Saturday, June 25, 2011

Bảng hỏi khảo sát mức độ quốc tế hóa của các trường đại học

Bảng hỏi này do IAU thiết kế để khảo sát mức độ quốc tế hóa của các trường đại học trên thế giới. Có thể tải xuống ở đây.

Dưới đây là phần mô tả vắn tắt của tôi, kèm phần dịch.
-------
Bảng hỏi được mô tả ở đây là phiên bản sử dụng năm 2005. Nói thêm, cuộc khảo sát này bắt đầu vào năm 2003, và đã thực hiện được 3 lần vào những năm 2003, 2005, và 2009.

Bảng hỏi gồm 6 phần lớn xoay quanh những vấn đề khảo sát, đó là:
1. Tầm quan trọng, lý do, lợi ích và rủi ro (Importance, rationales, benefits and risks): câu 1 đến 4
2. Chính sách, chiến lược và hoạt động (policy/strategy and activities): câu 5 đến 7
3. Ngoại ngữ (foreign language): câu 7 đến 9
4. Những hỗ trợ và trở ngại (facilitators and obstacles): hai câu 10 và 11
5. Các cơ chế kiểm soát đang hình thành (evolving regulatory mechanisms), gồm 3 câu từ 12 đến 14 (đảm bảo chất lượng, công nhận bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ, và GATS - hiệp định chung về thương mại và dịch vụ)
6. Những vấn đề và thách thức (issues and challenges), gồm 3 câu hỏi mở (15 đến 17)

Phần dịch dưới đây (sẽ dịch từ từ):

Câu 1
Trong môi trường hoạt động với nhiều ưu tiên khác nhau, quốc tế hóa có vai trò như thế nào đối với (a) đơn vị của bạn; (b) hiệp hội quốc gia các trường đại học; (c) các chính sách và chương trình hquốc gia?
Chọn một trong các mức độ sau:
- Không ưu tiên
- Ưu tiên thấp
- Ưu tiên trung bình
- Ưu tiên cao

Câu 2
Những lý do nào khiến quốc tế hóa quan trọng đối với (a) đơn vị và (b) quốc gia của bạn? Hãy chọn 3 lý do quan trọng nhất cho từng loại.
Các lý do được nêu gồm có:
- Mở rộng và đa dạng hóa nguồn giảng viên và sinh viên
- Tạo dựng một hình ảnh (profile) và uy tín quốc tế
- Củng cố năng lực nghiên cứu và sản sinh tri thức
- Thúc đẩy phát triển chương trình và các sáng chế (innovation)
- Tăng cường kiến thức quốc tế và sự hiểu biết xuyên văn hóa của giảng viên và sinh viên
- Góp phần làm tăng chất lượng giảng dạy (hàn lâm)
- Đa dạng hóa nguồn kinh phí
- Khác

(Tạm thời thế đã, hôm khác dịch tiếp).

"Chín sai lầm liên quan đến quốc tế hóa trong giáo dục đại học"

Đó là bản dịch cái tựa của bài viết đã đăng trên bản tin giáo dục quốc tế số 64, có thể tìm đọc bản gốc tiếng Anh tại đây. Tựa tiếng Anh là "Internationalization of higher education: Nine misconceptions", tác giả là Hans de Wit (tên này nghe rất Hà Lan, chẳng biết có đúng không).

"Quảng cáo" thêm chút: bài này đã được Khôi, con trai tôi, dịch để gửi cho bản tin giáo dục của Đại học Hoa Sen, sẽ đăng trong thời gian sắp tới. Các bạn có thể chờ đọc bài dịch ấy trên trang của Hoa Sen. Còn bây giờ, trong khi chờ đợi xin gửi lên đây phần giới thiệu bài viết, và liệt kê tên của 9 sai lầm ấy.

-----------

Chín sai lầm liên quan đến quốc tế hóa trong giáo dục đại học
Hans de Wit
Kim Khôi dịch


Hans de Wit là giáo sư chuyên nghiên cứu vấn đề quốc tế hóa tại Trường Kinh tế và Quản trị Hogeschool van Amsterdam, trường Đại học Khoa học Ứng dụng, Hà Lan. Bài viết sau đây được tóm gon từ bài giảng trước công chúng của ông tại Amsterdam vào ngày 06 tháng 04 năm 20011.
E-mail: j.w.m.de.wit@hva.nl.

Quốc tế hóa trong giáo dục đại học tại Châu Âu đã hình thành và phát triển suốt 20 năm qua, đầu tiên chỉ là một mối quan tâm thứ yếu nhưng dần dà đã trở thành một nhân tố trung tâm. Quá trình toàn cầu hóa trong các lãnh vực xã hội và kinh tế đã làm tăng thêm ảnh hưởng của cạnh tranh và các hoạt động của thị trường lên cách thức thực hiện quốc tế hóa. Nói đến quốc tế hóa, trước hết cần phân biệt giữa quốc tế hóa như một mục tiêu hay như một phương pháp tiếp cận. Việc đưa quốc tế hóa trở thành nhân tố trung tâm giả định một cách tiếp cận toàn diện và hệ thống nhằm cải thiện chất lượng giáo dục đại học và nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên và sinh viên. [...] Bài viết này sẽ đề cập đến chín sai lầm liên quan đến quốc tế hóa [...]. Trong cả chín sai lầm lầm này, khái niệm quốc tế hóa đều được đánh đồng với chiến lược thúc đẩy quốc tế hóa của một chương trình hoặc một cơ sở dào tạo – nói cách khác, phương tiện để thực hiện quốc tế hóa đã trở thành mục tiêu của quốc tế hóa.

1. Đào tạo bằng tiếng Anh

2. Đi du học hay sinh sống ở nước ngoài

3. Có những môn học có tính quốc tế

4. Có nhiều sinh viên quốc tế

5. Có ít sinh viên quốc tế để đảm bảo thành công

6. Không cần năng lực liên văn hóa và kinh nghiệm quốc tế

7. Càng nhiều quan hệ, mức độ quốc tế hóa càng cao

8. Giáo dục đại học vốn sẵn có tính quốc tế

9. Xem quốc tế hóa là một mục tiêu cụ thể


----------------
Tạm thời thế. Các bạn muốn đọc trọn bài dịch ư? Xin vui lòng chờ bài được đăng trên bản tin giáo dục của ĐH Hoa Sen cái đã nhé!

Thursday, June 23, 2011

Bài phỏng vấn VTPA trên Vietnamnet: "Bộ nên nhường quyền tổ chức thi tốt nghiệp"

Dưới đây là bài phỏng vấn tôi về kỳ thi tốt nghiệp vừa qua do Vietnamnet thực hiện; tôi chép lại đây để lưu. Các bạn có thể đọc bản trên Vietnamnet tại đây.
-----------
'Bộ nên nhường quyền tổ chức thi tốt nghiệp'
Cập nhật lúc 23/06/2011 06:00:00 AM (GMT+7)
- Trước kết quả thi tốt nghiệp có nhiều ì xèo, có nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GD-ĐT nên nhường quyền tổ chức thi tốt nghiệp cho địa phương hay tổ chức khác. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ (TS) Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo thuộc ĐHQG TP.HCM.

Phóng viên: Bà đã từng nói mình được Nhà nước cử đi học tại Úc đúng chuyên ngành đo lường-đánh giá giáo dục vào những năm 1994-1997; lúc ấy Bộ GD-ĐT đã bắt đầu nói về cải cách thi cử, cụ thể là 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Hăm hở đi học xong, nghĩ rằng lúc về mình sẽ có cơ hội tham gia vào những chuyện thi cử ấy nhưng rồi mọi việc đã diễn ra như mọi người đã biết. Cho đến nay, sau 15 năm, việc cải cách đó vẫn tiếp tục diễn ra, mà mãi vẫn chưa có giải pháp nào tạm gọi là ổn được cả. Theo bà, tại sao Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay với việc cải cách thi cử mà chưa thấy dấu hiệu khả quan?

TS Vũ Thị Phương Anh: Nói như thế này thì sáo mòn! Nhưng đúng như nhiều nhà giáo dục trong nước đã nói, chúng ta thiếu một triết lý cho sự thay đổi.

Cách làm hiện nay cho thấy chúng ta giống như người đẽo cày giữa đường, ai nói gì cũng nghe.

Một ví dụ rất cụ thể: năm 2007 chúng ta cải cách theo hướng tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, thực chất, dù có đau lòng nhưng vẫn cần biết “bệnh” ở đâu để còn chữa.

Kết quả là tỷ lệ tốt nghiệp giảm sút khá nhiều. Nhưng sau đó, ta lại thay đổi theo hướng nới lỏng kỳ thi, lúc ấy thì lập luận lại là “giảm sức ép cho học sinh”. Do cứ thay đổi mục tiêu liên tục như vậy, nên khó lòng có thể thấy được tác dụng của bất kỳ giải pháp nào, dù đó là một giải pháp thực sự hay.

Những nước như Úc, Mỹ, việc thi tốt nghiệp có căng thẳng và gặp khó khăn gì không? Nếu thực hiện tổ chức thi cử như các nước này, Việt Nam có gặp khó khăn gì không?

Ở Mỹ và Úc, việc thi tốt nghiệp khá nhẹ nhàng, và do từng tiểu bang quyết định.

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp nhằm xác nhận việc kết thúc quá trình học trung học, còn có các kỳ thi năng lực nhằm so sánh người học theo một thang đo thống nhất (ví dụ như các kỳ thi SAT hoặc ACT của Mỹ).

Mục đích của những kỳ thi này là để phục vụ việc tuyển sinh đại học. Do kết quả của những kỳ thi này góp phần quyết định học sinh được tuyển vào trường nào nên đây là những kỳ thi khá căng thẳng, nhưng thí sinh có quyền tự lên kế hoạch thi nhiều lần (chưa cần tốt nghiệp) để biết khả năng của mình nhằm nộp đơn vào những trường mà mình có nhiều cơ hội được nhận. Hai kỳ thi này có mục đích hoàn toàn khác nhau.

Ở Việt Nam, do chưa có các tổ chức khảo thí độc lập của tư nhân giống như các nước phát triển nên chưa thể làm như trên.

Tuy nhiên, khi giao quyền tự chủ cho các trường – tất nhiên các trường phải theo một quy định thống nhất và chịu sự giám sát của Bộ - thì tôi tin là dần dà chúng ta cũng sẽ có những tổ chức chuyên nghiệp như vậy thoát thai từ các trường đại học lớn.

Đây là điều đã xảy ra tại ĐH Cambridge: bộ phận khảo thí của trường này không chỉ phục vụ việc tuyển sinh của trường mà còn thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực người học trên toàn thế giới trong nhiều lãnh vực (trong đó tiếng Anh chỉ là một lĩnh vực).

Theo bà, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp không? Hoặc nếu không bỏ thì có nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các địa phương hay cho một tổ chức độc lập, còn Bộ chỉ việc lo chuẩn kiến thức thi tối thiểu và công nhận kết quả, nếu ai làm sai thì "thổi còi"?

Tôi vẫn giữ quan điểm là không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ nên làm tốt hơn công tác tổ chức kỳ thi này. Riêng tuyển sinh đại học thì nên giao lại cho các trường đại học.

Rất nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp cho các địa phương hay cho một tổ chức độc lập, nhưng trước khi giao, Bộ phải có quy định về những năng lực và điều kiện cần có để được Bộ giao quyền này.

Quy định mà tôi nói ở trên sẽ rất quan trọng, vì nếu quy định sai thì mọi việc sẽ hỏng ngay từ đầu. Vì vậy, nếu đầu tiên chúng ta chưa làm được thì nên nhờ (thuê) các chuyên gia nước ngoài xây dựng cho chúng ta. Đây chính là một trong những mục tiêu mà chúng ta muốn đạt được thông qua việc vay tiền Ngân hàng thế giới để cải cách giáo dục đại học.

Theo bà, nhân lực có khả năng chuyên môn về kiểm tra, đánh giá ở nước ta có đủ số lượng tham gia vào công việc này trong kỳ thi tốt nghiệp?

Tôi nghĩ là đủ. Vấn đề là tập hợp lại được những người này, và có một cơ chế để cho họ làm việc tốt.

Tôi vẫn nhớ khi mới bắt đầu nhận học bổng để đi học tiến sĩ tại Úc vào năm 1994, GS Patrick Griffin thuộc ĐH Melbourne, một chuyên gia về đo lường-đánh giá giáo dục có nhiều quan hệ với ngành giáo dục Việt Nam lúc ấy đã nói với tôi:

“Với số lượng những người Việt Nam được cử đi học tại Úc về ngành đo lường-đánh giá như hiện nay, khi các bạn trở về thì tôi tin rằng chỉ khoảng 5 năm sau thì các bạn không những có khả năng tự xây dựng các bài thi chuyên nghiệp cho mình mà còn có thể làm cho các nước khác trong khu vực nữa!” Vậy mà bây giờ tôi đã về gần 15 năm rồi, như tôi đã từng phát biểu.

Có lẽ chúng ta cần một lần dứt khoát xác định rõ mục tiêu của cải cách thi cử: cải cách là vì lợi ích của chính người học, và vì lợi ích của toàn xã hội chứ không phải vì thành tích của ngành, hay để bảo vệ quan điểm của một vài người, hay vì những mục tiêu ngầm nào khác, hay, đơn giản là cải cách chỉ là để … cải cách.

Đó là ý kiến bà từng phát biểu. Theo tiến sĩ, để cải cách vì lợi ích người học thì phải làm những việc gì?

Rất đơn giản: Mục đích của thi cử là để cung cấp thông tin chính xác cho các bên có liên quan, từ đó giúp người học chọn được cơ hội tốt nhất cho chính mình. Muốn như vậy, các kỳ thi phải thực chất, và bài thi phải vừa sức và đúng với mục tiêu của từng kỳ thi. Không nên nhầm lẫn mục tiêu của hai kỳ thi này, đó là điều mà nhiều người đã phát biểu nhiều lần, nhưng không hiểu sao cho đến nay điều này vẫn cần phải nhắc lại.

Ngoài ra, để làm tốt thì chỉ một mình Bộ Giáo dục thì không thể làm hết mọi thứ. Phải trao quyền và trách nhiệm về địa phương và các trường đại học. Bộ chỉ cần làm tốt 2 việc thôi: đưa ra chính sách đúng, và giám sát việc thực hiện chính sách.

Hương Giang (Thực hiện)

Sunday, June 19, 2011

Về vụ scandal "hướng dẫn chấm thi môn Văn" ở các tỉnh ĐBSCL: Ai đúng ai sai?

Tôi không trực tiếp tham dự vào kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nên những gì tôi viết ở đây hoàn toàn chỉ là suy đoán trên cơ sở thông tin mà báo chí cung cấp mà thôi.

Vì biết mình không đủ thông tin, nên ban đầu tôi chỉ có ý định theo dõi để xem kết quả ra sao mà thôi. Nhưng khi dọc được mẩu tin ngày hôm nay thì tôi nghĩ mình cần lên tiếng, vì theo những gì đã được đưa lên báo chí thì tôi nghĩ mọi người đang có những phán đoán không hoàn toàn chính xác.

Không chính xác ở chỗ nào? Chúng ta hãy cùng nhau đọc mẩu tin hôm nay đã nhé. Đây này: Sẽ xác minh tin đồn nới lỏng chấm thi môn Văn.

Theo bài viết, các tỉnh ĐBSCL đang bị nghi ngờ vi phạm quy chế của Bộ, cần phải xác minh để xem có thực sự vi phạm không, và có thì sẽ bị xử lý.

Họ đã làm gì? Ừ, thì họ ra biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi môn Văn vào ngày 5/6. Hãy xem phần trích dẫn dưới đây, lấy từ bài viết nêu trên.
Thời gian vừa qua, dư luận đã nêu hiện tượng các chuyên viên bộ môn Ngữ văn của các sở giáo dục đào tạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có cuộc họp vào ngày 5/6 tại Cần Thơ và ra “Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn Ngữ văn.”

Trước thông tin này, Bộ Giáo dục Đào tạo cho biết Bộ đã có công văn yêu cầu các sở giáo dục đào tạo trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long báo cáo về sự việc trên. Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh và nếu phát hiện sai phạm sẽ nghiêm túc xử lý theo Quy chế.

Khi đọc xong mẩu thông tin này, tôi đã trộm nghĩ rằng nếu tôi có quyền thì tôi sẽ ra quyết định khen thưởng chứ không phải là xử lý việc thống nhất hướng dẫn chấm thi. Bởi vì điều này hoàn toàn đúng với lý thuyết kiểm tra-đánh giá.

Ai cũng biết việc chấm thi môn Văn là một việc làm rất chủ quan, nên rất dễ xảy ra tình trạng một người chấm 5 điểm và một người chấm 6 điểm (đều là điểm ở mức trung bình, nhưng có người nới tay nên cho 6 điểm, người kia chặt chẽ hơn nên cho 5 điểm). Vì vậy, việc các Sở, các thầy cô chấm thi cùng ngồi lại bàn bạc, thống nhất những phán đoán, rồi đưa ra biên bản thống nhất như trên chính là để cho điểm thi chính xác và công bằng với thí sinh hơn.

Thế thì tại sao lại có tin đồn rằng các tỉnh ĐBSCL đã vi phạm? Là vì, cũng theo bài viết trên,
Bộ Giáo dục Đào tạo đã ban hành và chỉ đạo thống nhất đáp án và biểu điểm trong toàn quốc, không cho phép các Hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các Hướng dẫn chấm thi khác với Hướng dẫn chấm thi của Bộ.
Hừm ... Công việc rất chuyên môn này phải chăng là công việc của Bộ Giáo dục? Ừ thì có lẽ là Bộ không làm, mà yêu cầu một bộ phận chuyên môn nào đó làm. Nhưng lỡ bộ phận chuyên môn đó làm chưa tốt (ví dụ: không rõ ràng, hoặc thậm chí có sai sót), thì Bộ đâu có chuyên môn để mà phán đoán nhỉ?

Nếu hướng dẫn từ Bộ đưa xuống mà chưa rõ, thì người thực hiện ở dưới chỉ có thể có 2 cách: một là ai muốn hiểu sao thì hiểu, mạnh ai nấy làm, miễn là làm ở cấp cá nhân, tự làm tự chịu, chứ không có ai đứng ra tổ chức bàn bạc và thống nhất quan điểm gì hết. Cách này thì rất dở cho thí sinh, nhưng lại an toàn cho những người có trách nhiệm (ví dụ: Giám đốc Sở, chủ tịch Hội đồng thi, vv) vì không bị ai khiển trách, xử lý gì cả.

Còn cách thứ hai là cách mà các Sở GD ở ĐBSCL đã làm. Cách này, theo tôi là có trách nhiệm hơn rất nhiều, và hoàn toàn hợp lý. Vì nếu Bộ có nhờ bộ phận chuyên môn nào đó làm đáp án và hướng dẫn chấm thi, thì những người đó cũng phải là những thầy cô giáo nắm vững chương trình môn học và trình độ chung của thí sinh. Những người như vậy, các Sở đâu có thiếu? Nếu họ đủ tư cách và trình độ để thực hiện chương trình của Bộ, thì rõ ràng họ cũng đủ tư cách và trình độ để tự đưa ra những ý kiến thảo luận để làm rõ hơn một đáp án hoặc văn bản hướng dẫn chưa đủ rõ ràng, dựa trên những yêu cầu của đề thi và môn học chứ nhỉ?

Những suy luận trên đây của tôi chỉ có ý nghĩa nếu giả định của tôi rằng đáp án của Bộ chưa rõ ràng là một giả định đúng. Điều này tôi cần phải tìm hiểu thêm, và sẽ viết tiếp khi có thêm thông tin.

Còn ở đây thì tôi chỉ xin có một nhận xét thôi: Tôi vẫn thấy cách vận hành của nền giáo dục Việt Nam nặng tính hành chính và trung ương tập quyền quá sức, mà thiếu sự tôn trọng đối với lực lượng chuyên môn - tức các thầy cô giáo - và thiếu dân chủ. Trong khi ở phương Tây, quá trình dân chủ hóa trong giáo dục đã được thực hiện từ rất lâu rồi. Ngay cả người học cũng được trao quyền, vd lựa chọn môn học (theo học chế tín chỉ), đánh giá, góp ý cho thầy cô giáo và các nhà quản lý của mình....

Có phải vì cách làm thiếu dân chủ nên ngành giáo dục của ta lúc nào cũng bù đầu vì công việc mà chất lượng vẫn kém hay không?

Các bạn đón xem bài tiếp theo của tôi về vấn đề này nhé! Hy vọng sớm có thời gian để viết.

Saturday, June 18, 2011

"Hai không biến đi đâu?"

Cũng chỉ để lưu mà thôi, hôm khác sẽ viết.

http://nld.com.vn/20110618122941348p0c1002/hai-khong-bien-di-dau.htm

"Cách chức một trưởng ban biên tập vì đạo văn"

Chỉ để lưu lại và theo dõi tình hình đạo văn và cách xử lý ở VN mà thôi.

Đọc ở đây.

Wednesday, June 15, 2011

Rất thú vị: "Roi mẹ Hổ, kẹo chú Sam"!

Tựa của entry này là tôi rút ngắn lại tựa bài viết vừa đăng trên VietnamNet hôm nay, ở đây.

Để hiểu và tham gia cuộc tranh luận này - tức nên dùng roi mẹ Hổ hay kẹo chú Sam để dạy con - thì các bạn phải chịu khó đọc hết bài ấy, và có lẽ là các bài liên quan nữa. Rất đáng đọc, và đáng tranh luận nữa.

Còn ý kiến của tôi, ngắn gọn là như thế này: Mẹ Hổ có thể thành công trong việc cho con vào Đại học, chẳng qua đó là vì theo truyền thống gia đình. Hai cô con gái của bà được người lớn tính toán giúp cho đường đi nước bước, và ép các cô đi với một thứ kỷ luật thép của quân đội, cộng với những điều kiện tối ưu cho việc học của các cô mà bà mẹ Hổ đã đúc kết ra được từ kinh nghiệm của mình.

Tốt lắm. Tiến lên bằng kinh nghiệm đã tích lũy từ trước, khỏi phải trải qua những thử nghiệm mất thì giờ, lãng phí công sức.

Nhưng tôi cứ nghĩ, có phải vào được các đại học lớn (Harvard, Yale) là điều tốt nhất cho 2 cô con gái kia chưa?

Rồi khi 2 cô có gia đình, phải chăng 2 cô lại tiếp tục cái truyền thống giáo dục ấy, sang đời thứ 3?

Tôi hy vọng rằng không! Vì nếu áp dụng đến đời thứ ba thì chắc chắn nó sẽ không còn tốt nữa. Nó đã bị stale, tức là "thiu" ấy. Chẳng còn chút tươi mới nào cả, mất hết sự sáng tạo, tất cả chỉ còn 1 con đường. Mất sự đa dạng, giống như trong thiên nhiên người ta cần sự đa dạng sinh học ấy.

Không phải tự nhiên mà VN có câu: "Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời." Các bạn cứ nghĩ đi mà xem, câu này thâm thúy lắm đấy.

Chỉ là viết tản mạn khi đọc được một bài viết hay thôi; có lẽ tôi sẽ có bài viết nghiêm chỉnh về việc này vào một dịp khác.

Các bạn đọc, và tranh luận xem như thế nào nhé! Vấn đề rất hay, và đụng chạm đến tất cả mọi người chúng ta mà.

Sunday, June 12, 2011

Lưu ý nhé: "Đạo văn có thể bị phạt tù đến 3 năm"!

Tôi mới đọc được mẩu tin mà tôi đã đưa vào tựa của entry này ở đây.

Rất đáng chú ý, đặc biệt là trong thời buổi mà nạn "đạo" đã trở thành chuyện ngày thường trong giới được mang tiếng là có học của VN: học sinh sinh viên, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, rồi đến các giảng viên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia (!), các giáo sư, và cả các viện sĩ nữa. Có tên có tuổi cụ thể cả đấy, nhưng thôi, cũng không cần nêu ra đây làm gì nữa.

Chỉ xin trích ở đây một vài đoạn mà mọi người cần lưu ý:
Theo luật sư Nông Thị Hồng Hà, Công ty Luật Hồng Hà (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), hành vi tự ý sao chép toàn bộ công trình khoa học của người khác và cho xuất bản dưới tên mình là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10ngày 19/6/2009, hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định tại Điều 170a:Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo quy định tại Điều luật này, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Còn nữa đây này:
Nếu người phạm tội thuộc vào trường hợp có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chẳng biết là luật này có từ lúc nào nhỉ? Vì tôi cũng từng là nạn nhân của việc đạo văn, và đã có lúc nghĩ đến việc đi thưa, nhưng rồi lại thôi. Vì nghĩ, có lẽ cũng không cần làm nặng đến thế, chỉ cần người vi phạm rút kinh nghiệm và thay đổi. Nhưng có lẽ, cũng như mọi việc khác, nếu không có chế tài thì người ta chẳng sợ. Thì đấy, cứ nhớ lại vụ nón bảo hiểm mà xem. Trước đó khuyến khích mãi có ai đội đâu, vậy mà sau đó thành luật và phạt nặng, thì mọi người bèn răm rắp theo thôi mà!

Mở ngoặc nói thêm: riêng vụ đạo văn thì tôi không tin là luật đã nêu ở trên có thể áp dụng được đâu, vì nếu thế thì ... chắc không còn có đủ người để làm việc trong các cơ quan, trường học nữa, thật thế. Thì cứ thử mở các luận văn tốt nghiệp, các công trình, bài báo khoa học vv và vv của VN ra mà xem xét cho kỹ thì sẽ thấy thôi mà!

Hèn chi mà ở ĐH Hoa Sen người ta đang làm một câu lạc bộ gì về "vì một nền giáo dục sạch" đấy, tôi nghe một đồng nghiệp trẻ của tôi nói thế. Chẳng biết đến bao giờ nó mới sạch được đây?
--------------

Saturday, June 11, 2011

Đánh giá việc kiến tập, thực tập của sinh viên: Kinh nghiệm nước ngoài

Kiến tập, thực tập là một phần bắt buộc trong quá trình đào tạo ở bậc đại học, đặc biệt là đối với những chương trình đào tạo có định hướng nghề nghiệp rõ ràng (vd: các ngành công trình - engineering, điều dưỡng - nursing, sư phạm - teaching vv). Mục tiêu của việc tổ chức kiến tập, thực tập là tạo điều kiện cho sv được tiếp cận môi trường làm việc thực, có cơ hội quan sát, hiểu được những yêu cầu của nghề nghiệp và tự lượng giá những ưu khuyết của bản thân để có kế hoạch phát huy, khắc phục trước khi thực sự bước vào môi trường làm việc thực tế.

Tuy nhiên, tại VN việc tổ chức kiến tập, thực tập cho sv vẫn chưa thực sự có tác dụng cao, và sự thành công của một chương trình kiến tập, thực tập vẫn chủ yếu phụ thuộc vào từng sinh viên. Sv nào có ý thức về tầm quan trọng của đợt kiến tập, thực tập và biết mình cần phải tận dụng cơ hội như thế nào thì sẽ học hỏi được nhiều, còn sinh viên nào kém ý thức thì chẳng học hỏi được bao nhiêu.

Vậy phải làm sao để nâng cao hiệu quả của việc kiến tập, thực tập? Câu trả lời rất đơn giản: cần làm theo kiểu thông minh - SMART - có nghĩa là: Specific (mục tiêu phải cụ thể), Measurable (khả lượng), Achievable (khả thi), Results-oriented (định hướng kết quả), và Timely (kịp thời).

Nhưng làm sao để có thể làm theo kiểu SMART đây cơ chứ? Ừ, lại cũng dễ thôi: phải có sẵn kế hoạch kèm mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể cho cả đợt, và quan trọng hơn, là đánh giá thường xuyên việc đạt được mục tiêu của từng giai đoạn. Làm theo kiểu cuốn chiếu, tới đâu xong tới đó, gọn gàng sạch sẽ, xong đợt là đánh giá xong luôn. Và như thế tức phải có mẫu phiếu đánh giá sẵn trước đợt kiến tập, thực tập, và tất cả các bên có liên quan đều biết rõ các mục tiêu này.

Những mẫu như vậy có thể tìm trên mạng rất nhiều. Xin giới thiệu ở đây một mẫu của trường ĐH Atlanta, có thể download ở đây. Một tài liệu hướng dẫn ngắn gọn 12 trang của ĐH Atlanta năm 2006, trong đó có nêu đầy đủ các yêu cầu của đợt kiến tập, thực tập, các mẫu phiếu đánh giá, và cả các mẫu ghi nhật ký hàng ngày.

Một tài liệu khác có thể tham khảo là hướng dẫn của ĐH Manitoba của Canada, nhiều lý luận hơn tài liệu kia, có lẽ cần thiết cho những người đi dạy người khác làm nhưng không thực sự làm (!), nhưng cũng có những phần khá hữu ích cho các practitioner, có thể download xuống để tham khảo ở đây.

Cả hai tài liệu đều rất hữu ích cho các trường đại học của VN, để tăng hiệu quả của những việc mình làm. Tôi nghĩ, chất lượng giáo dục có thể được cải thiện chính bằng những việc nho nhỏ, nho nhỏ như vậy, giống như làm vườn thì phải chăm chỉ xem xét, nhổ cỏ bắt sâu, tưới nước, chứ không phải chỉ cần bỏ vài trăm ngàn đô la ra xây mấy cái tòa nhà to đẹp, gắn máy lạnh và thiết bị dạy học vào phòng học, mua sách bỏ vào thư viện, rồi thì sẽ có trường có chất lượng đâu. Đơn giản lắm, mà cũng khó khăn lắm, nếu chúng ta không kiên trì, chỉ muốn làm nhanh và dễ.

Nếu muốn cây tăng trưởng nhanh mà không bỏ thời gian và công sức, thì chỉ còn có cách mua thuốc tăng trưởng về doping cho cây mà thôi. Và hình như giáo dục VN đang làm như thế hay sao ấy nhỉ? Bao giờ mới thay đổi đây?

Wednesday, June 8, 2011

Về những câu hỏi "TẠI SAO" của GS Văn Như Cương

Bài viết này tôi viết cách đây 2 hôm, sau khi đọc bài viết với tựa "Thi xong rồi lại phải hỏi TẠI SAO" của GS Văn Như Cương đăng trên mạng, ở đây.

Viết một mạch, rồi gửi đi luôn cho TS, vì quả thật tôi cảm thấy có quá nhiều điều muốn nói. Số là tôi đã được nhà nước (cụ thể là Trường ĐH Tổng hợp, nay đã là một phần của ĐHQG-HCM) cử đi học tại Úc đúng chuyên ngành đo lường-đánh giá giáo dục vào những năm 1994-1997; lúc ấy Bộ Giáo dục đã bắt đầu nói về cải cách thi cử (ấy là nói về 2 kỳ thi quan trọng nhất là thi TN THPT và tuyển sinh đại học). Tôi hăm hở đi học xong, nghĩ rằng lúc về mình sẽ có cơ hội tham gia vào những chuyện thi cử ấy, và có thể đóng góp những hiểu biết của mình.

Thế rồi thì mọi việc đã diễn ra như mọi người đã biết, và cho đến nay, sau khi tôi đi học về gần 15 năm rồi, thì việc cải cách đó vẫn tiếp tục diễn ra, mà mãi vẫn chưa có giải pháp nào tạm gọi là ổn được cả. Cải cách mãi, nhưng hình như càng cải cách càng có vấn đề? Vì thế, khi đọc bài của GS VNC tôi mới viết ngay một mạch bài viết đó, là như thế.

Hôm nay thì tình cờ thấy bài viết đó đã được đăng trên TS, có biên tập lại chút ít rồi, nên tôi đưa link về đây để lưu. Bài viết tôi thấy còn hơi lủng củng, vì viết trong tâm trạng có quá nhiều điều muốn nói, mà lại ít thời gian mà. Các bạn góp ý nhé. Bài đăng trên TS có thể đọc ở đây. Còn bài dăng dưới đây là bài gốc mà tôi viết. Đúng là có qua biên tập thì cũng gọn gàng đi được một chút, và có lẽ bớt ... nhạy cảm đi. Bài của tôi thì rườm rà hơn, và có đôi chút ... đụng chạm, nhưng mà thôi thì cứ đăng lên đây cho mọi người góp ý vậy!

Enjoy, các bạn nhé!

---------------------------
Về những câu hỏi “Tại sao?” của GS Văn Như Cương, và chuyện thi cử ở Việt Nam

Trước hết, xin giải thích: những câu hỏi “Tại sao” của GS Văn Như Cương đang được đề cập ở đây là rút ra từ bài viết có tựa đề “Thi xong rồi lại phải hỏi TẠI SAO?” Bài ấy đã đăng trên trang mạng Bee.net.vn ngày 4/6/2011 vừa qua , ngay khi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 vừa kết thúc.

GS Cương tin rằng cũng như mọi năm, kỳ thi năm nay hẳn sẽ lại được Bộ Giáo dục đánh giá là nghiêm túc, bảo mật, bám sát chương trình, vv, tóm lại là thành công tốt đẹp. Nhưng với cái nhìn của một người quan sát từ bên ngoài như GS Cương, kỳ thi ấy có quá nhiều điều “khó hiểu”. Cụ thể, ông nêu làm ví dụ một loạt 6 câu hỏi như sau:

1. Tại sao các bậc phụ huynh phải đóng tiền để hỗ trợ kỳ thi ?
2. Tại sao nhiều thầy cô giáo không muốn xem thi và chấm thi?
3. Tại sao so với năm 2009, số thanh tra ủy quyền của Bộ năm nay lại giảm đi 15 lần (600 người so với 9000 người)?
4. Tại sao không thực hiện điều mà Bộ từng tuyên bố: từ năm 2009 mỗi thí sinh có một đề thi trắc nghiệm?
5. Tại sao đề thi lại phải có phần tự chọn cho chương trình chuẩn và chương trình nâng cao? Tại sao riêng môn ngoại ngữ lại không cần?
6. Tại sao phải thi theo cụm trường làm cho một số không ít thí sinh rất vất vả?


Quả là rất nhiều câu hỏi, khiến ta không thể không băn khoăn. Dường như sau rất nhiều cải cách, việc tổ chức những kỳ thi quan trọng của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên các biện pháp được thực hiện mà không rõ lý do. Người trả lời tốt nhất cho những câu hỏi của GS Cương tất nhiên là Bộ Giáo dục, nhưng vì Bộ chưa bao giờ đưa ra câu trả lời rõ ràng và chính thức, nên chúng ta đành phải tự tìm cách trả lời. GS Cương đã đưa ra trong bài viết của mình một số cách lý giải mà tôi thấy đều có lý. Tôi cũng nghĩ thêm ra được vài cách lý giải khác, và có lẽ ai có con em đi học cũng đều có thể đưa ra được một số câu trả lời được, theo kinh nghiệm của riêng mình, với chẳng mấy khó khăn.

Ví dụ, việc đóng góp hỗ trợ kỳ thi của phụ huynh, vốn là chuyện tự nguyện “không ai bắt buộc”. Điều này thì ai có con em đi học ở Việt Nam đều đã quá quen, vì nó chẳng khác gì với nhiều kiểu “tự nguyện” đóng góp nhiều thứ trong suốt 12 năm học tập ở trường phổ thông. Lý do ư? Vì đầu tư cho ngành giáo dục không đến nơi đến chốn, và/hoặc việc quản lý và sử dụng kinh phí trong ngành giáo dục không được minh bạch và hiệu quả. Thầy cô giáo không muốn xem thi và chấm thi ư, có lẽ đó là hậu quả của tình trạng “quyền rơm, vạ đá”. Công việc thì nặng nhọc, trách nhiệm thì cao, bồi dưỡng thì lại rất bèo bọt. Mà cũng có thể họ chẳng mấy tin vào sự công bằng, nghiêm túc của kỳ thi như những đánh giá chính thức từ Bộ, nên cảm thấy những hy sinh của mình là vô nghĩa. Còn việc số thanh tra ủy quyền giảm đi 15 lần, thì có thể là vì sự có mặt của lực lượng thanh tra quá đông đảo vào năm 2009 thực ra cũng chẳng có tác dụng là bao, hoặc do phong trào “nói không với …” nay đã … xẹp rồi, nên không còn cần huy động đông đúc tốn kém như vậy nữa (!).

Một vài câu hỏi của GS Cương thiên về kỹ thuật, đòi hỏi phải hiểu biết về thi cử một chút, nhưng không đến nỗi không thể trả lời. Chẳng hạn, việc Bộ không áp dụng cách tổ chức “mỗi thí sinh một đề thi” như đã tuyên bố cũng chẳng có gì lạ. Ở Việt Nam chẳng phải đây là lần đầu tiên nhà nước có những tuyên bố như đinh đóng cột nhưng sau đó lại không thực hiện, có lẽ là do không thể thực hiện vì lời tuyên bố thiếu tính khả thi. Các thầy cô giáo trong ngành giáo dục đã rất vui mừng biết bao khi nghĩ rằng năm 2010 sẽ sống được bằng lương, nhưng mãi đến giữa năm 2011 thì cuộc sống của thầy cô giáo không những đã không được cải thiện mà còn khó khăn hơn trước rất nhiều do lạm phát phi mã. Riêng việc Bộ đã không áp dụng phương pháp “mỗi thí sinh có một đề thi” có lẽ lại là một điều hay, trước hết là vì trên thế giới có lẽ chẳng ai làm như thế cả, hơn nữa nếu thực hiện ở Việt Nam trong điều kiện ra đề thi và in sao đề thi thiếu chuyên nghiệp và cận ngày thi như hiện nay thì việc sai sót dây chuyền và hàng loạt là rất dễ xảy ra.

Hai câu hỏi cuối cùng mặc dù liên quan đến những vấn đề kỹ thuật khác nhau nhưng lại có chung một câu trả lời: Tại sao lại như thế ư, chẳng tại sao hết! Những việc ấy, giống như nhiều việc khác ở Việt Nam, đã được quyết định theo cách … ngẫu nhiên. Chúng không hề dựa trên ý kiến chuyên môn của những người có hiểu biết nhiều nhất về thi cử và khảo thí, mà dựa trên ý kiến của số đông, vốn là những người không hiểu rõ những gì mình đang góp phần ra quyết định – một biểu hiện của “dân chủ” và “làm chủ tập thể” tại Việt Nam?

Tất cả những câu hỏi nêu trên dẫn đến một câu hỏi cuối cùng: Tại sao Bộ lại cứ phải ôm lấy công việc mà các Sở có thể làm? Theo tôi, đây không phải là một câu hỏi, mà là ý kiến góp ý của GS Cương đối với Bộ Giáo dục, đó là: xin Bộ hãy trao bớt các quyền lực và công việc mà mình đang nắm xuống các địa phương, tức các Sở Giáo dục (và các trường đại học, trong trường hợp kỳ thi đại học). Có vẻ như GS Cương cho rằng chỉ cần giao quyền từ trung ương xuống địa phương thì mọi câu hỏi tại sao ở trên sẽ tự động mất đi, và mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Nhưng tại sao Bộ không giao quyền cho các địa phương hoặc các trường? Tôi tin rằng Bộ Giáo dục cảm thấy mình có những lý do rất đúng đắn để giữ lại quyền tổ chức các kỳ thi quan trọng, bởi một khi giao quyền đi thì sẽ xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một cách, thiếu thống nhất, và Bộ sẽ không có điều kiện để kiểm tra, giám sát cho xuể nếu các địa phương cố tình làm sai. Vì vậy, Bộ cần phải nắm lấy các kỳ thi để tạo sự công bằng và giữ vững chất lượng – những mục tiêu quả thật là quan trọng, và vì vậy, việc Bộ vẫn tiếp tục nắm toàn quyền trên các kỳ thi quan trọng xem ra là hoàn toàn chính đáng.

Và ngay lập tức ta lại vấp phải những câu hỏi lớn hơn, là phải chăng sự công bằng có thể được đem lại bằng cách thống nhất tất cả mọi thứ như hiện nay: một kỳ thi chung, một điểm sàn cho mỗi khối thi, một bộ sách giáo khoa, một chương trình khung, một mức lương thống nhất cho các giáo viên, một mức học phí cho một cấp học? Và phải chăng chỉ có Bộ Giáo dục mới có thể kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của ngành giáo dục một cách hiệu quả nhất để đem lại chất lượng cho giáo dục Việt Nam? Thực tế của nền giáo dục Việt Nam hiện nay đã cho thấy câu trả lời là không phải thế.

Là một nhà giáo với kinh nghiệm gần 30 năm, đồng thời là một phụ huynh, tôi có một kinh nghiệm quý như thế này: khi ta giải một bài toán theo cách làm mò, thì chẳng bao lâu sẽ bị rơi vào tình trạng vừa trả lời xong một câu hỏi thì ngay lập tức phát sinh một (hoặc nhiều) câu hỏi khác, và cứ thế kéo dài mãi. Mỗi lần như vậy, tôi luôn nói với học sinh, hoặc con cái của tôi: Cần phải trở lại từ đầu, và bắt đầu từ những điều căn bản.

Kinh nghiệm này giờ đây có vẻ cũng đúng áp dụng được với việc cải cách thi cử của Việt Nam. Có lẽ chúng ta cần một lần dứt khoát xác định rõ mục tiêu của cải cách thi cử: cải cách là vì lợi ích của chính người học, và vì lợi ích của toàn xã hội chứ không phải vì thành tích của ngành, hay để bảo vệ quan điểm của một vài người, hay vì những mục tiêu ngầm nào khác, hay, đơn giản là cải cách chỉ là để … cải cách.

Chỉ khi nào chúng ta xác định rõ ràng mục tiêu của cải cách thi cử thì lúc ấy mới có thể bàn chuyện nên làm gì và làm như thế nào. Bằng không, thì e rằng những câu hỏi “tại sao”giống như những câu hỏi của GS Cương sẽ cứ tiếp tục vang lên sau mỗi kỳ thi mà không bao giờ chấm dứt.

Tin tức giáo dục VN ngày 8/6/2011

Tôi đang bận quá vì mới đi công tác dài ngày, đang phải rượt theo những chuyện cũ còn tồn đọng, nên chưa thể viết gì, mặc dù có nhiều điều muốn viết. Nhưng hôm nay ngồi đọc báo, thấy có quá nhiều tin tức (mình) cần đọc và bình luận, sợ quên mất nên phải viết entry này, chỉ để lưu lại cho mình mà thôi. Vì biết đâu sau này có thời gian thì lại muốn bình luận (mặc dù, tôi e rằng tôi cũng chẳng có cơ hội quay lại bình luận chúng đâu, vì tin tức (mình) về giáo dục của VN thì ngày nào chẳng có - như Kinh Thánh đã nói, "ngày nào có việc của ngày đó" mà, cần gì phải quay lại tin tức cũ nhỉ!

Những tin đó (chỉ mới là một số) ở dưới đây này, các bạn đọc bên dưới nhé!

----------
1. Bỏ ngỏ kiểm định chất lượng, ở đây.

2. Bằng giả, cần là có! Ở đây. (Mở ngoặc tí: thì kiểm định CL bỏ ngỏ thế kia, tất nhiên bằng giả phải hoành hành, cũng là dễ hiểu thôi mà!)

3. Phát hiện 52 cán bộ dùng bằng giả ở một huyện, ở đây. Chỉ mới là phát hiện ở một huyện thôi đấy nhé!

4. Nói không với trường sư phạm, ở đây. Thực ra tin này từ hôm qua rồi, nhưng hôm nay mới đọc, thôi thì đưa luôn vào đây cho tiện!

5. Bảy mươi nghìn tỷ đồng biên soạn sách giáo khoa, ở đây. Cũng vậy, tin từ hôm qua. (Cũng lại mở ngoặc: thực ra 70 ngàn tỷ là bao nhiêu USD nhỉ, tôi tính mãi không ra, kém thế đấy. Có phải là 3 ngàn 500 triệu USD không? Tức là bằng 35 trường đại học đẳng cấp quốc tế, mỗi trường 100 triệu đô, phải không? Trời ơi!!!!!!)

Tạm thế đã, tôi hết giờ để đọc rồi. Mà thôi, cũng không đọc nữa làm gì. Lên cơn đau bao tử mất thôi, bà con ơi!

Saturday, June 4, 2011

Hệ thống phân loại trường đại học của bảng xếp hạng QS

Trước đây tôi có viết một vài entry về kết quả xếp hạng đại học của QS, trong đó có nêu vị trí 13 trường trong số 26 trường của AUN có tên trong danh sách top 500 của thế giới và top 200 châu Á. Có thể đọc một trong những bài ấy ở đây.

Trong bài ấy, tôi có hứa sẽ tìm hiểu và viết về cách phân loại trường đại học để xếp hạng trong hệ thống của QS, nhưng đã lâu lâu rồi mà chưa làm. Sở dĩ cần phải hiểu hệ thống phân loại này là vì QS có đặt ra những yêu cầu khác nhau cho các loại trường khác nhau để cho điểm, và trên cơ sở điểm tổng cộng này mới có thể xếp hạng. Nói cách khác, một trường thuộc loại thiên về nghiên cứu thì sẽ phải có điểm nghiên cứu cao hơn là trường không thiên về nghiên cứu. Điều này đúng hay sai thì còn phải bàn cãi, tranh luận, nhưng những ai muốn tham gia xếp hạng thì nhất thiết phải hiểu điều này để có thể hình dung được mình phải phấn đấu ở những điểm nào để có thứ hạng cao.

Hôm nay có chút thời gian, tôi đã tìm và thấy bài viết giải thích hệ thống phân loại của QS, nên đưa lên đây để lưu và chia sẻ với mọi người.

Các bạn có thể đọc bài ấy ở đây.

Và dưới đây là vài dòng vắn tắt giới thiệu hệ thống xếp hạng của QS.

Hệ thống phân loại của QS dựa trên hệ thống phân loại của Canergie nhưng đã được đơn giản hóa, và sử dụng 3 yếu tố sau đây để phân loại:

1. Quy mô sinh viên, tính trên số sv quy đổi toàn thời gian.

2. Phạm vi ngành nghề, với 5 nhóm nghề là (1) Arts & Humanities (Nghệ thuật và Nhân văn); (2) Engineering & Technology (Công trình và Công nghệ); (3) Life Sciences & Medicine (Khoa học đời sống và Dược học); (4) Natural & Physical Sciences (Khoa học tự nhiên và Vật lý); (5) Social Sciences (Khoa học xã hội). Ngoài ra, còn có thêm loại thứ sáu, dựa trên việc một trường đại học có hoặc không có trường Y (medical school) hay không.

3. Hoạt động nghiên cứu, chia làm 4 mức độ dựa trên số bài báo đăng trên các tạp chí có mặt trong cơ sở dữ liệu Scopus trong vòng 5 năm trước khi thực hiện phân loại. Mức nền (thresholds), tức là mức thấp nhất, về hoạt động nghiên cứu của từng loại trường khác nhau (dựa trên 2 yếu tố phân loại 1 và 2) là khác nhau.

Dựa trên 3 yếu tố này, QS đưa ra hệ thống ký hiệu các trường đại học gồm 2 ký tự như sau:

1. Ký tự đầu tiên là chữ cái để chỉ quy mô sinh viên và số ngành đào tạo, gồm 12 ký hiệu từ A đến L, được chia làm 3 nhóm theo quy mô: Nhóm 1 là A-D, gồm những trường lớn có trên 12 ngàn sv; nhóm 2 là E-H, gồm những trường trung bình từ 5 đến 12 ngàn sv; nhóm 3 là I-L, gồm những trường nhỏ dưới 5 ngàn sv. Mỗi nhóm trên lại chia thành 4 loại theo số ngành. Ví dụ, nhóm 1 từ A đến D gồm 4 loại: A = 6 ngành, B = 5 ngành, C = 3, 4 ngành, và D = 1, 2 ngành. Và cũng vậy với các nhóm khác (vd: E = 6 ngành, F = 5 ngành vv).

2. Ký tự thứ hai là số để chỉ các mức độ hoạt động nghiên cứu của trường, gồm 4 mức độ 1, 2, 3, và 4, chỉ các mức độ nghiên cứu từ rất cao (mức độ 1) đến rất thấp hoặc không có nghiên cứu (mức độ 4).

Dưới đây là những ví dụ lấy từ trang web đã giới thiệu ở trên:

A1 = Large; Fully Comprehensive; Very High Research Activity (e.g. Harvard, Cambridge, NUS)
A2 = Large; Fully Comprehensive; High Research Activity (e.g. Auckland, University College Dublin)
G1 = Medium-sized; Focused; Very High Research Activity (e.g. Tokyo Institute of Technology)
H1 = Medium-sized; Specialist; Very High Research Activity (e.g. London School of Economics)

Như vậy, khi đọc kết quả xếp hạng hàng năm, ta cần chú ý xem loại trường nào thường chiếm những vị trí nào, để còn biết đường mà có kế hoạch phấn đấu, cải thiện.

Nhân tiện, kết quả xếp hạng 2011 đã được công bố. Tôi sẽ viết một entry khác về việc này sau. Ai sốt ruột muốn đọc thì vào địa chỉ dưới đây nhé:

http://iu.qs.com/2011/05/23/summary-of-the-2011-qs-asian-university-rankings/

Friday, June 3, 2011

Vì sao cần học ngoại ngữ (hoặc giữ gìn tiếng mẹ đẻ)?

Lâu quá, hôm nay tôi mới có thời gian để viết, do vừa qua tôi có đợt công tác dài ngày ở Bắc Mỹ - Canada và Mỹ, that is. Bận rộn là một lẽ, nhưng lý do chính khiến tôi không viết lách, sử dụng Internet vv trong thời gian qua là để dành thời gian quan sát, học hỏi ngay từ những điều xung quanh mình.

Vì có rất nhiều điều cần học hỏi từ các nước Bắc Mỹ, đặc biệt là về giáo dục. Và vốn là người xuất thân dạy ngoại ngữ, nên tôi rất chú ý việc dạy và học ngoại ngữ ở các nước này. Cũng như rất tò mò khi thấy những đứa con của các anh chị em của tôi ở Mỹ sử dụng cả hai ngôn ngữ Anh và Việt như thế nào. Chúng nó đúng là "bilinguals" - người nói hai thứ tiếng - đúng nghĩa. Một lợi thế rõ ràng, nhất là trong thời buổi quốc tế hóa hiện nay.

Và tình cờ sao, hôm nay tôi lại đọc được bài phỏng vấn này, nói về lợi ích của việc học ngoại ngữ. Rất thú vị, đặc biệt là với các bạn đồng nghiệp trong nghề giảng dạy tiếng Anh, và các học trò của tôi. Nên đưa lên đây để giới thiệu với mọi người, và lưu lại cho chính mình.

Đọc và enjoy các bạn nhé!

----------
Bài phỏng vấn ấy ở đây, trên tờ New York Times ngày 30/5 vừa qua.

Bài phỏng vấn GS Ellen Bialystok, một tên tuổi mà tôi đã từng đọc qua thời còn là nghiên cứu sinh ở ĐH La Trobe, đang làm luận án về đánh giá năng lực ngôn ngữ. Nay đã 62 tuổi (hơn tôi 11 tuổi), bà là giáo sư tâm lý ngôn ngữ ở ĐH York (Toronto), chuyên nghiên cứu về hiện tượng song ngữ (bilingualism).

Một bài rất hay, đáng để đọc hết bài. Nhưng với những bạn không có thời gian, thì cũng xin cố đọc đoạn chót này, về những cái lợi của việc có hai ngôn ngữ. Đặc biệt là những người Việt ở nước ngoài, như những bạn bè, thân quyến của tôi: Có được hai ngôn ngữ là một ưu thế đáng kể mà không phải ai cũng có thể có. Rất mừng là đa số những người Việt ở nước ngoài đều cố gắng giữ lại tiếng Việt cho con cháu mình, chủ yếu là để giữ gìn gốc rễ tổ tiên, chứ đâu biết những lợi ích khác mà song ngữ đem lại.

Phải chăng đó là phần thưởng của thượng đế dành cho những người Việt xa xứ, yêu quê hương?

Các bạn đọc dưới đây nhé:

Q. Bilingualism used to be considered a negative thing — at least in the United States. Is it still?

A. Until about the 1960s, the conventional wisdom was that bilingualism was a disadvantage. Some of this was xenophobia. Thanks to science, we now know that the opposite is true.

Q. Many immigrants choose not to teach their children their native language. Is this a good thing?

A. I’m asked about this all the time. People e-mail me and say, “I’m getting married to someone from another culture, what should we do with the children?” I always say, “You’re sitting on a potential gift.”

There are two major reasons people should pass their heritage language onto children. First, it connects children to their ancestors. The second is my research: Bilingualism is good for you. It makes brains stronger. It is brain exercise.