không rõ chị ấy viết bài đó từ hôm nào, vì bình thường tôi không đọc trang của chị ấy mà chỉ đọc lướt qua khi có bạn bè hay học trò báo cho biết có gì liên quan đến cá nhân hoặc công việc của mình mà thôi.

Mọi người có thể đọc nó tại đây.

Có lẽ cả tôi với chị Ly đều là những người có nhiều người biết đến. Ai như thế nào đều có cả một quá trình lâu dài để chứng minh. Và tất cả những người biết chúng ta đều là người lớn, chí ít cũng là các sinh viên đã trưởng thành, nên không ai có thể lừa ai được.

Vì chính chị Ly muốn nhắc lại vấn đề này nên tôi xin nói như sau:

Từ lâu nay tôi vẫn chờ - và cho đến hôm nay thì hoàn toàn thất vọng - một lời xin lỗi chính thức từ chị Ly về những hành động đạo văn, dù vô tình hay cố ý, của chị ấy, không phải chỉ về bài dịch mà tôi vô tình phát hiện với đầy đủ chứng cớ, mà còn nhiều thứ khác. Những thứ ấy chị Ly biết rõ, có lẽ không cần nhắc lại vì đã được nêu ra trước đây, và cũng chẳng tốt đẹp gì cho chị, nhưng tôi cũng sẵn sàng đưa ra công khai nếu chị Ly có yêu cầu đối chất - là điều mà trước đây chị đã một lần yêu cầu tôi (theo lời của chị là "minh định") với thái độ rất tự tin ngạo nghễ đến khó hiểu, chắc chị vẫn nhớ.

Ngay cả bài dịch mà chị Ly bảo rằng chị ấy nhầm lẫn, tôi cũng có một chứng cớ rất rõ ràng rằng chị ấy đã không nói đúng sự thật, liên quan đến một chỗ sửa ở cuối bài dịch của tôi theo hướng có lợi cho chị ấy, trong khi chị Ly thì bảo rằng chị không đọc lại bài dịch nên mới bị nhầm lẫn như thế. Tôi có hỏi lại về chi tiết này, nhưng chị Ly đã không trả lời (không thèm trả lời, hay không thể trả lời?)

Về việc chị ấy nói rằng chỉ vì việc nhầm lẫn ấy mà chị ấy phải rời vị trí PHT, lại một lần nữa tôi thấy chị nói không đúng. Ai quan tâm đến việc này nên hỏi người nguyên là cấp trên của chị ấy. Còn tôi, tôi muốn nói trực tiếp với chị Ly điều này: khi tiếp xúc với cấp trên của chị Ly - người mà tôi rất kính nể vì đã hết sức chân thành xin lỗi tôi, face-to-face, về sự cố này, trong khi lẽ ra điều ấy phải đến từ chị Ly - thì tôi đã nói rằng tôi chỉ cần một lời xin lỗi, một sự thừa nhận sai sót, để chị ấy thực sự rút kinh nghiệm, và đã đồng ý gặp chị Ly ba mặt một lời theo đề nghị của cấp trên của chị ấy. Nhưng rồi việc ấy đã không xảy ra, mà không phải do tôi - do ai thì nên hỏi chị Ly.

Quanh vụ "nhầm lẫn" bài dịch của tôi, thực ra tôi đã không nhận được một lời xin lỗi nào ngoài bức thư mà chị ấy đã viết gửi tất cả mọi người - bằng tiếng Việt không dấu, một cách tỏ thái độ xem thường người khác, vì những bức thư khác chị ấy đều viết có dấu đầy đủ - vốn chỉ nhằm mục đích che đậy cho chính mình, chứ không hề gửi riêng để giải thích và/hoặc xin lỗi tôi. Trong khi đó, để chất vấn thêm về những điều chưa rõ quanh việc này tôi đã gửi mail riêng cho chị ấy. Chị Ly không những không trả lời mà còn đưa lên trang web của mình những lời chửi xéo, đại ý là không có thì giờ đâu mà quan tâm đến những con người chỉ biết dùng thì giờ của mình để hạ thấp người khác, đại khái thế. Bài viết ấy sau đó chị ấy đã xóa đi, có lẽ theo yêu cầu của cấp trên, tôi nghĩ thế, nhưng tôi vẫn còn lưu lại, như lưu những trải nghiệm về một con người.

Cũng giống như vụ VTV và cô Lượm, tôi mãi chờ một lời xin lỗi, và đến bây giờ thì tôi có thể hoàn toàn kết luận rằng chẳng cần gì phải chờ nữa: lời xin lỗi ấy sẽ không thể có được từ một người cao ngạo vô lối như thế. Tôi thấy qua bức thư ngỏ trên trang web của chị Ly, lại một lần nữa chị ấy đang lên mặt dạy đạo đức cho tôi như trước đây khi còn đang nợ những câu hỏi của tôi. Giả dụ nếu tôi cần học đạo đức, thì chị Ly đóng vai thầy dạy đạo đức liệu có phù hợp không nhỉ?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi chẳng có lý do riêng gì, lại càng không có thời gian, để phải quan tâm đến chị Ly như chị Ly đã nghĩ (chẳng lẽ chị lại cho rằng chị quan trọng đến thế đối với cuộc đời của tôi?) Việc tôi mở ngoặc trong bài viết mà chị Ly đề cập đến hay bất kỳ bài nào khác là điều tôi làm rất bình thường, vì tôi xem blog là nơi để ghi lại mọi reflections của tôi về mọi việc xảy ra trong cuộc đời tôi, xung quanh tôi, trong đó có rất nhiều việc liên quan đến chính bản thân tôi, dù xấu dù tốt. Nhưng việc xấu có liên quan đến người khác thì tôi luôn để ở dạng ẩn danh vì chỉ viết cho mình chứ không có mục đích bêu xấu người khác (chị nhớ lại xem, tôi cũng đã làm như thế với entry "Buồn hay phẫn nộ"), vì vậy, chỉ có người trong cuộc thì mới hiểu được kinh nghiệm mà tôi nhắc đến là gì mà thôi.

Mặc dù rất thất vọng về tư cách của chị Ly, và phẫn nộ vì hành vi đạo văn - dù vô tình hay cố ý - ở những mức độ khác nhau của chị Ly, trong đó có những hành vi liên quan đến tôi, nhưng những entry mà tôi tôi đã viết trong đó nêu ra những việc chẳng lấy gì làm tốt đẹp liên quan đến chị Ly thì tôi đã cất đi, để việc ấy được khống chế trong phạm vi hẹp vì lan ra quá rộng sẽ chẳng tốt gì cho chị ấy. Lẽ ra chị Ly phải cám ơn tôi vì điều ấy, và chắc chắn là không thể cám ơn bằng bức thư ngỏ lên giọng răn dạy đạo đức mà tôi đang đề cập đến ở đây.

Tôi không dùng blog để đôi co, và vì thế những entry ghi lại những điều không mấy tốt đẹp thì tôi sau khi đọc lại tôi đều cất đi để lưu cho riêng mình chứ không để public. Nhưng riêng entry này thì tôi sẽ để lại, để trả lời entry của chị trên trang của chị ấy, vì nếu không thì mọi người sẽ không đủ thông tin.

Chị Ly có đề nghị mọi chuyện nên chấm dứt ở đây. Mọi việc thì nó sẽ chấm dứt thôi chị ạ, dù chuyện lớn đến mấy đi nữa, vì sẽ chẳng có ai có thì giờ để nhớ. Huống chi đây chỉ là chuyện không đáng gì. Nhưng ký ức của tôi về những điều đã gây cho tôi ấn tượng mạnh - xấu hoặc tốt - thì nó vẫn còn đó, và thỉnh thoảng khi reflect về những gì có liên quan thì nó sẽ lại tuôn ra, độc lập với ý thức của tôi. Lúc ấy, nếu dòng liên tưởng của tôi có liên quan đến việc của chị, thì chắc chị lại cho rằng tôi cố tình xúc xiểm mạ lỵ chị (chẳng lẽ trong đời tôi chỉ có một mình chị để quan tâm?). Nếu sau này có như thế nữa thì tôi cũng đành chịu thôi. Nghìn năm bia miệng, chị ạ.

Có bao giờ chị nghĩ rằng cách tốt nhất để chấm dứt nó là hãy học ngay từ thái độ của người nguyên là cấp trên của chị, đó là chân thành và dũng cảm thừa nhận sai sót với chính người mà chị đã gây ra điều sai trái hay không?
---
Tôi cũng muốn nói một lần cho rõ đến mọi người và nhất là chị Ly như thế này: việc dịch một bài ngăn ngắn như bài chị đã lấy của tôi là hoàn toàn không khó khăn gì, khi ngày nay đã có google dịch và hàng trăm công cụ khác hỗ trợ. Hoặc có thể bỏ ra với giá vài chục ngàn, một trăm ngàn/trang là sẽ có ngay nhiều người dịch. Ở TT tôi thì có lẽ có hàng chục em có thể dịch bài ấy, trừ một vài thuật ngữ hoặc kiến thức, kinh nghiệm mà các em không có. Vì vậy sẽ không ai đánh giá chị hay tôi ai giỏi hơn ai qua một bài dịch đó.

Vấn đề là với sự cố đó, và hàng loạt những việc khác nữa, thì tôi có rất nhiều câu hỏi về việc liệu chị có hay không ý thức về bản quyền và công sức lao động trí tuệ của người khác, trong đó có tôi? Vì nếu chị không có ý thức về điều này thì chẳng thể nào tôi dám làm việc khi có chị ở xung quanh, vì luôn phải cảnh giác xem mình có cái gì hở ra và có thể bị mất bản quyền hay không. Những câu hỏi của tôi dành cho chị trước đây là hoàn toàn chính đáng, nhưng tôi đã không nhận được câu trả lời, mà cũng chẳng có được sự thừa nhận như sau này chị đã gián tiếp thực hiện ở nơi này nơi khác khi nói rằng chị đã sai (có thể do không biết?). Mà ngược lại, dường như chị lại cho rằng đó là sự đố kỵ, ganh ghét, xúc xiểm của tôi đối với chị? Nếu chị ở vào vị trí của tôi thì không hiểu chị sẽ nghĩ như thế nào nhỉ?

Cho nên, nếu mọi việc cứ dây dưa mãi không chấm dứt như thế này thì có lẽ chị cũng thấy rằng ít ra đó là một phần trách nhiệm của chị chứ. Hay lại cũng chỉ là tại tôi nữa, một người hình như chỉ biết lấy việc hạ thấp người khác làm mục đích tồn tại của đời mình (như chị đã nói)? Mà kể cũng lạ, sao tôi lại cứ phải có thái độ như thế với riêng một mình chị, chị Ly nhỉ?
----
Tôi cũng muốn nhắc lại với chị tựa đề của một email mà tôi đã gửi cho chị lần cuối cùng khi còn xem nhau là "bạn": "Mọi người không có cái quyền ấy đâu Ly ạ!". Mong chị cố gắng nhớ lại xem tại sao quan hệ "tốt" giữa chúng ta lại chấm dứt nhé, vì tôi thấy trong thư chị viết gửi tôi thì chị bảo là không rõ tại sao, rất ngây thơ!

Saturday, February 25, 2012

“Phát triển nguồn nhân lực” bằng những tài liệu dịch như thế này ư?

Nhận được nhiều thắc mắc và than phiền của học viên cao học và đồng nghiệp cũ và mới, trong và ngoài ĐHQG-HCM về chất lượng tài liệu được cung cấp tại khóa tập huấn về “phân tích thông tin nội bộ”, một nội dung được cho là rất quan trọng do Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực của ĐHQG-HCM đứng ra tổ chức vào đầu tuần vừa qua, tôi có đề nghị những người tham gia khóa học cung cấp cho tôi một vài tài liệu để tôi có thể kiểm tra sự chính xác của lời than phiền và giải đáp thắc mắc cho mọi người.

Xin nói thêm, trong các buổi tập huấn đó có khá nhiều người biết tiếng Anh, trong đó có cả những người đang nghiên cứu và hoạt động trong đúng lãnh vực mà nội dung tập huấn đề cập đến, đó là nghiên cứu và thực hiện công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, mà ở Mỹ người ta thường đặt ở một bộ phận gọi là Institutional Research.

Cụm từ này tôi đã dịch là “Nghiên cứu nội bộ” theo đúng định nghĩa của nó, vì bản chất của hoạt động này là tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi chưa có câu trả lời, dù chỉ phục vụ “nội bộ” cũng như chỉ nghiên cứu về một khách thể duy nhất là chính cơ sở giáo dục (institution) mà nó phục vụ mà thôi. Vì vậy, những lỗi dịch sai được phát hiện một cách khá dễ dàng nếu như độc giả có được bản gốc tiếng Anh trong tay.

Trong những trường hợp không có bản gốc, thì nhiều nội dung đã được dịch bằng một thứ tiếng Việt mơ hồ, khó hiểu, đôi khi thậm chí kỳ dị, và người ta không hiểu phải chăng vì nội dung quá cao siêu nên mình không thể hiểu, hoặc do người dịch thất bại trong diễn đạt, hay là … chính người dịch cũng chẳng hiểu những gì mình viết ra, mà chỉ dịch theo kiểu ráp từng từ sau khi tra từ điển?

Sau khi đọc mẫu một vài trang trong một vài tài liệu lấy ra từ “núi” tài liệu mà khóa tập huấn cung cấp, tôi có thể nhanh chóng kết luận 2 điều sau:

1. Người dịch không có chuyên môn nên không hiểu hết những gì mình dịch, đặc biệt khi đi vào chuyên môn sâu. Điều này thể hiện rõ qua việc dịch sai, dịch ngớ ngẩn, hoặc cố tình bỏ sót không dịch, và đặc biệt là không có chú dẫn đối với những từ viết tắt, vốn được sử dụng rất nhiều trong tiếng Anh và là dấu hiệu cho biết một người nào đó có thực sự ở trong ngành hay không.

Một ví dụ hay được đưa ra về viết tắt trong chuyên ngành là acronym “ESP”, vốn được đa số mọi người hiểu là “Extra Sensory Perception” tức “giác quan thứ sáu”, nhưng chỉ có dân TESOL là ngay lập tức đọc acronym này ra thành “English for Specific Purposes” tức “Tiếng Anh cho các mục tiêu chuyên biệt”, hay còn gọi là “Tiếng Anh chuyên ngành”. Vì vậy, một khi đã dịch chuyên ngành thì nhất thiết phải có các chú dẫn về các từ viết tắt, nếu không thì nhiều thông tin về chuyên môn sẽ bị mất.

2. Không chỉ có những sai sót về chuyên môn, các bản dịch thỉnh thoảng còn cho thấy sự mất căn bản trầm trọng về tiếng Anh, một điều khó có thể chấp nhận ở một đại học lớn, nơi mà mọi chức vụ quản lý từ cấp phòng, cấp khoa trở lên hầu hết đều được đảm nhiệm bởi những người có bằng tiến sĩ trở lên. Và điều này lại càng mỉa mai hơn khi nơi đứng ra tổ chức lại là một trung tâm có tên là “Phát triển nguồn nhân lực” của một đại học thuộc loại đàn anh, lá cờ đầu của hệ thống đại học Việt Nam.

Dưới đây là bản so sánh và phân tích một đoạn dịch rút trong một tài liệu rất đơn giản là bản mô tả chức năng của Phòng nghiên cứu nội bộ (trong tài liệu tập huấn sử dụng cụm từ “phân tích thông tin nội bộ” hoặc “phân tích nội bộ”) của trường Đại học Ohio, địa chỉ web là http://www.ohio.edu/instres/insres/functions.html. Để dễ đối chiếu, tôi xin đưa từng đoạn (paragraph) theo trình tự: Tiếng Anh (bản gốc), tiếng Việt (bản dịch được cung cấp), và phần bình luận của tôi cho mỗi đoạn. Những đoạn in đậm là đoạn có vấn đề.

(Đoạn 1)
Statement of Core Value:
Ensure that the university community is well-informed with reliable information so that it may carry out its mission effectively and efficiently. Ensure that the University is represented well to external agencies.


Tuyên ngôn về Những Giá trị Cốt lõi của Phòng Phân tích Nội bộ:

Bảo đảm rằng cộng đồng đại học được thông tin đầy đủ vói những thông tin đáng tin cậy, để nhà trường có thể hoàn thành được sứ mạng của mình một cách hữu hiệu. Bảo đảm rằng hình ảnh Trường Đại học Ohio được truyền thông một cách đúng đắn đối với các tổ chức bên ngoài.


Nhận xét:
- Dùng từ “tuyên ngôn” để dịch “statement” là không đúng, một ví dụ của lỗi “thậm xưng” (dùng từ đao to búa lớn không cần thiết). Tuyên ngôn là “bản tuyên bố có tính cương lĩnh bày tỏ chủ kiến của một chính đảng, một tổ chức” (Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, NXB Văn hóa – Thông tin 1998 trang 1753). Trong khi đó, đây chỉ là giá trị của một bộ phận trong một tổ chức, nên cần dịch là “phát biểu” (giá trị cốt lõi), hoặc đơn giản hơn, chỉ cần là “giá trị cốt lõi” (không cần dịch “statement”).

- Dịch “cộng đồng đại học” ở đây là hoàn toàn sai nghĩa, thể hiện cách dịch “ráp từng chữ” và không chú ý đến/không hiểu mạo từ “the” trong cụm từ “the university community”. Cần chú ý rằng theo đúng định nghĩa của “institutional research” (nghiên cứu nội bộ) thì phòng này chỉ có quyền cũng như trách nhiệm cung cấp thông tin cho chính tổ chức mà nó phục vụ (ở đây là ĐH Ohio), chứ không thể đưa ra cho những trường khác sử dụng như hàm ý của cụm từ “cộng đồng đại học” trong bản dịch. Ở đây “the university community” cần được dịch “toàn trường”, hoặc “cộng đồng nhà trường” nếu muốn dịch sát từ “community”.

- Cụm từ “effectively and efficiently” dịch thành “hữu hiệu” tuy không sai nhưng bỏ sót ý. Trong institutional research, vốn rất chú trọng dữ liệu và đo đạc, người ta không chỉ quan tâm đến “hiệu quả” hay “tính hữu hiệu” (effective, tức làm được điều mình muốn làm), mà còn quan tâm đến “hiệu suất” (efficient, tức làm với mức chi phí thấp nhất). Dịch chính xác phải là “có hiệu quả và hiệu suất cao”.


- Toàn bộ câu cuối dịch sai, vì từ « represented » hiểu không đúng. Ở đây không có gì gọi là « hình ảnh .... được truyền thông »,  vì « represented » phải được hiểu là « được đại diện », tức là có thông tin đầy đủ, không thiên lệch. Dịch chính xác phải là "Bảo đảm cung cấp ra bên ngoài những thông tin đúng đắn về nhà trường".

(Đoạn 3)
Unit Functions:
Communicate central information about Ohio University and provide analytical support for university planning, management, and assessment to academic units (e.g., Compendium of Planning Information).


Chức năng của Phòng PTNB:

Thực hiện việc truyền thông giao tiếp với các đơn vị đào tạo trong trường, cung cấp cho họ những thông tin trọng yếu và hỗ trợ phân tích những thông tin ấy để phục vụ cho việc lập kế hoạch, quản lý và đánh giá.


Nhận xét:

Đoạn này dịch sai toàn bộ, do không có chuyên môn. Chức năng của một phòng IR (institutional research) luôn luôn bao gồm 2 việc: (1) “cung cấp thông tin chính thức” (communicate central information) của trường ra bên ngoài (ví dụ, các báo cáo thường niên theo yêu cầu của Bộ Giáo dục hoặc các tổ chức kiểm định), và (2) thực hiện các phân tích phục vụ các bộ phận bên trong nhà trường.

Cần chú ý rằng đối với bên ngoài thì IR là nơi cung cấp thông tin sau khi đã tổng hợp từ các nơi và thực hiện các hiệu chỉnh cần thiết, còn đối với bên trong thì IR hoàn toàn không phải là nơi cung cấp thông tin (như bản dịch đã nêu), mà trái lại, họ là nơi tiếp nhận thông tin từ các nơi và thực hiện phân tích, xử lý, sau đó trả lại kết quả cho các nơi sử dụng.

Vì vậy, đoạn trên cần phải được dịch như sau:
“Cung cấp thông tin chính thức về trường ĐH Ohio (cho các cơ quan bên ngoài) và thực hiện các phân tích phục vụ công tác quy hoạch và quản lý của trường, cũng như công tác đánh giá chương trình và người học tại các khoa/ bộ môn (academic units).”

Bản dịch được cung cấp đã làm mất đi hoàn toàn ý thứ nhất, và phần còn lại thì sai nghĩa vì theo bản dịch thì chính phòng IR lại là nơi cung cấp thông tin cho toàn trường. Xin thử hỏi, phòng IR lấy thông tin từ đâu ra để cung cấp, khi mọi công việc như tuyển sinh, quản lý chương trình, nhân sự, cơ sở vật chất, thực hiện giảng dạy vv đều do các bộ phận khác làm?????

Do không hiểu công việc của phòng IR, nên người dịch không hiểu “central information” là cái gì. Ở đây nó chỉ có nghĩa là “thông tin trung ương”, tức thông tin chính thức của trường sau khi đã kiểm tra những sai lệch từ các thông tin do các bộ phận cung cấp. Chẳng hạn, theo thông tin của Phòng Đào tạo thì tổng số sv của trường là 3000, con số này dựa trên số liệu đầu năm. Nhưng tổng số sv do các khoa báo lên khi cộng lại thì có thể chỉ là 2900, do có những sv bỏ học mà Phòng ĐT chưa nắm. Vì vậy, phòng IR cần kiểm tra lại thông tin và sau đó thống nhất một con số chính thức để làm số liệu “trung ương” được sử dụng trong tất cả các hoạt động của trường (báo cáo ra bên ngoài, lập kế hoạch, vv).

Có lẽ do không hiểu thì bèn đoán mò, nên người dịch đã dịch từ “central information” thành “những thông tin trọng yếu”, nghe có vẻ cũng … có lý, và chắc chắn là gây ấn tượng? Chỉ có mỗi tội là nó không chính xác thôi.

Ngoài ra, phần ví dụ trong ngoặc (Compendium of Planning Information) là gì? Chính tôi, một người trong nghề, cũng chưa gặp từ này, và hiện chưa có thì giờ để tra. Nhưng một tài liệu tập huấn đã chuẩn bị từ trước để phát cho học viên (có thu tiền) thì phải làm khá hơn chứ?

Đoạn 5
Respond to data requests (e.g., ad hoc studies, SIS queries); analyze and interpret data.


Đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp thông tin (ví dụ: những thông tin không thường quy, hay những yêu cầu về SIS); phân tích và diễn giải ý nghĩa của thông tin.


Nhận xét:

“Thông tin không thường quy” là loại thông tin gì? “Yêu cầu về SIS” là yêu cầu ra sao? Mà SIS là gì vậy?

Bỏ qua việc sử dụng cụm từ “không thường quy” nghe rất bí hiểm này, ở đây toàn bộ cụm từ trong ngoặc vốn có mục đích làm rõ ý thì lại làm cho người nghe cảm thấy rối rắm, một lần nữa cho thấy người dịch chỉ biết tra từ điển rồi ráp từ hoặc đoán mò những chỗ không hiểu.

Đoạn dịch sai ý hoàn toàn. “Data requests” không thể dịch là “cung cấp thông tin” mà phải dịch là “yêu cầu về dữ liệu”. Một trong những chức năng quan trọng của IR có liên quan đến quản lý dữ liệu, gồm thu thập dữ liệu mới, sắp xếp quản lý những dữ liệu đã được thu thập, và thực hiện truy vấn mỗi khi có yêu cầu. Chẳng hạn, Hiệu trưởng có thể đưa ra câu hỏi “Tổng số sinh viên toàn trường hiện nay là bao nhiêu?”, đây là một yêu cầu về dữ liệu có thể truy vấn từ cơ sở dữ liệu có sẵn. Hoặc câu hỏi “Tại sao số nghiên cứu sinh của trường ngày càng giảm?”, phòng IR có thể phải thực hiện những nghiên cứu, khảo sát mới để trả lời. Đó cũng là một yêu cầu về dữ liệu đòi hỏi phải thu thập dữ liệu mới (khảo sát đột xuất).

Vì vậy, toàn bộ đoạn trên phải được dịch là “Đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu (vd: thực hiện các khảo sát đột xuất, hoặc các truy vấn từ hệ thống thông tin người học - student information system, SIS); phân tích và diễn giải dữ liệu.”

Như mọi người có thể thấy, chỉ trong một tài liệu duy nhất mà tôi đang phân tích ở đây thôi cũng đã bộc lộ ra rất nhiều sai sót lắm rồi, hầu như đoạn nào cũng có lỗi sai nặng, chưa kể những diễn đạt đôi khi ngô nghê hoặc không chính xác. Cũng chưa kể đến nhiều tài liệu khác có những lỗi còn nặng hơn nhiều, mà tôi không có thời gian cũng như không gian trên blog để phân tích thêm.

Và cũng không muốn nói gì thêm nữa, ngoài một câu hỏi nhỏ: nếu một trung tâm phát triển nguồn nhân lực của một đại học lớn nhất nước, được đầu tư lớn bằng bằng kinh phí của nhà nước, cũng có nghĩa là tiền thuế của mọi người dân, trong đó có tôi (hiện nay hàng tháng tôi phải đóng thuế hơn 10 triệu), mà hành xử như thế này, thì liệu chúng ta có thể trông mong gì về chất lượng “nguồn nhân lực” của Việt Nam đây?

Kiểm định các chương trình doanh thương theo tiêu chuẩn của AACSB: Những điều cần biết (1)

Bài viết này nhằm cung cấp thông tin cho một số bạn đồng nghiệp mà tôi đã gặp trong Hội thảo vừa kết thúc tại Vinh ngày hôm qua, có quan tâm đến việc kiểm định chương trình theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Xin nói thêm là hiện nay rất nhiều trường muốn được “kiểm định bởi AUN”; đây là một nhầm lẫn lớn vì AUN không phải là một tổ chức kiểm định mà chỉ là một hiệp hội các trường đại học, trong đó có một bộ phận thực hiện công tác đảm bảo chất lượng gọi là AUN-QA. Việc AUN-QA đánh giá các chương trình đào tạo của các thành viên của mình nếu muốn gọi đúng tên thì phải gọi là “kiểm toán”, nhưng ở VN thì từ này rất ít người sử dụng nên ai cũng gọi là “kiểm định”. Thôi thì dùng sai thuật ngữ cũng không sao, nhưng vấn đề là AUN-QA sẽ KHÔNG nhận đánh giá bất cứ chương trình nào của các trường không phải là thành viên của nó.

Vì vậy, nếu các trường của VN – trừ hai ĐHQG là hai thành viên của AUN – muốn được kiểm định quốc tế thì tốt nhất là tìm hiểu qua các hệ thống kiểm định khác, mà AACSB tôi giới thiệu dưới đây chỉ là một. Các bạn đọc để biết nhé.

-----

Vào thời điểm 1/7/2011, khi Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (tên viết tắt là UEF, tức là University of Economics and Finance) được chính thức công nhận là thành viên của tổ chức AACSB thì nó vẫn còn là một thành viên duy nhất của Việt Nam. Vậy mà chỉ 8 tháng sau, tại Hội thảo Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học do Cục Khảo thí tổ chức tại Vinh ngày 22 đến 24/2/2012, khi mọi người vào cơ sở dữ liệu của AACSB để tìm hiểu về tổ chức kiểm định nghề nghiệp có thâm niên hoạt động gần một thế kỷ này thì Việt Nam đã có đến 3 thành viên chính thức: ngoài UEF, còn có ĐH Quốc tế của ĐHQG-HCM, viết tắt là IU, và Đại học Quốc tế Sài Gòn, viết tắt là SIU.

Mặc dù đây chỉ là một số lượng rất nhỏ so với tổng số hơn 400 trường đại học và cao đẳng của VN, nhưng sự gia tăng gấp 3 lần trong vòng chỉ 8 tháng cho thấy sự quan tâm lớn lao của các trường đại học Việt Nam đối với việc đạt kiểm định của tổ chức AACSB. Entry này vì vậy nhằm cung cấp một số thông tin căn bản về tổ chức AACSB và những điều cần biết khi một trường đại học muốn tham gia kiểm định chương trình của tổ chức kiểm định có uy tín lừng lẫy của khối ngành doanh thương này. Những thông tin trong bài có nguồn từ các bài viết trên trang chủ của tổ chức AACSB.

Giới thiệu tổng quát về AACSB

AACSB là từ viết tắt của cụm từ Association to Advance Collegiate Schools of Business, tạm dịch là “Hiệp hội phát triển các trường đại học doanh thương”. Đây là một hiệp hội nghề nghiệp ra đời cách đây gần một thế kỷ (năm 1916), với nhiều hoạt động và dịch vụ, trong đó nổi tiếng nhất là dịch vụ kiểm định các chương trình doanh thương và kế toán ở bậc đại học.

Trong suốt thời gian gần một trăm năm hoạt động, tổ chức AACSB đã có những thay đổi nhỏ về tên gọi cũng như trụ sở làm việc (mặc dù vẫn giữ tên gọi tắt là AACSB), phản ánh những thay đổi của bối cảnh bên ngoài và sự phát triển trong các hoạt động và dịch vụ mà tổ chức này cung cấp. Trụ sở hiện nay của AACSB được đặt tại thành phố Tampa thuộc bang Florida, bắt đầu từ cuối năm 2004. Sau một thời gian dài chỉ thực hiện kiểm định các trường đại học trong nước, từ năm 2001 AACSB đã cho phép các trường doanh thương bậc đại học của tất cả các nước được tham gia kiểm định. Tên gọi hiện nay của tổ chức này có gắn thêm từ “International” (AACSB International) để phản ánh sự mở rộng phạm vị kiểm định này.

Do tại Hoa Kỳ kiểm định là hoàn toàn tự nguyện, nên bước đầu tiên của việc tham gia kiểm định với AACSB là việc đăng ký trở thành thành viên của tổ chức này. Cần chú ý rằng việc một trường “là thành viên” của AACSB không có nghĩa là các chương trình của trường này đương nhiên có chất lượng tốt, hoặc chất lượng cao hơn các trường không là thành viên, vì chất lượng của chương trình chỉ có thể được xác định thông qua kiểm định. Chính sách của AACSB quy định rất rõ về việc các trường thành viên KHÔNG sử dụng logo của AACSB để quảng cáo là để tránh hàm ý nói trên. Mặt khác, việc một trường “là thành viên” của AACSB vẫn có ý nghĩa quan trọng của nó, vì nó cho thấy ý định nghiêm túc của một trường trong việc học hỏi từ các chuyên gia về giáo dục doanh thương (business education) của AACSB cũng như các thành viên khác, đặc biệt là các thành viên đã được kiểm định, để phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng của chương trình.

Tính đến thời điểm viết bài này (tháng 2/2012), AACSB International có tổng cộng gần 1200 thành viên trên 78 quốc gia, và là tổ chức kiểm định nghề nghiệp lớn nhất thế giới cho khối ngành doanh thương. Trong số các thành viên sáng lập của AACSB (bắt đầu từ cách đây cả trăm năm) có những trường đại học danh tiếng nhất của nước Mỹ như Columbia, Harvard, New York, Ohio State, Pittsburgh, Wisconsin-Madison, UCLA, và Yale. Rõ ràng với những tên tuổi như vậy thì AACSB không thể dễ dàng cho qua và công nhận kiểm định đối với những chương trình không nghiêm túc và kém chất lượng từ những thành viên khác. Mức phí thành viên AACSB năm 2011 là 2500 USD.

Quan hệ giữa AACSB với cộng đồng bên ngoài không chỉ có các trường đại học thành viên, mà còn có các “đối tác”, tức là những cá nhân, tổ chức cùng chung tay thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động mà AACSB đặt ra cho mình, với mục đích cuối cùng là phát triển các trường đại học doanh thương. Các “đối tác” của AACSB có thể là các tổ chức công lập, phi chính phủ, hoặc các doanh nghiệp, với các mức phí khác nhau, thấp nhất là 1,000 và cao nhất là 10,000 USD.

Dịa chỉ trang web của AACSB: www.aacsb.edu, nơi các bạn có thể tìm thấy khá nhiều tài liệu liên quan đến việc giảng dạy và học tập trong khối ngành quản trị và doanh thương. Một kho tài liệu quý, vừa cập nhật, vừa thực tiễn, nhưng cũng không thiếu nền tảng lý luận vững chắc cả về sư phạm lẫn về quản trị.

(còn tiếp)

Saturday, February 18, 2012

Nghĩ về “hội thảo”, “tập huấn” và thời loạn tiên tri

Trước khi viết, xin có đôi lời với những độc giả thường xuyên của blog này. Có một số người hỏi tôi tại sao lúc này im ắng thế, chán blog rồi, hay là bận, hoặc có việc gì không ổn chăng. Xin trả lời chung cho mọi người quan tâm như thế này: tôi im ắng chỉ vì quá bận thôi, việc nhà, việc cơ quan chính thức (nơi được trả lương), việc tự nguyện cho các tổ chức xã hội (không được trả lương, mà móc tiền túi ra làm vì cảm thấy nó có ích), rồi còn hướng dẫn luận văn, giúp đỡ sinh viên cũ mới vv, rồi chuẩn bị đi dạy, rồi đề tài đề tiếc, mà lại còn blog bliếc nữa, thì lâu lâu cũng phải im để … thở, và để tiêu hóa những gì mình đã đọc chứ.

Thực ra thì tôi cũng đang viết, cũng như ấp ủ nhiều điều khác muốn viết, sẽ đăng lên để chia sẻ với mọi người khi đã hoàn tất. Những vấn đề đang làm tôi hết sức quan tâm lúc này là sự phân biệt giữa trường tư lợi nhuận và phi lợi nhuân, vì theo tôi đây là một vấn đề rất cốt lõi cần được đặt ra trong luật giáo dục đại học sắp được Quốc hội thông qua. Mặt khác, tôi cũng đang quan tâm đến “văn hóa chất lượng”, vì đây là một “trào lưu” mới trong phong trào đảm bảo chất lượng ở VN, và sắp tới đây, ngày 22-24/2/2012, Cục Khảo thí sẽ tổ chức một hội thảo lớn về vấn đề này ở Vinh. (Tôi có 2 báo cáo ở hội thảo này, sẽ đăng lên sau khi trình bày xong ở hội thảo.)

Nhưng hôm nay tôi muốn nói ghi lại ở đây những cảm nghĩ vụn, nhỏ thôi, nhân một cuộc tranh luận khá nóng bỏng trên điện thoại di động giữa tôi và một đồng nghiệp nhỏ. Cuộc tranh luận ấy xoay quanh một “hội thảo chuyên đề” mà một trường đại học đang đứng ra tổ chức, về một chủ đề mà tôi tin chắc là người viết thông báo không thực sự hiểu nó là cái gì mà chỉ nghe lơ mơ, nhưng vẫn thu tiền của người tham dự, với diễn giả là người nước ngoài và trình bày qua phiên dịch – mà tôi e rằng người phiên dịch nào đó chắc cũng chẳng hiểu gì về vấn đề mình sẽ dịch. Một việc làm mà tôi cho rằng rất thiếu trách nhiệm, thậm chí giống như là lừa đảo, dù vô tình hay cố ý.

Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng việc tổ chức các hội thảo, tập huấn nhằm cập nhật thông tin mới đến người nghe là điều cần thiết và đáng hoan nghênh. Điều mà tôi phê phán ở đây là có rất nhiều nơi dám đứng ra tổ chức những lớp tập huấn, hội thảo vv như vậy nhưng lại không có hiểu biết về nội dung chuyên môn của vấn đề mà mình đứng ra tổ chức. Nó giống như mình không biết rằng mình đang bán hàng gì mà vẫn cứ mua về bán, lại còn quảng cáo om xòm với những từ ngữ đao to búa lớn, dù có thể chỉ để thu được một số tiền lời rất ít ỏi, hoặc thậm chí không có lời mà chỉ huề vốn. Mà bán tri thức theo kiểu mò mẫm như thế này thì còn tệ hơn nhiều, vì nó sẽ dẫn đến sự loạn tri thức của cộng đồng, mà hậu quả của nó là gì thì có lẽ ai cũng biết.

Nhưng những người đang làm như vậy không hề nghĩ rằng mình có chút lỗi lầm gì cả, không hề nghĩ rằng họ đang góp phần vào việc làm cho những người hiểu biết thật, vốn đã hiếm hoi ở VN, bỗng biến thành thiểu số tuyệt đối và tiếng nói gần như bị triệt tiêu. Còn đám đông, vốn xưa nay đã lờ mờ, nay có sự dẫn dắt của các “tiên tri giả” như vậy, thì cứ hàng đàn quờ quạng dắt nhau đi như ma Hời (mượn ý thơ Chế Lan Viên), vật vờ chẳng biết đi đâu. Để rồi rất lâu sau, sau khi đã bị trả giá vì sự ngu muội của mình, mới bắt đầu học lại từ đầu từ những bài học xương máu của chính mình.

Tôi diễn đạt có thể nặng nề, nhưng tôi không nói quá. Thì đó, những việc như “đại học đẳng cấp thế giới”, rồi “xếp hạng đại học”, rồi “cải cách tuyển sinh”, tất cả cứ làm đi làm lại, luẩn quẩn không lối thoát, tất cả chẳng phải cũng phản ánh cái tình trạng của một đám ma Hời đang quờ quạng đó sao?

Xin trở lại với chủ đề của entry. Theo tôi, cách tổ chức tập huấn, hội thảo vv bát nháo như hiện nay có liên quan trực tiếp đến một việc rất phổ biến ở các trường công lập trong một thời gian rất dài, dễ đến cả chục năm, liên quan đến việc mời các giáo sư Mỹ do chương trình Fulbright cung cấp đến làm việc tại các trường đại học của VN. Xin nhấn mạnh đây là một việc làm rất tốt, và tôi không có chỉ trích gì đối với chương trình này. Quả thật, những người được gửi đến VN đều là những giáo sư thực thụ, làm việc ở những nơi trường đại học tử tế ở Mỹ, và được chương trình Fulbright chi trả kinh phí để sang làm việc tại VN, với mức chi phí hoàn toàn không nhỏ.

Những học giả này tất nhiên cần có một trường ở VN nhận, và sẽ phải làm việc theo nhu cầu và yêu cầu của trường – tất nhiên là sau một quá trình tuyển lựa giữa 2 bên. Tuy nhiên, những học giả này khi sang VN thì được yêu cầu làm rất nhiều điều hoàn toàn nằm ngoài lãnh vực chuyên môn và kinh nghiệm của họ, và vì đã cam kết sang VN trong một thời hạn nhất định với kinh phí do chính phủ Mỹ cấp, nên họ thường cố gắng đáp ứng bằng mọi giá mọi yêu cầu của phía VN, dù không muốn. Và tai họa bắt đầu xảy ra từ đó.

Tai họa như thế nào ư? Xin hãy nghe ví dụ cụ thể. Khi tôi còn ở cơ quan cũ, khoảng năm 2007-2008, lúc ấy từ “quản trị đại học” đang là một buzzword (tạm dịch là từ thời thượng) ở VN, vì chủ trương của chính phủ/Bộ giáo dục lúc ấy đang là cải cách quản trị trường đại học. Thực ra vào lúc ấy, và có lẽ cả cho đến bây giờ, ở VN chằng có ai đưa ra một định nghĩa rõ ràng thế nào là “quản trị đại học” cả. Trong bối cảnh như vậy thì rõ ràng là có ai đó đưa ra một lớp “tập huấn” về “quản trị đại học” thì chắc chắn sẽ nhiều người quan tâm, và tôi bị rơi vào tình thế bị bắt buộc đi học một lớp học như vậy do một trung tâm thuộc một trường đại học công lập tổ chức, người đứng lớp là một chuyên gia Mỹ, học giả Fulbright, tên tuổi qua CV nghe cũng om xòm, ồn ào lắm. Tiền học thì do cơ quan trả (bằng kinh phí nhà nước cấp), không hề rẻ, với số lượng học viên lớn.

Quả là một “phi vụ làm ăn” rất thành công về mặt tài chính, vì tôi biết là học giả Fulbright khi sang VN đã được nhận kinh phí từ chính phủ Mỹ, từ vé máy bay đến lương hàng tháng (với mức khá cao, hình như 5000 USD/tháng) nên phía VN không phải đóng góp bao nhiêu ngoài một số chi phí nhỏ cho việc ăn ở.

Nhưng khi chúng tôi tham gia thì … hỡi ôi! Lỗi, tất nhiên không phải là ở diễn giả; tôi tin là ông đã làm hết khả năng, và làm đúng theo yêu cầu của bên tổ chức: ông trình bày những kiến thức tổng hợp từ các tài liệu về quản trị nói chung, chủ yếu là quản trị doanh nghiệp, vốn sẵn có mà nếu ai đọc được bằng tiếng Anh thì cũng có thể tìm được. Trong khi đó, các học viên, những người rất bận rộn, là trưởng phó các bộ phận trong một cơ quan công lập lớn, lại phải ngồi nghe những vấn đề không mấy ăn nhập đến nhu cầu của mình, trong một “lớp học” chỉ phù hợp với sinh viên đại học chưa có bất cứ kinh nghiệm nghề nghiệp nào. Nên mọi người cảm thấy khá là ngao ngán, đến nỗi một học viên trong lớp – một vị có thể xem là trưởng lão – đã thẳng thừng hỏi: “Tóm lại, mục tiêu của lớp học này là cái gì thế?”

Nhưng vấn đề chính là thời gian thì quá ít, nội dung quá ôm đồm mà lại chỉ trình bày lý thuyết xuông, và tai họa là ở chỗ, người phiên dịch lại hoàn toàn không biết một chút gì về nội dung mà diễn giả trình bày. Hình như người phiên dịch này do một công ty du lịch cung cấp, vì vậy anh ta chỉ có thể dịch sát nghĩa từng chữ, và rất nhiều lần lúng túng phải khựng lại không thể dịch được nữa. Và các thuật ngữ thì cứ dịch loạn cả lên, rối rắm. Đến nỗi nhiều chỗ tôi phải đứng ra dịch thay, mặc dù tôi cũng đã phải đóng tiền để tham dự khóa học. Vì cảm thấy … tội nghiệp diễn giả khi bị đẩy vào tình huống như vậy.

Vậy đó, nhưng cuối cùng sau khóa học, dù chẳng học được gì, ngay cả đến vài thuật ngữ được dịch ra cho tử tế cũng không, nhưng mọi người đều được cấp chứng chỉ nghe tên rất kêu, và rồi người tổ chức thì ghi trong lý lịch khoa học của mình kinh nghiệm tổ chức những lớp học với tên nổ lốp bốp như thế, và, đau lòng hơn, là thỉnh thoảng lại có cả việc những “chuyên gia” bất đắc dĩ như vậy sau đó lại cũng dùng kinh nghiệm đó để tiếp tục quay lại làm chuyên gia ở VN, mới chết chứ.

Ví dụ trên đây chỉ là một trong khá nhiều ví dụ mà tôi có thể nêu ra, chứ không hề là ví dụ duy nhất. Điều đáng nói là hiện nay những lớp tập huấn, hội thảo như vậy lại diễn ra khá nhiều, mà bây giờ chúng diễn ra chủ yếu trong các trường đại học, thậm chí ở nhiều trường vốn được xem là có danh tiếng. Những nơi mà đáng lẽ ra phải làm việc tìm ra chân lý, giữ gìn riềng mối, giúp cho xã hội biết cái đúng cái sai, thì lại kinh doanh niềm tin của xã hội, sử dụng cái tên của mình để đảm bảo cho uy tín của các lớp “tập huấn” mà vốn mình cũng không hiểu nó là cái gì, và những điều mà mình yêu cầu các “chuyên gia” làm liệu có phù hợp với năng lực của họ hay không. Theo kinh nghiệm của tôi, thường là chính người tổ chức cũng không biết là mình muốn gì ngoài việc muốn được chút danh tiếng, được chút kinh phí, và hiểu thêm một chút, lơ mơ thôi, về những điều mà mình nghe nhan nhản nhưng không rõ nó là cái gì.

Có lẽ tôi cực đoan, nhưng tôi cho rằng chưa bao giờ ở VN là “loạn chuyên gia” đến như vậy. Tôi biết có những người học ngôn ngữ học, văn học lại tự nhiên nhảy ra thành những nhà văn hóa lớn, do cóp nhặt đây đó mỗi nơi một ít. Lại có những người tâm lý học thì thành những nhà đo lường, đánh giá giáo dục. Và có những người vốn là toán thống kê, lại được xã hội tung hô thành các chuyên gia y học, đến nhầm lẫn cả tiến sĩ với bác sĩ (tiếng Anh đều là doctor mà). Rồi do xã hội tung hô quá, cho nên những người này cũng tin rằng mình là một loại Know-All, cái gì cũng biết, cũng có thể phán như chuyên gia cả, rồi phê phán, phản biện loạn xị ngậu cả lên. Thì rõ ràng vẫn có đệ tử thắp nhang, hương khói xì xụp mà lại. Và thế là cả xã hội lại quờ quạng, như một đám ma Hời!

Thì … ở VN nó thế, biết làm sao được, hầy dà, khổ thế.

Tôi chợt nghĩ, gần đây trên mạng có ầm ĩ vụ trí thức phải có trách nhiệm phản biện xã hội, meaning, phản biện lại nhà cầm quyền. Tôi thì tôi nghĩ thế này: trước hết, trí thức VN nếu mà biết trung thực và nghiêm khắc với chính mình trong chuyên môn, biết thì nói biết và không biết thì nói là không biết, đừng dễ dãi nhận vơ những điều mình còn biết lơ mơ mà bảo rằng mình biết (lại là chuyên gia nữa chứ), và không khai thác sự mù mờ của xã hội để trục lợi, thì xã hội này đã khá hơn nhiều lắm rồi, chứ chẳng cần phải làm gì hơn thế nữa.

Chẳng lẽ ngay cả một điều nho nhỏ như thế mà những người có học, và những trường đại học, nơi đào tạo ra những người có học, cũng không làm nổi hay sao?